In bài này
Voi Ấn đấu rồng Hoa: Chiến lược hải quân Ấn Độ đương đại
Thứ Năm, 19/04/2012 - 3:16 PM
Mối đe dọa quân sự thực tế nhất đối với Ấn Độ vẫn là Pakistan, nhưng khiến New Delhi lo ngại hơn lại là các tham vọng trên biển của Trung Quốc.

Ở giai đoạn chuyển giao thế kỷ XX-XXI, trong bối cảnh hạm đội của các cường quốc hải quân già Mỹ, Anh, Pháp và Nga bị cắt giảm, đã bắt đầu quá trình gia tăng sức mạnh hải quân của các nước châu Á, trước hết là Ấn Độ và Trung Quốc. Kinh tế phát triển bùng nổ một mặt đòi hỏi phải bảo vệ các lợi ích quốc gia của những người khổng lồ châu Á này trên đại dương thế giới, mặt khác đã cho phép cung ứng các nguồn lực để phát triển sức mạnh hải quân.

Khác với các tham vọng trên biển của Trung Quốc, mong muốn của Ấn Độ giành vị thế một đại cường hải quân thu hút ít sự chú ý hơn nhiều của cộng đồng chuyên gia. Tuy nhiên, tương lai nền chính trị thế giới, an ninh và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại phụ thuộc đáng kể vào “nhân tố Ấn Độ”. Để hiểu được đầy đủ hơn cách thức ứng xử của Ấn Độ trên trường quốc tế trong tương lai, cần xem xét chiến lược hải quân của họ.

Tư duy hải quân Ấn Độ ở mức độ đáng kể dựa trên truyền thống Anglo-Saxon, các học thuyết của Mahan và Corbett, cũng như các công trình nghiên cứu hiện đại của các chuyên gia và chiến lược gia Anh và trước hết là Mỹ. Song trong những thập niên gần đây, tư duy hải quân Ấn Độ đang trong quá trình phát triển tích cực và thích ứng với những đặc điểm chính sách an ninh quốc gia.

Năm 1988, Ấn Độ đã công bố “Chiến lược hải quân Ấn Độ giai đoạn 1989-2014” (Maritime Military Strategy for India 1989-2014), đây là văn kiện đầu tiên như vậy trong lịch sử hạm đội Ấn Độ.

Đầu những năm 2000, người ta thấy rõ những phương châm khái niệm của nó đã lỗi thời và không còn phù hợp với tình hình quốc tế đương đại và chính sách của Ấn Độ.

Năm 2004, họ đã công bố “Học thuyết hải quân Ấn Độ” (Indian Maritime Doctrine), một tập hợp những nguyên tắc cơ bản quy định việc sử dụng sức mạnh hải quân để đạt các mục tiêu chính sách quốc gia.

Học thuyết hải quân đã trở thành nền tảng cho một chiến lược mới, công bố vào năm 2007 và có tên là “Tự do sử dụng biển khơi: chiến lược hải quân Ấn Độ” (Freedom to use the seas: India’s Maritime Military Strategy). Khác với học thuyết trước đó, chiến lược mới không được xác định cho 25 năm mà chỉ cho 15 năm tới, mà theo các nhà soạn thảo cho phép đạt sự cân bằng giữa các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn. Việc thực hiện thành công chiến lược này sẽ cho phép bảo vệ hiệu quả các lợi ích quốc gia của Ấn Độ trên đại dương thế giới và mang lại cho Ấn Độ vị thế đại cường hải quân vào năm 2022.

Ấn Độ hướng tới vị thế đại cường hải quân vào năm 2022 (nareshchhikara.blogspot.com)

So với chiến lược hải quân Trung Quốc, chiến lược hải quân của Ấn Độ ở mức độ lớn hơn là một chiến lược kiểu hậu Mahan và theo định nghĩa của chuyên gia hải quân hàng đầu của Anh là Geoffrey Till, là chiến lược hậu hiện đại. Điều đó liên quan đến vai trò lớn hơn của các nhiệm vụ thời bình, hợp tác quốc tế, bảo đảm an ninh tập thể và an ninh quốc tế xác định trong chiến lược của Ấn Độ.

Địa-chính trị của Ấn Độ Dương

Mục tiêu chủ yếu của hạm đội Ấn Độ (đã được phản ánh ở tên gọi của chiến lược mới) là bảo đảm cho Ấn Độ quyền tự do tiếp cận với đại dương thế giới, cũng như bảo đảm vị thế bá chủ của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Ở mức độ đáng kể, đó là do Ấn Độ vẫn là một nước nhập khẩu thuần khối lượng lớn hydrocarbon. Trở thành nước tiêu thụ tài nguyên năng lượng lớn thứ ba thế giới vào năm 2009, Ấn Độ phụ thuộc 26% vào nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, nhập khẩu dưới 10% tài nguyên năng lượng tiêu thụ.

Từ giác độ địa-chính trị, Ấn Độ Dương có hàng loạt đặc điểm. Ấn Độ với đường bờ biển 7.500 km và gần 1,63 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế là đại cường duy nhất có lối trực tiếp ra đại dương này. Tuy nhiên, Ấn Độ phải tính đến ảnh hưởng mà hai đại cường ngoài khu vực là Mỹ và Trung Quốc có ở Ấn Độ Dương.

Tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương, yếu tố có vai trò then chốt trong hệ thống thương mại hàng hải và vận chuyển hydrocarbon toàn cầu, phụ thuộc vào sự tự do thông thoáng của 9 “điểm hẹp” là eo biển Hormuz, kênh đào Suez, các eo biển Bab el Mandeb, Malacca, Lombok và Sunda, cũng như các eo biển vĩ độ 6 và vĩ độ 9 và Mũi Hảo vọng. Việc phong tỏa hay những hạn chế khác đối với giao thông hàng hải ở các khu vực này sẽ dẫn tới những hậu quả kinh tế và chính trị nghiêm trọng, có tính chất toàn cầu.

Tại khu vực Ấn Độ Dương tập trung gần 65% trữ lượng dầu mỏ thế giới, 35% trữ lượng khí đốt thế giới, cũng như một trữ lượng đáng kể các tài nguyên khoáng sản và sinh học khác. Sinh sống ở khu vực này là gần 2,4 tỷ người, chiếm 1/3 dân số trái đất và đến năm 2050, con số này có thể vượt 3 tỷ người. Trong số 36 nước then chốt và 19 quốc gia ngoại vi của khu vực đang thấy có những sự mất cân đối nghiêm trọng về trình độ phát triển kinh tế và ổn định nội bộ. Cùng với những nước phồn vinh như Australia, Singapore và Saudi Arabia, cũng có những nước quá nghèo và bất ổn như Somalia, Madagascar và Eritrea.

Ở Ấn Độ Dương tập trung một số lượng đáng kể các mối đe dọa đối với  an ninh quốc gia Ấn Độ. Đang hoạt động trong khu vực có các tổ chức khủng bố quốc tế lớn nhất như Al Qaeda, Lashkar-e-Taiba và Jemaah Islamiyah. Bất chấp những nỗ lực bảo vệ giao thông hàng hải của quốc tế, đầu phía đông và đầu phía tây Ấn Độ Dương vẫn là những khu vực hải tặc hoành hành của thế giới. Tại khu vực Ấn Độ Dương tập trung những lò lửa căng thẳng nguy hiểm nhất thế giới như Iran, Somalia, Yemen, Afghanistan và Pakisatan. Cuối cùng, tại khu vực này diễn ra gần 70% thiên tai trên thế giới.

Các cơ sở của chiến lược hải quân Ấn Độ

Chiến lược hải quân hiện nay của Ấn Độ vạch ra 4 vai trò chính của hải quân: quân sự, ngoại giao, cảnh sát và “mềm”. Dù có những khác biệt đặc thù nhất định, cách tiếp cận của các chuyên gia hải quân Ấn Độ đối với các chức năng chính của hải quân phần lớn phù hợp với các nguyên tắc được chấp nhận ở các cường quốc phương Tây hàng đầu, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng là sự tổng hợp các ý tưởng hiện đại của Mahan-Corbett và tư tưởng hậu hiện đại phương Tây, trước hết là của Mỹ, những năm 1990-2000.

Vai trò quân sự của hạm đội theo chiến lược của Ấn Độ bao gồm các chức năng không chỉ của thời chiến mà còn của cả thời bình. Thuộc các chức năng thời chiến là giành ưu thế trên biển, tranh giành ưu thế trên biển trong một cuộc xung đột với một cường quốc hải quân mạnh hơn, cũng như tác chiến ở các khu vực ven bờ, trong đó có tiến hành các chiến dịch đổ bộ và các hành động phối hợp với các quân chủng khác.

Vai trò quân sự của hạm đội trong thời bình được hiểu trước hết là thực hành kiềm chế chiến lược, cả hạt nhân lẫn quy ước. Cần lưu ý là kiềm chế hạt nhân đối với Hải quân Ấn Độ vẫn còn là chức năng tương lai vì tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn đầu tiên của Ấn Độ Arihant vào năm 2012 mới được nhân vào trang bị. Tuy nhiên, đối với một quốc gia mà học thuyết quân sự xác định sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ để đánh trả thì việc xây dựng thành phần trên biển của lực lượng hạt nhân chiến lược là nhiệm vụ hàng đầu. Cuối cùng, thời bình, Hải quân Ấn Độ đặc biệt nêu bật sự tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc hoặc trong khuôn khổ các liên minh quốc tế, trong đó có các chiến dịch cưỡng chế hòa bình và can thiệp nhân đạo.

Vai trò ngoại giao của hạm đội Ấn Độ bao gồm những chức năng rất khác nhau như thi hành “chính sách pháo thuyền” và gây áp lực chính trị, thực thi hiện diện hải quân ở hải ngoại và phô trương sức mạnh, cũng như phát triển quan hệ đối tác quân sự với các nước khác. Các cuộc tập trận hải quân quốc tế và các chiến dịch phi chiến tranh khác nhau cũng đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao hải quân Ấn Độ. Cần lưu ý là thuật ngữ “tung sức mạnh” mà trong quan niệm truyền thống phương Tây được hiểu là việc tiến hành các chiến dịch đổ bộ và các hành động khác kiểu “hạm đội đối bờ”, trong chiến lược của Ấn Độ hầu như đồng nhất với hiện diện ở hải ngoại và phô trương sức mạnh.

Vai trò cảnh sát của hạm đội hoàn toàn tương tự với cái người ta quen gọi là “an ninh biển”, vốn bao gồm bảo đảm chủ quyền và bảo vệ các tài nguyên đại dương thế giới, duy trì hoạt động thương mại trên biển tự do và mở, đối phó với các mối đe dọa phi chiến tranh, bảo đảm sự ổn định kinh tế, chính trị và luật pháp trên đại dương thế giới. Hải quân Ấn Độ hướng cả vào việc tiến hành các chiến dịch độc lập cường độ thấp nhằm chống cướp biển và khủng bố, cũng như phối hợp với lực lượng bảo vệ bờ biển thực hiện các chức năng chống buôn lậu, buôn bán ma túy và nhập cư trái phép, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, các tài nguyên khoáng sản và sinh học của đại dương thế giới, cũng như chống làm ô nhiễm môi trường.

Cuối cùng, “vai trò mềm” bao trùm toàn bộ phổ “sức mạnh mềm” do Hải quân Ấn Độ thực hiện. Nhiệm vụ chính của nó khác với “vai trò cứng”, vai trò quân sự là việc tạo dựng hình ảnh tích cực của Ấn Độ trên thế giới, tạo môi trường quốc tế xung quanh thuận lợi, quảng bá các giá trị văn hóa và chính trị của Ấn Độ. “Sức mạnh mềm” của hạm đội được hiểu là giúp đỡ các quốc gia biển yếu hơn phát triển hạm đội và lực lượng bảo vệ bờ biển, trợ giúp nhân đạo và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như hỗ trợ nghiên cứu đại dương thế giới.

Đóng vai trò quan trọng nhất trong thực hiện 4 “vai trò” của Hải quân Ấn Độ là việc tạo ra năng lực nắm bắt tình hình trên đại dương thế giới. Mục tiêu chính là bảo đảm khả năng nắm được thích đáng tình hình trên Ấn Độ Dương và bên ngoài khu vực này. Theo chiến lược hải quân của Ấn Độ, “sức mạnh của hạm đội nằm ở khả năng phản ứng kịp thời với những thay đổi tình hình hơn là ở cơ số đạn tên lửa của nó”.

Chính sách “Hướng đông” chọi với chiến lược “Liên châu”

Mối đe dọa quân sự thực tế nhất đối với Ấn Độ vẫn là Pakistan. Nhưng khiến New Delhi lo ngại hơn lại là các tham vọng trên biển của Trung Quốc và trước hết là học thuyết “Liên châu” (chuỗi ngọc trai) của họ vốn trù tính thiết lập khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Các mục đích của học thuyết “Liên châu” là bảo đảm an ninh cho việc vận chuyển tài nguyên năng lượng đến Trung Quốc, bảo đảm cho Trung Quốc xâm nhập thị trường các nước trong khu vực, cũng như tạo ra lượng dự trữ để bảo đảm quyền kiếm soát của Trung Quốc đối với các tuyến hàng hải chủ yếu và các “điểm hẹp” của Ấn Độ Dương.

Các “viên ngọc trai” chủ chốt của Trung Quốc trong khu vực là các cảng Gwadar ở Pakistan, Hambantota ở Sri Lanka, Chittagong ở Bangladesh, Sittwe, Kyaukpyu và Yangon ở Myanmar, cũng như các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đảo Hải Nam. Cũng có khả năng xuất hiện “những viên ngọc trai” mới, trong đó có quần đảo Coco của Myanmar, đảo Mahé của Seychelles, và dự án kênh đào Kra ở Thái Lan.

Chiến lược "Liên châu" của Trung Quốc đe dọa vị thế của Ấn Độ
trên Ấn Độ Dương (china-briefing.com)

Tuy nhiên, Ấn Độ đang đối phó khá hiệu quả với sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng chuyển biến dân chủ ở Myanmar đã làm suy yếu căn bản vị thế của Trung Quốc và hậu thuẫn cho sự xích lại gần Ấn Độ về chính trị và kinh tế. Ngoài ra, do ảnh hưởng của Ấn Độ mà đến nay Trung Quốc vẫn không thể chắc chân trên quần đảo Maldives, nơi Bắc Kinh dự định thành lập một căn cứ tàu ngầm trên đảo san hô vòng Marao. Ấn Độ cũng thi hành chính sách tích cực trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế các nước vịnh Bengal (BIMSTEC), với các thành viên là Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Myanmar, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan.

Đối lại, “Liên châu” của bản thân Ấn Độ bao gồm nhiều căn cứ hải quân trên lục địa Ấn Độ (lớn nhất là các căn cứ Kochi, Karwar, Mumbai và Vishakhapatnam), trên các lãnh thổ đảo liên hiệp - Lakshadweep, quần đảo Andaman và quần đảo Nicobar, cũng như các quan hệ đối tác với Seychelles, Mauritius, Madagascar và Oman.

Quan hệ Ấn-Trung diễn biến căng thẳng nhất là ở khu vực Biển Đông, nơi học thuyết “Liên châu” của Trung Quốc đụng đầu với chính sách “hướng đông” của Ấn Độ vốn trù định sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Khái niệm này được nêu lên từ đầu thập niên 1990 dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao và đạt đến cao điểm dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh, người bị người ta đùa cợt không công nhận là người Ấn Độ vì ông mất quá nhiều thời gian cho các chuyến đi nước ngoài để củng cố ảnh hưởng của Ấn Độ.

Sự xích lại gần nhau giữa Ấn Độ với Việt Nam, địch thủ cũ của Trung Quốc. Sự phát triển quan hệ chính trị-quân sự và kinh tế giữa Hà Nội và New Delhi chính là một sự đáp trả đối xứng với việc củng cố quan hệ Trung Quốc-Pakistan. Bắc Kinh đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố cứng rắn về chương trình hợp tác Việt-Ấn khai thác dầu mỏ ở Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng bực tức với quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự Ấn-Việt vốn phát triển nhanh từ giữa những năm 2000. Ấn Độ đã tiến hành sửa chữa và hiện đại hóa các máy bay tiêm kích MiG-21, cũng như cung cấp phụ tùng cho tàu chiến Việt Nam. Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước đang tiến hành các cuộc diễn tập và tuần tra phối hợp.

Cuối tháng 7/2011, đã xảy ra một sự cố vừa tức cười và đáng ngại, khi tàu đổ bộ cỡ lớn của Ấn Độ Airavat, lúc đang ở cách bờ biển Việt Nam 80 km, đã nhận được thông điệp kỳ quặc gửi qua vô tuyến điện mà dường như là xuất phát từ “hạm đội Trung Quốc”. Thông điệp này thông báo: “Các vị đã đi vào vùng biển Trung Quốc”. Việc này đã buộc New Delhi một lần nữa lên tiếng tuyên bố rằng, Ấn Độ ủng hộ các nguyên tắc tự do trên biển và giao thương, “kể cả ở Biển Đông” và các nguyên tắc này “cần phải được tôn trọng bởi tất cả các nước”.

Sự gia tăng mâu thuẫn Ấn-Trung có lợi cho Mỹ. Những năm gần đây, Washington tiến hành chính sách ngầm kiềm chế các tham vọng trên biển của Trung Quốc và cô lập Trung Quốc bằng cách thiết lập quan hệ đối tác gần như có tính bài Trung của các nước ASEAN và Nhật Bản. Đang bị thúc đẩy dần dần tham gia quan hệ đối tác này là Ấn Độ và sau đó là các nước khác ở khu vực Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, Ấn Độ không có ý định làm gia tăng mạnh căng thẳng quan hệ với Trung Quốc. Trái lại, vào năm 2011, Bắc Kinh và New Delhi đã nối lại đối thoại song phương về quốc phòng. Quan hệ đối tác Ấn Độ-Trung trong lĩnh vực quốc phòng bao gồm cả các cuộc tập trận chung và trao đổi đoàn quân sự. Một trong những nhiệm vụ qua trọng nhất của đối thoại song phương là giải quyết tranh chấp lãnh thổ xung quanh khu vực Aksai Chin ở bang Jammu và Kashmir, cũng như xung quanh bang Arunachal Pradesh ở đông bắc Ấn Độ. Ở giai đoạn này, quan hệ đối tác Ấn-Trung đối với cả hai nước quan trọng hơn là đối đầu.

Chiến lược chỉ đạo công tác xây dựng hạm đội

Các phương châm chiến lược hải quân xác định mong muốn của Ấn Độ tiến tới xây dựng một hạm đội đại dương lớn, cân bằng. Hiện tại, hải quân nước này đã là một trong những hạm đội lớn nhất thế giới, còn sau khi thực hiện thành công chương trình xây dựng hải quân quy mô lớn hiện tại thì Hải quân Ấn Độ sẽ lọt hẳn vào tốp 5 hạm đội hùng mạnh nhất thế giới.

Hải quân Ấn Độ hướng tới mục tiêu lọt vào tốp 5 hạm đội hùng mạnh nhất thế giới (marsecreview.com)

Cho đến nay, hoạt động xây dựng hải quân của Ấn Độ phụ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí trang bị và công nghệ hải quân. Các đối tác then chốt của Ấn Độ trong lĩnh vực này trong một thời gian dài là Nga và Pháp. Khác với Trung Quốc, Ấn Độ không có ngành công nghiệp đóng tàu mạnh khả dĩ có thể tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các chương trình đóng tàu quân sự. Tuy vậy, trong 10 năm qua, Ấn Độ đã đạt được những thành tựu căn bản trong việc tự lực đóng tàu quân sự và chế tạo vũ khí trang bị hải quân.

Đặc biệt đáng lưu ý là các dự án như đóng các tàu ngầm hạt nhân thế hệ 1 của Ấn Độ lớp Arihant, tàu sân bay đầu tiên do Ấn Độ thiết kế Vikrant để thay thế tàu san bay duy nhất hiện có Viraat. Các chương trình đóng tất cả các lớp tàu chiến mặt nước cơ bản: các tàu corvette lớp Kamorta (Project 28 và 28A), các frigate lớp Shivalik (Project 17 và 17А), các tàu khu trục lớp Delhi và Kolkata (Project 15, 15A và 15B) đang được thực hiện thành công. Cũng không thể không nhắc đến dự án hợp tác Nga-Ấn chế tạo tên lửa hành trình BrahMos và biến thể siêu vượt âm của nó là BrahMos II.

Chiến lược hải quân Ấn Độ đặc biệt chú trọng việc nắm bắt thông tin tình hình trên đại dương thế giới. Với mục đích đó, Ấn Độ đang từng bước thực hiện các chương trình xây dựng hệ thống theo dõi thống nhất, bao gồm các vệ tinh quân sự, máy bay không người lái, máy bay và trực thăng báo động sớm, cũng như không dưới 24 máy bay tuần biển P-8 Poseidon của công ty Boeing mà việc chuyển giao sẽ bắt đầu vào năm 2013.

Ấn Độ dự định có trong biên chế hạm đội 2 sân bay thông thường vào năm 2015 và 3 tàu đến năm 2020: đó là tàu sân bay Vikramaditya 44.000 tấn do Nga chuyển giao, tàu sân bay Vikrant 40.000 tấn và tàu sân bay tương lai Vishal có lượng giãn nước khoảng 60.000-70.000 tấn. Điều đó sẽ cho phép Ấn Độ luôn có 2 tàu sân bay ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, trong khi tàu thứ ba đang được sửa chữa định kỳ và bảo dưỡng kỹ thuật. Nhiều lần đã có tin đồn Ấn Độ cũng có thể mua một số tàu đổ bộ cỡ lớn.

Các đô đốc Ấn Độ nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc đóng các tàu chiến lớn vạn năng là nhiệm vụ ưu tiên, chứ không phải là xây dựng “hạm đội muỗi” (hạm đội các tàu nhỏ).

Như vậy, vào năm 2020-2025, Ấn Độ có thể xây dựng được một hạm đội đại dương hiện đại hùng mạnh mà nòng cốt là 3 tàu sân bay, 50-70 tàu chiến các loại corvette - frigate - khu trục và gần 30 tàu ngầm, trong đó có 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn, đến 6 tàu ngầm nguyên tử đa năng và 15-20 tàu ngầm thông thường. Điều đó sẽ cho phép Ấn Độ thực hiện chiến lược hải quân của mình và biến Ấn Độ Dương thành “ao nhà” của mình.

  • Nguồn: Prokhor Yurevich Tebin // NG, 16.3.2012.
Nhân Vũ