In bài này
Máy bay săn ngầm Mỹ cho Hải quân Việt Nam
Thứ Bẩy, 13/04/2013 - 10:39 PM
Việt Nam dự kiến sẽ đề nghị Mỹ bán máy bay tuần biển P-3 Orion của hãng Lockheed Martin, một quan chức cao cấp của công ty này cho biết hôm 10/4/2013.

Theo bài viết "LAAD Defence and Security 2013: US mulls P-3 MPA sale to Vietnam" của Gareth Jennings trên tạp chí Jane's Defence Weekly, tại triển lãm LAAD Defence and Security 2013 ở Rio de Janeiro (Brazil), Giám đốc Các chương trình về các hệ thống tuần tra biển của hãng Lockheed Martin, Clay Fearnow đã tiết lộ, Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ chính thức yêu cầu Chính phủ Mỹ bán 6 máy bay tuần biển Lockheed P-3 Orion lấy từ kho cất giữ. Hải quân Việt Nam muốn mua 6 máy bay P-3 dư thừa của Mỹ để giúp tuần tra gần 3.500 km bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế rộng 1.396.299 km2.

“Hải quân Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ [đối với P-3], và đã có sự ủng hộ [của Chính phủ Mỹ] để tiếp tục tiến về phía trước”, ông  Fearnow cho biết.

Ông Feairnow nói rằng, các máy bay P-3 dự định chuyển giao cho Việt Nam ban đầu sẽ chỉ được trang bị các thiết bị theo dõi và sẽ không có vũ khí. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, quan hệ giữa hai nước tiếp tục được cải thiện và không loại trừ khả năng cung cấp cả các hệ thống vũ khí trong tương lai.

Tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Arizona đang cất giữ hàng trăm máy bay P-3A/B/C, nhiều chiếc trong số đó sau khi sửa chữa và nâng cấp sẽ hoàn toàn thích hợp để chuyển giao cho Việt Nam. Ông Fearnow cho biết, Lockheed Martin sẽ đề nghị bán cho Việt Nam các máy bay biến thể P-3C đang được cất giữ vì đây là biến thể hiện đại nhất và có tuổi thọ còn lại của khung máy bay dài nhất.

Sau khi lựa chọn được các máy bay phù hợp, chúng sẽ được đưa đến xí nghiệp của Lockheed Martin ở Greenville, Nam Carolina để sửa chữa, trong đó bao gồm lắp cánh và đuôi ngang mới vốn đang được sản xuất tại nhà máy của công ty ở Marietta, bang Georgia. Sau khi được lắp các bộ phận mới, tuổi thọ thực tế của máy bay thực sự sẽ gần như máy bay mới với với dự trữ bổ sung là 15.000 giờ bay (tương đương với 20 năm sử dụng bình thường).

Lockheed Martin hiện đang thực hiện công việc sửa chữa tương tự đối với các máy bay dành cho các khách hàng hiện tại, nhưng do không có các đơn đặt hàng mới mua cánh máy bay trong năm 2012, nên có sự gián đoạn trong dây chuyền sản xuất, có thể gây ra các vấn đề cho bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào với Việt Nam, ông Fearnow nói.

“Dây chuyền sản xuất cánh có thể là yếu tố hạn chế về mặt thời gian”, ông nói và giải thích rằng, việc thiếu các đơn đặt hàng hiện nay có thể khiến một số các nhà cung cấp rút khỏi chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, công ty đang đàm phán về việc thay cánh cho 2 máy bay của Cơ quan khí tượng NOAA của Mỹ, với Canada để cung cấp thêm 6 bộ cánh ngoài 10 bộ đã mua, với Đức để cung cấp 8 bộ, với Chile - 2 bộ, với Nhật Bản - đến 20 bộ. Điều này cho phép Lockheed Martin hy vọng các hợp đồng một khi được ký kết sẽ có thể hỗ trợ cho dây chuyền sản xuất đủ lâu để thực hiện bất kỳ đơn đặt hàng tương lai nào của Việt Nam.

Ông Fearnow đã không thể nói cụ thể về thời hạn chuyển giao theo hợp đồng các máy bay P-3 cho Việt Nam, ngoại trừ việc Việt Nam có thể cố gắng tìm cách nhận được các máy bay này càng sớm càng tốt. “Các mối quan hệ ở khu vực này của thế giới là không được tốt như trước. Có những lo ngại về tàu ngầm [Trung Quốc] ở đây, và những lo ngại đó không chỉ có ở Việt Nam”.

Theo ông Fearnow, bước tiếp theo trong bất kỳ thương vụ tiềm năng bán P-3 sẽ là thư chính thức của Chính phủ Việt Nam gửi cho Chính phủ Mỹ yêu cầu thông báo về giá cả của các máy bay. Một khi điều này được thực hiện, bản thân quá trình lựa chọn, phục hồi và sửa chữa máy bay sẽ có thể được thực hiện tương đối nhanh chóng, đại diện của Lockheed Martin nói.