In bài này
Tàu sân bay Trung Quốc sẽ không đi vào hải phận nước khác?
Thứ Tư, 08/06/2011 - 6:16 PM
Tàu sân bay được mua từ Ukraine đang được đóng hoàn thiện và hiện đại hóa, nhưng công việc chưa hoàn tất, tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức cho hay. Như vậy, Trung Quốc đã chính thức xác nhận đóng tàu sân bay.

Tàu sân bay Thi Lang (machtres.com)

Tàu được cho là có tên Thi Lang hiện đang nằm tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Các nguồn tin giấu tên cho hay, tàu sân bay này sẽ được hạ thủy muộn nhất là vào cuối tháng 6.2011.

Theo lời trợ lý tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc (Qi Jianguo), tàu sân bay này, theo chiến lược quốc gia, sẽ không đi vào hải phận các quốc gia khác.

Trước đó có tin Trung Quốc dự định sử dụng tàu sân bay hoàn toàn để huấn luyện phi công trên hạm và làm cơ sở để đóng các tàu sân bay nội địa trong tương lai.

Varyag được khởi đóng ở Nikolayev đầu thập niên 1980. Năm 1998, thông qua một công ty Macao, Trung Quốc mua lại con tàu hoàn thành 76% với giá sắt vụn 20 triệu USD với lý do giả là “làm sòng bạc nổi”. Các chuyên gia cho rằng, khi mua tàu, Trung Quốc đã ẵm được toàn bộ tài liệu thiết kế kỹ thuật con tàu. Từ năm 2002, tàu được đưa về xưởng đóng tàu ở Đại Liên.

Đầu tháng 6.2011, có tin, bên trong con tàu đã được khôi phục hoàn toàn, vỏ tàu và mặt boong cũng đã được sửa chữa, hãng đóng tàu Changxingdao Shipyard phụ trách hoàn thiện con tàu, đã lắp đặt khí tài radar, vũ khí và một số hệ thống máy tính.

Phỏng đoán, cuối năm 2011, tàu Thi Lang sẽ bắt đầu chạy thử và vào năm 2012 sẽ được nhận vào biên chế hải quân Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chương trình tàu sân bay, yếu tố then chốt của tương lai phát triển hải quân Trung Quốc, tàu sân bay nội địa đầu tiên sẽ được hãng Changxingdao đóng.

Ở giai đoạn 1, dự kiến hoàn thành 2 tàu sân bay động lực thông thường vào năm 2015-2016, thành lập 2 cụm tàu sân bay đầu tiên vào năm 2020. Đồng thời, tiến hành phát triển tiêm kích trên hạm.
Ở giai đoạn 2, sẽ đóng 2 tàu sân bay có lượng giãn nước trung bình 65.000 tấn, sử dụng động lực hạt nhân.

Trong tương lai, hải quân Trung Quốc dự định thành lập 4 cụm tàu sân bay để triển khai ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhiệm vụ chính của chúng là giành ưu thế quân sự trên các vùng biển và đại dương gần, cũng như bảo vệ trên không cho các binh đoàn tàu, chi viện cho các chiến dịch đổ bộ.

Tuy vậy, Trung Quốc hiện vẫn chưa có máy bay trên hạm. Họ đang phát triển tiêm kích trên hạm J-15. Tháng 12.2009, Trung Quốc đã thử nghiệm J-15. Đây được cho là mẫu sao chép máy bay Su-33 của Nga dựa trên mẫu chế thử Т-10К mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 2005. Còn phía Trung Quốc khẳng định, J-15 là thiết kế cải tiến của J-11B (sao chép Su-27). J-15 đang tiến hành bay thử nghiệm và dự đoán có thể được nhận vào trang bị từ năm 2015.

Trung Quốc cũng đang xây dựng 2 trung tâm mặt đất huấn luyện phi công tàu sân bay ở các tỉnh Liêu Ninh và Thiểm Tây.

  • Nguồn: Lenta, Armstrade, 8.6.2011.
Nhân Vũ