In bài này
Tình báo Nga hết phép
Thứ Năm, 05/05/2011 - 5:00 PM
Các phương pháp của Cục Tình báo đối ngoại Nga SVR không còn phù hợp với các nhiệm vụ của nó.

Hồ sơ vụ án đại tá Poteyev bán đứng cho Mỹ 10 tình báo viên Nga
đã được chuyển sang tòa án

Hôm 3.5, hồ sơ vụ án cựu đại tá SVR Aleksandr Poteyev, người được coi là thủ phạm gây ra sự đổ vỡ của nhóm tình báo Nga hoạt động ở Mỹ, đã được chuyển sang tòa án, Trung tâm quan hệ xã hội của FSB Liên bang Nga cho hay.

Poteyev bị buộc tội theo điều 275 và mục 1 của điều 338 bộ luật hình sự Liên bang Nga (tiết lộ bí mật nhà nước và đào ngũ). Mức án cao nhất cho các điều này là 20 năm tù.

Tháng 7.2010, 10 người Nga bị tình nghi làm gián điệp cho Nga đã bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Tất cả những người này đã có nguy cơ bị truy cứu hình sự và tịch thu tài sản vì tội gián điệp và rửa tiền. Tuy nhiên, cả 10 tình báo viên Nga đã tránh được sự trừng phạt vì được Mỹ đánh đổi với 4 người đang chịu án ở Nga vì tội làm gián điệp cho nước ngoài.

Nguyên nhân chính thức gây ra sự đổ vỡ của các tình báo viên Nga là có phản bội. Theo phỏng đoán của các cơ quan đặc vụ Nga, người đã “bán đứng” các tình báo viên này chính là Aleksandr Poteyev.

Cục Tình báo đối ngoại Nga SVR, vốn mới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập vào tháng 10.2010, hiện vẫn là cơ quan đặc vụ duy nhất của Nga chưa bị cải tổ sau khi tiếp nhận vào tháng 12.1991 quy chế cơ quan kế thừa Tổng cục I - KGB Liên Xô. Tuy nhiên, các nhiệm vụ hiện nay đặt ra cho cơ quan tình báo đối ngoại Nga trái ngược hẳn với những nhiệm vụ mà chính phủ Liên Xô từng đặt ra cho các cơ quan đặc vụ Liên Xô.

Chính sự không phù hợp của các phương pháp và cơ cấu đã có 60 năm nay với những nhiệm vụ hôm nay đã dẫn SVR tới hàng loạt những đổ vỡ mới đây, chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực tình báo, Andrei Soldatov nhận định.

Ông cho rằng, mặc dù cố gắng xây dựng, quảng bá trên báo chí hình ảnh “tự do”, SVR vẫn rất gắn bó với các truyền thống thời Liên Xô. Chuyện còn đi đến mức khôi hài là trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm vào tháng 12.2010, ban lãnh đạo SVR đã khánh thành bảng tưởng niệm Kim Philby, người mà nói cho chặt chẽ là chẳng có liên quan gì với tình báo đối ngoại Liên Xô.

***

- Tờ Svpressa (SP): Đây là phát biểu bất ngờ. Kim Philby được các độc giả của chúng tôi biết đến từ thời ngồi ghế nhà trường chính là với tư cách điệp viên của Liên Xô …

- Andrei Soldatov (AS): Ông ấy là điệp viên của tình báo Quốc tế Cộng sản, cũng giống như các thành viên còn lại của “Bộ năm Cambridge”. Toàn bộ các thành viên của nhóm này là những chiến sĩ cộng sản kiên định và hoạt động vì sự thắng lợi của các lý tưởng cộng sản trên toàn thế giới. Những nhiệm vụ, kể cả những nhiệm vụ được chính phủ Nga chính thức đặt ra cho các cơ quan đặc vụ hơi khác điều đó, đúng không?

- SP: Nhân đây nói về các nhiệm vụ. Vậy thì chức năng của tình báo đối ngoại ở Liên bang Nga là gì khi mà Nga trong học thuyết quân sự của mình không hề nêu tên một cường quốc hiện tại nào là kẻ địch tiềm tàng?

- AS: Các nhiệm vụ này được ông Vladimir Putin xác định vào năm 2007 khi ông ấy là Tổng thống Nga tiến cử ông Mikhail Fradkov vào vị trí Giám đốc SVR. Ngoài đấu tranh chống khủng bố quốc tế, các nỗ lực của tình báo đối ngoại, theo ông Putin, “cần phải tập trung vào bảo đảm cho tiềm lực công nghiệp và quốc phòng của đất nước. Tình báo đối ngoại phải có khả năng đánh giá kịp thời và thích đáng những thay đổi cục diện kinh tế quốc tế, tính toán những hậu quả của chúng đối với kinh tế đất nước và tất nhiên là cần phải bảo vệ tích cực hơn các lợi ích kinh tế của các công ty của chúng ta ở nước ngoài”.

- SP: Nghĩa là SVR chuyển thành cơ quan tình báo công nghiệp à?

- AS:
Không nên hiểu hẹp như thế. Ngoài tình báo kinh tế, tổ hợp nhiệm vụ này còn bao gồm, chẳng hạn, bảo đảm cho các doanh nhân Nga các điều kiện thuận lợi trong các thương vụ quốc tế. Và chính ở đây, chúng ta cũng vấp phải những mâu thuẫn giữa chức năng hiện thời của SVR với những phương thức còn tồn tại mà cơ quan này kế thừa. Nói một cách đơn giản, ông Fradkov và đội của mình đang cố giải quyết những nhiệm vụ mới bằng những phương pháp cũ, điều này tất yếu dẫn tới những vụ đổ vỡ tai tiếng giống như vụ đổ vỡ của nhóm Mikhail Vlasenkov, hay được biết đến nhiều hơn với cái tên nữ nhân vật nổi bật nhất là Anna Chapman.

7 trong 10 điệp viên bị Mỹ bắt vào tháng 6.2010 là các tình báo viên bất hợp pháp được ‘đánh’ vào nước Mỹ từ nhiều năm trước và hóa ra là trong suốt những năm đó đã nằm dưới sự giám sát của các cơ quan đặc vụ Mỹ vốn chỉ chờ lý do để ra tay một lần là tóm gọn cả lưới. Thật khó nghĩ ra cách nào tốt hơn để chứng minh tính không hiệu quả của chiến thuật dựa vào các điệp viên bất hợp pháp trong hoạt động của tình báo hiện đại.

- SP: Nhưng tại sao các lưới tình báo bất hợp pháp vốn từng hoạt động hiệu quả như thế thời Liên Xô bỗng mất hết tác dụng?

- AS: Hiệu quả của các tình báo viên bất hợp pháp là huyền thoại mà ban lãnh đạo tình báo đối ngoại của cả Liên Xô và Nga cố ý nuôi dưỡng. Trong những năm 1940-1950, các tình báo viên bất hợp pháp Xô-viết chỉ cố lặp lại thành công của tình báo Quốc tế Cộng sản mà nền tảng cán bộ của nó là những người Anh, người Mỹ, người Đức… thật sự, hoạt động vì động cơ lý tưởng và thường là không có lợi lộc gì cho bản thân. Khi Quốc tế Cộng sản bị giải thể, còn Liên Xô dù là trên lời nói từ bỏ việc “xuất khẩu cách mạng” và bành trướng tư tưởng cộng sản, tình báo Liên Xô đã bắt đầu đi theo con đường chậm chạp và tốn kém của việc cài cắm kéo dài trong nhiều năm các điệp viên Nga trước đó đã được huấn luyện nhiều năm không kém và tốn kém.

Thậm chí chẳng có ai hỏi ngân sách Nga đã và đến nay đang tốn kém bao nhiêu để duy trì các mạng lưới cồng kềnh như thế. Mà hiệu quả của chúng trong mọi trường hợp tỏ ra là rất đáng ngờ. Thậm chí để chứng tỏ hiệu quả, người ta nêu ra cả bản thân sự tồn tại của nó.

Trong khi đó, sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và điều chỉnh nhiệm vụ của tình báo đối ngoại Nga , nhu cầu về các điệp viên bất hợp pháp cũng không còn nữa. Làm gì phải mất nhiều năm huấn luyện một sĩ quan Nga đóng vai một doanh nhân Canada đang lobby cho một thương vụ của các tập đoàn Nga và Anh, sau đó chật vật cài cắm anh ta và chẳng biết phải mất bao nhiêu tiền và thời gian cho việc duy trì điệp viên ở trạng thái “nằm vùng” khi mà sẽ đơn giản (và rẻ tiền!) hơn nhiều là thỏa thuận với một doanh nhân Canada thật sự vốn sẵn lòng lobby cho các lợi ích của Nga mà bản thân không bị thiệt thòi?

- SP: Thế còn nhiệm vụ khác - đấu tranh chống khủng bố quốc tế - đặt ra cho SVR thì sao?

- AS: Sẽ khó nói hơn về những thành tựu của các cơ quan đặc vụ của chúng ta trên lĩnh vực này, bởi lẽ người ta sẽ chỉ biết đến các hành động của tình báo qua những thất bại của nó. Tuy nhiên, ngay cả ở đây cũng có thể nhớ lại ít ra là biến cố năm 2003, thời gian mở đầu chiến tranh Mỹ-Iraq. Khi tiến vào Baghdad, người Mỹ đã phát hiện được những bằng chứng cho thấy các điệp viên của các cơ quan đặc vụ của Saddam Hussein đã được SVR đào tạo.

Việc chúng ta đào tạo các điệp viên thậm chí chẳng phải là tồi tệ mà tồi tệ là ở chỗ việc đào tạo đã không được chấm dứt cho đến thời điểm cuối khi mà rõ ràng là thứ nhất, Mỹ chắc chắn sẽ đánh Iraq, hai là Saddam sẽ bại trận. Trong khi đó, SVR đã chẳng tiên liệu được cả vấn đề nọ, cũng như vấn đề kia, có nghĩa là rõ ràng không có sự dự báo dài hạn cần thiết cho mọi cơ quan tình báo.

Lãnh đạo SVR đã không rút ra bài học gì từ những vụ đổ vỡ năm 2003 và 2010, không có ai thậm chí bị kỷ luật dù là mang tính hình thức. Mà điều đó có nghĩa là cần phải thừa nhận rằng, sắp tới, chờ đợi tình báo đối ngoại Nga sẽ là những đổ vỡ mới.

  • Nguồn: Kirill Zubkov // SVP, 3.5.2011.
VP