In bài này
Vì sao Trung Quốc không đánh Đài Loan?
Thứ Sáu, 19/04/2013 - 9:28 AM
Trung Quốc hiện đã có khả năng tiến hành một chiến dịch đổ bộ không-biển quy mô lớn.
Hiện nay, Trung Quốc không đánh chiếm Đài Loan bằng sức mạnh chỉ vì họ hy vọng làm việc đó bằng con đường hòa bình
Câu hỏi về khả năng Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan bằng biện pháp quân sự đã xuất hiện từ khi lập ra quốc gia độc lập với Bắc Kinh trên hòn đảo vào năm 1949.

Trong suốt nửa cuối thế kỷ ХХ, câu hỏi này thuần túy là mỹ từ bởi lẽ đứng đằng sau là Mỹ, ngoài ra, bản thân Đài Loan cũng đủ mạnh để đẩy lùi cuộc xâm lược của Trung Quốc. Tình thế đã thay đổi hẳn đúng chỉ trong 10 năm. Điều đó đã xảy ra nhanh đến nỗi đến nay thậm chí ở ngay chính Đài Loan người tư vẫn chưa nhận thức được đầy đủ. Rất nhiều người ở đó đến giờ vẫn tin vào: một là sự trợ giúp của Mỹ, hai là khả năng tự mình duy trì cán cân sức mạnh.

Tuy nhiên, những hy vọng đó là ảo tưởng. GDP của Trung Quốc hiện nay lớn hơn ít nhất 10 lần so với Đài Loan. Khả năng khoa học-công nghệ của Trung Quốc không dưới Đài Loan, còn năng lực sản xuất lớn hơn thậm chí không tính bằng lần mà là hàng chục lần. Bởi vậy, không thể dù chỉ nói đến chuyện duy trì cán cân gì hết, ưu thế của Trung Quốc sẽ gia tăng ngày một nhanh mà không hề có hy vọng nhỏ nhoi nào vào sự thay đổi tình thế.

Không có cơ sở nào để hy vọng kể cả là vào nước Mỹ. Ở Đài Bắc và cả ở chính Bắc Kinh, người ta vẫn chưa hiểu rằng, nước Mỹ đã bán đứng Đài Loan, nhưng vẫn chưa quyết định được cách thực hiện chuyện bán đứng này như thế nào và nhận được gì từ việc đó. Không thể dù chỉ là nói đến một cuộc chiến tranh lớn với Trung Quốc: nó đã chỉ có thể cho đến khi điều đó không đe dọa gì nước Mỹ. Nay thì một cuộc chiến tranh như vậy tất yếu sẽ khiến quân đội Mỹ hứng chịu những tổn thất lớn, còn nước Mỹ nói chung phải chịu những phí tốn tài chính cực kỳ lớn. Bởi vậy, sự kiềm chế Bắc Kinh mà Washington rêu rao sẽ chỉ là phô trương sự sẵn sàng của quân đội Mỹ cho những hành động cương quyết nhất nếu Trung Quốc bắt đầu cuộc xâm lược chống các nước láng giềng (trong đó có Đài Loan). Tính toán của Washington là cả Bắc Kinh, lẫn các nước láng giềng của Trung Quốc đều tin vào quyết tâm của nước Mỹ.

Trên thực tế, trong những năm sắp tới, sự đối kháng Mỹ-Trung sẽ không mang tính chất quân sự mà mang tính chất tâm lý. Khả năng bành trướng của Trung Quốc sang các quốc gia và khu vực lân cận sẽ được quy định hoàn toàn bởi việc liệu Bắc Kinh có thể hiểu được rằng, người Mỹ không sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thực sự chống Trung Quốc hay không. Hơn nữa, dẫu thế nào thì tương quan tiềm lực kinh tế và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tất yếu thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, điều đó sẽ tự động thúc đẩy sự gia tăng quyết tâm của Trung Quốc và sự suy giảm quyết tâm của Mỹ.

Điều duy nhất hiện còn cho phép Đài Loan giữ được nền độc lập thực tế của mình là vị thế của hòn đảo cộng với sự thiếu vắng hoàn toàn kinh nghiệm tiến hành các chiến dịch đổ bộ lớn của hải quân Trung Quốc. Đẩy lùi đổ bộ dễ dàng hơn nhiều đổ bộ thành công.

Ưu thế không thể tranh cãi của Trung Quốc

Tuy nhiên, ngay hiện tại, Trung Quốc đã đạt được ưu thế áp đảo đối với Đài Loan cả trên biển, lẫn trên không, đồng thời ưu thế này liên tục tăng lên. Để hiểu được điều đó, chỉ cần xem xét cơ cấu lực lượng của hai bên. Hơn nữa, xem xét lục quân Trung Quốc đơn thuần là chẳng có ý nghĩa. So sánh lục quân Trung Quốc với lục quân Đài Loan cũng giống như so cái búa với quả trứng từ giác độ khả năng tấn công.
 
Hạm đội Nam Hải tập trận đánh chiếm đảo trên Biển Đông trong tháng 3/2013 (navy81.cn)

Trong cơ cấu quân đội Trung Quốc, ngoài không quân, còn có không quân hải quân với số lượng chỉ thua kém Mỹ. Bởi vậy, tiếp sau đây, chúng tôi nói đến không quân Trung Quốc với ý nghĩa tổng lực bản thân không quân và không quân hải quân Trung Quốc.

Không quân tiến công của Trung Quốc
gồm khoảng 140 máy bay ném bom tầm trung Н-6 và Н-6М (Tu-16), 150-200 máy bay ném bom chiến thuật JH-7, 150-550 máy bay cường kích Q-5. Không quân tiêm kích có không dưới 100 Su-30 và J-16, 200-350 Su-27 và J-11 các biến thể, 200-250 J-10, khoảng 200 J-8 và 700-800 J-7 (MiG-21).

Sở dĩ có sự khác biệt lớn về con số không chỉ là do việc giữ kín thông tin của Trung Quốc, dù cho là đã bớt nhiều so với trước đây, mà còn do các máy bay Q-5, J-7 và J-8 các đời đầu đang bị loại bỏ, đồng thời JH-7, J-16 (sao chép trái phép Su-30), J-11B (sao chép trái phép Su-27) và J-10 đang được sản xuất. Bởi vậy, số lượng máy bay cực kỳ không ổn định, tuy nhiên việc sản xuất các máy bay mới hoàn toàn bù đắp được việc loại bỏ các máy bay cũ. Tính ra, số lượng máy bay chiến đấu mà Trung Quốc đang sản xuất hàng năm lớn hơn so với tất cả các nước NATO, kể cả Mỹ cộng lại.

Đem lại ưu thế bổ sung cho Trung Quốc là sự hiện diện của hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn tên lửa đường đạn tầm trung và tên lửa chiến dịch-chiến thuật các loại, còn nay thì thêm cả hàng ngàn tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến, máy bay và mặt đất. Hơn nữa, đa số các tên lửa này được triển khai trên lục địa đối diện với Đài Loan và chĩa vào chính hòn đảo này.

Hạm đội Nam Hải tập trận đánh chiếm đảo trên Biển Đông trong tháng 3/2013 (navy81.cn)

Các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn của Trung Quốc dĩ nhiên sẽ không được huy động vào cuộc chiến chống Đài Loan, nhưng kể cả không tính chúng thì hạm đội tàu ngầm Trung Quốc vẫn là lớn nhất thế giới. Hạm đội này gồm 8 tàu ngầm hạt nhân tấn công (4 tàu Type 091 và Type 093) và không dưới 60 tàu ngầm thông thường (đến tàu 10 lớp Type 041А, 8 Projekt 636EM, 2 Projekt 636 và 2 Projekt 877, 13 Type 039G, 5 Type 035G, 13 Type 035, đến 8 Type 033).

Tất cả các tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu ngầm thông thường thuộc các lớp Type 041А, Projekt 636EM và Type 039G đều được trang bị tên lửa chống hạm. Các tàu ngầm thông thường cũ lớp Type 033 và Type 035 đang bị loại bỏ, thay cho chúng, Trung Quốc đang đóng các tàu ngầm thông thường lớp Type 041А, các tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Type 095 và Type 043 cũng đã bắt đầu được đóng.

Tàu sân bay Liêu Ninh (tàu sân bay đóng dở Varyag của Liên Xô) thu hút nhiều sự chú ý của các nhà quan sát bên ngoài. Tuy nhiên, do đặc điểm thiết kế (dùng cầu bật thay cho máy phóng máy bay) và thiếu vắng thực tế các máy bay trên hạm (hiện chỉ có J-15), tàu này sẽ mãi mãi chỉ là tàu huấn luyện-thử nghiệm, chứ không thể là tàu chiến đấu thực thụ. Các tàu sân bay thực sự tự thiết kế không thể xuất hiện ở Trung Quốc trước 10 năm nữa. Tuy nhiện, do sự gần gũi địa lý của Đài Loan so với đại lục, quân đội Trung Quốc chỉ cần không quân triển khai trên bờ và tàu mặt nước thuộc các lớp cơ bản cũng sẽ quá đủ để tấn công hòn đảo này.

Hải quân Trung Quốc có trong biên chế 25 tàu khu trục: 2 tàu lớp Projekt 956, 2 tàu lớp Projekt 956EM, 3 tàu Type 052С, 2 tàu Type 052В, 2 tàu Type 052, 2 tàu Type 051С, 1 tàu Type 051В, 2 tàu Type 051 Lữ Đại III, 1 tàu Type 051 Lữ Đại II và 8 tàu Type 051 Lữ Đại I (còn 1 tàu Type 051 được chuyển giao cho lực lượng bảo vệ bờ biển). Tất cả các tàu Lữ Đại đang dần bị loại bỏ, Trung Quốc đang đóng các tàu khu trục Type 052С (còn thêm 3 tàu nữa, tức tổng cộng có 6 chiếc) để thay thế cho chúng.

Kể từ tàu thứ ba của loạt tàu này, các tàu Type 051C sẽ không sử dụng các hệ thống vũ khí Nga nữa. Chẳng hạn, hệ thống tên lửa phòng không S-300F với bệ phóng kiểu ổ quay được thay bằng ННQ-9 với bệ phóng thẳng đứng vạn năng. Đồng thời, họ cũng bắt đầu đóng các tàu khu trục được mệnh danh là “khu trục hạm Aegis của Trung Quốc” là Type 052D lắp bệ phóng thẳng đứng vạn năng với 64 tên lửa các loại (tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không có điều khiển, tên lửa chống ngầm có điều khiển). Hải quân Trung Quốc sẽ có ít nhất 10 tàu lớp này (hiện đang đóng 4 tàu đầu tiên).

Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ tư trên thế giới (sau Mỹ, Nhật và Hàn Quốc) sở hữu các tàu loại này. Chúng có thể tham gia các binh đoàn tàu sân bay với tư cách tàu hộ vệ, lẫn các binh đoàn chiến dịch để tác chiến độc lập ngoài khơi xa, kể cả khi cách xa bờ biển Trung Quốc, trong đó có nhiệm vụ tác chiến chống mục tiêu bờ. Điều đó mang lại cho hải quân Trung Quốc một chất lượng hoàn toàn mới mà hạm đội Trung Quốc chưa bao giờ có trong lịch sử đương đại.

Hạm đội Trung Quốc hiện có 48 frigate.
Cùng với các vũ khí tiến công truyền thống của hải quân Trung Quốc (8 tên lửa chống hạm С-803 để trong bệ phóng containe), các tàu lớp Type 054А trở thành các frigate đầu tiên của Trung Quốc có vũ khí phòng không tương ứng với các tàu loại này: bệ phóng thẳng đứng vạn năng với 32 tên lửa phòng không HHQ-16 (được chế tạo trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không Shtil). Nhờ đó, các frigate sẽ là các tàu hộ vệ vạn năng, có thể sử dụng để bảo vệ các tàu sân bay ở gần bờ biển nhà và tăng cường cho các tàu khu trục ở ngoài khơi xa. Trung Quốc ngay hiện giờ đã có đội tàu frigate đông đảo nhất thế giới. Rõ ràng là số lượng các tàu này sẽ được duy trì ở mức gần 50 chiếc cùng với việc liên tục hoàn thiện chất lượng của chúng.

“Hạm đội tàu muỗi” có truyền thống rất phát triển ở Trung Quốc. Hiện nay, đội tàu này gồm 119 tàu tên lửa nhỏ (83 tàu cao tốc hai thân lớp Type 022, 6 tàu Type 037-II, 30 tàu Type 037-IG) và đến 250 tàu tuần tra. Một tin chấn động của năm 2012 là việc Trung Quốc đóng ồ ạt các tàu Type 056. Chỉ một năm trước, người ta hoàn toàn không biết gì về các tàu này. Tàu đầu tiên lớp này đã được khởi đóng vào tháng 5/2012. Hiện nay, 1 tàu này đã được đưa vào biên chế, 2 tàu đang thử nghiệm, 7 tàu đang đóng hoàn thiện trên mặt nước và không dưới 2 tàu đang ở trên triền đà. Tổng số tàu lớp này sẽ vượt quá 20 chiếc, thậm chí có thể lên đến 50.

Nhịp độ đóng tàu cao như vậy là chưa từng có trong lịch sử sau Thế chiến II ở bất kỳ nước nào khác. Nó đặc biệt ấn tượng khi xét đến việc các tàu đang được đóng là khá lớn (lượng giãn nước gần 1.500 tấn, chiều dài 95 m). Ở Trung Quốc, các tàu này được xếp loại là frigat, còn nước ngoài coi là corvette. Các tàu Type 056 xét về kích thước trên thực tế là loại tàu trung gian giữa hai lớp tàu này. Xét đến cự ly hành trình hạn chế (khoảng 2.000 hải lý), thì sẽ là đúng hơn nếu xếp chúng vào loại tàu corvette. Tuy nhiên, việc xếp loại chúng không có ý nghĩa quan trọng lắm. Rõ ràng là các tàu Type 056 sẽ thay thế phần lớn “hạm đội tàu muỗi” lạc hậu được Trung Quốc đóng trong những năm 1960-1980. Điều đặc biệt đáng lưu ý là kể cả trong trường hợp này, ban lãnh đạo Trung Quốc trong khi đổi mới chất lượng triệt để cũng không cắt giảm số lượng, nếu như tính đến việc đóng hàng loạt tàu cao tốc tên lửa nhỏ uy lực mạnh nhất và hoàn thiện nhất thế giới Type 022. Các tàu Type 056 được trang bị 4 tên lửa chống hạm, các tốc hạm Type 083 được trang bị 8 tên lửa chống hạm. Tuy nhiên, vũ khí phòng không của Type 056 rất yếu với chỉ 1 hệ thống tên lửa phòng không FL-3000N (8 tên lửa phòng không trên bệ phóng) giống với hệ thống tên lửa phòng không Pháp-Đức RAM.

Hệ thống tên lửa phòng không này chỉ dùng để tự vệ chống tên lửa chống hạm và không có khả năng tiêu diệt máy bay chiến đấu (ít nhất là không thể tưởng tượng tình huống chiến thuật khi mà một máy bay chiến đấu tiền vào khu vực sát thương của hệ thống tên lửa phòng không này). Phòng không của các tàu Type 022 hoàn toàn có tính tượng trưng. Tuy nhiên, điều đó rõ ràng không phải là vấn đề xét từ quan điểm của bộ chỉ huy hạm đội Trung Quốc. Các tàu Type 056 và Type 022 sẽ chỉ hoạt động gần bờ biển Trung Quốc dưới sự bảo vệ của không quân từ trên bờ và/hoặc trong cùng đội hình chiến đấu với các tàu khu trục Type 052С/D và frigate Type 054А có phòng không mạnh.

Lực lượng tàu đổ bộ của hải quân Trung Quốc khá lớn, gồm 3 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Type 071, 30 tàu đổ bộ lớn và đến 60 tàu đổ bộ hạng trung. Mỗi tàu đốc đổ bộ chở trực thăng chở được đến 800 lính thủy đánh bộ và 50 xe thiết giáp, các lực lượng và phương tiện này có thể đưa từ tàu lên bờ nhờ 4 tàu đổ bộ đệm khí và 4 trực thăng bố trí ngay trên tàu đốc đổ bộ. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đóng các tàu đổ bộ vạn năng. Ngoài ra, trong chiến dịch đổ bộ chống Đài Loan, họ có thể huy động một số lượng lớn tàu dân sự, thậm chí cả các tàu cá.

Tóm lại, cần nhấn mạnh rằng, hải quân Trung Quốc đã chấm dứt kỷ nguyên đóng loạt nhỏ thử nghiệm tàu mặt nước thuộc các lớp cơ bản. Bộ chỉ huy hải quân Trung Quốc đã lựa chọn được các biến thể tàu khu trục, frigate, corvette tối ưu và đã bắt tay vào đóng loạt lớn. Không thể không lưu ý đến khả năng cao chưa từng có của công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đang được thể hiện. Hiện tại, tại các xưởng đóng tàu và trên mặt nước đang đóng và đang hoàn thiện đồng thời 6 tàu khu trục, f frigate, không dưới 9 tàu corvette, cũng như gần 10 tàu ngầm hạt nhân và thông thường, và 1 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng, nghĩa là ít nhất 30 chiến hạm nói riêng. Nhịp độ xây dựng hải quân đó ngay cả Mỹ cũng không làm được, còn bất kỳ nước nào khác thì đơn giản là không thể sánh nổi. Nhịp độ xây dựng hải quân Trung Quốc hiện nay chỉ thua Hải quân Mỹ trong những năm Thế chiến II, nhưng các tàu thời đó đơn giản hơn đến mức không thể so sánh với các tàu hiện nay.

Quân đội dành cho một cuộc chiến

Quân đội Đài Loan là quân đội dành cho một cuộc chiến . Không may là kẻ thù của họ trong cuộc chiến tranh này lại là quân đội Trung Quốc.
Lục quân Đài Loan thua kém lục quân Trung Quốc về số và chất lượng đến mức hoàn toàn không đáng nói. Có thể không quá khiên cưỡng khi coi lực lượng này là bằng không. Nếu như lực lượng đổ bộ Trung Quốc trụ vững được đầu cầu dù là tại một địa điểm và bắt đầu mở rộng nó thì người Đài Loan có thể thanh thản mà đầu hàng.

Không quân Đài Loan về hình thức thì rất lớn với 328 tiêm kích thế hệ 4, tức là nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào. Đó là 145 chiếc F-16 (117 F-16А, 28 F-16В), 57 Mirage-2000-5 (47 Mirage-2000-5 EI, 10 Mirage-2000-5 DI) và 126 Ching Kuo (101 Ching Kuo А, 25 Ching Kuo В). Tất cả các máy bay này đều được mua sắm trong những năm 1990. Ngoài ra, còn có tới 250 chiếc F-5, trong đó có không quá 100 chiếc trong biên chế thường trực, số còn lại nằm trong lực lượng dự bị. Có thể liệt vào lực lượng máy bay chiến đấu còn có 58 máy bay cường kích АТ-3 vốn được sử dụng nhiều hơn làm máy bay huấn luyện.

Như vậy, xét tổng số máy bay chiến đấu (kể cả các máy bay thuộc lực lượng dự bị), không quân Đài Loan nằm trong số 5 lực lượng không quân mạnh nhất thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ), nhưng điều này là sự an ủi cực kỳ yếu ớt. Trong thế kỷ ХХI, không quân Đài Loan chưa nhận được một máy bay nào và cũng không có triển vọng nào về mặt này. Trung Quốc, như đã nói ở trên, hiện đã có từ 500-700 tiêm kích thế hệ 4, cộng với gần 100 chiếc bổ sung mỗi năm. Hơn nữa, bất kỳ tiêm kích nào của Trung Quốc cũng vượt trội về chất lượng bất kỳ tiêm kích Đài Loan nào và đơn giản là mới hơn nhiều về mặt vật lý. Ngoài ra, Trung Quốc còn có hơn 500 máy bay tiến công và không dưới 1.000 tiêm kích cũ. Do đó, không thể dù là nói đến sự cân bằng nào, kể cả về mặt số lẫn chất lượng. Bởi vậy, việc Đài Loan đàm phán nhiều năm về việc mua 66 tiêm kích Mỹ F-16C/D chẳng có ý nghĩa gì, ngoại trừ tạo ra sự cười cợt. Thậm chí, khi thương vụ này diễn ra (điều này cực kỳ khó xảy ra vì Washington không dám làm thế), có thể ví nó như “đắp thuộc cao cho người chết”.

Hạm đội tàu ngầm Đài Loan gồm có 2 tàu ngầm do Hà Lan đóng trong những năm 1980 và 2 tàu ngầm do Mỹ đóng trong thập kỷ 1940, đứng trước hạm đội tàu ngầm Trung Quốc, có thể coi là không tồn tại. Về hạm đội tàu nổi, Đài Loan có 4 tàu khu trục Mỹ lớp Kidd, 8 frigate Mỹ lớp Oliver Perry và 8 frigate Mỹ lớp Knox, 6 frigate Pháp lớp Lafayette, gần 90 tàu corvette và xuồng tên lửa. Trong thời gian tới, bộ chỉ huy hải quân Đài Loan đang định trông cậy chính vào các corvette tên lửa đóng theo công nghệ tàng hình và được trang bị tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-III và hy vọng nhờ các tàu này, có thể gây tổn thất lớn cho các lực lượng xâm lược. Chiến thuật này xem ra là duy nhất đúng đắn, nhưng cả chiến thuật này cũng ngày một trở nên ảo tưởng.

Xét đến ưu thế chắc chắn của không quân và hải quân Trung Quốc trên không và dưới mặt nước, các frigate, corvette và xuồng tên lửa Trung Quốc sẽ dễ dàng đè bẹp bằng số lượng đông đảo hạm đội Đài Loan, kể cả các corvette mới của Đài Loan. Trung Quốc thậm chí sẽ không cần đưa vào trận các tàu khu trục hiện đại hơn nhiều, họ giữ chúng cho các cuộc hành quân đại dương tương lai trong thành phần các binh đoàn tàu sân bay. Việc Mỹ hứa cung cấp cho Đài Loan 4 tàu frigate lớp Oliver Perry (những tàu cực kỳ dở do vũ khí yếu) lại là một dạng thuốc cao cho người chết khác. Giống hư tiêm kích F-16, chúng không thể ảnh hưởng đến cán cân sức mạnh: thời gian đã bị bỏ phí mất rồi. Do không thể so sánh về năng lực sản xuất, khả năng chiến tranh của hai bên cũng không thể so sánh như thế.

Tác giả bài báo này mới chỉ 5 năm trước đã coi kết cục của một chiến dịch đổ bộ của Trung Quốc chống Đài Loan là hoàn toàn không thể tiên đoán và cho rằng, Đài Loan hoàn toàn có khả năng thực tế để đẩy lùi cuộc xâm lược, kể cả khi không có sự trợ giúp của Mỹ. Nhưng đã không dự đoán được tình thế lại xoay chuyển nhanh chóng và triệt để đến thế.

Trên thực tế, hiện nay, Trung Quốc không đánh chiếm Đài Loan bằng sức mạnh chỉ là vì họ hy vọng làm được việc đó bằng con đường hòa bình. Quốc dân đảng đã từ kẻ thù bất cộng đới thiên của đảng cộng sản Trung Quốc biến thành đạo quân thứ 5 của Trung Quốc khi tiếp tay cho việc thôn tính kinh tế hòa bình Đài Loan của Trung Quốc. Sự thôn tính này đang diễn ra rất nhanh. Dĩ nhiên, Bắc Kinh thực dụng sẽ không đời nào cắt cổ con gà đẻ trứng vàng. Họ sẽ có lợi hơn nhiều khi sáp nhập Đài Loan thịnh vượng với dự trữ ngoại tệ lớn và các công nghệ tiên tiến.

Và chỉ khi xảy ra “trục trặc chương trình” do những lý do nào đó, Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và cứng rắn bằng sức mạnh. Hơn nữa, sau độ 10 năm nữa, ưu thế của họ sẽ trở nên rõ rệt và áp đảo đến mức thì “trục trặc chương trình” cũng sẽ không thể nào xảy ra được. Đài Loan sẽ đơn thuần là không mạo hiểm chống lại, còn Mỹ sẽ quên hẳn “những “cam kết bảo đảm an ninh” của mình đối với hòn đảo.
Nhân Vũ