In bài này
Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung: Lựa chọn nào cho nước Nga? (Phần 1)
Thứ Sáu, 22/07/2011 - 6:20 AM
“Sự tham gia của các nhà khoa học và kỹ sư Nga vào việc “hoàn thiện” sản phẩm của Trung Quốc là một trong những trang bí ẩn nhất của sự hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung”

>> Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung: Lựa chọn nào cho nước Nga? (Phần 2)

Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung Quốc mà mới 10 năm trước còn mang lại phần lớn thu nhập cho xuất khẩu vũ khí Nga thì hôm nay không thể tự hào với những hợp đồng vũ khí lớn. Hơn nữa, nhờ quan hệ đối tác này, Trung Quốc trong 20 năm gần đây đã có sự đột phá mà chỉ sự tiến bộ trong thập niên 1950 mới có thể sánh được. Hợp tác ký thuật quân sự Nga-Trung có những thành quả nào và triển vọng gì trong tương lai?

Lịch sử lặp lại

Việc nối lại hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Moskva và Bắc Kinh và sự tăng trưởng vũ bão của nó có liên quan chặt chẽ tới 2 thời điểm then chốt của lịch sử cận đại: bình thường hóa quan hệ Xô-Trung cuối những năm 1980-đầu những năm 1990 và ngược lại là sự chỉ trích gay gắt của các nước phương Tây đối với chính sách của ban lãnh đạo Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Kết quả là sau khi mất quyền tiếp cận công nghệ quân sự hiện đại của phương Tây, Trung Quốc cần có nguồn cung ứng thay thế mà chỉ có thể là Liên Xô mới có thể giữ vai trò đó.

Tình hình còn có đặc điểm là quân đội Trung Quốc vào cuối thập kỷ 1980 vẫn hoặc là được trang bị các vũ khí sao chép trực tiếp các loại vũ khí Liên Xô thời thập niên 1940-1950, hoặc là các mẫu vũ khí chế tạo dựa trên các hệ thống của Liên Xô với những thay đổi nhỏ. Đồng thời, Trung Quốc vẫn tiếp tục nghiên cứu và sao chép các mẫu vũ khí Liên Xô kể cả sau khi quan hệ song phương hầu như bị cắt đứt vào đầu thập niên 1960. Các mẫu vũ khí trang bị cần thiết họ lấy được bằng những con đường vòng thông qua các nước thế giới thứ ba đã mua vũ khí của Moskva.

Các mục tiêu của Trung Quốc trong “hiệp 2” hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga cũng như 40 năm trước là cực kỳ thực dụng:

- trang bị cho các binh chủng then chốt vũ khí hiện đại mua từ Liên Xô/Nga;
- sao chép các mẫu vũ khí trang bị, hệ thống, tổng thành then chốt để triển khai sản xuất loạt chúng ở Trung Quốc;
- phát triển trường phái thiết kế thông qua hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học và giáo dục của Liên Xô/Nga thuộc chuyên ngành tương tứng.

Chính logic này được thể hiện trong tất cả các hợp đồng vũ khí Trung-Nga trong 20 năm qua. Trong các hành động của phía Nga, ít ra là cho đến đầu những năm 2000, thật khó phát hiện một cách tiếp cận có hệ thống. Nó hiện diện một cách khách quan trong thập niên 1950, khi mà tiến hành chuyển giao cho Bắc Kinh vũ khí trang bị khá hiện đại, Liên Xô hạn chế sự tiếp cận của đồng minh Trung Quốc tới các công nghệ trọng yếu thời đó. Những hạn chế này cùng với những thảm họa nội bộ trong thập niên 1960 là nguyên nhân chính làm chậm lại nghiêm trọng sự phát triển công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sau khi Liên Xô chấm dứt viện trợ. Hiện nay, mấy chục năm sau, Trung Quốc dự định lấy lại những gì đã bỏ lỡ.

Tất cả đều là hàng Nga

Tình trạng khó khăn nhất đối với Trung Quốc là ngành chế tạo máy bay. Vào đầu thập niên 1990, không quân Trung Quốc chủ yếu được trang bị vũ khí trang bị thế hệ 1 và 2. Đó là các máy bay tiêm kích J-5 và J-6, các mẫu tương đương MiG-17 và MiG-19 của Liên Xô. Chúng đã cấu thành nền tảng không quân chiến thuật Trung Quốc, thậm chí việc sản xuất loạt J-6 ở Trung Quốc chỉ chấm dứt vào đầu thập niên 1980, tức là sau hơn 20 năm so với Liên Xô. Trong thời gian này, Trung Quốc đang sản xuất J-7 (saop chép MiG-21) cho không quân của họ. Trung Quốc cũng xuất khẩu loại máy bay này. Tiêm kích hiện đại nhất của Trung Quốc lúc đó là J-8, vốn vẫn là mẫu cải tiến từ MiG-21. Nặng và lớn hơn MiG-21, máy bay này có khả năng cơ động kém đối với một máy bay của thập kỷ 1980 và không có triển vọng phát triển. Cũng lạc hậu như thế là đội máy bay tiến công, bao gồm tiêm kích-bom Q-5 Fantan, được phát triển dựa trên MiG-19, và các máy bay ném bom H-5 (Il-28) và H-6 (Tu-16).

Chuyên gia quân sự nổi tiếng Konstantin Makienko cũng nêu lên một nhược điểm chí mạng của không quân Trung Quốc cuối thập niên 1980-đầu thập niên 1990: “ngoài việc không quân Trung Quốc được trang bị các vũ khí trang bị “đồ cổ”, họ hầu như không có kinh nghiệm sử dụng chiến đấu kể cả ở cấp chiến thuật, lẫn chiến lược, cũng như gặp khó khăn liên quan đến việc huấn luyện nhân lực tồi, hạ tầng yếu kém và chỉ huy trình độ thấp. Cả trong chiến tranh Triều Tiên lẫn chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, không quân Trung Quốc đều không tham gia tích cực. Nhìn chung, giống như cả quân đội Trung Quốc, không quân Trung Quốc có tiềm lực không đáng kể và khả năng sẵn sàng chiến đấu thấp”.

Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã có kế hoạch dựa vào 2 chương trình chính. Chương trình thứ nhất là mua sắm từ Nga tiêm kích hạng nặng Su-27 để sau đó triển khai sản xuất theo giấy phép máy bay này. Chương trình thứ hai là phát triển tiêm kích hạng nhẹ J-10 dựa trên dự án Lavi của Israel mà họ mua được vào ngay cuối thập kỷ 1980. Nhiệm vụ này tuy vậy Trung Quốc vẫn không thể tự lực giải quyết.

Nửa đầu thập niên 1990, Trung Quốc đã mua 2 lô tiêm kích Su-27. Trong những năm 1992-1996, họ đã nhận được từ Nga 36 chiếc Su-27SK một chỗ ngồi và 12 chiếc Su-27UBK hai chỗ ngồi. Cuối năm 1996, Nga và Trung Quốc đã ký hợp đồng sản xuất theo giấy phép máy bay Su-27 tại nhà máy ở Thẩm Dương, Trung Quốc với số lượng 200 chiếc. Trong không quân không quân Trung Quốc, máy bay này được đặt tên là J-11. Trong khi nghiên cứu làm chủ việc sản xuất loạt, các công trình sư Trung Quốc đồng thời cố gắng sao chép máy bay này và các tổng thành chính của nó, và đến cuối thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, họ đã đạt được những thành công nhất định khi bắt đầu sản xuất J-11 mà không dùng các bộ linh kiện của Nga.

Tuy nhiên, vào nửa cuối thập niên 1990, mẫu máy bay Su-27 cơ sở, trước hết dùng để giành ưu thế trên không đã không còn thỏa mãn hoàn toàn không quân Trung Quốc vì họ cần có một máy bay đa năng để tác chiến chống cả mục tiêu trên không lẫn trên mặt đất.

Tháng 8.1999, đến hợp đồng bán cho Trung Quốc 40 Su-30МКК, loại máy bay khác với Su-27SK ở chỗ có khả năng sử dụng tên lửa không-đối-không tối tân nhất thời đó RVV-AE, cũng như mang các loại vũ khí không-đối-diện có điều khiển khác nhau, được ký kết. Một hợp đồng khác cung cấp 43 máy bay này cũng được ký kết vào năm 2001, sau đó, Trung Quốc đã mua thêm 24 Su-30МК2. Đến nay, Su-30 về khách quan đang là nền tảng sức mạnh của không quânTrung Quốc.

Tuy vậy, các máy bay Su-30 của Trung Quốc thua kém đáng kể về tính năng so với các mẫu Su-30 dành cho không quân Ấn Độ vì chúng được trang bị hệ thống avionics tương đối lạc hậu và không có các động cơ có điều khiển vector lực đẩy. Thật khó nói nằm sâu đằng sau sự hạn chế về tính năng này là việc Nga không muốn chuyển giao cho Trung Quốc các công nghệ quân sự mới nhất hay là Nga muốn Trung Quốc tăng càng nhanh càng tốt số lượng máy bay hiện đại của không quân Trung Quốc mà không quá chú ý đến mức độ “tiên tiến” của chúng.

Sự giúp đỡ hữu ý và vô tình

Song song với việc làm chủ các máy bay Su-30 do Nga cung cấp và J-11 được sản xuất ở Trung Quốc, họ cũng tiếp tục phát triển các máy bay nội địa tiên tiến, trong đó nổi bật là 3 loại: tiêm kích “hạng trung” J-10 dựa trên thiết kế Lavi của Israel, tiêm kích hạng nhẹ FC-1, vốn là MiG-21 cải tiến cơ bản, và tiêm kích thế hệ 5 được giữ trong vòng bí mật một thời gian dài J-20. Trong đó, J-20 xem ra đã được chế tạo không dựa vào một mẫu chế thử nước ngoài cụ thể nào mà là thành quả của nhiều công trình nghiên cứu và thử nghiệm. Tuy nhiên, các công trình sư J-20 vẫn chịu ảnh hưởng rõ ràng của nước ngoài.

Bên cạnh đó, J-10 và FC-1, tuy là các máy bay đã hoàn chỉnh sẵn sàng đã có thể không thể ra đời nếu không có sự hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài. Việc vạch mặt chỉ tên những viện nghiên cứu và liên hiệp cụ thể của Nga đã tham gia hoàn thiện các máy bay này có lẽ không có ý nghĩa vì cả các chuyên gia máy bay lẫn những người không chuyên đều biết rõ họ là những cơ quan nào. Vấn đề nằm ở chỗ khác: sự hợp tác đó là xác đáng đến đâu với Nga? Cần nói ngay rằng, việc đổ lỗi chỉ cho các tổ chức nghiên cứu ấy là không công bằng và vô nghĩa: trong hoàn cảnh hầu như không có tài trợ từ phía nhà nước Nga, các nhà lãnh đạo các viện nghiên cứu, thiết kế đã buộc phải tìm những ai có thể trả tiền cho công việc của họ, và không phải lỗi của họ khi mà khách hàng chính trong nhiều trường hợp lại là Trung Quốc.

Sự tham gia của các nhà khoa học và kỹ sư Nga vào việc “hoàn thiện” sản phẩm của Trung Quốc là một trong những trang bí ẩn nhất của sự hợp tác kỹ thuật quân sự  Nga-Trung vốn đã được bảo mật khá chặt chẽ. Tuy không biết các chi tiết cụ thể của sự hợp tác này, ngày nay, chúng ta có thể thấy rõ các hậu quả của nó: Trung Quốc đã chế tạo, thử nghiệm và đưa vào sản xuất loạt 2 loại tiêm kích có khả năng cạnh tranh khá mạnh với các máy bay Nga trên thị trường bên ngoài. Loại FC-1 rẻ tiền và thô sơ cạnh tranh với các dự án MiG-21 hiện đại hóa sâu của Nga, cũng như với máy bay MiG-29 các đời đầu đã qua sử dụng, còn loại J-10 phức tạp, nặng và tiên tiến hơn thì cũng hướng vào cùng phân khúc thị trường mà MiG-29 cải tiến, kể cả MiG-35, cũng như các biến thể “trẻ hơn” của Su-27 nhằm vào.

Một loại tiêm kích khác mà Trung Quốc cũng không thể chế tạo nếu thiếu sự hỗ trợ của Nga - đó là J-11, nhưng ở đây tình hình hơi khác một chút. Sau khi chuyển giao cho Trung Quốc 2 lô Su-27 và họ triển khai sản xuất máy bay này theo giấy phép, Nga đã bảo mật khá chặt chẽ các bí mật công nghệ của máy bay này. Nửa cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000 đã xảy ra một số vụ bê bối gián điệp liên quan đến các âm mưu của tình báo Trung Quốc đánh cắp thông tin công nghệ chi tiết về cấu tạo Su-27 và các tổng thành then chốt của nó mà họ không tự lực làm nhái được.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn làm được J-11 “của mình”, nhưng đến nay, theo ý kiến chung của các chuyên gia, nó vẫn chưa đạt được tính năng của một mẫu chế thử. Những vấn đề căn bản là ở dự trữ làm việc của các động cơ do Trung Quốc sản xuất, tính năng của hệ thống avionics và dự trữ làm việc chung của khung thân. Tuy vậy, dưới hình thức đó, J-11 cùng với J-10 vẫn có khả năng tăng cường đáng kể sức mạnh của không quân Trung Quốc khi chúng thay thế các máy bay quá lạc hậu J-7 và J-8. Nó cũng có thể thu hút sự quan tâm ở thị trường bên ngoài. Trong số các khách hàng nhiều khả năng nhất là các nước tương đối nghèo, chẳng hạn ở châu Phi và Mỹ Latinh, cần có máy bay hiện đại và sẵn sàng trả 30-40 triệu USD cho một máy bay chiến đấu.

Một máy bay Trung Quốc “gốc Nga” khác là máy bay trên hạm J-15, được chế tạo hoàn toàn theo kiểu “kẻ cướp”.

Ngay vào cuối thập niên 1990, người Trung Quốc đã đề nghị Nga bán 50 chiếc Su-33, nhưng trong quá trình dàm phán, họ đã giảm số lượng máy bay định mua xuống còn 2 chiếc, sau đó phía Nga ngừng đàm phán vì lo ngại hợp đồng này sẽ làm thất thoát công nghệ như đã xảy ra với J-11.

Năm 2005 (theo nguồn khác là năm 2001), Bắc Kinh đã mua từ Ukraine máy bay Т-10К, một trong những mẫu chế thử đầu tiên của Su-33, và đầu tháng 6.2010, họ tuyên bố đã hoàn thành chế tạo mẫu chế thử tiêm kích trên hạm mới. Sự chậm trễ kéo dài đó là do khó khăn liên quan đến công nghệ cánh gấp của tiêm kích trên hạm. Tuy vậy, một số báo chí Trung Quốc dẫn nguồn công ty thiết kế J-15 đưa tin rằng, máy bay này không phải là sao chép Su-33 (với lý do Su-33 có thiết bị avionics, radar và tên lửa lạc hậu) mà là thiết kế cải tiến của J-11B (sao chép Su-27).

Tháng 7.2010, xuất hiện đoạn video bay thử J-15, còn theo tờ Hoàn Cầu (Trung Quốc) thì chuyến bay đầu tiên của J-15 diễn ra ngày 31.8.2009.

Ngày 25.4.2011, trên các diễn đàn Trung Quốc xuất hiện những bức ảnh đầu tiên của máy bay mới. Hôm sau, báo chí chính thức của Trung Quốc cũng đăng tải các bức ảnh này. Trên các bức ảnh thấy rõ là máy bay được trang bị cánh gấp, có ống đuôi ngắn và khung càng được gia cường. Các bức ảnh được chụp tại sân nhà máy số 112 của hãng chế tạo máy bay ở Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc. Dự đoán, việc thử nghiệm sẽ kéo dài mấy năm nữa và máy bay sẽ được nhận vào trang bị sau năm 2015.

Được coi là bước đột phá mạnh mẽ hơn là việc chế tạo J-20. Tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay đầu tiên, theo thông tin hiện có, là vào tháng 1.2011. Trên internet đã xuất hiện khá nhiều bức ảnh chụp máy bay này và các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không trổ tải trong việc tìm kiếm các mẫu chế thử. Nhưng rõ ràng là máy bay này không phải là mẫu sao chép trực tiếp, cũng chẳng phải là “tư duy mới có tính sáng tạo” đối với một máy bay tương tự nào đó của nước ngoài. Nhiều khả năng đây là sản phẩm tự lực, mặc dù được chế tạo bằng việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật học mót của nước ngoài. Theo các chuyên gia, J-20 Đại bàng đen của hãng Thành Đô có rất nhiều chi tiết giống và sao chép hoàn toàn các chi tiết của các tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ và máy bay thử nghiệm MiG 1.44 của Nga. Ví dụ, vòm kính buồng lái và phần mũi của J-20 giống với F-22, cách bố trí các bộ hút khí và cấu tạo của chúng cũng gần giống F-22 và F-35. Phần đuôi không có cánh đuôi ngang mà chỉ có 2 cánh đứng dưới thân và 2 động cơ đặt gần nhau tương tự MiG 1.44. Hình dáng cánh đứng đuôi quay toàn phần giống với F-35.

Kết quả nửa vời

Trong 20 năm qua, Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ rõ ràng và không nghi ngờ trong việc phát triển và sản xuất trang bị kỹ thuật hàng không khi “nhảy vọt” từ các máy bay thế hệ 1, 2 lên thẳng các máy bay thế hệ 4 và 4+, và hơn nữa là đã chế tạo được mẫu chế thử máy bay chiến đấu thế hệ 5. Tuy vậy vẫn còn sớm để nói đến sự phát triển vững chắc của công nghiệp hàng không Trung Quốc và triển vọng xán lạn của nó. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, Trung Quốc liên tục thể hiện khả năng sao chép và đưa vào sản xuất loạt, dù là không phải không có khó khăn các hệ thống vũ khí nào đó, nhưng họ rất hiếm khi có thể khoe khoang về việc tiếp tục phát triển cái đã sao chép được. Vì thế, chỉ sau 2-3 thập kỷ, Trung Quốc lại lâm vào tình thế kẻ đuổi theo và cần đến sự hỗ trợ của nước ngoài.

Các triệu chứng tái diễn tình hình này ngay bây giờ đã hiển hiện rõ: khi tìm cách sao chép các động cơ AL-31F lắp trên Su-27, Trung Quốc đã lâm vào tình huống khi mà các đối thủ chính là Nga và США đã có các động cơ thế hệ mới, trong khi động cơ WS-10 mà Trung Quốc sao chép từ AL-31F hiện vẫn chưa đạt đến các thông số do nhiệm vụ kỹ thuật đặt ra. Vì thế, đang xuất hiện nhiều tin đồn về khả năng Trung Quốc mua các động cơ mới của Nga, tuy nhiên trong thập kỷ này, thương vụ đó không còn quá hấp dẫn đối với Nga như trong thập niên 1990. Kết quả là câu hỏi về việc tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc sẽ bay bằng loại động cơ nào vẫn còn để ngỏ.

  • Nguồn: Hợp tác KTQS Nga-Trung: Hợp tác hay tiếp máu? (Phần 1) / Ilya Kramnik // VPKN, N.21 (387), 1.6.2011.
Nam Xương