In bài này
DF-21D vs tàu sân bay Mỹ: Ai thắng ai?
Chủ Nhật, 15/04/2012 - 4:15 PM
Báo chí thế giới đã đưa tin quân đội Mỹ không còn sợ tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM) DF-21D của Trung Quốc vì họ đã tìm ra được các biện pháp tổ hợp để phát hiện và tiêu diệt ASBM.

Trang mil.news.sina.com.cn, mới có bài bàn về khả năng đối đầu giữa DF-21D và tàu sân bay Mỹ.

Theo bài viết, hiện nay, Trung Quốc đang đẩy nhanh triển khai các tên lửa này với nhiệm vụ tấn công các tàu sân bay Mỹ di chuyển ngoài khơi. Quân đội Mỹ sẽ tìm cách ngăn chặn các cuộc tấn công này bằng các hệ thống tác chiến điện tử, mà quan trọng nhất trong số đó là các máy bay trên hạm ЕА/F-18F Growler. Mỹ đã chi nhiều tiền để nghiên cứu chế tạo các máy bay này.

Ngoài ra, các tàu sân bay Mỹ sẽ hành quân ở chế độ im lặng vô tuyến để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các tín hiệu vô tuyến điện của tàu sân bay Mỹ để dẫn tên lửa của họ, cũng như gây khó khăn cho việc định vị tàu sân bay. Các tàu sân bay Mỹ cũng sẽ di chuyển trong đội hình bảo vệ của các tàu trang bị hệ thống chống tên lửa AEGIS. Các tên lửa chống tên lửa trên các tàu này có thể chặn đánh các tên lửa đường đạn, kể cả DF-21D.

Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự Nga cho rằng, khả năng của Mỹ đối phó với các sát thủ tàu sân bay ASBM có thể là không hiệu quả vì quân đội Mỹ không hiểu được nhiều đặc điểm hoạt động của DF-21D.

Một là, quân đội Trung Quốc có thể sử dụng vệ tinh, các hệ thống hồng ngoại, các radar chính xác cao và máy bay không người lái để phát hiện tàu sân bay. Trung Quốc cũng đang tăng tốc triển khai hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu và có thể triển khai trên bờ biển của họ các radar ngoài đường chân trời có khả năng phát hiện tàu lớn ở cự ly hơn 1.000 km. Khi đối đầu với các hệ thống phát hiện hiện đại này, Mỹ có thể thất bại trong tác chiến chống ASBM.

Hai là, các tên lửa này có tính năng tàng hình và được triển khai trên các bệ phóng cơ động cao, có tầm bắn 1.800-2.000 km. Thời gian bay đến mục tiêu sẽ là không quá 12 phút, tên lửa bổ nhào xuống mục tiêu với tốc độ rất cao nên hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ có thể không kịp phản ứng với các cuộc tấn công của ASBM.
Ba là, Trung Quốc có thể trang bị hệ dẫn radar mới cho các tên lửa này cho phép chuyển ngắm, thay đổi mục tiêu tấn công trong khi bay. Ngoài ra, cuộc tấn công bằng ASBM có thể kèm theo bằng việc phóng ồ ạt các tên lửa hành trình chống hạm để gây khó khăn hơn nữa cho hệ thống phòng thủ tên lửa trên tàu chiến Mỹ. Và cuối cùng, báo chí Nga cho rằng, Trung Quốc có thể trang bị đầu đạn hạt nhân cho ASBM.

Mỹ có thể áp dụng các đối sách nào? Họ đang phát triển vũ khí laser trên tàu để tiêu diệt tên lửa đường đạn tấn công. Giới quân sự Mỹ đang chuẩn bị các biện pháp tiêu diệt DF-21D tại các trận địa phóng trên bờ. Họ dự định sử dụng máy bay tấn công tàng hình cho mục đích này.
Theo các chuyên gia phân tích, các tiêm kích tàng hình F-22 trang bị vũ khí chính xác cao là phương tiện tấn công lý tưởng để vô hiệu hóa phòng không Trung Quốc và tấn công các căn cứ DF-21D ven bờ biển triển khai trên bờ biển phía đông nước này. Giới quân sự Mỹ cho rằng, F-22 hoàn toàn có khả năng đột phá hệ thống phòng không Trung Quốc và tiêu diệt các bệ phóng cơ động của DF-21D.

Nhưng nếu như Mỹ không thể tìm thấy các bệ phóng ASBM và định vị tọa độ cảu chúng thì các tiêm kích Mỹ có thể sử dụng các tên lửa chống radar để tiêu diệt các radar bờ biển, các hệ thống trinh sát và các sở chỉ huy, và bằng cách đó làm cho DF-21D mất đi sự bảo đảm thông tin, làm chúng vô dụng với tư cách phương tiện tấn công.

Các biện pháp đối phó của Mỹ có những khó khăn nhất định trong thực hiện, bởi vì ví dụ như vũ khí laser sẽ khó ra đời trước năm 2025. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ cho rằng, Mỹ hiện có nhiều hệ thống vũ khí cần thiết để đối phó với DF-21D và “thời gian đang đứng về phía Mỹ”. Quân đội Trung Quốc cần khoảng thời gian nhất định để hoàn thành những thử nghiệm cần thiết đối với DF-21D.

Bình luận của VietnamDefence:

Nhân bàn về vấn đề ai thắng ai giữa tên lửa đường đạn chống hạm Trung Quốc và tàu sân bay Mỹ,  xin lạm bàn, góp thêm vài ý kiến.

1. Chức năng chính của ASBM Trung Quốc là vũ khí răn đe, chứ không phải là vũ khí mà Trung Quốc dễ dàng đem ra sử dụng. Nhất là để chống lại Mỹ, trừ phi họ muốn một cuộc chiến tranh lớn với Mỹ, muốn tạo cớ cho Mỹ đánh sập nền kinh tế và hạ tầng quân sự của mình. Hơn nữa, Trung Quốc không thể chắc chắn ASBM có thể thực sự đánh được tàu sân bay vì những công nghệ cho phép làm việc đó là rất khó khăn, hầu như chưa ai làm được.

2. Trung Quốc có thể sử dụng ASBM trong trường hợp Đài Loan tuyên bố độc lập và Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột quân sự xuyên eo biển; hoặc khi Trung Quốc tự tin dùng vũ lực thách thức Mỹ để sắp xếp lại trật tự thế giới và khu vực.

Giả sử, Trung Quốc sử dụng ASBM tấn công tàu sân bay Mỹ, điều gì sẽ xảy ra?

Một tàu sân bay đắm hoặc bị thương, cùng hàng ngàn thủy thủ thương vong là một cớ quá tốt để Mỹ ra tay tổng lực đánh gục Trung Quốc, ít ra là về mặt kinh tế và đánh thiệt hại nặng hạ tầng quân sự của nước này.

Mỹ từng hy sinh phần lớn Hạm đội Thái Bình Dương của họ ở Trân Châu Cảng để thanh toán một Nhật Bản hiếu thắng thách thức sự thống trị của Mỹ ở Thái Bình Dương cơ mà. Ta vẫn còn nhớ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, chẳng một lính Mỹ nào thiệt mạng, nhưng vẫn đủ để Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh lớn nhất nửa cuối thế kỷ XX kéo dài hàng chục năm trời ở Việt Nam. 

Hơn nữa, các chuyên gia phân tích và giới quân sự Mỹ đang thổi phồng nguy cơ của ASBM để dọn đường dư luận cho đòn trả đũa của Mỹ thậm chí khi Trung Quốc chưa đánh trúng mà chỉ phóng đi ASBM, hay hơn nữa là chỉ có dấu hiệu Trung Quốc sử dụng ASBM là đủ cho họ ra tay trước khi quá muộn, trước khi Trung Quốc thực sự thách thức vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ.

Về mặt chiến thuật, sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ chủ trương phát triển mạnh các loại vũ khí tiến công đường không phóng từ ngoài tầm hỏa lực phòng không đối phương và binh khí tàng hình. Và họ đã rất thành công trong các cuộc chiến tranh quy ước sau Việt Nam.

Với sự xuất hiện của ASBM, Mỹ sẽ thích ứng chiến thuật tấn công ngoài tầm ở một cấp độ mới, cao hơn nhiều. Cự ly tấn công ngoài tầm của các vũ khí mới mà Mỹ đang phát triển sẽ là hàng ngàn kilômet. Đó là cuộc chiến tranh 5 chiều (vũ trụ - không - đất - biển - phổ điện từ) kết hợp tất cả các yếu tố chiến tranh hiện đại như vũ trụ, robot, binh khí tàng hình, vũ khí thông thường tấn công toàn cầu, vũ khí nguyên lý mới, tác chiến điện tử, chiến tranh mạng…

Cuộc chiến nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ là cuộc chiến tranh vũ trụ đầu tiên. Quân đội Mỹ dựa quá nhiều vào các phương tiện vũ trụ để tác chiến vì thế chắc chắn các vệ tinh của Mỹ là mục tiêu tấn công phi đối xứng của Trung Quốc. Mặt khác, để khắc chế khả năng trinh sát và dẫn đường cho ASBM của Trung Quốc, Mỹ chắc chắn tấn công cứng hoặc mềm đối với hệ thống vệ tinh trinh sát, dẫn đường, thông tin liên lạc của Trung Quốc.

Sau năm 2001, với cớ chống khủng bố, Mỹ phát động chương trình phát triển các vũ khí tấn công nhanh toàn cầu gồm tên lửa đường đạn xuyên lục địa cải tiến để mang đầu đạn thông thường và các vũ khí siêu vượt âm. Trong vòng 1 giờ, các vũ khí này sẽ đến được mọi mục tiêu trên toàn thế giới.

Mỹ cũng đang robot hóa mạnh mẽ các vũ khí của họ và ứng dụng để đối phó với Trung Quốc sẽ là các máy bay vũ trụ không người lái như X-37B bay trên quỹ đạo cả năm làm nhiệm vụ tấn công vũ trụ, hàng trăm, hàng ngàn tàu ngầm robot rẻ tiền có thể hoạt động lang thang dưới mặt biển hàng tháng trời, hàng trăm máy bay tấn công tàng hình không người lái tầm xa như X-47B.

Vũ khí nguyên lý mới như vũ khí laser chỉ dăm ba năm nữa sẽ xuất hiện trên tàu chiến, máy bay tiêm kích và ném bom Mỹ.

Về tác chiến điện tử và chiến tranh mạng thì cũng có thể khẳng định Mỹ là thiên hạ đệ nhất. Các radar ngoài đường chân trời và các phương tiện trinh sát, dẫn đường khác phục vụ ASBM của Trung Quốc sẽ là mục tiêu số 1 của các phương tiện tác chiến điện tử Mỹ.

Trong khi đó, nếu Trung Quốc tấn công mạng nước Mỹ, việc đó sẽ bị coi là tấn công xâm lược chính nước Mỹ và có thể kéo theo hậu quả trầm trọng, khó lường.

Như vậy, nếu một khi Trung Quốc bắn đi dù 1 quả DF-21D hay thậm chí mới chuẩn bị sử dụng, họ đã chịu nguy cơ trả đũa khủng khiếp từ phía Mỹ.

Đây sẽ là cuộc chiến tranh ngắn, không sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng cường độ cao và khốc liệt. Nếu DF-21D của Trung Quốc chỉ có tầm khoảng vài ngàn cây số, thì cuộc tấn công trả đũa của Mỹ cũng chỉ bó hẹp ở dải bờ biển Trung Quốc để hạn chế leo thang chiến tranh. Nhưng không gian đó cũng là quá đủ để Mỹ triệt hạ hệ thống hạ tầng quân sự (căn cứ hải quân, không quân, tên lửa, các sở chỉ huy, kho tàng..) của Trung Quốc ven bờ biển và trên đảo Hải Nam.

Mặt khác, tàu sân bay Mỹ thì có thể di chuyển, còn các đặc khu kinh tế, các thành phố, cơ sở kinh tế, công nghiệp lớn không chạy đi đâu được. Liệu Trung Quốc có dám đánh đổi hàng chục triệu người chết khi “máy bay không người lái” Mỹ đánh bom “nhầm” phá vỡ đập Tam Hiệp với 5.000 lính Mỹ trên tàu sân bay bị ASBM đánh đắm không?

Kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao nếu Mỹ phá hủy kho dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc, đánh bom các tuyến đường ống dẫn dầu đến Trung Quốc và phong tỏa bờ biển nước này bằng thủy lôi?

Tóm lại, DF-21D chỉ là con ngoáo ộp để dọa Mỹ là chính, chứ không phải là vũ khí có hiệu quả chiến đấu thực sự. Trung Quốc rất khó có khả năng manh động sử dụng ASBM để chống các tàu sân bay Mỹ vì những hậu quả khó kiểm soát của nó trước phản ứng trả đũa của Mỹ. Nếu DF-21D dọa được Mỹ thì Trung Quốc đã đạt mục đích, nhưng nếu dọa không được thì sao?
Nam Xương