In bài này
Tình báo Pháp chơi tình báo Thổ
Thứ Tư, 22/02/2012 - 11:13 AM
Hé mở màn bí mật che phủ hoạt động của các cơ quan tình báo ở Syria. Syria bắt 49 sĩ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay sau Libya là đến lượt Syria. Việc triệu hồi các đại sứ, thúc đẩy thông qua các nghị quyết cần thiết ở Liên Hiệp Quốc, cuối cùng là sự gia tăng đột biến hoạt động của các cơ quan tình báo là những dấu hiệu chắc chắc cho một cuộc chiến đang đến gần.

Cuộc chơi tình báo

Henrich, một người gốc Đức đến từ miền bắc Kazakhstan, vừa trở về từ Damascus, Syria. Phóng viên này từng đến nhiều điểm nóng và vừa ở Syria trong thời gian ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Giám đốc Cục Tình báo đối ngoại Nga SVR Mikhail Fradkov thăm Damascus với sứ mệnh bí mật. Henrich đã chia sẻ với tuần báo Luận chứng tuần lễ (Nga) một số thông tin, góp phần hé mở màn bí mật che phủ hoạt động của các cơ quan tình báo ở Syria.

Theo lời kể của Henrich, nhân dân ở trung tâm Damascus đã thực sự vui mừng chào đón đoàn Nga do ông Lavrov và Fradkov dẫn đầu đến Syria. Trước chuyến thăm, ông Lavrov đã tuyên bố: “Chính sách của Nga không phải là ở chỗ yêu cầu ai đó về vườn. Thay đổi chế độ không phải nghề nghiệp của chúng tôi”. Điều đó có thể đúng với nghề ngoại giao, nhưng lại là miếng võ lọt lòng của gián điệp.

Henrich bác bỏ thông tin trên tờ báo tiếng Arab Asharq Al-Awsat xuất bản ở London nói rằng, Giám đốc SVR Mikhail Fradkov khi thăm Damascus đã chuyển cho chính quyền Syria các bức ảnh vệ tinh chụp các vị trí trú đóng của các đơn vị vũ trang đối lập. Henrich coi đó là thông tin ấu trĩ, dành cho những kẻ không chuyên. Vì tình báo vũ trụ do GRU tiến hành chứ không phải SVR. Hơn nữa, việc một chỉ huy tình báo đối ngoại đi làm vai trò giao thông viên đâu có vẻ vang gì. Vai trò của ông ta dĩ nhiên là vai trò chính trị.

Đặc nhiệm Pháp đã đến Syria?

Bình luận về thông tin trên tờ báo Pháp Le Figaro nói rằng, tình báo Nga cử cố vấn tràn ngập Syria, đòi chính quyền Syria cho nối lại hoạt động của trạm chặn thu vô tuyến điện Sigma (của Liên Xô trước đây) và thậm chí đang dàn dựng việc loại bỏ Bashar al-Assad khỏi quyền lực bằng các thuộc cấp thân Nga của ông Assad, Henrich cho đó là trò gắp lửa bỏ tay người của người Pháp. Trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ông Sarkozy muốn giành sự ủng hộ không chỉ của cộng đồng Armenia mà cả của cộng đồng Arab đông đảo hơn. Vì thế, Pháp đang bày mưu tính kế khi cầm đầu cái gọi là “Câu lạc bộ những người bạn của Syria”. Bằng tình báo, họ đang đánh lừa cả những đồng minh cũ. 

Theo Henrich, mới đây đã xảy ra một scandal lớn. Ngày 7/2/2012, an ninh Syria đã bắt giữ 49 sĩ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở các khu vực khác nhau ở Syria. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán để giải thoát họ.

Chính trung tâm tình báo Pháp ở Damascus theo lệnh từ Paris đã cung cấp thông tin về lưới tình báo Thổ cho các các cơ quan đặc vụ Syria. Thế mà bây giờ, họ lại đổ cho ông Fradkov đã cung cấp danh sách điệp viên Thổ trong phụ lục kèm theo lá thư mật của Tổng thống Nga Medvedev.

Bằng cách đó, Pháp muốn gây bất hòa giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Nhưng cần nhắc lại là chuyến thăm của đoàn Nga diễn ra ngày 7-8/2, còn các vụ bắt bớ điệp viên Thổ đã bắt đầu mấy giờ trước cuộc gặp giữa Tổng thống Syria Assad với các ông Lavrov và Fradkov.

Ngoài ra, ít ai biết là trùm tình báo Iran, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm al-Quds, tướng Qassem Sulemani đã dẫn đầu một đoàn tình báo quân sự Iran đông đảo bí mật đến Damascus ngày 5-6/2. Mà người Ba Tư và người Thổ lại có những món nợ từ xa xưa. Nên tình báo Pháp cũng định lợi dụng sự thù địch này. Ở Damascus, họ tung tin đồn rằng, đặc nhiệm Iran đang trấn áp cuộc nổi loạn ở Syria. Nhưng trang tin DEBKAfile (Israel) dẫn các nguồn tin trong giới quân sự và tình báo lại đưa tin, các đơn vị đặc nhiệm Anh và Qatar đang hoạt động tại khu vực giao tranh ở thành phố Homs.

Báo chí Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran từ ngày 18/2 cũng đưa tin các đơn vị đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, Israel cũng đã vào Syria chiến đấu bên phía quân nổi dậy. Quân đội Syria đã bắt được gần 50 (có nguồn nói 40, 50) sĩ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động lật đổ ở Damascus, Homs và các thành phố khác của Syria với nhiệm vụ tấn công khủng bố các mục tiêu của chính phủ Syria và hỗ trợ huấn luyện quân sự cho quân nổi dậy. 7 người trong số đó đã thú nhận được Mossad huấn luyện.

Những “sứ giả” đặc nhiệm của Sarkozy

Trong cuốn sách “Quyền lực và chính sách ở Syria” (Power and Policy in Syria), nhà nghiên cứu Mỹ Radwan Ziadeh có dẫn con số ấn tượng: cứ 256 người Syria thì có một nhân viên đặc vụ. Nhưng Henrich không đánh giá cao chất lượng hoạt động của các cơ quan đặc vụ Syria.

Henrich cho rằng, giống như Libya, tham nhũng làm hư hỏng cả các cơ quan đặc vụ. Ở Syria có một mức giá ngầm cho một xe ô tô có chở súng qua biên giới: năm ngoái, các nhân viên tình báo Pháp trả cho lính biên phòng Syria 50.000 USD, còn từ tháng 2 năm nay đã là 80.000 USD.

Sở dĩ phải nhấn mạnh đến tình báo Pháp đơn giản là vì tình báo Pháp đi đầu ở Syria. Sarkozy đã tìm thấy ở Qatar nhà tài trợ mới thay cho nhà tài trợ cũ Gaddafi đã bị bán đứng và bị giết hại. Nay những đồng đô la dầu mỏ của Qatar và Saudi Arabia không chỉ nuôi sống chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy mà cả tình báo Pháp. Các đặc vụ Pháp chưa bao giờ có từng ấy tiền cho hoạt động lật đổ và gián điệp. Và đôi khi họ phải trả nợ bằng máu.

Gilles Jacquier là thiếu tá tình báo Pháp?

Henrich cũng kể chi tiết về cái chết của đồng nghiệp Gilles Jacquier. Sĩ quan tình báo Pháp này được xem là một nhà báo giỏi, thành tích báo chí của anh ta được ghi dấu bằng Giải thưởng nhà báo quân sự, Prix Albert Londres của London, và nhiều phần thưởng chuyên môn khác. Người ta nói là không lâu trước khi chết, thiếu tá Jacquier đã được tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Anh ta là người luôn mạo hiểm bò lên tuyến đầu, mặc dù anh ta đã nói rằng, khi đưa tin các cuộc xung đột vũ trang, cần phải thận trọng, nhất là khi có bắn nhau ở gần. “Cần phải nhớ là từ nòng súng của đám trai này không mọc ra hoa”, Jacquier hay nhắc đi nhắc lại.

Nhưng bất chấp mọi biện pháp đề phòng, tình báo viên Pháp này vào năm 2002 đã bị thương ở gần Nablus. Một viên đạn của xạ thủ bắn tỉa Palestine đã bắn xuyên qua áo giáp của Jacquier. Anh ta đã được phẫu thuật thành công tại bệnh viện Israel.

Ban đầu, Gilles Jacquier định xin Bộ Thông tin Syria cho phép được tác nghiệp ở ngay bộ tư lệnh sư đoàn xe tăng số 4 do đích thân em trai Tổng thống Syria, tướng Maher al-Assad, chỉ huy. Việc xin phép của Jacquier lại trùng về thời gian với thông tin nói rằng, Tổng cục An ninh hải ngoại Pháp DGSE và Bộ chỉ huy Tác chiến đặc biệt COS của quân đội Pháp đã móc nối với lực lượng quân sự đối lập để huấn luyện và hỗ trợ họ tổ chức lực lượng tác chiến. Nếu lọt được vào quân đội Syria thì một chuyên gia quân sự giàu kinh nghiệm như Gilles Jacquier sẽ dễ dàng nắm bắt chính xác khả năng chiến đấu, chỉ huy và tinh thần chiến đấu của họ.

Chính quyền Syria rất tức giận với sự láo xược đó vì một mặt người Pháp ủng hộ các nhóm phiến loạn đang tấn công quân đội chính phủ, mặt khác họ lại mưu toan gài một sĩ quan tình báo quân sự trực tiếp vào quân đội Syria để anh ta có thể thông tin cho đối phương về tất cả các động thái của quân đội Syria. Vì thế, yêu cầu của Jacquier đã bị bác bỏ.

Nhưng cuối cùng một toán 15 nhà báo vẫn nhập cảnh được vào Syria. Chắc chắn là đa số họ, nếu không nói là tất cả không trừ một ai, đều là điệp viên tình báo đối ngoại Pháp DGSE hoạt động dưới vỏ bọc báo chí.

Toán này đã đến thành phố nổi loạn Homs, cắt đuôi sự theo dõi của an ninh địa phương, nhưng trưởng nhóm Gilles Jacquier đã bị bắn chết bởi “hỏa lực quân nhà”. Anh ta mất mạng trong hoàn cảnh bí ẩn do đạn cối hoặc đạn pháo do các đơn vị đặc nhiệm Pháp sử dụng.

Henrich tiết lộ, tình báo Pháp cũng đã cử các biệt đội hành động của cục chiến dịch ngầm Service Action thuộc DGSE đến Syria. Đây là đơn vị tuyệt mật của tình báo Pháp với biên chế là các chuyên gia phá hoại, lật đổ, sát thủ và các chuyên gia đặc vụ khác.

VP