In bài này
Đối đầu với Mỹ, tàu sân bay Trung Quốc chỉ 'sống' được vài giờ
Thứ Năm, 11/08/2011 - 1:56 PM
Những lợi ích, nhược điểm chiến lược của tàu sân bay Trung Quốc, các sứ mệnh tương lai và tác động chiến lược.

Trong cuộc đối đầu cường độ cao với kẻ thù có khả năng về tàu ngầm, không quân và tàu chiến bố trí trên tàu nổi/đất liền,
tuổi thọ dự tính của một tàu sân bay Trung Quốc có thể sẽ được tính bằng giờ.

Chương trình đóng tàu sân bay của Trung Quốc tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trong các nhà quan sát Trung Quốc và nước ngoài. Tàu sân bay Varyag của Liên Xô mà Trung Quốc mua từ Ukraine năm 1998 và cải tạo lại thành tàu sân bay đầu tiên của họ với tên Thi Lang có lẽ là sự khởi đầu khiêm tốn và tập trung cho nhiệm vụ huấn luyện cho một nhóm tàu sân bay chuyên dụng thế hệ 1 của Trung Quốc và sẽ sử dụng các máy bay trên hạm tự phát triển như J-15 Flying Shark.

Trung Quốc có thể sẽ đóng 3-4 tàu sân bay để ít nhất có 1 tàu hoạt động trên biển, trong khi các tàu khác được sử dụng cho huấn luyện hoặc cải tiến, sửa chữa.

Trong bối cảnh đó, một việc có ý nghĩa quan trọng là đưa ra một hình dung chiến lược chân thực và đánh giá những ưu và nhược điểm của việc phát triển và triển khai các tàu sân bay Trung Quốc. Một năng lực tàu sân bay đáng kể chắc chắn sẽ tạo ra những tiền đề đưa khả năng tung sức mạnh lên một cấp độ mới.

Nhận thức rõ những ưu thế và điểm yếu của các tàu sân bay của hải quân Trung Quốc sẽ giúp Mỹ và các cường quốc khu vực khác hoạch định các kế hoạch và chiến lược hiệu quả hơn để đối phó với khả năng tàu sân bay phôi thai của Trung Quốc.

Những lợi ích chiến lược

1) Mở rộng ảnh hưởng ngoại giao trong khu vực.

Một cụm tàu sân bay sẽ mang lại những lợi thế ngoại giao lớn trong việc tạo ra sự hiện diện hải quân dễ thấy của Trung Quốc ở Biển Đông Việt Nam, Đông Nam Á, dọc theo các tuyến đường biển then chốt ở Ấn Độ Dương, và phục vụ các sứ mệnh nhân đạo như phản ứng với trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương. Một số cụm tàu sân bay sẽ cần để có sự hiện diện ổn định ở các khu vực này và cho phép thực hiện bảo dưỡng định kỳ.

2) Cải thiện khả năng của Trung Quốc bảo vệ công dân của họ và những lợi ích kinh tế riêng quan trọng tại những khu vực bất ổn giữa Biển Đỏ và Hong Kong.

Tiến lên phía trước, năng lực của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được hoạch định chuyên để đối phó với các mối đe dọa đối với công dân Trung Quốc và các lợi ích của Trung Quốc ở hải ngoại. Chúng bao gồm các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như hải tặc và khủng bố, cũng như rối loạn nội bộ như đang thấy ở Libya.

Quân đội Mỹ, mặt khác, đang nắm giữ năng lực viễn chinh thực sự toàn cầu và mạnh mẽ, giúp họ tiến hành các cuộc chiến tranh lớn hầu như bất cứ đâu trên thế giới.

3) Các tàu sân bay đem lại một tổ hợp những khả năng thay đổi tùy biến để ứng phó với hàng loạt những tình huống bất ngờ.

Các tàu sân bay và hạ tầng hoạt động bảo đảm thực hiện được các sứ mệnh phức tạo cũng có thể vận dụng để ứng phó với các sứ mệnh an ninh phi truyền thống như cứu trợ nhân đạo sau trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương hay trấn áp hải tặc ngoài khơi Somalia. Quân đội Trung Quốc đang cải thiện khả năng đối phó với các mối đe dọa quy mô nhỏ hơn, không đòi hỏi phải dùng sức mạnh tiến vào một khu vực thù địch, song vẫn đòi hỏi sự triển khai lực lượng tầm xa. Khả năng thể hiện sự hiện diện được cải thiện và trợ giúp các chiến dịch nhân đạo và các hoạt động quân sự phi tác chiến có khả năng cho phép có được một năng lực viễn chinh quân sự hạn chế để đem lại những lợi ích ngoại giao lớn cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng, tiềm lực hải quân, không quân và lục quân thực hiện các hoạt động bên ngoài khu vực của Trung Quốc có lẽ vẫn còn phải mất ít nhất 15 năm nữa mới đạt được mức độ phản ứng tùy biến với các mối đe dọa cường độ cao và thấp mà Bộ Quốc phòng Mỹ hiện có.

Những nhược điểm chiến lược

1) Các tàu sân bay vốn dễ bị tấn công và tổn thương.

Trong một cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ, khi được hỏi các tàu sân bay Mỹ sẽ sống sót được bao lâu trong một cuộc chiến tranh lớn chống các lực lượng Soviet, Đô đốc Hyman Rickover đã có câu trả lời trứ danh: “khoảng 2 ngày”.

Trong cuộc đối đầu cường độ cao với kẻ thù có khả năng về tàu ngầm, không quân và tàu chiến bố trí trên tàu nổi/đất liền, tuổi thọ dự tính của một tàu sân bay Trung Quốc có thể sẽ được tính bằng giờ.

Khả năng tác chiến chống ngầm có lẽ là điểm yếu chí mạng nhất mà Trung Quốc cần phải khắc phục để bảo vệ các tàu sân bay tương lai. Nhiều láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Việt nam, Indonesia và  Malaysia, tất cả đều đã mua hoặc đã ký hợp đồng mua các tàu ngầm diesel tiến công khá hiện đại trong những năm gần đây và hải quân các nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tất cả đều có khả năng tấn công tàu ngầm rất mạnh.

2)  Các tàu sân bay cùng các tàu và hạ tầng yểm trợ cho chúng là rất đắt tiền.

Đó một phần là vì tính dễ bị tấn công của tàu sân bay và một phần vì cần có nhiều hệ thống hỗ trợ khác nhau để bảo đảm cho một tàu sân bay có thể hoạt động với hiệu quả tối đa. Nếu hải quân Trung Quốc có ý định tiến hành các hoạt động tàu sân bay đáng kể ở các vùng biển xa, họ chắc chắn sẽ phải mua sắm các tàu phòng không tiên tiến, tăng cường khả năng tiếp vận trên biển và mua sắm nhiều tàu ngầm hạt nhân tiến công hơn và tích hợp tốt hơn các máy bay chỉ huy/báo động sớm (AWACS) và máy bay tiếp dầu với lực lượng máy bay trên tàu sân bay.

3) Khả năng tác chiến bằng tàu sân bay của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm các láng giềng của Trung Quốc lo ngại và có khả năng giúp thúc đẩy các liên kết an ninh chính thức hơn nhằm đối trọng với sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc.

Các tàu sân bay vốn là công cụ tung sức mạnh. Các láng giềng của Trung Quốc và các đối thủ chiến lược chắc chắn sẽ tìm cách ngăn chặn cái mà họ coi như tín hiệu của tham vọng có được khả năng hải quân hùng mạnh của Trung Quốc vốn có thể nhanh chóng chuyển từ các sứ mệnh mềm sang các sứ mệnh cứng.

4) Quãng thời gian còn dài cho đến lúc các tàu sân bay Trung Quốc có khả năng hoạt động thực sự giúp các địch thủ khu vực của Trung Quốc có thời gian để xây dựng các biện pháp ứng phó mà thường là rẻ tiền hơn và có thể mua sắm tương đối nhanh.

Hạ tầng đóng tàu lớn và tích cực cũng như nền tảng nhân lực của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm giảm chi phí đóng và trang bị cho tàu sân bay so với Mỹ chẳng hạn. Tuy vậy, các tàu sân bay tự đóng trong nước vẫn sẽ đắt đỏ với giá cuối cùng chắc chắn sẽ bằng mấy chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Type 071 vốn rất thích hợp để đối phó với các tình huống bất ngờ mà Trung Quốc nhiều khả năng phải đối mặt nhất trong những năm tới và sẽ ít gây lo sợ trong các nước láng giềng của Trung Quốc hơn là một tàu sân bay thực sự.

  • Nguồn: Cá mập bay chuẩn bị lang thang trên biển: Những ưu nhược điểm chiến lược của chương trình tàu sân bay Trung Quốc (The ‘Flying Shark’ Prepares to Roam the Seas: Strategic pros and cons of China’s aircraft carrier program) / Gabe Collins, Andrew Erickson // China SignPost, N.35. 18.5.2011.
Nhân Vũ