In bài này
Mỹ thử thành công vũ khí tấn công toàn cầu siêu vượt âm
Thứ Sáu, 18/11/2011 - 9:21 AM
Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành thử nghiệm bom liệng siêu vượt âm AHW (Advanced Hypersonic Weapon) vào ngày 17.11.2011.
Falcon HTV-2 (topspeed.com)
Nhờ loại bom mới có thể bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh. quân đội Mỹ sẽ có thể tấn công các mục tiêu ở bất cứ đâu trên thế giới trong vòng 1 giờ đồng hồ. Mục tiêu chính của thử nghiệm là kiểm tra khả năng cơ động, điều khiển và chịu nhiệt độ cao của bom.

Lầu Năm góc không tiết lộ chi tiết nào khác về vụ thử nghiệm, chỉ biết AHW đã được đưa lên tầng trên khí quyển bằng tên lửa đẩy phóng từ quần đảo Hawaii. Sau khi bom tách khỏi tên lửa, nó bay liệng tới mục tiêu ở đảo san hô vòng Kwajalein, cách quần đảo Hawaii gần 4.000 km về phía tây nam, với tốc độ siêu vượt âm.

AHW đã bay qua 3.700 km từ đảo Kauai (Hawaii) đến Kwajalein (quần đảo Marshal) trong chưa đầy 30 phút.

Mặc dù, Lầu Năm góc gọi AHW là bom, song đúng ra đây là một đầu đạn cơ động hay một khí cụ bay siêu âm.

Giới quân sự Mỹ cho biết, vũ khí này được chế tạo trước hết để chống khủng bố. AHW có thể mang không chỉ đầu đạn và được sử dụng như một phương tiện mang, mà còn như một vũ khí tự thân nhờ động năng lớn do tốc độ cao.

AHW được phát triển phục vụ quân đội Mỹ trong khuôn khổ chương trình tấn công nhanh toàn cầu PGS (Prompt Global Strike) quy mô hơn.

Theo Nha Nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ (CRS), tầm hoạt động của AHW nhỏ hơn nhiều so với loại khí cụ bay siêu vượt âm khác là Falcon HTV-2. Falcon có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 27.000 km và bay với tốc độ đến 20M (23.000 km/h). Lần thử nghiệm FHTV-2 mới nhất diễn ra vào giữa tháng 8.2011 và kết thúc thất bại.

FHTV-2 cũng đang được phát triển trong khuôn khổ chương trình PGS cùng với các dự án chế tạo tên lửa đường đạn mang đầu đạn thông thường, tên lửa siêu vượt âm X-51A Waverider và dự đoán là cả máy bay quỹ đạo không người lái X-37B. Theo CRS, chi phí cho chương trình trong năm 2011 là 239,9 triệu USD, trong đó có 69 triệu chi cho AHW.

PGS do Cục Các dự án nghiên cứu tiên tiến DARPA, Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành nhằm chế tạo các phương tiện có thể tấn công bằng đầu đạn thông thường bất cứ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng 1 giờ đồng hồ. Tốc độ của chúng phải đạt gần 5.793 km/h, tức là cao hơn khoảng 7 lần tốc độ tên lửa hành trình Tomahawk (885 km/h).

Mỹ đã có những mẫu thử nghiệm loại vũ khí này. Tháng 8.2011, Lầu Năm góc đã thử lần thứ hai tên lửa Falcon HTV-2, song thất bại. Tên lửa đạt tốc độ tính toán, nhưng sau đó biến khỏi màn hình radar. HTV-2 được phóng lần đầu vào tháng 4.2010.

Việc Mỹ quan tâm đến chương trình vũ khí tấn công toàn cầu phi hạt nhân khiến Nga lâu nay lo ngại. Từ lâu, Nga cũng tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực vũ khí tấn công nhanh, nhưng là mang đầu đạn hạt nhân. Hiện nay, Nga có các tên lửa siêu âm Bazalt, Vulcan, Granit, Moskit, Oniks.

Ngoài ra, họ cũng đang thử nghiệm hệ thống tên lửa hạm tàu Tsirkon với tên lửa siêu vượt âm cấp chiến dịch, có tầm bắn 300-400 km. Nga và Ấn Độ đồng thời cũng đang phát triển tên lửa siêu vượt âm BrahMos II.

Ngày 28.10, tàu ngầm Yuri Dolgoruky lại phóng thành công tên lửa đường đạn Bulava có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân, cơ động siêu vượt âm  với tầm bắn đến 8.000 km.

Ngoài ra, Nga cũng đang sử dụng các hệ thống phòng không tầm xa tối tân S-400, S-300 và đang phát triển S-500. Như vậy, chính vũ khí hạt nhân là sự đáp trả của Nga đối với chương trình PGS của Mỹ.
  • Nguồn: Newsru, Lenta, VZ, 18.11.11.

PM