In bài này
33 tỷ euro cho lá chắn tên lửa Ba Lan
Thứ Năm, 21/03/2013 - 8:08 PM
Ba Lan sẽ xây dựng lá chắn tên lửa của mình với chi phí 33,6 tỷ euro.
SM-3 IIB (Lockheed Martin)
Chính phủ Ba Lan đã công bố ý định chi 33,6 tỷ euro để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski tuyên bố vài ngày sau khi Mỹ hủy bỏ giai đoạn cuối (giai đoạn 4) triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu.

Giai đoạn này từng trù tính triển khai các tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIB ở Ba Lan.

“Lá chắn tên lửa quốc gia của chúng tôi, cùng với các thành phần của lá chắn Mỹ sẽ được triển khai trên lãnh thổ của chúng tôi đến năm 2018 sẽ trở thành bộ phận của hệ thống (phòng thủ tên lửa) NATO”,ông Sikorski nói và cho biết thêm, Ba Lan sẽ phát triển “các lực lượng răn đe” nên sẽ phải mua tên lửa, trực thăng, xe bọc thép chở quân, tàu ngầm và máy bay không người lái. Tuy nhiên, NATO vẫn là bảo trợ an ninh chính của Ba Lan.

Chương trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Ba Lan, cũng như việc xây dựng “các lực lượng răn đe” có thời gian thực hiện 10 năm. Nhưng vẫn chưa rõ là số tiền 33,6 tỷ euro nói trên sẽ chỉ được chi cho việc xây dựng lá chắn tên lửa hay là chính phủ Ba Lan sẽ chi số tiền này cho cả việc mua sắm vũ khí trang bị mới. Trước đó, Tổng thống Ba Lan Bronisław Komorowski nói nước này cần xây dựng lá chắn tên lửa của mình.

Tháng 10/2012, Ba Lan thông báo dự định đầu tư đến 14,1 zloty (3,1-4,4 tỷ USD) cho việc phát triển các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ. Lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia Ba Lan, tướng Stanislaw Kozei tuyên bố rằng, chính nhờ những khoản đầu tư đó, Ba Lan sẽ có được khả năng tự vệ trước sự hăm dọa tên lửa từ phía Nga.

Theo kế hoạch trước đó của Mỹ, dự kiến xây dựng tại châu Âu một radar cảnh báo tên lửa mạnh đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng các trạm trú đóng cho các frigate trang bị tên lửa chống tên lửa SM-3 ở Địa Trung Hải, triển khai 24 tên lửa SM-3 ở Ba Lan và 24 tên lửa SM-3 ở Rumani. Các tên lửa chống tên lửa lẽ ra sẽ xuất hiện ở Ba Lan vào năm 2018.

Đến nay, ở Ba Lan mới chỉ triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ. Khi triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, Mỹ nói rằng, hệ thống này dùng để chống cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Ba Lan gọi hệ thống này là một cách để tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga. Nga phản đối xây dựng lá chắn tên lửa châu Âu và tuyên bố rằng, việc triển khai tên lửa chống tên lửa ở châu Âu làm suy giảm đáng kể tiềm lực lá chắn hạt nhân Nga.
VNH