In bài này
Phát giác gián điệp Nga chui sâu 20 năm trong Bộ Ngoại giao Bỉ
Chủ Nhật, 07/10/2012 - 4:49 PM
Ngay sau scandal gián điệp công nghệ Nga nổ ra ở Mỹ, phản gián Bỉ lại khám phá một điệp viên nằm vùng 20 năm trong Bộ Ngoại giao Bỉ.
Chính quyền Bỉ đã thông báo về việc bắt giữ một nhà ngoại giao cao cấp, gần đây từng làm việc ở Copenhagen, Đan Mạch, bị nghi hợp tác với tình báo Nga.

Họ tên của nghi can gián điệp này chưa được tiết lộ, trên báo chí chỉ viết là O.G. Tạp chí Bỉ Mondiaal Nieuws và kênh truyền hình RTL đưa tin, đó là một người đàn ông 57 tuổi, quê ở thành phố Brugge.

Viện công tố liên bang Bỉ đã xác nhận đang điều tra đối với nghi can. Ông ta đã bị triệu hồi từ Copenhagen và tạm thời đình chỉ công việc.

Viện công tố nghi ngờ nhà ngoại giao này bị tuyển mộ từ thời còn Liên Xô. Cuối thập niên 1980, ông này đã được phái đến Tokyo làm Phó lãnh sự ở Đại sứ quán Bỉ tại Nhật. Tại đây, một nhà ngoại giao Nga có tên Vyacheslav Mikhailovich đã tiếp xúc và tuyển mộ O.G.

Sau đó, O.G. làm việc ở Lagos, Algers, Lissbon, New York, Copenhagen và New Delhi.

Theo thông tin của tình báo Bỉ, trong suốt những năm đó, nghi can đều mấy lần trong một năm gặp gỡ các công dân Nga tạt qua nước sở tại. Lần nào gặp O.G., những người Nga đều chỉ xưng tên không.

Viện công tố cho biết, O.G. đã có thể cung cấp cho họ thông tin về các kẽ hở trong luật pháp về quốc tịch của các nước khác nhau để làm giấy tờ giả cho các tình báo viên Nga. Ít nhất thì đó chính là “việc” mà Vyacheslav Mikhailovich đã làm.

“Chúng tôi xác nhận rằng, việc điều tra đang được tiến hành đối với một nhà ngoại giao Bỉ bị nghi phạm tội gián điệp, nhận hối lộ và tiết lộ bí mật nghề nghiệp”, công tố viên trưởng liên bang Johan Delmulle nói.

Bản thân O.G. bác bỏ cáo buộc và khẳng định rằng, tất cả các cuộc gặp gỡ của ông với người Nga đều mang tính nghề ngiệp, ông không cung cấp thông tin mật nào, cũng như không giúp đỡ làm giấy tờ và không nhận thù lao cho việc đó.

Theo Mondiaal Nieuws, liên quan đến cuộc điều tra, cơ quan an ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao Bỉ đã gửi kháng thư đối với Nga.

Trong ¼ thế kỷ sau khi Bỉ gia nhập NATO (1967-1992), Bỉ đã bắt được ít nhất 60 điệp viên Nga hoạt động dưới bình phong đại sứ quán, lãnh sự quán và thương vụ, cũng như công ty hàng không Aeroflot, hãng tin ITAR-TASS và các tổ chức khác. Mật độ gián điệp Nga ở Bỉ cao như vậy là do tổng hành dinh NATO đặt tại Brussels, thủ đô Bỉ.

Năm 2009, giám đốc cơ quan an ninh Bỉ VSSE Alain Vinants tuyên bố rằng, “mức độ và tính chất hoạt động của tình báo Nga vẫn ở mức như thời chiến tranh lạnh”.

VP