In bài này
Báo chí Trung Quốc lại 'sản xuất' xe tăng tối tân nhất thế giới
Thứ Tư, 08/02/2012 - 3:58 PM
Biến thể mới của tăng xuất khẩu Trung Quốc MBT-2000 được giới thiệu vào cuối năm 2011, theo các nhà thiết kế Trung Quốc, ở trình độ tiên tiến của ngành chế tạo xe tăng thế giới và hiển nhiên vượt xa đối thủ Nga Т-90S.

Một bài báo đăng trên tạp chí Binh khí tri thức số 1.2012 và cuộc phỏng vấn tổng công trình sư xe tăng Fen Ibo có nói về các ưu điểm của xe tăng mới.

Ưu điểm quan trọng của tăng mới là khả năng cơ động tăng lên nhiều. Xe tăng được trang bị động cơ diessel mới 12 xylanh, 4 kỳ có tên là “150”, công suất tối đa 1.200 mã lực (882 kW) (bài báo không nêu xuất xứ của động cơ, song có lẽ đây là động cơ của Ukraine). Nhờ thế, xe tăng có thể chạy với tốc độ 71 km/h trên địa hình chia cắt và chạy nhanh hơn nữa trên đường nhựa. Khi hoạt động ở công suất đến 882 kW, công suất đường cong công suất của động cơ này “tốt hơn so với nhiều động cơ nước ngoài có công suất tối đa 1500 mã lực”. Động cơ mới cũng tiết kiệm hơn, chỉ tiêu thụ 215 g nhiên liệu trên kW/h công suất, ít hơn 15 g so với biến thể cơ sở MBT-2000.

Xe tăng có trọng lượng ngót 51 tấn. Theo ông Fen Ibo, trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm mẫu tăng mới, các xe thử nghiệm đến tháng 11.2011 đã chạy 5.700 km mà không có hỏng hóc lớn, trong đó có 1 xe đã chạy thử liên tục đoạn đường 400 km trên địa hình chia cắt.

Pháo tăng không có thay đổi lớn vì pháo 125 mm lắp trên biến thể trước của MBT-2000 là mẫu pháo “công nghệ chín muồi” và là một trong những mẫu pháo tiên tiến trên thế giới. Điểm mới quan trọng là khả năng bắn tên lửa chống tăng có điều khiển bằng pháo tăng. Ngoài ra, máy nạp đạn tự động cũng có một chút thay đổi.

Công trình sư Fen cho biết, nhà sản xuất đã phải bổ sung khả năng bắn tên lửa chống tăng có điều khiển cho xe tăng là theo yêu cầu cảu “một số khách hàng”. Theo ông Fen, việc Liên Xô trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển cho xe tăng là do các nhà sản xuất Liên Xô bị tụt hậu so với phương Tây về hệ thống điều khiển hỏa lực xe tăng và nhu cầu quân bình cơ hội tác chiến tầm xa tương đương với xe tăng phương Tây. “Nếu có hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, chính xác cao thì tác chiến bằng đạn xuyên giáp cao tốc vẫn hơn”, ông Fen nhận xét. Ông cũng cho biết, một số khách hàng nước ngoài đòi bổ sung tên lửa chống tăng có điều khiển vào cơ số đạn xe tăng, còn một số khác thì không đưa ra yêu cầu đó.

Trên xe tăng cải tiến có lắp hệ thống ngắm mới cho pháo thủ, cũng dùng để bắn tên lửa chống tăng có điều khiển. Nhờ đó, điều kiện công tác của pháo thủ trở nên đơn giản hơn và có thêm không gian trong khoang chiến đấu. Việc bố trí riêng biệt máy ngắm và khí tài dẫn tên lửa chống tăng có điều khiển trong khoang chiến đấu của Т-90S làm giảm không gian còn trống vốn đã hạn chế trên xe tăng này.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trên xe tăng đã tiến lên trình độ mới. Lái xe được trang bị 2 màn hình, màn hình bên trái hiển thị các tham số làm việc của khung gầm xe và bản đồ địa hình điện tử, màn hình bên phải hiện hình ảnh địa hình từ khí tài ảnh nhiệt với matrix không làm lạnh.

Màn hình của pháo thủ hiển thị thông tin của hệ thống điều khiển hỏa lực và cho phép quan sát mục tiêu.

Trưởng xe có 2 màn hình, một màn hình thu nhận thông tin tình huống chiến thuật từ hệ thống quan sát quang-điện tử, màn hình còn lại hiển thị toàn bộ thông tin về hoạt động của các hệ thống trên xe tăng.

Xe tăng được trang bị bộ định tuyến router cho phép đồng thời xử lý các luồng thông tin thoại, hình ảnh và số. Điều đó hỗ trợ cho việc tích hợp xe tăng với các thiết bị khác nhau sử dụng ở các nước khác nhau trên thế giới.

Chèn chú thích ảnh vào đây

Vỏ giáp xe tăng được tăng cường và bao gồm vỏ giáp cơ bản, giáp phức hợp và các phần tử giáp treo. Phóng viên của Binh khí tri thức sau khi xem xét xe tăng cho biết rằng, độ giày vỏ giáp tương đương với vỏ giáp của tăng Đức Leopard 2 (không nói rõ biến thể nào).
 

Xe tăng được trang bị hệ thống báo động chiếu xạ laser và hệ thống tạo màn khói hiện đại. Về các hệ thống phòng vệ tích cực phổ biến ở nước ngoài, ông Fen cho biết, các hệ thống này chỉ có hiệu quả với các mục tiêu tốc độ thấp như đạn súng phóng lựu chống tăng và tên lửa chống tăng, song lại không thể chặn đánh đạn pháo xuyên giáp tốc độ cao.

Mặc dù một số nước vẫn nói rằng, các hệ thống phòng vệ tích cực của họ có hiệu quả chống đạn pháo xuyên giáp, nhưng trên thực tế là khó làm việc đó. Khi cần, có thể áp dụng các biện pháp nâng cao khả năng sống còn cho xe tăng trong điều kiện tác chiến đô thị bằng cách lắp thêm các vũ khí hỗ trợ, ống phóng lựu khói, tăng cường vỏ giáp và khả năng cơ động...
 

Ông Fen nói rằng, xe tăng do ông thiết kế “vượt trội T-90S của Nga về tất cả các thông số”. Ví dụ, nếu nói về sức cơ động, Т-90S chỉ có động cơ công suất 900 mã lực, lại vẫn dùng hộp số cơ khí, thua xe xe tăng Trung Quốc về sức cơ động.

Ông Fen thừa nhận rằng, xe tăng xuất khẩu mới của Trung Quốc đắt hơn biến thể cơ sở của MBT-2000, nhưng “chấp nhận được” từ góc độ thị trường.

Nhiều quốc gia đã cử đoàn đến Trung Quốc tìm hiểu xe tăng mới. Tổng thanh tra lực lượng tăng-thiết giáp Trung Quốc đã đích thân ngồi vào sau bánh lái và đánh giá cao xe tăng này. Các ưu điểm của xe tăng mới là hệ thống truyền động thủy khí tích hợp, hộp số tự động, lái bằng vô lăng, vốn là tiêu chuẩn trong ngành chế tạo xe tăng hiện đại. Theo ông Fen, nhờ các ưu thế này, khách hàng sẽ sẵn sàng “vui vẻ” chi thêm tiền.
 

Phóng viên của Binh khí tri thức đi cùng phó tổng công trình sư Wan Yui đã xem xét xe tăng mới và thừa nhận tính tiện nghi về điều kiện làm việc của kíp xe. Các vị trí công tác của tất cả các thành viên kíp xe đều được thông gió và điều hòa nhiệt độ tốt. Vị trí công tác của trưởng xe rộng như trên tăng Leopard 2, vị trí của pháo thủ chỉ chật hơn một chút, song điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì tăng Trung Quốc nhẹ hơn 10 tấn.

  • Nguồn: P2, 31.1.12..
Vân Hà