In bài này
Nga buộc tội Ukraine đánh cắp tàu Zubr
Chủ Nhật, 04/09/2011 - 1:04 PM
Rosoboronoexport cáo buộc Kiev vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với vũ khí Nga. Lý do là hợp đồng Ukraine cung cấp cho Trung Quốc 4 tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới Projekt 12322 Zubr.

Tổng trị giá hợp đồng ước gần 350 triệu USD. Tuy vậy, vấn đề không chỉ là tiền. Đối với Ukraine, hợp đồng này có ý nghĩa quan trọng còn là vì 2 tàu đầu tiên dự kiến đóng tại Nhà máy “đói” hợp đồng kinh niên Morie ở Feodosya, một trong hai cơ sở đóng tàu Zubr từ thời Liên Xô. Kiev cho rằng, nó sẽ giúp kéo một bộ phận các chuyên gia đóng tàu tay nghề cao đang lưu lạc ở nước ngoài vì miếng cơm manh áo trở về Ukraine. Những món lợi đó khiến Ukraine phớt lờ các yêu sách của Rosoboronoexport.

Chuyện không phải là Zubr là bí mật nhà nước ghê gớm gì của Nga. Tháng 1.2000, Ukraine, Nga và Hy Lạp đã ký hợp đồng 3 bên cung cấp 4 tàu Zubr cho Hy Lạp, trong đó Nga và Ukraine mỗi nước cung cấp 2 tàu, tổng trị giá gần 200 triệu USD. Số tàu này đã được bàn giao cho Hy Lạp. Ukraine kiếm được gần 97 triệu USD, còn Nga kiếm được khoảng 101 triệu USD.

Nhưng với Trung Quốc, thì Nga cho rằng, mọi chuyện hoàn toàn khác. Một là, bản thân Nga cũng đã định bán Zubr cho Bắc Kinh. Hai bên đã đàm phán rất lâu về vấn đề này, nhưng cuối cùng không mang lại kết quả phần nhiều là vì Ukraine chen ngang. Vì vậy, Rosoboronoexport rất căm tức.

Té ra miếng mồi nhử hấp dẫn nhất mà Ukraine đưa ra với Trung Quốc là tài liệu kỹ thuật của tàu Zubr. Kiev định chuyển giao miễn phí tài liệu kỹ thuật cùng với các con tàu cho Trung Quốc. Mà điều đó thì các nhà xuất khẩu vũ khí Nga coi là sự ăn cướp. Bởi vì Zubr do Viện thiết kế TsMKB Almaz ở St. Petersburg (Nga) phát triển vào đầu thập niên 1980. Tức là Viện này là chủ sở hữu hợp pháp bản quyền trí tuệ đối với thiết kế tàu Zubr. Nghĩa là Nga coi Ukraine đã trắng trợn ăn cướp tiền bạc của Viện Almaz.

Kiev thì ngay trong năm 2009 khi công bố hợp đồng này đã khẳng định Zubr không thuộc phạm vi hiệu lực của Hiệp định Nga-Ukraine về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chung ký năm 2006 vì tàu được thiết kế từ thập niên 1980.

Ukraine còn miếng võ phòng thân khác. Họ nói họ không đóng cho Trung Quốc tàu đổ bộ Projekt 12322 của Liên Xô mà là các tàu chiến hoàn toàn khác, hoàn toàn do họ phát triển và trên giấy tờ số hiệu thiết kế cũng khác là Projekt 958. Nhưng nó có khác biệt gì với tàu Zubr thì chẳng ai nói được vì chẳng có lấy một tàu Projekt 958 trên đời.

Nga coi hợp đồng của Ukraine là quyết định thiển cận, hám cái lợi trước mắt mà bỏ quên những hậu quả lớn lâu dài. Đó là nó có thể lại làm trì hoãn dự án Nga-Ukraine chế tạo máy bay vận tải quân sự An-70 vốn đã nhiều long đong. Vì cuối cùng, hai bên cũng lại phải tính toàn chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ đối với máy bay này.

Ngoài ra, Trung Quốc vốn là siêu cao thủ về tài sao chép ăn cắp các thiết kế vũ khí nước ngoài sau vài năm nữa có thể đưa ra thị trường vũ khí thế giới các tàu đệm khí của mình chế tạo theo các bản vẽ lấy được từ Ukraine. Chúng giống tàu Zubr như giọt nước, song mang tên Trung Quốc và giá rẻ hơn nhiều. Lúc đó, cơ hội để cả Nga và Ukraine xuất khẩu các tàu Zubr độc nhất vô nhị sẽ chẳng còn là bao.

Với máy bay trên hạm Su-33 mà Trung Quốc đang quá cần cho chương trình tàu sân bay cũng như vậy.

Trung Quốc đề nghị Nga bán cho họ những… 2 chiếc. Rosoboronexport tỉnh táo từ chối vì biết thừa Trung Quốc sẽ lại tháo tung nó ra để làm nhái.

Lập tức, phía Ukraine nhảy vào. Họ có trong tay một mẫu chế thử Su-33 đắp chiếu từ thời Liên Xô, có ký hiệu là Т-10К. Năm 2005, mẫu này lọt vào tay Trung Quốc. Nay thì Trung Quốc dường như đã làm được tiêm kích trên hạm J-15 giống Su-33 như đúc để trang bị cho tàu sân bay Thi Lang.

18 nước được Liên Xô cấp giấy phép sản xuất AK. 11 nước khác sản xuất trái phép. Izhmash cho biết, hàng năm, trên thế giới có khoảng gần 1 triệu khẩu AK được sản xuất ra, trong đó chỉ có 10% là hợp pháp.

Tàu đổ bộ đệm khí cỡ nhỏ Projekt 2322 Zubr dùng để chuyên chở, đổ bộ bằng đường biển vũ khí trang bị và lực lượng đổ bộ lên bờ biển đối phương và chi viện hỏa lực cho bộ đội đổ bộ. Nó còn có thể vận chuyển và rải thủy lôi.

Là tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới, có khả năng tiến lên bờ, vượt qua hào rãnh, chạy trên đầm lầy và đổ bộ phương tiện và binh sĩ vào sâu đội hình phòng thủ của đối phương. Zubr có thể tiến hành hoạt động đổ bộ trên 70% tổng chiều dài đường bờ biển thế giới.

4 tàu đầu tiên bắt đầu đóng năm 1983 tại các nhà máy đóng tàu Primorie và Morie. Tàu đầu tiên số hiệu MDK-95 thực tế là tàu thử nghiệm, hoàn thành năm 1986 và được đưa vào biên chế chiến đấu của Hải quân Liên Xô năm 1988. Cho đến đầu thập niên 1990, Hải quân Liên Xô có 8 tàu Zubr. Sau khi phân chia Hạm đội Biển Đen, Ukraine nhận được 3 tàu đang sử dụng và 2 tàu đóng dở ở Feodosya. Một trong 2 tàu đóng dở này đã được hoàn thành vào tháng 6.1993 và đưa vào biên chế Hải quân Ukraine. Đến nay, 3 trong 4 tàu Zubr của Ukraine đã bị bán làm sắt vụn.

Tàu có thể chở 3 xe tăng chủ lực có tổng trọng lượng đến 150 tấn; hoặc 10 xe bọc thép chở quân có tổng trọng lượng đến 131 tấn và 140 lính đổ bộ; hoặc 8 xe chiến đấu bộ binh có tổng trọng lượng đến 115 tấn; hoặc 8 xe tăng bơi.

Trên tàu có 4 khoang đủ chỗ cho 140 lính đổ bộ. Thay vì binh khí kỹ thuật, có thể cải hoán nhanh để chở thêm 366 lính (tổng cộng gần 500 lính).

Nam Xương