In bài này
Tương quan binh lực Syria-Thổ Nhĩ Kỳ
Thứ Năm, 28/06/2012 - 4:48 PM
Xét về binh lực, Syria không có nhiều cơ hội trong một cuộc xung đột quân sự tay đôi với Thổ Nhĩ Kỳ.

>> Phòng không Syria có đứng vững trước không quân NATO?
>> Hạ gục Syria, cần 2.000 máy bay, 60 vạn quân

Tình hình quan hệ Syria-Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng sau khi phòng không Syria bắn hạ một máy bay do thám RF-4E ngày 22/6/2012. Hiện thời, tình hình chưa leo thang ngay thành chiến tranh, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kêu gọi Mỹ, NATO mở chiến dịch quân sự chống Syria, đồng thời có những động thái chuẩn bị chiến tranh, đẩy mạnh tiếp tay cho lực lượng phiến loạn Syria chống chính phủ của ông Assad.

Vì thế, không loại trừ khả năng leo thang xung đột Syria-Thổ Nhĩ Kỳ thành chiến tranh thực sự.
Dưới đây. giới thiệu sơ bộ tương quan binh lực của hai bên, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Syria

Quân đội Syria lâu nay vẫn là một trong những quân đội mạnh nhất trong khu vực, mặc dù thua kém đáng kể quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Syria được tổ chức kiểu 3 quân chủng: lục quân, phòng không-không quân và hải quân. Tổng quân số quân đội Syria ước khoảng 320.000 người (đứng thứ 16 trên thế giới), lực lượng dự bị gồm 354.000 người, dự bị động viên khoảng 4 triệu người, trong đó có 2,3 triệu người thích hợp để phục vụ quân ngũ. Ngoài quân đội, Syria còn có các đơn vị hiến binh với gần 8.000 người và quân đội nhân dân (dân quân).

Lục quân Syria, theo Тopwar, có quân số 215.000 người. Thời bình, lực lượng này được biên chế cho 3 quân đoàn, 12 sư đoàn (7 sư đoàn tăng, 3 sư đoàn cơ giới, 1 sư đoàn Vệ binh cộng hòa, 1 sư đoàn đặc nhiệm), 12 lữ đoàn độc lập (4 lữ đoàn bộ binh độc lập, 3 lữ đoàn tên lửa chiến dịch-chiến thuật Luna-M, Scud, Tochka; 2 lữ đoàn chống tăng, 2 lữ đoàn pháo binh và 1 lữ đoàn biên phòng), 10 trung đoàn đặc nhiệm (commandos), 1 trung đoàn tăng độc lập và 1 lữ đoàn tên lửa bờ biển trực thuộc Hải quân về mặt tác chiến.

Trong trang bị của Lục quân Syria có tổng cộng gần 4.800 xe tăng, trong đó có 1.500-1.700 Т-72 các biến thể, gần 1.000 Т-62, 2.000-2.250 Т-54 và Т-55, trong đó có gần 1.000 đang được niêm cất. Xe chiến đấu bộ binh gồm: đến 2.450 BMP-1, đến 100 BMP-2 và mấy chục chiếc BMP-3. Ngoài ra, còn có gần 1.000 xe trinh sát bọc thép BRDM-2, trong đó có các xe trang bị bệ phóng tên lửa chống tăng có điều khiển và hơn 1.500 xe bọc thép chở quân, trong đó có 1.000 BTR-50, BTR-60, BTR-70 và gần 500 BTR-152.

Các đơn vị cơ giới được chi viện hỏa lực bởi hơn 500 pháo tự hành: 50 pháo tự hành 152 mm 2S3 Akatsya, 400 pháo tự hành 122 2S1 Gvozdika và hơn 50 pháo tự hành nội địa 122 mm SP122. Lực lượng pháo kéo gồm: gần 1.500 khẩu, trong đó có 10 pháo tầm xa 180 mm S-23, 70 pháo lựu 152 mm ML-20 và lựu pháo D-20, gần 800 pháo 130 mm М-46, gần 500 lựu pháo 122 mm D-30 và 150 lựu pháo 122 mm М-30. Bên cạnh đó, còn có gần 500 khẩu lựu pháo 122 mm đang được cất giữ trong kho.

Ngoài ra, Syria còn có 300 hệ thống rocket phóng loạt 122 mm BM-21 Grad của Nga và đến 200 hệ thống rocket phóng loạt 107 mm Type 63 do Trung Quốc sản xuất.

MiG-29 là tiêm kích hiện đại nhất của Không quân Syria


Phòng không-không quân Syria có quân số 100.000 người, trong đó có 60.000 trong Phòng không và 40.000 trong Không quân.

Không quân Syria gồm: không quân tiêm kích (nòng cốt là 48 MiG-29, cộng với 20-25 tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-25, 50 tiêm kích MiG-23MLD, đến 150 tiêm kích lạc hậu MiG-21), không quân tiêm kích-bom  và ném bom (40 máy bay ném bom chiến thuật Su-24, 40 tiêm kích-bom MiG-23BN và 40 tiêm kích-bom Su-22), không quân trinh sát, vận tải, huấn luyện và trực thăng.

Tổng cộng trong trang bị có 478 máy bay chiến đấu, 106 máy bay huấn luyện, 31 máy bay huấn luyện-chiến đấu, 25 máy bay vận tải.

Lực lượng trực thăng gồm có khoảng 100 trực thăng chiến đấu và 110 trực thăng vận tải (55 trực thăng Pháp SA-342 Gazelle và 36 trực thăng Liên Xô Mi-24, ngoài ra, còn có gần 100 trực thăng vận tải Mi-17 và đến 10 trực thăng Mi-2).

Phòng không Syria gồm: 2 sư đoàn và 25 lữ đoàn tên lửa phòng không, 908 bệ phóng tên lửa phòng không (gần 600 bệ phóng tên lửa phòng không S-75 và S-125, đến 200 bệ phóng tên lửa phòng không Kvadrat, 48 bệ phóng tên lửa phòng không tầm xa S-200М, 60 bệ phóng tên lửa phòng không Osa, một số hệ thống tên lửa phòng không tối tân Buk, Pantsir S1E, cũng như đến 4.000 khẩu pháo cao xạ). Lãnh thổ Syria được chia thành hai khu vực phòng không: Khu vực phòng không phía nam và Khu vực phòng không phía bắc.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E trong cuộc tập trận mới đây ở Syria


Hải quân Syria có gần 4 000 quân. Các nhiệm vụ chính là bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển, phòng thủ bờ biển và vùng nước chủ quyền chống các cuộc tấn công từ các binh đoàn tàu địch. Bộ tư lệnh Hải quân đặt tại Latakia, các hạm tàu bố trí tại 3 căn cứ: Latakia (căn cứ chính của hạm đội), Tartus và Mina el Beida. Trong biên chế Hải quân Syria còn có các đơn vị pháo và tên lửa bờ biển, 1 phi đội trực thăng chống ngầm, 1 tiểu đoàn quan sát và một đơn vị người nhái.

Trong biên chế hạm đội có 10 tàu chiến, 18 tàu chiến nhỏ, 4 tàu hỗ trợ, 1 tàu thủy văn và 1 tàu huấn luyện. Các tàu chiến gồm: 2 frigate (các tàu săn ngầm Liên Xô lớp Projekt 159E, được chuyển giao cho Syria vào năm 1975), 3 tàu đổ bộ Projekt 770 (được chuyển giao vào năm 1981-1984) và 5 tàu quét lôi cũng do Liên Xô đóng (nhận vào thập kỷ 1970-1980). Lực lượng tàu chiến nhỏ gồm 10 tàu tên lửa Projekt 205 thuộc các biến thể khác nhau (được chuyển giao trong giai đoạn từ năm 1979-1982), 8 tàu tuần tra Projekt 1400 trang bị súng máy (được Liên Xô chuyển giao vào năm 1984-1986).


Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có 720.000 quân, gấp hơn 2 lần quân đội Syria. Ngoài ra, còn có lực lượng dự bị 90.000 người, trong đó có 38.000 là lực lượng động viên cấp 1. Khi có chiến tranh, hiến binh và lực lượng bảo vệ bờ biển thuộc biên chế của Bộ Nội vụ được chuyển thuộc cho Bộ tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ có 391.000 người (đông hơn toàn bộ quân đội Syria), trong đó có 4 quân đoàn dã chiến và một cụm tác chiến đóng ở phần đảo Síp do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Trong biên chế Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ có các binh đoàn tăng-thiết giáp, bộ binh và cơ giới hóa, 4 trung đoàn không quân và 6 trung đoàn pháo độc lập, 5 lữ đoàn và 2 trung đoàn đặc nhiệm (commandos) độc lập và 1 lữ đoàn “trợ giúp nhân đạo”. Lục quân Thổ Nhĩ Kỳ có 16 lữ đoàn cơ giới hóa, 9 lữ đoàn tăng và 11 lữ đoàn bộ binh, được biên chế thành các sư đoàn và quân đoàn.

Vũ khí trang bị gồm: 4.000 xe tăng Leopard, М-48 và М-60 thuộc các biến thể khác nhau, hơn 4.600 xe chiến đấu bọc thép (М-113, BTR-60PB và BTR-80); pháo có nòng 6.100 khẩu, 2.500 hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển (TOW, Cobra, Milan, Konkurs, Kornet). Không quân lục quân được trang bị 44 trực thăng chiến đấu АН-1 Cobra, 98 trực thăng đa nhiệm S-70 Black Hawk, 49 trực thăng АВ-204/206, 106 trực thăng UH-1 và 89 trực thăng AS.532.

Tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ



Không quân Thổ Nhĩ Kỳ gồm có 3 sở chỉ huy không quân, 3 căn cứ không quân độc lập, một sở chỉ huy hậu cần độc lập, tổng quân số là hơn 60.000 quân. Trong biên chế có: 11 phi đoàn không quân hỗ trợ, 21 phi đoàn không quân chiến đấu. Vũ khí trang bị gồm: khoảng 410 máy bay chiến đấu các loại F-4E, NF-5A, RF-4E, F-16D, F-16C, trong đó có F-16 Block 50, 103 máy bay vận tải và tiếp dầu, 40 trực thăng các loại và 192 máy bay huấn luyện. Ngoài ra, còn có hơn 50 bệ phóng tên lửa phòng không.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức thành các sở chỉ huy vùng hải quân phía bắc và vùng hải quân phía nam. Vũ khí trang bị gồm: 19 frigate МЕКО, 6 frigate Oliver Hazard Perry, 1 corvette tối tân Milgem, 6 tàu ngầm lớp Type 209/1200, 4 tàu ngầm lớp Type 209/1400 và 4 tàu ngầm lớp Type 209/1400М. Không quân hải quân có 6 CN-235 sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ theo giấy pháp của hãng CASA (Tây Ban Nha), 26 trực thăng Sikorsky và Augusta. Ngoài ra, trong biên chế của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ còn có 3 đơn vị đặc nhiệm và 1 lữ đoàn lính thủy đánh bộ.

Như vậy, cơ hội của Syria trong một cuộc xung đột quân sự tay đôi với Thổ Nhĩ Kỳ là không nhiều.

Nam Xương