In bài này
Đô đốc Kuznetsov sẽ chật vật bảo vệ Syria
Thứ Năm, 08/12/2011 - 8:43 AM
Kể cả hợp lực 3 hạm đội, Nga cũng không sẵn sáng đáp trả đích đáng phương Tây. Các chuyên gia quân sự Nga nói về tên lửa Yakhont và biện pháp đối phó tàu sân bay Mỹ.
Tàu sân bay Kuznetsov gánh vác một sứ mệnh quá sức...

Thứ ba, ngày 6.12.2011, biên đội tàu chiến dẫn đầu là tàu sân bay duy nhất của Nga mang tên Đô đốc Kuznetsov đã rời Severomorsk đi Địa Trung Hải. Hộ tống kỳ hạm Hạm đội Nga là tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko. Bám theo trong đội hình là các tàu bảo đảm gồm tàu cứu kéo Nikolai Chiker, các tàu chở dầu Sergei Osipov, Vyazma và Kama. Biên đội tàu sẽ ở lại Địa Trung Hải cho đến tháng 2.2012.
 
Bộ Quốc phòng Nga nói cuộc hành quân này của Hạm đội Phương Bắc không hề liên quan đến các sự kiện ở Syria, tuy họ cũng không phủ nhận là biên đội tàu này sẽ ghé cảng Tartus. Nhưng họ khẳng định, việc ghé cảng chỉ là tiếp tế thêm dự trữ hậu cần. Tuy vậy, nhiều người nghi ngờ sự chân thực của những lời trấn an đó.

Trong khi đó, các cuộc tập trận dự kiến quả thực là rất ấn tượng nếu xét các điều kiện thực tế hiện nay của Hải quân Nga.

Ngày 4.12, tàu tuần tra Ladyny đã rời Sevastopol đón gặp biên đội tàu của Hạm đội Phương Bắc. Đồng thời được biết, ở Baltyisk, tàu tuần tra Yaroslav Mudry và tàu chở dầu Lena cũng đã sẵn sàng ra khơi. Ngay sau đó có tin Nga chuyển giao cho Syria “không dưới” 2 hệ thống tên lửa bờ biển chống hạm Bastion trang bị mỗi hệ 36 tên lửa Yakhont.

Trong khi đó, tình hình Syria tiếp tục leo thang thành một mớ bòng bong nan giải. Có cảm tưởng là những người muốn tháo gỡ mối rắc rối này đã đang xếp hàng.

Chẳng hạn, Cao ủy nhân quyền LHQ Navanethem "Navi" Pillay đã tuyên bố rằng, sự đối đầu không ngừng từ tháng 3 ở Syria đã có mọi đường nét của một cuộc nội chiến.

Về vấn đề này, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki phát biểu: “Giết hại hay loại khỏi quyền lực Tổng thống Bashar (Assad), trong mọi trường hợp đều sẽ dẫn đến cuộc đấu đá nội bộ trong nước giữa hai nhóm và nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực”. Ông Maliki rõ ràng nói đến cuộc xung đột đang chín muồi ở Syria giữa người Sunni và người Shi’ite.

Tóm lại, dù cứ cho là cuộc hành binh đến Địa Trung Hải của cụm tàu sân bay-tàu chiến Nga là đã được lên kế hoạch từ lâu trước khi ở đây xuất hiện một “điểm nóng” đặc biệt mới thì các thủy binh Nga sẽ xuất hiện ở khu vực xung đột rất đúng lúc. Liệu điều đó có đủ để ngăn chặn một cuộc chiến đang đến gần? Ở đây, dĩ nhiên là có những câu hỏi...

Đúng là một tàu sân bay thoạt nhìn là đáng gờm. Không đáng gờm xem ra là vấn đề khác: một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho hay, trên boong tàu sân bay Kuznetsov đang được phái đi gần như để tham chiến chỉ có vỏn vẹn 8 tiêm kích Su-33, “vài” chiếc MiG-29К (nguồn khác nói là vài cường kích Su-25UTG) và 2 trực thăng Ка-27 (mặc dù tàu này được thiết kế để mang 26 máy bay và 24 trực thăng). Trong khi đó, tàu sân bay nguyên tử đa năng mới nhất hiện nay của Hải quân Mỹ George Bush mà mới đây đã mon men đến hải phận Syria mang tới gần 70 máy bay và trực thăng, chưa tính đội tàu hộ tống gồm 2 tàu tuần dương tên lửa và 2 khu trục tên lửa.

Phòng Báo chí Hạm đội Phương Bắc từ chối giải thích vì sao mà phi đội trên tàu Kuznetsov lại bị cắt xén đến thế. Trong khi, được biết trong biên chế trung đoàn không quân tiêm kích trên hạm duy nhất của Nga - Trung đoàn Cận vệ độc lập 279 - có khoảng 25 chiếc Su-33. tại sao đa số các máy bay này người ta quyết định để lại trên bờ? Chúng ta buộc phải nhờ đến các chuyên gia quân sự có tiếng để có câu trả lời.

khi mà lực lượng máy bay trên tàu vừa thiếu, vừa yếu

Bình luận của các chuyên gia quân sự Nga

* Phi công thử nghiệm công huân, Anh hùng nước Nga, Đại tá Magomed Omarovich Tolboyev nói về không đoàn trên tàu Kuznetsov:

Svpressa (SP): Tại sao trên boong tàu sân bay của Nga lại có ít máy bay thế?

- Vì chúng ta không có đủ số lượng máy bay để bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ của tàu. Trung đoàn không quân nào của chúng ta biên chế chiến đấu cũng thiếu.

SP: Năm tới, người ta dự định cung cấp 90 máy bay mới và máy bay hiện đại hóa.

- Có thể nói gì cũng được. Nhưng liệu có làm được không? Suốt những năm qua, đơn đặt hàng nhà nước kinh niên không hoàn thành.

SP: Thế chúng ta có đủ phi công đủ trình độ để bay từ tàu Kuznetsov không?

- Cả phi công được đào tạo cũng quá ít. Thiếu phi công cả trên tàu Kuznetsov, cũng như trong các trung đoàn không quân nói chung.

Những phát biểu của Đại tá Tolboyev được xác nhận bởi một tin của tờ Rio Severomorsk, nơi đặt đại bản doanh Hạm đội Phương Bắc: “Tại các thao trường của Hạm đội Phương Bắc tại Biển Barents, trên tàu tuần dương hạng nặng chở máy bay Đô đốc Hạm đội Liên Xô Kuznetsov, các hoạt động luyện tập của các phi công của trung đoàn không quân tiêm kích hạm tàu độc lập của Hạm đội Phương Bắc đang tiếp tục… Số lượng người lái đã hạ cánh máy bay chiến đấu Su-33 lên boong tàu tuần dương chỉ hơn hai chục một chút. Ngày 17.8, hàng ngũ vinh quang của họ của họ đã được bổ sung thêm một phi công giỏi”.
 
Hệ thống tên lửa bờ biển cơ động SS-C-5 Bastion
* Đô đốc Valentin Selivanov, cựu Tư lệnh Hải đoàn 5 Địa Trung Hải, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga nói về tên lửa khét tiếng Yakhont

SP: Ông đã chỉ huy Hải đoàn trong những năm 1980. Còn các tên lửa Yakhont là sản phẩm của cuối thập kỷ 1970. Các tên lửa này từng có trong trang bị chưa?

- Chưa, hồi đó chưa có Yakhont, nhưng tôi có thể nói chắc chắn rằng: các tên lửa Liên Xô, Nga của chúng ta là vũ khí tuyệt vời. Nếu dùng chúng mà đánh thì chúng sẽ đánh trúng vào giữa mục tiêu.

SP: Mới đây, tàu sân bay George Bush đã tới gần hải phận Syria. Các tên lửa Yakhont có thể bảo vệ nước này trước con tàu này không?

- 1-2 quả tên lửa sẽ không giải quyết được vấn đề: cụm tàu sân bay xung kích sẽ bắn hạ chúng ngon lành. Yakhont là tên lửa tuyệt vời. Nhưng không có phương tiện mang nào là không thể tiêu diệt. Ở đây chỉ cần số lượng tên lửa tính toán. Đó là nhiệm vụ giành cho các nhà quân sự. Cần bao nhiêu quả tên lửa cho một tàu sân bay này tôi biết, song không thể nói.

SP: Nhưng liệu 2 hệ thống Bastion có đủ để phòng thủ bờ biển Syria không?

- Trong điều kiện hiện tại thì 2 hệ thống là ngon rồi. Nếu sử dụng chúng đúng cách và bảo toàn được trước các đòn tấn công của đối phương, tức là bảo đảm độ vững chắc chiến đấu, nó sẽ là đáng gờm. Đối với Syria điều đó thật tuyệt vời.

SP: Đã có những thông tin không chính thức nói rằng, trên boong Đô đốc Kuznetsov sẽ chỉ có 8  chiếc Su-33 và vài chiếc MiG-29К. Ông có biết gì về điều này không?

- Có bao nhiêu máy bay trong không đoàn của Đô đốc Kuznetsov thì tôi không rõ. Nhưng chỉ ngay khi nó ra khơi là tình báo phương Tây lập tức biết hết. Nauy, Anh, Italia đã hoàn thiện hết các công nghệ đó nên chỉ vài ngày sau là tất cả đều biết.

SS-N-26 Yakhont
Một hệ thống Bastion
bao gồm 4 xe bệ phóng dùng khung gầm MAZ (mỗi xe mang 3 quả Yakhont và có thể chuyển từ trạng thái hành quân sang chiến đấu trong vòng 5 phút), 1-2 xe chỉ huy chiến đấu, 1 xe bảo đảm trực chiến, 4 xe tiếp đạn và khi cần, một hệ thống chỉ thị mục tiêu lắp trên trực thăng.

Hệ thống có thể trực chiến trong vòng 30 ở một khu vực đã định. Nhịp phóng tên lửa hành trình khi bắn loạt từ một xe bệ phóng là 2,5 s, tức là 2 hệ thống Bastion chỉ trong chưa đầy 10 s có thể phóng đến các tàu địch 24 quả tên lửa. Tên lửa có tầm bắn 300 km, đầu đạn 300 kg.

Tên lửa có thể thay đổi quỹ đạo bay: ở giai đoạn cuối, tên lửa bay ở độ cao chỉ cách mặt biển 5 m nên cực khó phát hiện và đánh chặn tên lửa.

Sơ đồ tác chiến của tên lửa Yakhont: 1) Chỉ thị mục tiêu; 2) Phóng loạt tên lửa chống hạm; 3) Tăng tốc và lấy độ cao; 4) Bay hành trình; 5) Hạ xuống độ cao nhỏ; 6) Bật đầu tìm, phát hiện mục tiêu; 7) Bay ở độ cao nhỏ; 8) Các tên lửa chống hạm tự dẫn tới các mục tiêu được lựa chọn

* Ý kiến của Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự, PTS KHQS, Đại tá Anatoly Tsyganok:

- Vấn đề là ở chỗ, tầm bắn của hệ thống Bastion cho phép nó đặt dưới tầm ngắm gần như nửa Địa Trung Hải. Ngoài việc cung cấp vũ khí này, chúng ta không từ bỏ căn cứ của chúng ta ở Syria. Hơn nữa, trong 2 năm gần đây, chúng ta đã nạo vét đáy của khu căn cứ: nếu như năm 1995, chỉ có các tàu cấp 3 ghé được vào căn cứ, thì nay các tàu cấp 1 đã có thể, mặc dù vẫn quá chật hẹp tàu Kuznetsov nên tàu này phải bỏ neo ở ngoài cảng.

Cần hiểu rõ rằng, giải pháp vũ lực cho vấn đề Syria đã ở đâu đó cận kề. Các nước Arab đã tuyên bố chấm dứt mọi sự hợp tác với Syria. Rất may là Syria đã biết điều gì sẽ xảy ra nên đã rút 95% tiền của mình khỏi các nước này. Một vấn đề khác rất quan trọng là 8 nước đã rút sứ quán của mình khỏi Iran và rút sứ quán cả khỏi Syria. Bây giờ, chúng ta đang thấy sự lặp lại tương tự của kịch bản Libya: sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, sự lên án toàn thể, kích động bạo loạn trong nước, các tàu chiến NATO rình rập ngoài bờ biển và có lẽ là cả vũ trang cho các lực lượng chống đối chính quyền hiện nay. Nhưng tôi nghĩ rằng, cả Nga lẫn Trung Quốc sẽ không chấp nhận để phương Tây thông qua Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra các biện pháp chống Syria. Nếu như ở Libya, chúng ta đã mất khoảng 2,5 tỷ USD, thì ở Syria tổn thất sẽ nhiều hơn và ngoài ra, ở đó còn có 110-120 ngàn công dân Nga đang sinh sống.

SP: Tại sao trên tàu Kuznetsov lại ít máy bay thế?

- Tôi nghĩ rằng, đơn giản là về mặt kỹ  thuật người ta không kịp sửa chữa xong: tàu thì cần phải khẩn cấp cho ra khơi, còn các máy bay thì không kịp đưa đến. Sửa chữa lớn là một quá trình dài từ nửa năm trở lên và chi phí mất hơn 10-15 triệu rúp.

SP: Các tên lửa Yakhont có thực sự là vũ khí khủng khiếp như người ta nói không?

- Hãy tin là giá như Nga đã cung cấp cho Gaddafi Yakhont thì hạm đội NATO sẽ không yên ổn hành động như thế ở Địa Trung Hải. Còn một điều thú vị nữa. Bên trên Địa Trung Hải là cả đống vệ tinh do thám. Tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng Nga đang theo dõi các tàu Mỹ và cung cấp toàn bộ thông tin về chúng đến bộ chỉ huy quân đội Syria.
 
* Đô đốc Valentin Selivanov nói về biện pháp đối phó tàu sân bay Mỹ trong những năm 1970:

“Ở đó lúc nào cũng có 2 tàu sân bay Mỹ. Một cụm tàu sân bay ở khu vực đóng quân tại Napoli (Italia), cụm kia ở Haifa (Israel). Các lực lượng của tôi thì triển khai một đơn vị ở khu vực Tunis, đơn vị khác ở Mersa Matruh. Mỗi đơn vị nhằm vào một cụm tàu sân đối phương được phân công. Mỗi tàu sân bay Mỹ đều bị các tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa hành trình của chúng tôi đi kèm. Ở gần mỗi tàu sân bay luôn có một tàu theo dõi của chúng tôi, phát hiện từng lượt cất cánh của máy bay trên hạm Mỹ và truyền những thông tin này đến các tàu ngầm.

Ngoài các tàu ngầm, mỗi tàu sân bay Mỹ còn bị kèm chặt bởi các cụm tàu tấn công của chúng tôi. Nếu như đó là tàu tuần dương mang tên lửa có tầm bắn 300-350 km thì nó chạy cách cụm tàu sân bay đối phương khoảng 300 km.

Tôi đã cố phân bố lực lượng sao cho mỗi tàu sân bay bị không dưới 30 tên lửa của chúng tôi nhằm bắn ở trạng thái sẵn sàng phóng các tên lửa trong vòng 2 phút. Cứ cứ mỗi giờ, tôi lại cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cập nhật cho tất cả các phương tiện của hải đoàn, đối phương luôn nằm trong tầm ngắm. Và dĩ nhiên chúng tôi cũng nằm trong tầm ngắm của người Mỹ.

Trong khi đó 25%, tức là ¼ số tên lửa của chúng tôi được lắp đầu đạn hạt nhân. Tức là trên mỗi tàu ngầm có 8 tên lửa, 2 trong số đó mang đầu đạn hạt nhân. Trên tàu Slava là 16 tên lửa, 4 trong số đó mang đầu đạn hạt nhân.

Đương thời, Liên Xô cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên. Nhưng rất khó nói điều đó thực hiện thế nào trong thời chiến. Ví dụ, nếu như trong trận đánh, tôi đã phóng hết sạch các tên lửa mang đầu đạn thông thường, mà tôi vẫn tiếp tục bị tấn công từ mọi hướng và chẳng ai có thể giúp tôi. Làm sao có thể ngừng kháng cự khi chưa tiêu hao uy lực chủ yếu của mình (tên lửa mang đầu đạn hạt nhân)?

Các tính toán của chúng tôi cho thấy, hồi đó, cụm tàu sân bay Mỹ có khả năng bắn hạ chắc chắn 22 tên lửa. Tàu sân bay sẽ dính quả tên lửa thứ 23 đánh vào mạn tàu. Quả thứ 24 họ lại có thể bắn rơi, nhưng sau đó lại để lọt 3 quả liền và cứ như thế. Nghĩa là khi bắn hơn 22 quả tên lửa trong một loạt bắn thì chúng tôi đã có thể tiêu diệt với xác suất cao mục tiêu chính là tàu sân bay. Bởi vậy, chúng tôi đã tính toán là phải luôn có 30 quả tên lửa sẵn sàng phóng. Nhưng thật lòng mà nói, tôi không bao giờ tin là người Mỹ quả thực có khả năng bắn rơi 22 quả tên lửa đầu tiên. Tôi đoan chắc, con số đó sẽ không quá 10...

Trong khi đó, các tên lửa của chúng tôi là tên lửa thông minh, nếu như chúng gặp mục tiêu kém thú vị hơn thì bỏ qua mà tìm cái gì đó to hơn. Nếu như trên đường bay tới tàu sân bay có một tàu khu trục, thì tên lửa vòng tránh qua nó về phía mạn phải hay mạn trái và sẽ bay tiếp đến mục tiêu nào có bề mặt phản xạ lớn hơn, tức là nó vẫn sẽ tìm ra tàu sân bay. Hơn nữa, độ chính xác của tên lửa của chúng tôi đơn giản là cực cao. Tôi đã chứng kiến hàng mấy chục lần phóng tập tên lửa và gần như chúng luôn trúng vào mục tiêu mà còn là vào giữa tâm hình học của mục tiêu.

Đã có trường hợp, tàu khu trục lớp Projkekt 956 được bán cho Trung Quốc. Và ở đó, bên Trung Quốc, người ta tổ chức đợt bắn đầu tiên có sự tham dự của cả các chuyên gia của chúng tôi. Người Trung Quốc lấy một tàu chở dầu nhỏ cỡ 1.000-1.500 tấn làm mục tiêu. Bình thường mục tiêu được neo bằng 2 mỏ neo để độ rộng phản xạ của mục tiêu được lớn. Nhưng đột nhiên chiếc tàu dầu tuột khỏi chiếc phao neo và xoay đuôi về phía tàu khu trục bắn tên lửa ở tư thế độ rộng mục tiêu chỉ còn không quá 15 m, hơn nữa chiếc tàu dầu rõ ràng là đã bị thủng, dần dần chìm xuống và tại thời điểm phóng, mũi tàu hất mạnh lên. Ấy vậy mà quả tên lửa phóng đi vẫn bắn chính xác vào giữa mặt boong, vào phần thượng tầng, xuyên suốt qua nó, đi qua thân tàu và phá vỡ mũi tàu dầu chỗ sống mũi tàu. Người Trung Quốc kinh hoàng trước những gì họ chứng kiến.

Tên lửa trên các tàu ngầm còn “thông minh” hơn. Nếu chỉ huy quyết định bắn loạt một lúc 8 tên lửa, thì tàu sẽ phóng tên lửa lần lượt từng quả một, sau đó các tên lửa tập hợp thành đội hình trên không và chỉ sau đó mới cùng bay đến mục tiêu.

Thường có những báo cáo kết quả ghi nhận tất cả các lần phòng tên lửa đều trúng đích 100%. Đôi khi, khá hiếm hoi là có trục  trặc với bản thân tên lửa khi phóng, hỏng động cơ hay hệ thống nào đó. Nhưng một khi tên lửa đã bay đi thì có thể chắc chắn là nó sẽ tìm thấy mục tiêu của mình và nhất định bắn trúng vào giữa tâm hình học của mục tiêu.

Vì thế, chúng tôi tự hào về vũ khí của mình, kính trọng vũ khí của chúng tôi.

Bởi vậy, tôi tin rằng, người Mỹ khi có chiến tranh không bao giờ có thể bắn rơi được 22 tên lửa của chúng tôi! Mà số tên lửa cho mỗi cụm tàu sân bay thì như tôi đã nói là có ít nhất 30 quả! Mà đó là năm 1977-1978. Sau đó, kỹ năng và khả năng của vũ khí của chúng ta chỉ có tốt lên mà thôi”.
  • Nguồn: Viktor Savenkov // SVP, 6.12.2011.
Nhân Vũ