In bài này
Việt Nam sẽ là khách hàng mua vũ khí Nga lớn thứ ba
Chủ Nhật, 27/11/2011 - 5:44 AM
Việt Nam tăng 35% ngân sách quốc phòng vào năm 2012

Nga là nhà cung cấp vũ khí nhiều nhất của Việt Nam. Trong tương lai, hợp tác kỹ thuật quân sự song phương sẽ mở rộng hơn nữa. Sự hợp tác với Việt Nam được coi là quan hệ đối tác chiến lược, đang diễn ra về tất cả các loại vũ khí trang bị.
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), tỷ trọng của Nga trên thị trường vũ khí Việt Nam giai đoạn 2003-2010 là 87,4%, giai đoạn 2011-2014 sẽ tăng lên đến 97,5%.

Cùng với những hợp đồng lớn cung cấp vũ khí cho Việt Nam, tỷ trọng của Việt Nam trong doanh thu xuất khẩu vũ khí Nga cũng tăng mạnh.

Trong giai đoạn 2003-2010, trong tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga, Việt Nam đứng thứ 8 (2,4%), đỉnh điểm là năm 2005 với mức 6,7%. Năm 2003, tỷ trọng của Việt Nam trong tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí Nga là 1%, năm 2004 - 2,4%, năm 2005 - 6,7%, năm 2007 - 3% và năm 2010 - 6,4%.

Tuy nhiên, sắp tới, tỷ trọng của Việt Nam trong tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga sẽ tăng mạnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2014, Việt Nam sẽ đứng vị trí thứ ba trong cơ cấu xuất khẩu vũ khí Nga với 9%. Tỷ trọng Việt Nam dự báo theo năm sẽ là: 9,4% vào năm 2011, 9,3% vào năm 2012, 4,1% vào năm 2013 và 14,9% vào năm 2014.

Theo quyết định của Chính phủ Việt Nam, ngân sách quốc phòng Việt Nam tài khóa 2012 sẽ là 70.000 tỷ đồng (2,27 tỷ USD). Như vậy, chi phí quốc phòng sẽ tăng 35% so với năm nay.

Theo Jane’s Defence Weelly, quyết định này được công bố ngày 15.11 tại kỳ họp thứ 13 Quốc hội Việt Nam. Chi phí quốc phòng sẽ chiếm gần 8% tổng ngân sách nhà nước và 2% GDP. Trước đó, được biết, ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm 2011 là 52.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia phương Tây, mức tăng mạnh ngân sách quân sự Việt Nam có thể bị nuốt phần lớn bởi mức lạm phát hai con số hiện nay. Đồng thời, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch giảm mức độ lạm phát xuống còn 7% và duy trì mức tăng trưởng kinh tế ở mức 5%.

Có lẽ, hướng xây dựng quân đội chủ yếu của Việt Nam trong tương lai sắp tới sẽ là nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội tại Biển Đông, nơi tập trung những mỏ tài nguyên thiên nhiên lớn và có sự gia tăng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Chương trình hiện đại hóa quân đội đang được tiến hành theo nhiệm vụ chiến lược do Việt Nam đặt ra là trở thành nước công nghiệp mạnh vào năm 2020, có công nghiệp phát triển và quân đội được trang bị hiện đại.

Trong khuôn khổ kế hoạch này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tuyên bố rằng, “củng cố quốc phòng và an ninh” là một trong “5 nhiệm vụ then chốt” sẽ được giải quyết đến năm 2015.

Nguồn: Armstrade, 23.11.2011.

Đại Việt