In bài này
Trung Quốc vượt Mỹ về sức mạnh quân sự trong thế kỷ này?
Thứ Hai, 02/01/2012 - 11:25 PM
Tờ The Chosunilbo (Hàn Quốc) ngày 2.1.2012 nhắc lại rằng, vào năm 2008, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc đã đưa ra dự báo, theo đó sức mạnh quân sự Trung Quốc sẽ ngang bằng với Mỹ sau năm 2050, nhưng sẽ cần ít nhất thêm 20 hay 30 năm nữa để vượt hẳn Mỹ trong lĩnh vực quân sự (tức là trong thế kỷ này, Trung Quốc chưa chắc vượt được Mỹ về sức mạnh quân sự).

Nhưng một số chuyên gia nói rằng, những thời hạn đó là quá thận trọng, bởi vì trong những năm gần đây, Trung Quốc cho thấy những thành công nhanh chóng về vũ khí hải quân, không quân, vũ trụ và tên lửa.

Tháng 8.2011, tàu sân bay Varyag 67.000 tấn mua từ Ukraine sau khi được sửa chữa đã chạy thử nghiệm lần dầu tiên. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đóng xong tàu sân bay của họ vào năm 2015.

Trong hai năm nay, chi phí quân sự của Trung Quốc tăng hàng năm trung bình 16,2%, và xét về quy mô (91,7 tỷ USD) năm 2010, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.

Nhưng các chuyên gia Mỹ và phương Tây cho rằng, chi phí quân sự thực tế của Trung Quốc vượt quá con số chính thức 2-3 lần. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ không thể đuổi kịp Mỹ trong lĩnh vực quân sự trong 20-30 năm tới, xét về trình độ công nghệ, số lượng vũ khí chiến lược và quy mô chi phí quân sự.

Năm 2010, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế London đưa ra báo cáo, theo đó tổng trọng tải các hạm tàu của Hải quân Mỹ là Mỹ 3,12 triệu tấn, tức là nhiều hơn trọng tải của hải quân 14 nước đứng sau đó cộng lại. tổng trọng tải của hải quân Trung Quốc chỉ là 680.000 tấn.

Chi phí quân sự Mỹ năm 2008 là 607 tỷ USD (40% chi phí quân sự tất cả các nước trên thế giới), tức là nhiều hơn tổng chi phí quân sự của 10 nước đứng sau đó, kể cả Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự cho rằng, sự tụt hậu của Trung Quốc so với Mỹ về công nghệ quân sự thông thường là gần 30 năm, trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân là 20 năm, trong lĩnh vực kỹ thuật vũ trụ là 10-15 năm. “Năm 2002-2007, Trung Quốc nhập khẩu từ Nga 94% vũ khí thông thường. Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ khó rút ngắn khoảng cách với Mỹ”, nghiên cứu viên Viện Phân tích quân sự Hàn Quốc (Korea Institute of Defense Analyses) Lee Chang-hyung nhận xét. 

Ông Lee cho rằng, đáp lại sự xuất hiện của tàu sân bay Trung Quốcс đầu tiên, Hàn Quốc cần phát triển các tên lửa chống hạm siêu âm, cũng như triển khai ở Hoàng Hải các tàu ngầm cỡ nhỏ vốn sẽ khó bị phát hiện ở vùng nước nông. Từ giữa thập kỷ 1990, Hàn Quốc mua các loại vũ khí công nghệ cao như các tàu chiến trang bị hệ thống AEGIS và máy bay chỉ huy/báo động sớm, là những phương tiện đặc biệt quan trọng để kiềm chế mối đe dọa quân sự từ phía Trung Quốc và Nhật Bản.

Ông Lee cũng nhận định, không thể kiềm chế mối đe dọa Trung Quốc chỉ bằng cách tăng chi phí quân sự: “Chúng ta cần xây dựng một hệ thống an ninh quân sự mới, mở rộng phạm vi hợp tác quân sự với Trung Quốc và đồng thời củng cố liên minh của chúng ta với Mỹ”.

  • Nguồn: english.chosun.com/site/data/html_dir/2012/01/02/2012010201012.html, MP, 3.1.12.
Nam Xương