In bài này
Người Nhật: Trung Quốc mua Su-35 để lấy cắp công nghệ
Thứ Bẩy, 20/04/2013 - 11:08 AM
“Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến bản thân các máy bay tiêm kích. Mục đích thật sự là sao chép các hệ thống động cơ và radar để sử dụng trên các tiêm kích nội địa của họ”, một quan chức Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phân tích.
Tiêm kích thế hệ 4++ Su-35

Nhật Bản và Trung Quốc đã đụng độ trong cuộc tranh chấp vì quần đảo Senkaku. Nếu so sánh sức mạnh quân sự hai bên thì Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được đánh giá là có ưu thế hơn quân đội Trung Quốc về mặt chất lượng-kỹ thuật. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề e lệ khi cố gắng có được những công nghệ tối tân nhất nhờ lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của họ. Bất cứ lúc nào, sự cân bằng quân sự hiện hữu giữa Nhật và Trung Quốc cũng có thể bị phá vỡ.

Trung Quốc sắp mua từ Nga 24 tiêm kích tối tân Su-35. Ngày 25/3/2013, báo chí nhà nước Trung Quốc đã loan truyền thông tin này.

Mục đích là công nghệ của Su-35

Su-35 mới chỉ được đưa vào trang bị cho quân đội Nga và là sự tập trung các nghiên cứu quân sự mật. Đáng ngạc nhiên là Nga không còn nghi ngờ gì nữa đã bán vũ khí này cho Trung Quốc.  Thông tin về thương vụ này đã khiến các chuyên gia quân bị trên toàn thế giới sững sờ.
Trên thực tế, Trung Quốc muốn chiếm hữu các công nghệ tiên tiến chứa đựng trong Su-35. “Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến bản thân các máy bay tiêm kích. Mục đích thật sự là sao chép các hệ thống động cơ và radar để sử dụng trên các tiêm kích nội địa của họ”, một quan chức Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phân tích.

Người ta không cần mua một số lượng lớn máy bay nếu mục đích duy nhất chỉ là sao chép trang thiết bị bên trong của máy bay Sukhoi.

Ở giai đoạn đầu đàm phán, Trung Quốc nói đến việc mua chỉ 4 tiêm kích, nhưng phía Nga tuyên bố, “sẽ dứt khoát không bán nếu số lượng dưới 48 chiếc”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vừa thăm Nga trong khi đàm phán với Tổng thống Nga Putin ngày 22/3 dẫu sao cũng đã giảm số lượng máy bay mua xuống còn 24 chiếc.

Có tin, trị giá hợp đồng ký kết là hơn 1,5 tỷ USD. Mỹ đang gia tăng khai thác khí đốt đá phiến nên nền kinh tế Nga vốn dựa dẫm vào xuất khẩu các tài nguyên như khí đốt tự nhiên có thể lâm vào ngõ cụt. Vũ khí có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới là một trong số ít các hạng mục hàng xuất khẩu của Nga. Nhưng họ không thể thoát khỏi vấn đề này.

Mặt khác, Trung Quốc muốn có các công nghệ của Nga, kể cả khi phải chi khoản tiền lớn như thế. Mà tiền thì họ có quá nhiều. Tại thời điểm cuối tháng 3/2013, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc, quốc gia đang xuất khẩu hàng hóa rẻ tiền đi khắp thế giới, đã vượt 3,4 ngàn tỷ USD. Con số đó lớn gấp 3 lần so với Nhật Bản, và Trung Quốc đứng đầu thế giới về chỉ số này.

Tại đại hội đảng cộng sản Trung Quốc mùa thu vừa qua, tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc hồi đó Hồ Cẩm Đào tuyên bố: “Chúng ta sẽ tăng cường vũ khí và trang bị công nghệ cao... Chúng ta sẽ nâng cao trình độ sáng tạo và công nghệ khoa học có liên quan đến quốc phòng”.

Công nghệ quân sự của bản thân Trung Quốc tụt hậu khá xa so với Mỹ, châu Âu và Nga. Để rút ngắn khoảng cách, Trung Quốc chỉ có cách mua sắm các sản phẩm quân sự của nước khác. Có thể dẫn ví dụ tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc vừa đưa vào biên chế vào tháng 9 năm ngoái. Trung Quốc mua lại tàu này từ Ukraine và cải tạo nó.

Giảng viên Đại học Quốc phòng Nhật Bản Yasuyuki Shigyura nhận xét: “Nổi bật trên nền sức mạnh kinh tế hùng hậu là mong muốn của Trung Quốc tăng cường các dự án nghiên cứu vũ khí của mình bằng cách mua công nghệ của các nước khác”.

Trung Quốc khi ngủ cũng đăm đắm nghĩ đến các vũ khí tối tân của các nước như Pháp.

Trong khi cuộc khủng hoảng ở châu Âu đang ngày một sâu sắc, Trung Quốc đang tiến hành mua quy mô lớn trái phiếu chính phủ của Hy Lạp và Bồ Đào Nha, những nước có tình hình kinh tế ảm đạm. Rõ ràng là các hành động này có liên quan đến mong muốn của Trung Quốc buộc Liên minh châu Âu EU gỡ bỏ hạn chế bán vũ khí cho Trung Quốc bị áp đặt sau các sự kiện đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Phụ tùng cho F-35

Nhật Bản đang ngày một khó bảo vệ các công nghệ sản xuất vũ khí trước Trung Quốc, quốc gia đang toàn lực phát triển sáng tạo trong lĩnh vực vũ khí.

Mùa thu năm 2011, Nhật Bản dừng sản xuất tiêm kích F-2. Mẫu tiêm kích tiếp theo là F-35, sẽ được đưa vào trang bị của Nhật Bản, là sản phẩm hợp tác của 9 quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh. Các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chỉ sản xuất các linh kiện, chứ không có liên quan đến việc phát triển bản thân máy bay này. Tuy nhiên, chính phủ Nhật bằng việc cho phép bán phụ tùng bất chấp 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí đã mở ra một lỗ hổng.

Không nước nào có thể dễ dàng khai chiến một khi có khả năng thất bại, bởi lẽ nguyên tắc răn đe có tác dụng ở đây. Tuy nhiên, nếu như quân đội Trung Quốc tin vào khả năng của mình “chiến đấu ngang bằng với Lực lượng Phòng vệ Nhật”, thì hiệu quả răn đe sẽ không còn nữa. Để cạnh báo một hành vi bất ngờ như thế, cần tiếp tục hoàn thiện các công nghệ.
Ngày 22/3/2013, đã diễn ra hội nghị của đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản về các công nghệ và sáng tạo khoa học công nghệ chiến lược. “Nếu không có các công nghệ quốc phòng thì [Nhật] sẽ phải dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài trong việc tăng cường Lực lượng Phòng vệ”, một đại diện cảu Liên đoàn các tổ chức kinh tế giải thích tình hình nghiêm trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng Nhật và cho biết thêm: “Mỹ ngày càng lo sợ thất thoát các công nghệ tối tân nên nhập khẩu vũ khí trang bị sẽ ngày một khó hơn”.



Nam Xương