In bài này
Hệ thống súng trường tiến công-phóng lựu PAPOP
Thứ Bẩy, 10/12/2011 - 5:22 AM
Pháp đang phát triển hệ thống súng trường tiến công-phóng lựu PAPOP (PolyArme POlyProjectiles) trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu FÉLIN.
Mẫu PAPOP-2 (trên) và mẫu PAPOP-1

Một trong những nhiệm vụ của chương trình này là đến năm 2012 chế tạo một hệ thống súng bộ binh cá nhân mới để trang bị cho bộ binh, có khả năng tiêu diệt đối phương ở cự ly đến 600 m.

Nhà thiết kế chính hệ thống PAPOP là hãng GIAT, ngoài ra còn có sự tham gia của hãng FN Herstal (phần súng bộ binh), Sfim ОРВ (hệ thống dẫn), Euroimpact và Lacroix (súng phóng lựu và đạn lựu).

Hệ thống này sẽ kết hợp các khả năng của một súng trường tiến công hiện đại và một súng phóng lựu mà hiệu quả của chúng sẽ được nâng lên cơ bản nhờ sử dụng module ngắm điện tử với máy đo xa laser, máy tính đường đạn, máy ngắm ảnh nhiệt có các kênh ban ngày và ban đêm, khả năng truyền thông tin ngắm bắn và các thông tin khác đến màn hình tích hợp của súng, cũng như đến màn hình trên mũ người lính thường xuyên ở trước mắt anh ta.

Hiệu quả của vũ khí mới còn được nâng cao hơn nữa nhờ sử dụng đạn thoát vỏ 5,56 mm với đầu đạn dưới cỡ, có sơ tốc 1.500-1.800 m/s.

Súng phóng lựu có hiệu quả cao nhờ đạn lựu có cỡ tương đối lớn (35 mm), nên cho phép có một đầu đạn uy lực khá mạnh, cũng như có thể là nhờ sử dụng các đầu đạn phá-mảnh có lập trình vùng sát thương bằng mảnh trước khi bắn (hiện nay sơ đồ này đang được áp dụng ở những tên lửa phòng không hiện đại nhất của Nga).

Mẫu PAPOP-1

Cần lưu ý rằng, khác với Mỹ, người Pháp thường chỉ công bố lượng thông ti tối thiểu về các hệ thống vũ khí đang được phát triển của mình, bởi vậy mà chỉ có cực ít thông tin kỹ thuật xác thực về hệ thống PAPOP.

Phần súng của hệ thống PAPOP được thực hiện theo sơ đồ “cái tẩu” (bullpup) và chắc chắn được phát triển dựa trên súng trường tiến công tiêu chuẩn của Pháp FAMAS. Súng phóng lựu sử dụng hộp tiếp đạn chứa 3 đạn lựu, được lắp vào bên trên súng trường.

Trong cấu tạo thân súng sẽ có các thiết bị triệt tiêu lực giật hậu mạnh khi bắn đạn lựu nặng (gần 200 g).

Toàn bộ hệ thống ngắm được giấu trong thân súng liền khối, còn bên trên là một màn hình xoay, nhỏ (giống như các màn hình căn hình trên các camera video dân dụng hiện đại), màn hình này sẽ hiển thị thông tin ngắm bắn.

Ngoài ra, trong kết cấu sẽ có các khe cắm để kết nối súng với thiết bị điện tử mang trên người người lính, nên cho phép người lính quan sát hình ảnh ngắm bắn trên máy ngắm trên mũ, cũng như truyền lập tức và tự động thông tin trinh sát chiến thuật nhận được nhờ hệ thống ngắm của súng cho các cấp chỉ huy cấp trên.

PAPOP-1

Mẫu chế thử đầu tiên của súng PAPOP được thiết kế với 3 đạn lựu trong hộp tiếp đạn hình ống.

Mẫu chế thử thu được quá nặng (8 kg) và cồng kềnh không thể chấp nhận, nên người ta buộc phải phát triển mẫu chế thử thứ hai.

Ở mẫu chế thử thứ hai có tính đến tất cả những sai lầm và chủ yếu là trong lượng đã giảm được xuống còn 6 kg, nên toàn hệ thống trở nên gọn hơn. Điều được đặc biệt chú trọng là sự tiện lợi sử dụng hệ thống trong tác chiến đường phố.

Cấu hình chuẩn của PAPOP-2 gồm 25 viên đạn 5,56 mm và chỉ 2 quả đạn lựu, mặc dù cũng có thể có cấu hình đạn khác cho phép nạp đến 5 quả đạn lựu, làm tăng trọng lượng lên đến 10 kg.

Các đạn lựu 35 mm lập trình cũng đã được phát triển cho súng phóng lựu. Chúng có thể lập trình để nổ gần mục tiêu ở một trong các chế độ có thể; khi nổ, các mảnh đạn lựu với bán kính sát thương 5 m có thể hướng hoặc ra phía trước, phía bên hay phía sau quả đạn tùy thuộc đạn được kích hoạt thế nào.


PAPOP-2: 1) Súng trường tiến công (5.56 mm); 2) Súng phóng lựu; 3) Màn hình xoay được; 4) Camera;
5) Máy đo xa và chỉ thị mục tiêu laser; 6) Pin và máy tính; 7) Cần gạt chọn vũ khí

Tính năng kỹ-chiến thuật của PAPOP

Loại đạn: đạn con 5,56x45 mm và đạn lựu 35 mm
Chiều dài: Gần 830 mm
Chiều dài nòng: Chưa biết
Trọng lượng: Không quá 7 kg
Hộp tiếp đạn: 40 viên đạn con + 3 đạn lựu
Tốc độ bắn: 900-1.000 phát/phút
  • Nguồn: Dogswar, 2.12.2011.

Nam Xương