In bài này
Đánh giá ngoáo ộp J-15
Thứ Hai, 18/07/2011 - 3:06 PM
Tuy là một bước tiến mới đối với Trung Quốc và là một chỉ dấu quan trọng, J-15 vẫn chỉ có khả năng hạn chế; tàu sân bay mang nó thậm chí còn nhiều hạn chế hơn.
PGS Học viện Hải quân Mỹ Andrew Erickson và chuyên gia về lĩnh vực an ninh Gabe Collins đã đăng tải bài báo phân tích khả năng của tiêm kích trên hạm J-15 Flying Shark (Cá mập bay) của Trung Quốc mà những bức ảnh chính thức đầu tiên của nó xuất hiện ngày 24.4.2011 trên các nguồn internet Trung Quốc. Máy bay được chụp bên ngoài một hăng-ga, tại sân bay nhà máy số 112 của tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương (SAC).

Tướng Trần Bỉnh Đức, tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nghe nói đã lần đầu tiên tuyên bố rằng, Trung Quốc đang đóng một tàu sân bay. Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho tàu sân bay Varyag, mua từ Ukraine năm 1998 và được tân trang lại, ra khơi.

Trước những diễn biến đó, đây là thời điểm để xem xét loại máy bay trên tàu sân bay đầu tiên mà Trung Quốc sẽ sử dụng - tiêm kích-bom trên hạm hạng nặng J-15 Flying Shark (Cá mập bay).

Với cấu hình hiện tại, J-15 không hề là một “bước nhảy vọt”, tuy nhiên nó vẫn gợi lên sự lo ngại trong khu vực vì nó cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của không quân hải quân Trung Quốc, cũng như thể hiện quyết tâm của Trung Quốc mở rộng sự hiện diện ‘vùng nước xanh’ trong khu vực. Vai trò ban đầu của J-15 sẽ gắn liền với và bị hạn chế bởi phương tiện mang đầu tiên của nó: đó là “một tàu sân bay phôi thai” để tung một phần nhỏ sức mạnh, tạo lớp hào quang cho một đại cường đang trỗi dậy và học hỏi những kỹ thuật cơ bản.

J-15 có khung thân rất giống máy bay chiến đấu trên hạm Su-33 của Nga, song có hệ thống avionics nội địa hiện đại hơn, cánh đứng đuôi có chiều cao nhỏ hơn, móc phanh hãm đà và bộ càng vững chắc hơn. Việc không có ghế lái thứ hai trên máy bay có thể cho thấy thiết bị trên khoang máy bay khá hiện đại, được tích hợp và tự động hóa khá tốt nên chỉ cần một người lái, một điều bình thường đối với máy bay trên hạm (thiết bị điện tử phần nhiều có khả năng tương tự như trên J-11B, vốn là hàng nhái Su-27SK). Ngoài ra, ghế lái thứ hai có thể tạo ra lực cản khí động lớn khi máy bay cất cánh từ cầu bật. Mẫu chế thử đầu tiên J-15 được lắp ráp năm 2008, chuyến bay đầu tiên diễn ra ngày 31.8.2009, lần cất cánh đầu tiên từ cầu bật trên mặt đất diễn ra ngày 6.5.2010 (căn cứ không quân Yanliang, tỉnh Thiểm Tây).

Khả năng chiến đấu của máy bay sẽ bị hạn chế bởi chế độ cất cánh nhờ cầu bật và không có máy bay tiếp dầu trên hạm. Để tăng bán kính chiến đấu, các máy bay này sẽ phụ thuộc vào các máy bay tiếp dầu triển khai trên mặt đất.

Với trình độ không quân hải quân thấp kém của Trung Quốc thì bất kỳ một tiến bộ nào cũng có thể tạo sự khác biệt lớn. Tiềm năng thực hiện các phi vụ tầm xa và mang tải trọng lớn của J-15 tuy nhiên lại bị triệt tiêu bởi mặt boong mũi kiểu cầu bật của tàu Varyag và bởi Trung Quốc thiếu năng lực về máy bay tiếp dầu. Hiện tại, họ có lẽ phải phụ thuộc vào các máy bay tiếp dầu bố trí trên mặt đất, ít nhất cho đến khi Trung Quốc phát triển hay mua sắm được máy phóng máy bay.

J-15 là một máy bay cỡ lớn và nhiều khả năng nó có trọng lượng cất cánh thông thường tương tự như của tiêm kích F-14 Tomcat mà Hải quân Mỹ đã loại khỏi trang bị. Nếu hệ thống avionics của J-15 có thể bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất, nó sẽ có 2 ứng dụng chủ yếu trong một cụm tàu sân bay tương lai của Trung Quốc, còn vai trò thứ ba là bảo đảm phòng không là cần thiết trong các hoạt động tương lai nhằm bảo vệ và/hoặc sơ tán công dân Trung Quốc gặp nguy hiểm ở hải ngoại.

Khả năng của J-15 sẽ tăng lên mạnh nếu như nó được trang bị radar anten mạng pha chủ động, điều này sẽ cho phép nó thực hiện chuyến bay bí mật hơn, tác chiến chống tên lửa hành trình bay thấp và có tiềm năng tác chiến điện tử mạnh.

Nếu được trang bị, yểm trợ và khai thác đúng mức - và những cái “nếu” này đều quan trọng, thì J-15 có thể tác động lớn đến cán cân quân sự khu vực. Nếu Trung Quốc cuối cùng cũng có khả năng khai thác một radar mạng pha quét điện tử chủ động hiệu quả trên J-15, nó sẽ mang lại cho máy bay khả năng tàng hình và chống nhiễu cao, và khả năng tiềm tàng trong bám và chặn đánh tên lửa hành trình.

Trong khi lúc này vẫn còn quá nhiều biến số để xác định chính xác J-15 sẽ đóng góp thế nào vào khả năng quân sự của Trung Quốc, thì bản thân sự tồn tại của nó lần đầu tiên cho thấy khả năng của Trung Quốc phát triển năng lực không hải quân mạnh mẽ - một triển vọng sẽ có những ảnh hưởng trong khu vực. Sự tồn tại của J-15 nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các láng giềng trên biển của Trung Quốc, nhất là Nhật Bản, mua sắm thêm các tiêm kích thế hệ mới nhất.

Chức năng có thể của J-15

Tuy khả năng của Flying Shark vẫn là bất định thì tiềm năng của nó là đáng kể. Nếu được triển khai tốt, nó có thể mang lại cho Trung Quốc những lựa chọn mới cho nhiệm vụ tuần tra chiến đấu trên không và tiến công trên biển.

Các yếu tố thiết kế

Thiết kế cơ sở của J-15 chứa được nhiều nhiên liệu bên trong và cho phép có bán kính hoạt động khá lớn. Kể cả việc phải giảm nhiên liệu và tải trọng vũ khí do hạn chế bởi cơ chế cất cánh bằng cầu bật, có khả năng bán kính chiến đấu của J-15 có thể lên tới 700 km tính từ tàu sân bay, nhất là nếu có thêm khả năng tiếp dầu đi kèm. J-15 nhiều khả năng sẽ có thể mang tên lửa không-đối-không PL-12 của Trung Quốc, nhờ vậy cự ly tấn công của máy bay tăng thêm 100 km nữa.

Khi được triển khai, J-15 có thể giúp đẩy các kẻ địch tiềm tàng ra xa hơn nữa khỏi tàu sân bay Trung Quốc. Sự bảo vệ của tiêm kích đi cùng sẽ là sống còn cho các hoạt động trên biển vốn cách quá xa đất liền nên không thể trông cậy vào sự yểm trợ của máy bay triển khai trên mặt đất. Trong cận chiến, nhờ có mức trang bị sức kéo cao và tải trọng lên cánh nhỏ, J-15 có thể là một đối thủ khó xơi.

Các nhiệm vụ tiến công đường biển/chống hạm

Nếu được trang bị và có thể mang phóng các tên lửa tiên tiến, các máy bay J-15 triển khai trên tàu sân bay có thể đe dọa các tàu mặt nước ở cách cụm tàu sân bay Trung Quốc trong vòng 500 km. Các tàu mặt nước và tàu ngầm hiện có của Trung Quốc đang uy hiếp mạnh các tàu mặt ước, song chúng mất nhiều thời gian hơn nhiều để tiến được đến vị trí bắn và vì thế mà dễ đối phó hơn.

Khung thân máy bay chứa một lượng lớn nhiên liệu. Kể cả là phải cất cánh bằng cầu bật thì máy bay vẫn có thể có bán kính chiến đấu 700 km, nếu trang bị cho máy bay các tên lửa không-đối-không PL-12 thì cự ly tấn công của máy bay sẽ tăng thêm 100 km nữa. Trong cận chiến, máy bay này cũng có thể là đối thủ nguy hiểm do nó có tải trọng riêng lên cánh nhỏ và mức trang bị sức kéo cao.

Thời gian để một J-15 tiến công vượt qua mấy trăm kim chỉ là vài phút cũng sẽ mang lại sự linh hoạt chiến thuật lớn hơn nhiều cho các cấp chỉ huy Trung Quốc.

Một thủ đoạn sáng tạo mà quân đội Trung Quốc có thể làm để phát huy vai trò của không quân trên tàu sân bay trong một cuộc xung đột khu vực là chiến thuật “nhảy cóc”: cho một số J-15 trang bị đầy đủ cất cánh từ các sân bay trên bờ, sau đó tiếp dầu trên không cho chúng trong không phận được bảo vệ, sau đó sử dụng tàu sân bay để làm nơi tiếp nhận các máy bay trở về sau phi vụ tấn công đầu tiên.

Tuy có những khả năng nhất định, J-15 sẽ bị hạn chế nghiêm trọng bởi tàu sân bay có thiết kế sử dụng cầu bật cho máy bay cất cánh (ski-jump).

Cất cánh từ cầu bật đặt ra hạn chế lớn, không cho phép máy bay tiếp cận trọng lượng cất cánh tối đa. Ngoài ra, cầu bật không cho phép sử dụng máy bay báo động sớm (AEW), nên tàu sân bay sẽ phải phụ thuộc vào các trực thăng AEW để có được khả năng báo động sớm - đây là một nhược điểm căn bản vì trực thăng là một trong những điểm yếu nghiêm trọng nhất của hải quân Trung Quốc. Do hải quân Trung Quốc vẫn phải sử dụng các tàu sân bay có cầu bật nên không rõ lực lượng máy bay trên tàu sân bay đóng góp đến đâu cho khả năng tình báo, cảnh giới và trinh sát (ISR).

Một hạn chế then chốt khác là các tàu sân bay sử dụng cầu bật không thể sử dụng các máy bay tiếp dầu, vốn có vai trò thiết yếu để tăng tầm hoạt động của máy bay trên hạm. Bởi vậy, dù Trung Quốc có 3 tàu sân bay trong biên chế hạm đội từ con số 0 hiện nay thì không quân hải quân Trung Quốc sẽ vẫn cơ bản là lực lượng không quân triển khai trên mặt đất. Vì những lý do đó, các tàu sân bay có cầu bật của Trung Quốc đơn giản là không thể thực hiện được bất kỳ vai trò chiến đấu nào mà các tàu sân bay Mỹ đang đảm nhiệm.

Những khó khăn và thách thức

1) Phát triển hoặc mua sắm hệ thống phóng máy bay. Cầu bật cho máy bay cất cánh trên tàu sân bay có những hạn chế lớn và bó buộc Trung Quốc trong phạm vi các hoạt động bên trong tầm với của một nhúm máy bay tiếp dầu cỡ lớn triển khai trên mặt đất và vì thế loại trừ cả một khu vực chiến lược giữa eo biển Hormuz và eo Malacca. Cầu bật đòi hỏi phải giảm trọng lượng nhiên liệu và tải trọng chiến đấu của máy bay. Trung Quốc đang vấp phải vấn đề thiếu máy bay tiếp dầu, nhất là nếu tính đến các vấn đề đang nảy sinh khi mua sắm các máy bay tiếp dầu Il-78 của Nga vốn đang dùng để tiếp dầu cho các máy bay họ Su mà J-15 là một biến thể được phát triển từ đó.

2) Càng máy bay. Một vấn đề liên quan là khả năng của máy bay chịu được cú va chạm khi hạ cánh. Những sai lầm hay trang thiết bị kém có thể hư hỏng lớn cho máy bay và gây thương vong cho nhân viên trên boong tàu sân bay. Do đó, phải gia cường bộ càng máy bay để chịu được tải trọng khi hạ cánh va chạm mạnh. Máy bay càng nặng thì tải lên khung thân máy bay càng lớn.

3) Sự yểm trợ của máy bay báo động sớm (AEW) và máy bay tiếp dầu là cần thiết để phát huy tối đa hiệu quả chiến đấu. Trung Quốc cần chế tạo máy bay AEW trên hạm giống như Е-2 Hawkeye đang được sử dụng trên các tàu sân bay Mỹ và Pháp. Họ sẽ cần đàm phán những thỏa thuận nhằm triển khai các máy bay tiếp dầu để yểm trợ các hoạt động có thể bên ngoài khu vực.

4) Trung Quốc cần chế tạo các tên lửa hành trình không-đối-hạm tiên tiến và tên lửa không-đối-không tầm xa để bù đắp cho bán kính chiến đấu hạn chế bởi mang được ít dầu hơn của các máy bay trên hạm cất cánh nhờ cầu bật của họ. Chẳng hạn, chế tạo các tên lửa có tầm bắn 300 km như các tên lửa K-100 của hãng Novator hay R-37 của hãng Vympel của Nga, tên lửa hành trình siêu âm Bramos.

5) Trung Quốc vẫn đối mặt với những thách thức to lớn trong việc cải thiện độ tin cậy và các tiêu chuẩn an toàn và vẫn phải cố gắng để thể hiện khả năng sản xuất động cơ máy bay nội địa hiện đại. Nếu Trung Quốc không muốn phụ thuộc vào Nga trong sản xuất tiêm kích trên hạm, họ phải triển khai sản xuất loạt động cơ nội địa WS-10, mà để làm việc đó thì phải giải quyết các vấn đề an toàn hoạt động của động cơ turbine phản lực lưỡng mạch có tăng lực. Nhiều nhà phân tích cho rằng, mẫu chế thử J-15 được trang bị động cơ Nga AL-31F. Trung Quốc đã xây dựng tiềm lực để hiện đại hóa và đại tu các động cơ này.

6) Không quân hải quân Trung Quốc sẽ mua sắm bao nhiêu J-15? Triển khai một tàu sân bay được trang bị đầy đủ lực lượng tiêm kích hiện đại phát đi một thông điệp chiến lược rất khác với việc triển khai một tàu sân bay chủ yếu được trang bị trực thăng. Hoàn toàn có thể trông đợi sự xuất hiện của biến thể động cơ có điều khiển vector lực đẩy. Có thể người ta sẽ tiến hành nghiên cứu giảm bề mặt tác xạ hiệu dụng của máy bay bằng cách thay đổi cấu tạo các thiết bị hút khí và các hệ thống khác. Nhiều khả năng nhất là trong 5 năm tới, hệ thống avionics của máy bay sẽ được hiện đại hóa.

7)   Giả sử J-10 có thể biến thành một tiêm kích trên hạm hiệu quả, liệu Trung Quốc có xúc tiến một biến thể tiếp theo được hải quân hóa chút ít của tiêm kích J-10 đã phát triển không? Sẽ thật thú vị nếu như tập đoàn chế tạo máy bay Thành Đô sẽ chế tạo cả biến thể trên hạm của tiêm kích J-10 để tăng cường cho J-15. Tin đồn về việc phát triển biển thể J-10 trên hạm đã lưu truyền trên internet Trung Quốc đã mấy năm, nhưng không có bằng chứng cụ thể cho điều đó. Các máy bay cánh tam giác có thể sử dụng trên tàu sân bay, nhưng đòi hỏi gia cường thật tốt kết cấu. Có thể khi Trung Quốc chế tạo được hệ thống phóng máy bay thì máy bay đó sẽ được chế tạo. Một ví dụ tốt là tiêm kích Rafale С của Pháp có cả biến thể mặt đất lẫn biến thể trên hạm. Trung Quốc có thể phát triển biến thể trên hạm 2 động cơ của J-10, trang bị động cơ RD-33 của Nga hay WS-13 của Trung Quốc. Các động cơ này đang được lắp cho tiêm kích xuất khẩu FC-1/JF-17. Tính năng khí động của một máy bay như vậy chắc sẽ gần với tính năng của Rafale.

Vậy tất cả những điều đó cuối cùng có nghĩa là gì? Tuy là một bước tiến mới đối với Trung Quốc và là một chỉ dấu quan trọng, J-15 vẫn chỉ có khả năng hạn chế; tàu sân bay mang nó thậm chí còn nhiều hạn chế hơn. Các vấn đề then chốt ở đây là tầm và tải trọng, cả hai đều bị hạn chế đáng kể bởi thiết kế sử dụng cầu bật cất cánh của tàu sân bay.

Để có tầm xa hơn đáng kể, cần phải sử dụng các máy bay tiếp dầu cỡ lớn mà Không quân Mỹ sử dụng rất nhiều, trong khi Trung Quốc thì thiếu. Những hạn chế về số lượng máy bay mà tàu sân bay có thể chở và hạn chế về trọng lượng cất cánh của máy bay cất cánh nhờ cầu bật có nghĩa là các nhà hoạch định Trung Quốc sẽ phải đối phó với một lựa chọn rất khó khăn- đó là tấn công ở tầm xa hơn với lượng vũ khí tấn công ít hơn nhiều, hoặc đưa tàu sân bay đến gần để có thể tung nhiều máy bay hơn đến mục tiêu và đặt toàn bộ cụm tàu sân bay vào vòng nguy hiểm lớn hơn.

Trong khi, một tàu sân bay thế hệ 1 của Trung Quốc sẽ chẳng phải là mối đe dọa đối với các tàu và cơ sở của Mỹ theo cách mà Mỹ đang sử dụng các tàu sân bay, song nó vẫn có thể được dùng để tăng cường đáng kể khả năng phòn không cho một cụm tàu mặt nước nhằm đưa chúng vào tầm bắn của một tàu sân bay hay một căn cứ then chốt của Mỹ.

Ngoài ra, trong khi một cụm tàu sân bay Trung Quốc sẽ không thể trụ nổi một cuộc đối đầu trực diện với Hải quân Mỹ, bản thân sự hiện hữu khả năng tàu sân bay của Trung Quốc có tiềm năng gây áp lực đáng kể lên các láng giềng của Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Vì thế, ta không nên coi việc nghiên cứu chế tạo J-15 là nhằm vào một mục đích cụ thể mà cần xem nó như một bộ phận của nỗ lực dài hạn phát triển không quân hải quân Trung Quốc nhằm “nhúng ngón chân” xuống nước để xây dựng tiềm lực mạnh mẽ hơn trong tương lai dài hạn.
  • Nguồn: the-diplomat.com, 23.6; MP, 27.6.11.
Nhân Vũ