In bài này
Ấn Độ hiện đại hóa quân đội quy mô lớn để đối phó Trung Quốc
Thứ Hai, 07/11/2011 - 2:47 PM
Delhi dự định chi thêm gần 13 tỷ USD cho hiện đại hóa quân đội. Kế hoạch đó với nội dung chính là tăng cường lực lượng quân đội Ấn Độ trên biên giới với Ấn-Trung đã dược Bộ Quốc phòng Ấn Độ xây dựng.

Cụ thể, có tin về việc thành lập 4 sư đoàn để triển khai trên biên giới Ấn-Trung. Dự đoán, 2 trong số 4 sư này sẽ nằm trong biên chế của lực lượng đặc nhiệm được huấn luyện để tác chiến sơn cước.

Cần lưu ý là giới quân sự Ấn Độ tăng cường quân đội với tính toán phải chiến đấu trên 2 mặt trận với Pakistan và Trung Quốc. Delhi đang tích cực tham gia cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương: họ đang mua sắm các vũ khí tối tân cho Không quân, Hải quân và Lục quân Ấn Độ, hoàn thiện hệ thống phòng không, hệ thống chỉ huy quân đội, có kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc qua, hợp tác với Nga chế tạo tiêm kích thế hệ 5...

Lực lượng hạt nhân Ấn Độ đang được đưa lên trình độ mới. Tháng 10.2011, tờ Pioneer (Ấn Độ) đưa tin, Moskva sẽ cung cấp cho Ấn Độ các công nghệ tối tân dùng để dẫn tên lửa đường đạn xuyên lục địa Agni-5 có tầm bắn đến 10.000 km.

Giới tinh hoa Ấn Độ cho rằng, các đối thủ nhiều khả năng nhất là quân đội Pakistan và Trung Quốc, mà Ấn Độ đã có không phải một lần xung đột quân sự trên biên giới. Ngoài ra, Delhi cũng lo ngại sự gia tăng sức mạnh quân sự nhanh chóng của Trung Quốc.

Tháng 7.2011, Thủ tướng Manmohan Singh đã tuyên bố, Trung Quốc đang đi trước Ấn Độ khá xa. Trung Quốc đang vươn ra đại dương thế giới và thực tế đã có tàu sân bay đầu tiên. “Đáp lại, Ấn Độ buộc phải có những biện pháp đối phó cần thiết”. Ông Thủ tướng cũng cho biết, “tuy các nguồn lực hạn chế”, Ấn Độ đang bắt tay vào hiện đại hóa quân đội, trong đó có Hải quân và Không quân. Ngoài ra, lần đầu tiên trong nhiều năm, Ấn Độ đang có những nỗ lực lớn phát triển hạ tầng ở các bang giáp biên giới Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ sẽ đồng ý nếu giới quân sự Ấn Độ tăng trần chi phí quân sự, ông Singh nói.

Ngày 5.10.2011, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, Tướng Vijay Kumar Singh đã thông báo, phát hiện ở bang Kashmir, phần do Pakistan kiểm soát (mà Delhi coi là lãnh thổ của Ấn Độ bị chiếm đóng) gần 4.000 người Trung Quốc, trong đó có cả lính quân đội Trung Quốc. Ấn Độ rất lo ngại trước sự có mặt tại “lãnh thổ bị chiếm đóng” lính công binh và một số lớn máy móc xây dựng Trung Quốc.

Sau đó, báo chí Ấn Độ đưa tin, Lục quân Ấn Độ sẽ triển khai các xe tăng Т-72 của Liên Xô ở các vùng núi giáp biên giới với Trung Quốc và Pakistan.

Ngày 17.10.2011, có tin ở bang Arunachal Pradesh (giáp giới với Trung Quốc) sẽ triển khai tiểu đoàn tên lửa hành trình chiến thuật BrahMos. Ba tiểu đoàn BrahMos đã được triển khai trên biên giới với Pakistan. Tên lửa BrahMos có khả năng tấn công các mục tiêu tại Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát.

“Tiểu đoàn tên lửa thứ tư được triển khai nhằm tăng cường khả năng quân sự do Trung Quốc có khả năng triển khai tên lửa trên biên giới với Ấn Độ. Từ vị trí triển khai của mình, các tên lửa này có thể tiêu diệt các mục tiêu ở khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc”, báo chí Ấn Độ viết.

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động ráo riết đó của quân đội Ấn Độ có liên quan đến việc phát triển hạ tầng quân sự của Trung Quốc ở các khu vực giáp giới với Ấn Độ và sự gia tăng hợp tác kỹ thuật quân sự Trung Quốc-Pakistan. 

“Nếu các đề xuất đó được thông qua thì đợt hiện đại hóa quân đội quy mô nhất, cũng như sự tăng cường mạnh mẽ nhất các đơn vị quân đội trên biên giới với Trung Quốc kể từ sau cuộc xung đột quân sự với nước này năm 1962 sẽ bắt đầu”, tờ Times of India viết.

Hiện chưa có lý do cho một cuộc chiến tranh lớn giữa hai đại cường này, song cuộc chạy đua vũ trang sẽ tiếp diễn. Trung Quốc và Ấn Độ đang tiến hành hiện đại hóa nhằm đưa quân đội lên một trình độ mới.

Hiện nay, Bắc Kinh và Delhi có tranh chấp ở 2 khu vực: bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc yêu sách vì coi đây là một phần của Tây Tạng, còn Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng một phần lãnh thổ Kashmir là sa mạc trên núi cao Aksai Chin và tuyến đường xuyên Karakorum mà Pakistan chuyển giao cho Trung Quốc năm 1963.

Nhìn chung, tình thế đó có lợi cho cả Nga và Mỹ vì Delhi buộc phải mua nhiều vũ khí Nga và phương Tây. Trung Quốc cũng phải lo lắng hơn cho việc phòng thủ đường biên giới phía Tây mà lơ là biên giới phía Bắc với Nga. Vũ khí Ấn Độ chẳng hề đe dọa Nga vì hai bên không có đường biên giới chung và tranh chấp lãnh thổ, quan hệ lại là hữu nghị truyền thống. Đến 60% vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ (frigate, máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng, một tàu sân bay đang hoàn thiện…) là do Nga cung cấp và hằng năm, Nga kiếm được 5-6 tỷ USD từ các đơn hàng vũ khí của Ấn Độ.

Theo các chuyên gia, cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước Ấn Độ, Trung Quốc sẽ chỉ có mạnh mẽ thêm.

  • Nguồn: VZ, 2.11.11, TW, 5.11.11.
VNH