In bài này
Trung Quốc tư nhân hóa ồ ạt công nghiệp quốc phòng
Thứ Ba, 25/09/2012 - 12:48 PM
Trung Quốc quyết định tư nhân hóa 1.000 nhà máy quốc phòng và huy động đầu tư tư nhân vào công nghiệp quốc phòng.

Quá trình phi độc quyền hóa tổ hợp công nghiệp quốc phòng bắt đầu ở Trung Quốc đang được hậu thuẫn bởi các kế hoạch của chính phủ Trung Quốc về việc tư nhân hóa 1.000 nhà máy quốc phòng và giảm nhập khẩu vũ khí, nhưng vẫn tiếp tục mua tiêm kích, tàu tuần dương và tàu ngầm từ Nga, báo chí Trung Quốc đưa tin.
Cho đến gần đây, tiềm lực quân sự của quân đội Trung Quốc được tạo ra bởi các mẫu vũ khí của những năm 1950. Trong thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự bằng cách mua vũ khí Nga. Trong vòng 20 năm, họ đã tiến hành trang bị lại gần như hoàn toàn cho quân đội.
Bước tiếp theo của cải cách quân sự Trung Quốc là phi độc quyền hóa tổ hợp công nghiệp quốc phòng, cổng thông tin Hexun dẫn một báo cáo của Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho hay.
Báo cáo này cho biết, các chuyên gia của nhiều quốc gia đang lo ngại trước sự gia tăng chóng mặt chi phí quân sự của Trung Quốc. Các nguồn đầu tư tài chính đã cho phép trang bị cho quân đội Trung Quốc các loại vũ khí công nghệ cao, giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn vũ khí nhập khẩu từ Nga.
Trong thập kỷ 1990, chính phủ Trung Quốc đã phát động quá trình trang bị lại cho công nghiệp quốc phòng, dẫn đến gia tăng khối lượng vũ khí do Trung Quốc sản xuất.
Tháng 7/2012, Bắc Kinh đã tuyên bố bắt đầu huy động đầu tư vào công nghiệp quốc phòng nước này. Trong nghị định mới ghi rõ, các nhà đầu tư tư nhân và các xí nghiệp quốc doanh đang hoạt động trong khu vực quốc phòng sẽ có những cơ hội công bằng trong các vấn đề liên quan đến giấy phép và thuế. Đồng thời, được phép tiếp cận khu vực công nghiệp quốc phòng sẽ không chỉ có các nhà đầu tư từ Hoa lục. Các nhà đầu tư có thể tham gia phát triển và sản xuất vũ khí, cũng như tái cấu trúc các xí nghiệp quốc phòng quốc doanh.
Nghị định mới có mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh ở khu vực này, một số dự án trong tương lai sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu mở. Cho đến nay, các nhà đầu tư tư nhân chỉ tham gia cung cấp linh kiện và một số vật liệu cho công nghiệp quốc phòng, nhưng không được huy động tham gia các dự án lớn.
Theo các tài liệu của các sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến, các công ty con của các nhà thầu quân sự đã qua thủ tục niêm yết lần đầu dự định mua lại một phần cổ phần ở các công ty quốc doanh Hoa lục trị giá hơn 20 tỷ nhân dân tệ (3,15 tỷ USD). Nhờ các thương vụ sắp tới, cổ phần của các công ty con sẽ tăng khoảng 100%, báo cáo viết. Hoạt động của chính phủ Trung Quốc nhằm tư nhân hóa 1.000 nhà máy quốc phòng sẽ hỗ trợ cho quá trình phi độc quyền hóa công nghiệp quốc phòng đã được bắt đầu.
Trong các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc có chủ trương biến Tổng công ty đóng tàu quốc doanh Trung Quốc CSSC, Tổng công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc AVIC và Tổng công ty Hàng không vũ trụ và công nghiệp Trung Quốc CASIC thành các nhà cung cấp vũ khí có thể sánh về quy mô với các tập đoàn Lockheed Martin và Northrop Grumman của Mỹ. Cụ thể, AVIC dự định tăng 4 lần doanh số bán ra, từ 250 tỷ nhân dân tệ (39,7 tỷ USD) vào năm 2011 lên đến 1.000 tỷ nhân dân tệ (158,6 tỷ USD) vào năm 2020. Trong những năm tới, gần 80% cổ phần của các tổng công ty nói trên sẽ được niêm yếu trên các sàn chứng khoán Trung Quốc.
Theo báo cáo, vốn của 10 tổng công ty quốc phòng lớn nhất Trung Quốc hiện đạt 2.000 tỷ nhân dân tệ (317,2 tỷ USD). 70 công ty con thuộc các tổng công ty đã lên sàn, trong đó có 40 công ty là công ty quốc phòng. 70 công ty này chiếm tổng cộng 25% cổ phần của toàn bộ 10 tổng công ty nói trên.
Sự phát triển nhanh chóng của tiềm lực công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã dẫn tới sự giảm bớt dần dần nhập khẩu vũ khí. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu các vấn đề hòa bình Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2007-2011, nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc đã giảm 58%. Trong thời kỳ này, Trung Quốc đã tụt từ các vị trí dẫn đầu vào năm 2006 xuống vị trí thứ tư vào năm 2011 về khối lượng vũ khí nhập khẩu.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động nghiên cứu chế tạo các loại tên lửa hiện đại. Họ đang nghiên cứu chế tạo các loại phương tiện mang là tên lửa đường đạn, hành trình, cũng như các bệ phóng di động để phóng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, mặc dù có sự tiến bộ đáng kể, các chuyên gia quân sự vẫn chỉ ra sự tụt hậu của Trung Quốc so với các cường quốc hàng đầu về nhiều công nghệ. Vì thế, các tiêm kích Su-27, tàu tuần dương và tàu ngầm hiện đại do Nga sản xuất vẫn là những hạng mục nhập khẩu chủ chốt của Trung Quốc, báo cáo kết luận.
VZ, 24.9.2012.


 

Nhân Vũ