In bài này
Nga-Trung, đối thủ hay đối tác?
Thứ Ba, 27/12/2011 - 9:39 AM
Nga có lợi đến đâu trong hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc.
Nga đối xử với Trung Quốc như thế nào: như đối tác hay đối thủ? Điều đó cần xem xét cả từ góc độ địa-chính trị và kinh tế. Khi cung cấp vũ khí cho Bắc Kinh, chúng ta đang tự thúc đẩy sự xuất hiện ngay sát biên giới Viễn Đông của mình không chỉ một láng giềng mạnh, mà cả một đối thủ trên thị trường vũ khí thế giới. Dưới đây là trao đổi của Phó Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự (FSVTS) Nga Vyacheslav Dzirkaln với tuần báo VPK.

- Vyacheslav Karlovich, ông vừa mới từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở về sau khi dự triển lãm vũ khí ở Dubai. Ông đánh giá thế nào về triển vọng các dự án phát triển và sản xuất vũ khí cùng với Trung Quốc?

- Ta cứ nói thẳng, Trung Quốc là một cường quốc đáng gờm từ góc độ chế tạo các mẫu vũ khí khác nhau. Chỉ cần nhớ đến các vũ khí trang bị lục quân, không quân và hải quân được sản xuất ở Trung Quốc là đủ biết. Anh đặt ra câu hỏi rất đúng: chúng ta quả thực cần phải tiến đến giai đoạn mới trong quan hệ song phương. Mà đó là tìm kiếm sự hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực phát triển và sản xuất các loại vũ khí trang bị riêng biệt.

Điều chẳng phải là bí mật là chúng tôi đồng thời còn đang là đối thủ của nhau trên các thị trường vũ khí khác nhau. Bởi vậy, chúng ta đã thỏa thuận với các đối tác về việc tìm kiếm các hướng hợp tác, phối hợp, nơi chúng tôi sẽ có thể hợp tác chứ không phải là đối địch. Trước hết là ở những thị trường có lợi cho cả hai bên. Và hiện cũng đang có những chủ đề đang được nghiên cứu xem xét nghiêm túc.

Mặc dù hiện giờ nói đến các kết quả có lẽ là còn sớm, nhưng việc đó đang được tiến hành, đã có được sự hiểu biết lẫn nhau. Và tôi nghĩ, không bao lâu nữa, chúng tôi sẽ có thể tiến ra các thị trường vũ khí với sản phẩm chung nào đó. Trước hết đó có thể là tàu chiến, máy bay. Đồng thời, tôi cũng cho rằng, chúng tôi sẽ lấy được cái gì đó hữu ích, tiên tiến ở các đối tác, còn họ thì lấy ở chúng tôi. Các đồng nghiệp Trung Quốc nói không ngớt rằng, Nga là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển và sản xuất vũ khí trang bị, bởi vậy, tôi xin nhắc lại là họ sẵn sàng hợp tác với chúng ta.

- Trong trường hợp đó thì vấn đề bảo vệ tác quyền sẽ giải quyết thế nào? Bởi lẽ, chủ đề này, như chúng ta biết, là chủ đề khá bức xúc đối với Nga?

- Đúng, đã có thời kỳ chúng ta quả thực cho đi một cách vô kiểm soát tài sản trí tuệ của mình mà không thu lại được lợi lộc gì từ đó cả. Nhưng trong độ 10 năm gần đây, chúng tôi đang tích cực làm việc không chỉ với Trung Quốc mà còn với các nước cựu thành viên Hiệp ước Varsava mà thời Liên Xô các giấy phép sản xuất vũ khí được chuyển giao khá nhiều cho họ. Chúng tôi đã ký được mấy chục hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với những nước này.

Liên quan đến Trung Quốc thì hiệp định đó đã được ký vào năm 2008. Bộ Tư pháp Liên bang Nga phụ trách hiệp định và tiến hành “sự giám sát của tác giả” đối với nó. Trong khuôn khổ hiệp định, nay đang thành lập các nhóm công tác về thực hiện hiệp định.

Đúng, hiển nhiên là vấn đề này rất bức xúc và gay gắt đối với chúng ta. Bởi vậy, chúng tôi vẫn sẽ có những nỗ lực mạnh mẽ để bảo vệ quyền của các công trình sư của chúng ta.

- Liệu việc hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc về máy bay chiến đấu vốn mới đây đã đạt được những kết quả đáng kể có được nối lại không?

- Về nguyên tắc sự hợp tác này chưa hề ngừng lại. Trong thập niên 1990 đã ký hiệp định sản xuất theo giấy phép tiêm kích Su-27 ở Trung Quốc. Nó đã được thực hiện một phần, mặc dù đến nay vẫn còn những vấn đề cần giải quyết, nên việc tìm kiếm các thỏa hiệp đang được thực hiện.

Việc cung cấp phụ tùng cũng không hề ngắt quãng, vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ hiện đại hóa và hoàn thiện phương tiện kỹ thuật hàng không. Bởi vậy, tôi sẽ không nói là chúng tôi đã dừng hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Và trước hết là về các máy bay họ Su-27, Su-30MK2, các máy bay khác nữa.

Sau các sự kiện bi thảm do động đất ở Trung Quốc, họ đã yêu cầu chúng tôi chung cấp máy bay vận tải quân sự, trước hết là Il-76. Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng. Nhưng do những khó khăn nhất định trong việc sản xuất máy bay, thời hạn có thể chuyển giao chúng đã bị lùi sang năm 2014. Còn phía Trung Quốc nói đến năm 2011-2012. Nhưng cuối cùng thì cũng tìm được giải pháp. Chúng tôi đã tìm ra phương án cung cấp các máy bay sẵn có, tức là những máy bay đã qua sử dụng. Hợp đồng cung cấp 3 máy bay đầu tiên đã được ký kết. Hơn nữa, chúng tôi còn chào bán thêm mấy chiếc nữa. Bởi thế mà công việc cả trên hướng này cũng được xúc tiến khác tích cực.

- Nhưng liệu việc gia tăng cung cấp động cơ máy bay cho Trung Quốc có gây ra sự lạnh nhạt trong quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Ấn Độ không vì Trung Quốc đang tái xuất các động cơ này sang Pakistan?

- Vấn đề là ở chỗ, Trung Quốc tái xuất không chỉ sang Pakistan mà còn sang nhiều nước khác. Chuyện liên quan đến tiêm kích hạng nhẹ JL-17. Nhưng một là, các máy bay này về tính năng kỹ-chiến thuật không thể cạnh tranh vơi các máy bay chúng ta đang cung cấp cho Ấn Độ là Su-30 và MiG-29. Các tiêm kích hiện đại này là nòng cốt của Không quân Ấn Độ, còn nói về những ưu tiên nào đó mà giả dụ Pakistan nhận được trong khuôn khổ vũ khí cung cấp từ Trung Quốc thì sẽ là không đúng.

Hai là, chúng tôi đã chuyển giao cho Ấn Độ giấy phép sản xuất động cơ RD-33. Nghĩa là hiện nay, Ấn Độ đang sản xuất các động cơ có công suất mạnh hơn, vượt trội về các thông số so với những động cơ Nga đang bán cho Trung Quốc.

Chính vì vậy, tôi không thấy ở đây bất kỳ vấn đề hay rắc rối nào nghiêm trọng. Trung Quốc đang buôn bán theo các quy tắc của họ. Trung Quốc có lợi ích của họ, chúng ta cũng có lợi ích của chúng ta. Khi cung cấp động cơ cho Trung Quốc, chúng ta chính là ủng hộ công nghiệp hàng không của mình trước hết.

- Trung Quốc hiện giữ vị trí nào trong danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí Nga trong số các đơn đặt hàng? Ngoài việc cung cấp động cơ máy bay và trực thăng các loại, các chương trình nào hiện đang được thực hiện với Trung Quốc?

- Một thời kỳ hợp tác nhất định với Trung Quốc bắt đầu vào đầu thế kỷ này, khi mà chúng ta chỉ hạn chế ở việc cung cấp phụ tùng cho binh khí kỹ thuật, các loại đạn dược nhất định, thực hiện các công việc sửa chữa. Nhưng trong 2-3 năm nay, khối lượng hợp tác kỹ thuật quân sự đã tăng mạnh. Và hiện nay, tôi cho rằng, Trung Quốc đang nằm trong số 3 nước đối tác hàng đầu của Nga trong lĩnh vực này. Ở đây cũng thấy rõ các ưu tiên – kỹ thuật hàng không, hợp tác về đóng tàu, các hướng khác.

Hiện nay, chúng ta đang nhằm vào bảo đảm việc bảo dưỡng liên tục trang bị chúng ta đã chuyển giao trước đây bằng cách thành lập các trung tâm dịch vụ. Chúng tôi đã tham vấn về việc tiến hành bảo dưỡng các trực thăng Kamov (trên lãnh thổ Trung Quốc) và tàu của hải quân Trung Quốc.

Tôi xin nhấn mạnh, Trung Quốc là một nước rất đáng gờm, đang phát triển và sản xuất khá nhiều loại vũ khí. Tuy nhiên để có được các mẫu vũ khí trang bị công nghệ cao nhất, họ vẫn phải cầu cạnh Liên bang Nga. Những thứ còn lại người Trung Quốc đã học được cách tự sản xuất, ví dụ như tiêm kích hạng nhẹ mà tôi đã nói.
Một hướng hợp tác không kém phần quan trọng nữa là tiến hành các dự án nghiên cứu phát triển, thử nghiệm chung phục vụ công nghiệp Trung Quốc. Và đây cũng là một dự án dài hạn.

- Ông có cảm thấy hơi thở nóng của các ông bạn Trung Quốc chạy sau chúng ta trên các thị trường Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á không?

- Dĩ nhiên, thị trường nào cũng có cạnh tranh, dù đó là sản phẩm dân dụng hay quân dụng. Và Trung Quốc cũng chẳng phải là ngoại lệ. Họ sản xuất khá nhiều chủng loại vũ khí, bởi vậy, như anh đã nói, hơi thở nóng của các ông bạn Trung Quốc chúng tôi có cảm thấy, kể cả trên các thị trường truyền thống của chúng tôi như ở châu Phi, Mỹ Latinh, châu Á. Trước hết là liên quan đến binh khí kỹ thuật lục quân, trong đó có xe bọc thép và ô tô.

Gần đây, Trung Quốc chào bán cho các khách hàng tiềm năng các tiêm kích hạng nhẹ, máy bay vận tải, trực thăng, vũ khí phòng không tầm trung. Họ cũng đã đạt những thành tựu nhất định trong việc chế tạo những loại vũ khí trang bị này.

Nhưng ở đây cần nói không phải về việc ai cản trở cai, mà về việc những kết luận nào cần rút ra từ đó. Theo tôi, chính sự cạnh tranh đó thôi thúc các nhà sản xuất Nga, thúc đẩy họ tìm ra những hình thức hợp tác mới, mềm dẻo hơn trong chính sách marketing. Bởi vậy, sự cạnh tranh như vậy chỉ có lợi. Nó không cho phép các xí nghiệp của chúng ta dậm chân tại chỗ với những gì đã có mà buộc họ phát triển ra những mẫu vũ khí trang bị mới. Điều đó cũng liên quan đến chính sách về giá.

- Chúng ta hiện có các cơ chế đối phó với việc Trung Quốc sao chép trái phép vũ khí Nga hay không? Chẳng hạn ai cũng biết việc sản xuất trái phép súng AKM của Nga ở Trung Quốc.

- Vấn đề này đã được thảo luận nhiều lần ở các cấp khác nhau. Tôi cho rằng, việc ký hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một thắng lợi rất quan trọng và to lớn của chúng ta. Chính nó cũng quy định cơ chế bảo vệ các sản phẩm của các nhà sản xuất Nga, cho phép chúng ta hành động hiệu quả và chắc chắn hơn.

Chúng ta cũng hài lòng với lập trường của các đối tác khi họ không bác bỏ sự cần thiết tìm kiếm các biện pháp giải quyết vấn đề để tránh những cáo buộc về sao chép, làm nhái. Chúng tôi đang cùng đến với nhau.

- Nhưng có ai đó ở Nga đề nghị từ bỏ hắn việc hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc trên những hướng mới, ngoại trừ việc thực hiện những hợp đồng đã ký. Điều đó sẽ có lợi cho chúng ta?

- Cần lưu ý rằng, chúng ta và Trung Quốc là đối tác chiến lược của nhau. Hợp tác kỹ thuật quân sự chỉ là một phần của hợp tác chung của hai nước, tuy là rất quan trọng. Tôi ủng hộ tiếp tục phát triển sự hợp tác này. Hơn nữa, cũng có sự hoàn toàn thông hiểu của hai bên là sự hợp tác đó là cần thiết.

Tôi muốn khuyến nghị với những cái đầu nóng muốn chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc đơn giản là cần suy nghĩ và cân nhắc lại. Hơn nữa, đơn giản là tôi không thấy ở đây sự tổn hại lớn nào đối với lợi ích của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga.

Điều chủ yếu là xác định cho đúng đường lối đối ngoại của mình. Biết cách bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất trong nước, đồng thời phải hiểu rằng, hợp tác kỹ thuật quân sự phải có lợi cho cả Nga lẫn Trung Quốc. Đây là con đường hai chiều.
  • Nguồn: VPK, № 50 (416), 21.12.2011.
Nhân Vũ