In bài này
Nga chế tạo sát thủ hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu
Thứ Ba, 07/02/2012 - 4:03 PM
Không quân Nga sẽ biến máy bay ném bom tầm xa Tu-22М3 thành vũ khí chính xác cao.

Để trang bị Kh-32, Tu-22М3 sẽ được thay thế toàn bộ thiết bị điện tử

Để làm thế, họ sẽ thay thế toàn bộ thiết bị điện tử và có thể trang bị tên lửa hành trình mới Kh-32. Với trang bị mới, máy bay sẽ có ký hiệu mới là Tu-22М3М.

Theo một đại diện Không quân Nga, các phi công sẽ được học chuyển loại 2-3 tháng tại Trung tâm huấn luyện Ryazan của Không quân Tầm xa (Không quân chiến lược) để lái máy bay mới. Họ sẽ phải làm chủ các thiết bị điện tử, các hệ thống mới điều khiển vũ khí, đạo hàng, kiểm soát tình hình xung quanh máy bay. Toàn bộ thông tin sẽ được hiển thị trên các màn hình điện tử, phi công chỉ còn việc chọn chế độ, mục tiêu và phóng vũ khí như trong các trò chơi máy tính.

Đến năm 2020, Không quân Nga dự định nâng cấp 30 Tu-22М3 bằng cách lắp đặt thiết bị sử dụng linh kiện mới và thích ứng với nhiều loại vũ khí hơn. Tu-22M3 cũng có buồng lái với các đặc tính công thái học tốt hơn .

Phó Chủ tịch thứ nhất Học viện Các vấn đề địa-chính trị, TS KHQS Konstantin Sivkov cho biết, nội dung hiện đại hóa bao gồm thay thế các hệ thống điều khiển vũ khí, đạo hàng và thông tin liên lạc và trị giá 30-50% giá của máy bay. Việc hiện đại hóa 30 máy bay sẽ nâng cao 20% khả năng chiến đấu của các máy bay Tu-22М3. 30 máy bay chỉ đủ để loại khỏi vòng chiến một tàu sân bay Mỹ và đánh đắm vài tàu bảo vệ. Việc hiện đại hóa toàn bộ số Tu-22M3 sẽ nâng cao khả năng tác chiến của chúng đối với mục tiêu trên biển lên 100-120% và đối với mục tiêu trên mặt đất lên 2-3 lần.

Theo ông Sivkov, tên lửa mới Kh-32 sẽ sục sạo mục tiêu “từ dưới cánh” máy bay như Kh-22 trước đó. Sau khi phóng, tên lửa sẽ có thể bằng động cơ của mình bay đến mục tiêu cách xa vài trăm kilômet. Phát hiện và bắn hạ tên lửa này hầu như là không thể.

Chủ tịch Viện Đánh giá và phân tích chiến lược Aleksandr Konovalov thì nhận xét rằng, tiêu diệt mục tiêu mặt đất là một trong những điểm yếu nhất của quân đội Nga bởi vì các tên lửa chiến thuật hiện đại của Nga có độ chính xác thấp và bán kính chiến đấu nhỏ. Ở Gruzia, Nga đã tổn thất Tu-22М3 chỉ vì máy bay buộc phải bay vào khu vực hoạt động của phòng không có tổ chức để tấn công. Mà thoát khỏi khu vực này hầu như là không thể.

Theo ông Konovalov, để tên lửa có thể đánh trúng mục tiêu mặt đất từ mấy trăm kilômet, tên lửa phải biết chính xác tọa độ và bay vào các tọa độ đó, đồng thời liên tục cập nhật vị trí của mình trong không gian qua vệ tinh, hoặc ai đó cần phải liên tục chiếu xạ mục tiêu này, còn tên lửa bay theo tín hiệu phản xạ. Có hệ thống điều khiển thứ ba là hệ dẫn tương quan khi mà bộ nhớ tên lửa được nạp bản đồ đường bay chi tiết và hình ảnh mục tiêu cần tiêu diệt, còn tên lửa trong khi bay thì chụp ảnh địa hình mà nó đang bay trên đó và liên tục đối chiếu số liệu với bản đồ đường bay. 

Đáng lưu ý là Mỹ cũng đang xúc tiến chương trình nâng cấp máy bay ném bom chiến lược B-1B để nâng cao khả năng tác chiến bằng vũ khí thông thường, chống mục tiêu mặt đất và mặt biển, trước hết nhằm đối phó với sức mạnh gia tăng của hải quân Trung Quốc. 

Hiện nay, Nga có 93-150 máy bay ném bom Tu-22М thuộc các biến thể khác nhau. Tu-22М3 có khả năng với tốc độ 2.300 km/h, bán kính chiến đấu 2.400 km. Máy bay có thể mang 12 tấn vũ khí.

Trước đây, Trung Quốc từng tỏ ý muốn mua Tu-22M3, song phía Nga từ chối bán.

  • Nguồn: Lenta, 3.2.12. Izvestia, 5.2.12.
VNH