In bài này
Săn lùng phần mềm gián điệp trong máy tính của các chỉ huy quân đội Nga
Chủ Nhật, 07/10/2012 - 8:22 PM
Quân đội Nga phát hiện nhiều máy tính xách tay "vỏ Nga, ruột ngoại" bị cài phần mềm gián điệp đã lọt vào các đơn vị quân đội.
Quá trình tin học hóa quân đội Nga có thể bị tình báo nước ngoài và các thương gia bất lương lợi dụng phá hoại
Quân đội Nga đã bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin và đang đưa vào sử dụng số lượng lớn các máy tính xách tay. Tuy nhiên, các chuyên gia đã phát hiện trong các thiết bị này những phần mềm độc hại, có khả năng tự kết nối với các máy chủ chính nằm ở nước ngoài, tờ RG hôm 5/10/2012 viết.

Quân đội Nga đặt ra nhiệm vụ cấp cho mỗi chỉ huy một máy tính xách tay có đường kết nối với hệ thống chỉ huy quân đội chung. Đột nhiên trên internet có những tin tức chấn động nói rằng, các máy tính này nhung nhúc các phần mềm nhập khẩu độc hại, có khả năng tự kết nối với các máy chủ chính ở nước ngoài.

Một người dùng còn nói rằng, anh ta đã tháo tung một máy tính quân sự tiêu chuẩn và phát hiện ra toàn bộ ruột máy tính có xuất xứ Đài Loan, còn phần mềm là nhập khẩu với cả đống mã độc hại.

Bề ngoài, máy tính xách tay trông khá ngon, được bảo vệ chống va đập, bụi bặm, bùn đất, thậm chí không thấm nước. Nó có màu xanh xám phù hợp với quân đội, trên có các nhãn dán ghi tên một hãng sản xuất nội địa Nga và dấu xác nhận đã kiểm tra đặc biệt như một thứ bảo đảm rằng, trong máy tính không có phần mềm gián điệp.

Nhưng khi bật máy tính, màn hình hiện lên tên nhà sản xuất thật sự bằng tiếng Anh, đó là một công ty công nghệ thông tin (IT) Đài Loan. Hóa ra, công ty Nga tự xưng là nhà thiết kế và sản xuất máy tính cho quân đội thậm chí đã không buồn thay đổi phần mở đầu khởi động máy trong hệ điều hành ư?

Sau khi kiểm tra một máy tính xách tay quân sự lọt vào tay, tác giả bài báo khẳng định rằng, chiếc máy tính bất chấp ý muốn của người sử dụng vẫn có khả năng kết nối với các máy chủ chính nằm ở nước ngoài, gửi đến đó các dữ liệu với tọa độ chính xác của chiếc máy tính xách tay cụ thể.

Bộ Quốc phòng Nga có thái độ nghiêm túc đối với bài báo trên internet này. Mặc dù ở Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga không có các máy tính mang nhãn hiệu đã nêu, nhưng chúng hoàn toàn có thể được cung cấp cho các đơn vị quân đội, bởi vì đang diễn ra quá trình máy tính hóa ráo riết quân đội Nga. Chắc chắn, sắp tới người ta sẽ mở cuộc kiểm tra hàng loạt trang bị máy tính hiện có trong quân đội Nga.

Ông Robert Nikolayev, một chuyên gia phát triển các hệ thống chỉ huy quân đội tự động hóa, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học tên lửa và pháo binh Nga, đã xác nhận rằng, các phần mềm độc hại khác nhau, nhiều khi là các phần mềm gián điệp thực sự nhiều lần bị phát hiện trong các sản phẩm IT mà Nga đang nhập khẩu từ nước ngoài, kể cả cho nhu cầu của công nghiệp quốc phòng và quân đội.

Còn các thiết bị hiện đại thì có kết nối internet trực tiếp với các bộ phận kỹ thuật của Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA và Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA. Vì thế, ở phương Tây đã xảy ra những vụ scandal do những công dân yêu tự do gây ra vì tức giận khi không gian internet cá nhân của họ không được bảo vệ trước những con mắt dò xét bên ngoài. Theo ông Nikolayev, trong bối cảnh Nga đang chuyển sang chỉ huy quân đội theo dạng lấy mạng làm trung tâm thì các vấn đề an ninh IT trở nên quan trọng sống còn.
VP