In bài này
Tiêm kích thế hệ 5 FGFA
Chủ Nhật, 18/12/2011 - 1:22 AM
Công ty sản xuất máy bay hàng đầu Ấn Độ Hindustan Aeronautics Ltd (HAL) mới đây đã đăng tải trên site chính thức của mình một số tính năng cơ bản của máy bay FGFA (Fifth Generation Fighter Aircraft) được chế tạo dựa trên tiêm kích thế hệ 5 của Nga Т-50.


Đâu đó, các con số hoàn toàn tương đồng với mẫu chế thử Т-50, còn đâu đó các con số đơn giản là làm người ta hơi thắc mắc. Nhưng dẫu sao thì đó chưa phải là các con số đầy đủ nên sẽ không thể nghiêm túc đánh giá về tính năng của máy bay này.

Toàn bộ công việc nghiên cứu, thiết kế chế tạo FGFA do công ty Sukhoi của Nga và HAL tiến hành. Hợp đồng thiết kế đã được Ấn Độ ký với Nga vào cuối tháng 12.2010 với trị giá chính thức là gần 9,5 tỷ rúp.

Theo hợp đồng, các công trình sư của Sukhoi sẽ phải hoàn tất công tác thiết kế trong vòng 1,5 năm, tỷ lệ tham gia vào công tác thiết kế của HAL là 20%. Phía Nga hiện chưa chính thức công bố thông tin về các công việc đang tiến hành.

FGFA sẽ là máy bay tiêm kích có chức năng chính là giành ưu thế trên không. Máy bay sẽ có các hệ thống dùng để trao đổi dữ liệu với các máy bay cùng loại, có thể sử dụng trong điều kiện liên lạc khó khăn, trước hết đó là sự đối phó mạnh mẽ của đối phương.

HAL cũng cho biết, FGFA sẽ là một trong hàng loạt máy bay sẽ tham gia tác chiến lấy mạng làm trung tâm và được kết nối với cơ sở dữ liệu hợp nhất của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Tháng 10.2010, mạng thông tin thống nhất AFNET của Ấn Độ đã bắt đầu hoạt động với mục tiêu chính là bảo đảm chỉ huy chung Không quân Ấn Độ (IAF) và khả năng phản ứng nhanh của IAF đối với các mối đe dọa phát sinh.

Mạng AFNET thay thế mạng cũ mà Ấn Độ đã sử dụng hơn 50 năm. Mạng này đã được chuyển cho các phương tiện truyền thông đại chúng Ấn Độ tiếp tục sử dụng.

AFNET được xây dựng và đưa vào hoạt động nhờ chương trình của Ấn Độ nhằm xây dựng mạng thông tin lấy mạng làm trung tâm tối tân.

Đến năm 2017, mạng mới sẽ kết nối đầy đủ với tất cả các mạng hiện có của tất cả các quân, binh chủng. Điều đó sẽ mang lại thêm những khả năng toàn cầu hóa đầy đủ. Mạng hợp nhất liên quân sẽ được một trung tâm điều khiển duy nhất điều khiển. Toàn bộ các binh khí kỹ thuật Ấn Độ sẽ sử dụng một mạng duy nhất nhờ trang bị máy tính trong các đơn vị quân đội và các phương tiện xách tay sử dụng giao thức 3G.

Các máy bay sẽ được trang bị 2 động cơ có điều khiển vector lực đẩy. Góc lệch của các loa phụt là đến 15 độ. Có lẽ vector lực đẩy của FGFA sẽ giống với Т-50, tức là kiểu mọi góc độ, song hiện chưa có số liệu chính xác.

Theo thông tin chính thức, một động cơ có khả năng tạo lực đẩy đến 14 tấn lực.

Vài tháng trước, Tư lệnh IAF tiết lộ với báo chí là đã chọn được động cơ cho máy bay mới, chỉ còn lắp chúng cho máy bay và khẳng định động cơ này sẽ có tính năng cao hơn động cơ của Т-50.

 
Việc thiết kế máy bay đang ở giai đoạn cao điểm nhất, dự định trong những năm tới, lắp ráp mấy mẫu chế thử. Mẫu chế thử dự kiến sẽ có chuyến bay đầu vào năm 2015, máy bay sẽ được sản xuất lọt vào năm 2017-18.

Tháng 10.2011, giới quân sự Ấn Độ thông báo số lượng FGFA dự kiến mua là 214 chiếc, trong đó 48 chiếc là loại hai chỗ ngồi, số còn lại là loại một chỗ ngồi, tổng trị giá ước khoảng gần 23 tỷ euro.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, FGFA sẽ giống với Т-50, giống như Su-30MKI giống với Su-30 trước đây.

Tổng chi phí thiết kế máy bay là 4,5 tỷ euro, trong đó Ấn Độ góp 2 tỷ. Các công trình sư Ấn Độ đảm trách thiết kế máy tính trên khoang, hệ thống đạo hàng, các màn hình hiển thị thông tin và hệ thống phòng vệ.

Tháng 8.2011, Tổng giám đốc hãng chế tạo máy bay Nga OAK đã tuyên bố rằng, nhu cầu dự kiến của thị trường đối với các máy bay Т-50 và FGFA hiện ước khoảng 600 chiếc.

Các thông số khác được công bố của FGFA: độ bộc lộ thấp; tốc độ hành trình cực cao;
khả năng cơ động ở tốc độ siêu âm.

Các tính năng đó phù hợp với một máy bay thế hệ 5 như FGFA.

Các tính năng đã biết:

- chiều dài: 22,6 m;
- chiều cao: 5,9 m;
- trọng lượng: 34.000 kg;
- trọng lượng vũ khí trong các khoang bên trong: 2.250 kg;
- trọng lượng vũ khí trên các điểm treo ngoài: 5.750 kg;
- tốc độ: 2.300 km/h (gần 2М);
- tầm bay: đến 3.900 km.
PM