In bài này
Lầu Năm góc phát triển công nghệ tróc nã tàu ngầm Nga, Trung Quốc
Chủ Nhật, 24/03/2013 - 4:03 PM
Các chuyên gia chống ngầm của hãng Applied Physical Sciences Corp. (APS, Mỹ) đang bắt đầu giai đoạn mới phát triển công nghệ mới phát hiện tàu ngầm.
Tàu ngầm lớp Lada Projekt 677 của Nga
Công nghệ này có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu. Lầu Năm góc quyết tâm tróc nã tàu ngầm Nga, Trung Quốc.

Trong tuần này, APS đã giành được hợp đồng trị giá 15,2 triệu USD của Hải quân Mỹ để phát triển công nghệ mới phát hiện tàu ngầm tại các vùng biển sâu.

Trước hết, công nghệ mới sẽ bảo vệ các tàu ngầm, tàu sân bay Mỹ trước tàu ngầm đối phương bất ngờ tấn công từ độ sâu lớn. Cần lưu ý rằng, nguy cơ lớn nhất (xét về tiềm năng chiến đấu tổng hợp) đối với Hải quân Mỹ là các lực lượng tàu ngầm Nga và trong tương lai là tàu ngầm Trung Quốc.

Vì thế, hệ thống mới của Mỹ trước hết phải làm giảm tiềm lực quân sự của hai nước này.

Hiện nay, Hải quân Mỹ sở hữu 2 hệ thống cố định theo dõi tàu ngầm là FDS và SOSUS dùng để kiểm soát vùng biển Caribe, các eo biển tại khu vuwcn Greenland, Iceland và Anh.

Trong khuôn khổ chương trình mới DSOP, một mạng lưới các trạm quan sát sẽ bao quát các vùng nước sâu, nơi tồn tại cái gọi là kênh âm thanh nước sâu - vùng lạnh dày đặc của đại dương, nơi tốc độ âm thanh bị suy giảm.

Chẳng hạn, ở vùng nhiệt đới, vùng này nằm ở độ sâu gần 1 km. Khi đến khu vực này, các dao động âm thanh tần số thấp, trong đó có dao động của chân vịt và turbine tàu ngầm, có thể lan truyền theo phương ngang đi một khoảng cách rất lớn.

Theo ý đồ của giới quân sự Mỹ, nhờ công nghệ DSOP, sẽ có thể phát hiện thậm chí tàu ngầm có độ ồn nhỏ. Ngoài ra, lớp nước sâu có thể sử dụng để liên lạc giữa các tàu ngầm và tàu mặt nước của Mỹ, cũng như để tăng cường khả năng nắm bắt tình hình của các lực lượng chống ngầm.

Dự kiến, trong khuôn khổ chương trình DSOP, sẽ phát triển các sensor có khả năng hoạt động ở gần đáy đại dương. Các sensor này sẽ được hợp nhất thành một mạng lưới và sẽ có thể kiểm soát di chuyển của các hạm tàu bạn cũng như hạm tàu địch trên một vùng biển rộng lớn.

Công việc theo hợp đồng này sẽ hoàn thành vào tháng 6/2014 và kết quả của nó chắc chắn sẽ không được công bố, giống như những thành công hay thất bại trước đó của DSOP.

Nếu chương trình DSOP thành công hoàn toàn, các tàu ngầm sẽ khó ẩn náu hơn, kể cả ở độ sâu lớn vốn là biện pháp ngụy trang chủ yếu của tàu ngầm hiện nay. Nó sẽ làm suy yếm nghiêm trọng các lực lượng hạt nhân chiến lược mà vũ khí chủ yếu không phải là tên lửa mặt đất mà là sự giáng trả chắc chắn của các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân náu mình dưới đại dương.




PM