In bài này
Tàu chiến Nga ồ ạt kéo đến Syria
Thứ Năm, 12/07/2012 - 11:48 PM
Nga huy động 3 hạm đội Biển Bắc, Baltic và Biển Đen đến Syria.
Ngày 10/7, các hãng tin Nga đưa tin “các hạm tàu của 3 hạm đội Nga đã lên đường thực hiện cuộc hành quân ba tháng thực hiện nhiệm vụ trên Địa Trung Hải”. Bề ngoài, tất cả những gì đang diễn ra giống như sự báo động chiến đấu - các tàu chiến của các hạm đội Biển Bắc, Baltic và Biển Đen đã đồng thời rời căn cứ đồn trú. Điều được đặc biệt nhấn mạnh là toàn bộ binh đoàn tàu Nga dự định ghé vào căn cứ hải quân Nga ở cảng Tartus của Syria.

Ở biên chế đầy đủ thì binh đoàn tàu liên hợp này sẽ rất khủng. Từ Severomorsk, tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko, các tàu đổ bộ cỡ lớn Aleksandr Otrakovsky, Georgy Pobedonosets và Kondopoga đã lên đường đến bờ biển Syria, cùng các tàu bảo đảm là tàu kéo Nikolai Chiker và tàu chở dầu Sergei Osipov.

Sau một thời gian ngắn, các tàu của Hạm đội Baltic là tàu hộ vệ Yaroslav Mudry và tàu chở dầu Lena cũng sẽ hội quân cùng lực lượng của Hạm đội Biển Bắc.

Đồng thời, từ Sevastopol, tàu chống ngầm cỡ lớn Smetlivy của Hạm đội Biển Đen cũng đã lên đường chạy về hướng eo biển Bosphorus. Ở Địa Trung Hải, nói sẽ hội quân cùng binh đoàn tàu của hai hạm đội Biển Bắc và Baltic và 2 tàu đổ bộ của Hạm đội Biển Đen là Nikolai Filchenkov, Tsezar Kunikov và tàu kéo SB-5.

Ngoài ra, một biên đội tàu nữa gồm tàu chống ngầm cỡ lớn Phó đô đốc Kulakov, tàu chở dầu Ivan Bubnov và tàu kéo MB-304 cũng có thể được nhanh chóng tung đến Địa Trung Hải. Hiện nay, các tàu này đang tuần tra chống cướp biển ở gần bờ biển Somalia.

Tổng cộng, bên bờ biển Syria có thể tập trung 15 hạm tàu Nga. Ngoài ra, trên các tàu đổ bộ là các đơn vị lính thủy đánh bộ. Có lẽ trong biên chế của hạm đội liên hợp này còn có cả các tàu ngầm vì thường người ta không thông báo gì về sự di chuyển của các tàu ngầm.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Theo khẳng định của báo chí Nhật Bản, máy bay do thám hải quân Nhật ngày 1/7 đã ghi nhận có 26 tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đi qua eo biển La Pérouse (giữa Sakhalin và Hokkaido). Trong đó có kỳ hạm của Hạm đội là tuần dương hạm tên lửa Varyag, khu trục hạm Bystry, tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Tributs, Đô đốc Vinogradov, Nguyên soái Shaposhnikov và 8 tàu tên lửa nhỏ. Ngoài ra, còn có các tàu trinh sát, các tàu vận tải và 1 tàu thủy văn. Tuy nhiên, tuyến đường đi của lực lượng này không được thông báo.

Dĩ nhiên, lý giải chính thức rằng, cuộc hành binh của đại hạm đội này “không liên quan đến tình hình căng thẳng ở Syria” sẽ không làm cho mấy ai tin được. Hơn nữa, việc tập trung một lực lượng hải quân hùng mạnh như thế gần bờ biển của một nước đang chìm vào nội chiến lại diễn ra vào thời điểm NATO phái đến bờ biển nước Thổ Nhĩ Kỳ lân cận các tàu chiến của họ.

Còn vào đầu tháng 7, cả tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của Mỹ cũng đã tiến vào Địa Trung Hải. Về mặt chính thức thì tàu này đang tập trận chung với tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle. Vì thế, có lẽ sự xuất hiện của hạm đội Nga ở Địa Trung Hải sẽ bị Mỹ và phương Tây coi là mối đe dọa và sự phô trương sức mạnh.

Hơn nữa, cục diện hiện nay khiến cho Moskva không còn lối thoát nào khác để giải quyết vấn đề Syria, ngoại trừ gây áp lực với phương Tây bằng mọi phương tiện có thể. Nếu mất đi căn cứ ở Syria thì Nga có thể sẽ phải quên đi sự hiện diện của mình ở Địa Trung Hải trong nhiều năm. Chính điều đó chứ không phải số phận của Tổng thống Bashar al-Assad làm Nga lo lắng nhất.

Có thể điều đó nghe ra có vẻ trơ trẽn và tàn nhẫn, nhưng đó là thực tế địa-chính trị. Dường như, phe đối lập Syria cũng bắt đầu hiểu ra điều đó. Vì thế, khi đến thăm Moskva, họ đã tuyên bố rằng, một khi lên nắm quyền lực, họ sẽ tuân thủ mọi hiệp định, thỏa thuận do Syria ký kết.

Có lẽ, Kremlin cũng hy vọng nhờ bằng chính sách đối ngoại cứng rắn, cương quyết sẽ lấy được điểm cả ở trong nước. Dường như, trong tình thế hiện nay, đây là khả năng duy nhất để nâng cao uy tín gần đây đang bị giảm sút của thể chế lưỡng đầu chế Putin-Medvedev. Tuy nhiên, Tổng thống V. Putin không được quên những mạo hiểm của trò khua đao múa kiếm. Khi nói А, cũng cần phải sẵn sàng nói cả B. Sẽ không thể “dọa dẫm” và “gây áp lực” mãi với phương Tây chỉ bằng cách trương các cờ hiệu tàu chiến. Chẳng bao lâu sẽ đến lúc cả ở Washington và Brussels phớt lờ “các hành động phô trương” như thế vốn chẳng dẫn đến các hậu quả thực tế nào.

Nhưng để thực thi chính sách đó, cần phải có một quân đội hiện đại và hạm đội đông đảo. Không thể lần lữa mãi với việc này. Chỉ cần “con voi” Serdyukov (Bộ trưởng Quốc phòng Nga) ở trong “chạn bát” (Bộ Quốc phòng Nga) thêm vài năm nữa thì ta sẽ có thể quên đi bất kỳ ảnh hưởng địa-chính trị nào của Nga.
Nhân Vũ