In bài này
Trung Quốc nhắm vào sức mạnh hải quân Mỹ
Thứ Năm, 05/01/2012 - 3:36 AM
Đối đầu Mỹ-Trung ở Thái Bình Dương giống như tiểu thuyết Harry Potter, khi hai bên coi nhau là kẻ thù nhưng không nói thẳng ra.

DF-21D - át chủ bài chống tàu sân bay Mỹ

Ngày 4.1, The Wall Street Journal đăng tải bài báo “Trung Quốc nhắm vào sức mạnh hải quân Mỹ” (China Takes Aim at U.S. Naval Might), trong đó phân tích khả năng của Trung Quốc tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ bằng tên lửa đường đạn chống hạm tầm bắn 1700 hải lý, và các biện pháp đáp trả có thể của Mỹ. Dưới đây là nội dung rút gọn của bài báo.

…Trong khi ở ụ tàu khô của công ty Newport News (Virginia) đang đóng tàu sân bay Gerald R. Ford, có khả năng mang thủy thủ đoàn 4.660 người và lực lượng máy bay cùng khó vũ khí hùng mạnh thì dự kiến, Trung Quốc vào năm 2015 sẽ đưa vào trang bị loại tên lửa đường đạn mới có khả năng tấn công các tàu sân bay Mỹ từ tầng bình lưu và nổ tung trên boong các tàu này, giết chết các thủy binh và làm cho không quân trên hạm không thể bay được nữa.

Xe bệ phóng tên lửa DF-21C/D

Từ khi kết thúc Thế chiến II vào năm 1945, Mỹ đã duy trì ở tây Thái Bình Dương một đội các tàu sân bay có lượng giãn nước 97.000 tấn mà Hải quân Mỹ gọi là “4,5 acrơ lãnh thổ chủ quyền di động của Mỹ”. Trong những năm đó, Trung Quốc chỉ có thể bất lực nhìn các tàu sân bay Mỹ tung hoành làm mưa làm gió ở các vùng biển gần biên giới của họ.

Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự mà một bộ phận của nó là ý đồ buộc các tàu sân bay Mỹ phải ở thật xa bờ biển Trung Quốc. Đáp lại các nỗ lực này, Mỹ đang điều chỉnh kế hoạch của họ ở Thái Bình Dương. Như vậy, hai nước đã “bình tĩnh” lao vào cuộc chạy đua công nghệ quân sự. Cán cân binh lực trong khu vực này của thế giới được đưa ra đánh cược.

Tàu sân bay hạt nhân tối tân USS Gerald Ford được thiết kế
để phục vụ trong 50 năm tới đang được đóng ở Newport News, Virginia

Các quan chức Lầu Năm góc không muốn công khai nói đến khả năng xung đột với Trung Quốc. Khác với Liên Xô vốn là kẻ thù ra mặt thời chiến tranh lạnh, Bắc Kinh là “kẻ thù không ra mặt”.

Khi đi thăm Trung Quốc tháng trước, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michele Flournoy đã nói với một viên tướng cao cấp Trung Quốc là “Mỹ không cố gắng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc” và “chúng tôi không coi Trung Quốc là đối thủ”.

Tuy nhiên, các quan chức quân sự Mỹ đang nói ngày càng nhiều hơn về việc chuẩn bị cho cuộc xung đột ở Thái Bình Dương, chỉ có điều không nhắc đến họ có thể tác chiến chống lại ai. Tình hình đó giống như cuốn tiểu thuyết Harry Potter, trong đó các nhân vật không chịu gọi tên kẻ thù của mình, Chủ tịch Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách Andrew Krepinevich nói.

Báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, tên lửa đường đạn mới DF-21D có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động trên biển ở khoảng cách 1700 hải lý. Các nhà phân tích Lầu Năm góc nói rằng, tên lửa này bay cao hơn nhiều so với các tên lửa hành trình bay thấp, nhưng thấp hơn nhiều quỹ đạo của tên lửa đường đạn thông thường. Thậm chí nếu Hải quân Mỹ có bắn hạ được 1 hay 2 tên lửa thì đó cũng không phải lối thoát khỏi tình thế vì Trung Quốc có thể tấn công tên lửa ồ ạt vào các cụm tàu sân bay.

Lính thủy đánh bộ Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

Đáp lại mối đe dọa này, Hải quân Mỹ đang phát triển các máy bay không người lái (UAV) tiến công tàng hình tầm xa, có thể cất cánh từ boong tàu sân bay và thực hiện chuyển bay dài, điều khó thực hiện khi sử dụng máy bay có người lái.

Các UAV hải quân này có thể thực hiện các đòn tấn công bí mật vào các căn cứ tên lửa Trung Quốc.

Ngoài ra, Không quân Mỹ (USAF) muốn có một đội UAV ném bom, có khả năng tuần tra các khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương.

Hiện nay, hải quân Trung Quốc có trong biên chế 29 tàu ngầm trang bị tên lửa chống hạm (năm 2002, họ chỉ có 2 tàu theo đánh giá của Rand Corp). Tháng 8.2011, Trung Quốc đã tiến hành chạy thử lần đầu cho tàu sân bay đầu tiên của họ.

Tàu sân bay hạt nhân USS Gerald Ford CVN-78 sẽ đối phó ra sao với tàu ngầm lớp Tống, tên lửa DF-21D,
tàu sân bay Thi Lang và tiêm kích tàng hình J-20 - những vũ khí chủ lực trong cuộc đối đầu của Trung Quốc?

Mấy năm trước, Mỹ đã có thể cử đến bất cứ điểm bùng phát căng thẳng nào một phần trong số 11 tàu sân bay của mình để trấn an các đồng minh và kiềm chế Bắc Kinh khỏi những hành động thiếu suy nghĩ. Năm 1996, Mỹ đã phái 2 tàu sân bay đến gần bờ biển Đài Loan khi Trung Quốc tiến hành phóng tên lửa thị uy ở eo biển Đài Loan. Nhưng nay, quân đội Trung Quốc có các tàu ngầm trang bị tên lửa chống hạm có khả năng gây tổn thất cho các tàu sân bay Mỹ, có thể cộng vào đó các tên lửa đường đạn chống hạm đang trong giai đoạn phát triển.

Sự đối kháng với Trung Quốc cũng đang diễn ra cả trong vũ trụ. Năm 2007, Trung Quốc bằng một tên lửa triển khai trên mặt đất đã tiêu diệt một vệ tinh khí tượng và cho thấy khả năng tiềm tàng của họ tiêu diệt các vệ tinh quân sự Mỹ vốn bảo đảm thông tin liên lạc cho các tàu chiến và máy bay của Hải quân Mỹ, cũng như đặt các căn cứ quân sự của Trung Quốc trong tầm ngắm. Đáp lại, Hải quân Mỹ bằng một tên lửa chống tên lửa cải tiến triển khai trên tàu chiến đã tiêu diệt một vệ tinh đã hết hạn sử dụng của mình.

Tàu sân bay hạt nhân - nền tảng sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ

Như vậy, sự tăng cường khả năng quân sự của Bắc Kinh  trong đối phó với các cụm tàu sân bay Mỹ đòi hỏi xem xét lại chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương. Chỗ dựa phải là phát triển nhanh chóng các UAV tiến công tầm xa bố trí trên tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược không người lái bố trí trên mặt đất. “Khả năng hành động ở khoảng cách xa có ý nghĩa căn bản đối với chiến lược tương lai của chúng ta ở Thái Bình Dương. Chúng ta cần phải có một loại máy bay ném bom không người lái tầm xa. “Việc phát triển máy bay ném bom này phải là ưu tiên đối với USAF, tôi thậm chí không thể nghĩ ra điều gì khác”, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Rand là Andrew Hoehn nói.

Những điểm nóng trên Thái Bình Dương

Một số quan chức Mỹ đề xuất suy tính xem đã đến lúc xem xét lại sự phụ thuộc của Mỹ vào các tàu sân bay chưa bởi vì một cuộc tấn công thành công của đối phương có thể dẫn đến cái chết của 5.000 người một lúc, tức là lớn hơn toàn bộ tổn thất của quân Mỹ trong chiến dịch quân sự ở Iraq.

  • Nguồn: online.wsj.com, 4.1.12, MP, 5.1.12.
Nam Xương