In bài này
Xu hướng phát triển hải quân thế giới (2)
Thứ Ba, 18/09/2012 - 5:30 PM
Các xu hướng phát triển hải quân trên thế giới: tàu đổ bộ và vũ khí hạm tàu.

>> Xu hướng phát triển hải quân thế giới (1)

Tàu đổ bộ

Trong 20 năm gần đây, ở các nước châu Âu có sự gia tăng đáng kể số lượng tàu đổ bộ.

Anh đã đóng 1 tàu đổ bộ vạn năng HMS Ocean, 2 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Albion và 4 tàu đốc vận tải-đổ bộ lớp Bay.

Italia đã đóng nốt loạt tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp San Giorgio (đến 3 chiếc) vốn bắt đầu được đóng 1980, ngoài ra còn tàu sân bay hạng nhẹ Cavour mà về thực chất là tàu đổ bộ vạn năng.

Còn Tây Ban Nha thì đã đóng các tàu đổ bộ vạn năng lớp Juan Carlos và 2 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Galicia để thay thế các tàu đổ bộ cũ lạc hậu của Mỹ.

Hà Lan, quốc gia trong thời chiến tranh lạnh không hề có các tàu đổ bộ thì trong những năm 2000 đã mua sắm 2 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng Rotterdam và Johan de Witt.

Pháp hiện có 2 tàu đổ bộ vạn năng lớp Mistral và dự kiến sẽ đóng thêm 1 chiếc nữa.

Dự đoán, Đức sẽ đóng 2-3 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng hoặc tàu đổ bộ vạn năng cho hải quân của họ.

Nếu như vào đầu thập niên 1990, cứ hơn 13 tàu hộ tống (tàu tuần dương, tàu khu trục, frigate) mới có 1 tàu đổ bộ cỡ lớn, thì này chỉ là hơn 5 tàu khu trục và frigate một chút.

Các tàu đổ bộ lớn của châu Âu có vũ khí cực yếu, thuần túy có tính tượng trưng và cũng có khả năng bảo vệ kết cấu tượng trưng như vậy.

Kết hợp với việc giảm số lượng tàu hộ tống, điều đó có nghĩa là người ta dự định sử dụng các tàu đổ bộ không phải trong các chiến dịch quân sự truyền thống mà là trong các chiến dịch cảnh sát-kiến tạo hòa bình, khi mà người ta trù tính là không hề có sự kháng cự thực sự nào của đối phương. Trong trường hợp đó, các tàu đổ bộ không phải đóng vai trò như các tàu “xung kích” mà là các căn cứ nổi (trong đó có căn cứ nổi để nghỉ ngơi) cho các lực lượng mặt đất và các sở chỉ huy tiềm năng cho toàn bộ chiến dịch kiến tạo hòa bình.

Dẫu sao, người ta cũng trù tính lực lượng bảo vệ với một số lượng nhỏ các tàu frigate có thiên hướng phòng không. Đan Mạch đã đưa khái niệm này đến mức hoàn thiện mà minh chứng là tàu HDMS Absalon, một loại tàu lai frigate và tàu đổ bộ.

Sự phát triển của lớp tàu đổ bộ ở Mỹ đi theo khái niệm “xung kích” truyền thống hơn. Tuy nhiên, ranh giới giữa các tàu sân bay và tàu đổ bộ vạn năng đang trở nên mờ nhạt, nhất là trong bối cảnh sự phát triển của máy bay không người lái trên hạm. Các tàu đó rõ ràng là sẽ được bổ trợ bằng các tàu đổ bộ cao tốc dạng hai thân (các tàu này sẽ thay thế cho các tàu đổ bộ tăng trước đây).

Các quốc gia châu Á tất nhiên cũng sẽ đi theo xu hướng này. Các tàu đổ bộ cỡ lớn đang được đóng ở Trung Quốc (4 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp 071), Nhật Bản (3 tàu đốc vận tải đổ bộ lớp Osumi) và Hàn Quốc (4 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Dokdo). Ấn Độ cũng đã mua từ Mỹ đốc đổ bộ chở trực thăng đầu tiên và hiện là duy nhất của họ.

Vũ khí hạm tàu

Các dạng hệ thống vũ khí hải quân khá khác thường đang xuất hiện ở các nước châu Á. Ví dụ, tên lửa chiến dịch-chiến thuật Dhanush của Ấn Độ vốn là biến thể của tên lửa đường đạn Prithvi II, là tên lửa đường đạn duy nhất trên thế giới phóng từ tàu nổi, hơn nữa lại chỉ là tàu tuần tra. Hoàn toàn có khả năng Ấn Độ sẽ triển khai tên lửa đường đạn có tầm bắn khác nhau (từ tên lửa chiến thuật cho đến tên lửa tầm trung) trên cả các tàu ngầm lẫn tàu mặt nước.

Tên lửa hành trình, như đã nói ở trên, đang là “chủ lưu”. Các tên lửa chống hạm dưới âm truyền thống sẽ ngày càng bị thay thế bởi các tên lửa siêu âm và sau đó là siêu vượt âm, chính các tên lửa này sẽ trở thành khó khăn chủ yếu đối với hệ thống phòng không hạm tàu.

Cũng giống như trường hợp với phòng không mặt đất, một trong những phương án giải quyết nhiệm vụ này có thể là phát triển vũ khí laser.

Do tính không thể thay thế của tàu ngầm, nên cũng không có gì thay thế được ngư lôi, kể cả với tư cách vũ khí chống ngầm, các xu hướng phát triển chính của ngư lôi vẫn sẽ là tăng tốc độ và nâng cao uy lực chiến đấu của đầu đạn.

Pháo sẽ vẫn được duy trì trên tàu chiến với tư cách vũ khí phòng vệ. Nhưng cũng không thể loại trừ khả năng, trong bối cảnh tiếp tục tăng tầm bắn, pháo sẽ lại trở thành vũ khí chủ lực trong hải chiến trong trường hợp tên lửa hành trình phóng từ hạm tàu dùng để tấn công mục tiêu mặt đất sẽ ngày càng đẩy tên lửa chống hạm khỏi trang bị của tàu chiến.

Ngoài ra, ta cũng không được phủ nhận khả năng pháo tàu lại được tăng cỡ nòng. Khi đó, đạn pháo (có thể là có điều khiển) sẽ là vũ khí thay thế rẻ hơn, nhưng rất hiệu quả cho tên lửa chống hạm, mà lại khó bị phòng không đối phương chặn đánh (nếu như không chế tạo vũ khí laser).
Liên quan các hệ thống không người lái thì chúng hiện đã được sử dụng làm phương tiện quét lôi và hiển nhiên là sẽ được hoàn thiện.

Một xu hướng phát triển khác của chúng là phát triển các tàu ngầm tự hoạt để tác chiến chống tàu ngầm. Các phương tiện như thế có khả năng hoạt động nhiều tháng trời và sẽ trở thành phương tiện chống ngầm thực sự hiệu quả trong lịch sử. Tuy nhiên, ở đây, cần giải quyết vấn đề nhận dạng tin cậy tàu ngầm vốn là một vấn đề cực kỳ phức tạp. 

Sự khốn khó của Hải quân Nga

Hải quân  Nga đáng tiếc là không hề ăn nhập vào xu hướng nào khi trở thành một tập hợp các đơn vị chiến đấu phân tán trên 5 chiến trường biển và đại dương (thậm chí là 6 nếu tính đến yếu tố các phân hạm đội Kamchatka và Primorie của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ buộc phải tác chiến tách rời nhau một khi chiến tranh thực sự nổ ra).

Quyết định quay lại với các thiết kế tàu chiến cũ (frigate lớp Projekt 11356, tàu ngầm Projekt 636) thật kỳ lạ lại là biện pháp nửa vời duy nhất hợp lý trong tình hình này, nếu không thì chỉ trong những năm sắp tới, Nga sẽ hoàn toàn không còn hải quân. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp nửa vời.

Vấn đề chủ yếu thậm chí không phải là ở chỗ các tàu thuộc các thiết kế mới có những vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng mà là ở tính không hệ thống trong phát triển Hải quân Nga. Ví dụ, hoàn toàn không thể hiểu, Nga cần các corvette lớp Projekt 20380 (hay thậm chí lớp cải tiến Projekt 20385) để làm gì, đó là chưa nói đến các tàu sân bay trực thăng Mistral.

Đáng tiếc là trong phần lớn lịch sử nước Nga, hạm đội luôn ở tình trạng “bị bỏ rơi” khi được cấp kinh phí và phát triển theo lối được chăng hay chớ. Và nay quá trình này đã đi đến kết cục logic của nó. Nếu như các quân chủng khác của quân đội dẫu sao vẫn còn cơ cơ may để hồi phục thì sự sụp đổ của hải quân lại là không tránh khỏi.

Dĩ nhiên, nó không biến mất hoàn toàn, nhưng nó sẽ không thể đối phó được bất kỳ đối phương thực sự nào ở bất kỳ chiến trường nào (có chăng là ở biển Caspie) ít nhất trong một thời gian rất dài.

Nhân Vũ