In bài này
Ngày về chiến thắng
Thứ Năm, 05/05/2011 - 9:43 AM
Với những đóng góp và thành tích nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1976, Cụm Tình báo A20 - H67 được tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân

Cụm tình báo huyền thoại
Cụm tình báo huyền thoại: Trong Tết Mậu Thân
Người mang bí số H3

Chiều 22-8-1968, đang ở nội đô để phục vụ đợt 3 tổng công kích, Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh) nhận được tin báo căn cứ A20 bị tập kích bằng B52, hy sinh 7 đồng chí. Nước mắt khóc đồng đội chực trào, Bảy Vĩnh dù trong người đang mang bệnh nặng song kiên quyết trở về cụm vì: “Những ngày này, đơn vị rất cần tôi có mặt”.

Đau thương mà anh dũng

A20 không bị xóa sổ trong đợt không kích dữ dội bằng B52 ngày 20-8-1968, dù tổn thất là khá lớn. Bảy Vĩnh thuật lại câu chuyện trong hồi ký rằng, khi ông về đến căn cứ, những người còn sống sót đang bới tìm thi thể đồng đội và thu dọn chiến trường. Hồi ký viết: “Ai nấy đều ngậm ngùi. Nhà hầm đồng chí Năm Thanh hứng một quả bom giữa nhà, thi thể của Năm Thanh và chiến sĩ Nước hốt được vỏn vẹn mỗi người một gói ni lông.

Đồng chí Nhân mất xác (...). Hầm nhà tôi bị sập, chôn mất đồng chí Lợi trong hầm pháo. Hai đồng chí Kim Biên, Ân ngồi chết, trong lòng ôm 2 máy vô tuyến điện. Hầm nhà khách sụp đổ một góc, may mắn anh Ba Đình, Năm Hùng và đồng chí bảo vệ thoát chết. Đồng chí Tuyến nói ở nhà được thư anh hẹn về ngày 20-8, nếu anh về đúng ngày đó thì coi như lần này khó sống. Đồng chí Lợi chết thay cho anh, ngủ dưới nhà của anh...”.

Điệp viên Ba Lễ, bí danh H3 (thứ 2 từ phải qua) và một số đồng nghiệp ngành tình báo,
quân đội tại Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975 (Ảnh tư liệu của Lê Phong Lan)

Từ cuối tháng 9-1968, toàn Cụm A20 sinh hoạt trong các nhà hầm tại trụ sở căn cứ mới ở Bời Lời, hạn chế tối đa việc đi lại trên mặt đất vào ban ngày. Bom Mỹ liên tục dội xuống Bời Lời ngày càng ác liệt. Từ sau đòn Mậu Thân 1968, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn chủ trương mở những trận phản kích quy mô lớn, tập trung vào khu vực phía Bắc Sài Gòn. Sang năm 1969, tình hình khốc liệt hơn khi Lữ đoàn 195 tăng thiết giáp Mỹ được điều đến các khu vực này, được sự yểm trợ của không lực Mỹ, đã liên tục san ủi, đánh bom hủy diệt, biến những khu rừng rậm xanh tốt thành những “vùng trắng”. Hầu như các cửa ngõ ra vào căn cứ đều bị bịt kín, nhiều chuyến liên lạc bị gián đoạn.

Đến tháng 7-1969, chỉ còn lại A20 tiếp tục bám trụ căn cứ Bời Lời chống càn. Lực lượng của cụm hy sinh hơn một nửa so với năm 1968. Số giao thông viên và chiến sĩ của cụm bị giặc bắt ngày một nhiều. Trước tình hình đó, giữa tháng 11-1969, A20 được lệnh phải rút toàn bộ đơn vị về Phòng Tình báo miền (J22), chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu mới khi tình hình chiến trường đã có nhiều thay đổi.

Từ A20 đến H67

Từ đêm Noel đến Tết dương lịch năm 1969, toàn Cụm A20 bắt đầu kế hoạch rút quân từ Bời Lời về căn cứ J22 trên đất Campuchia. Đến ngày 31-12, toàn cụm về đích an toàn. Tháng 2-1970, J22 kết thúc đợt chỉnh huấn cán bộ. Bảy Vĩnh được giao nhiệm vụ tổ chức, biên chế lại Cụm A20 với tên gọi mới là H67, xây dựng căn cứ tại Bến Tre để tiếp tục hoạt động, duy trì các lưới tình báo ở nội thành Sài Gòn.

Sau một thời gian đóng quân tại nhà dân, khảo sát địa bàn xây dựng căn cứ, sáng 30-4-1970, toàn đơn vị H67 chính thức chuyển về căn cứ mới, thuộc ấp Ba, xã An Phước, huyện Châu Thành - Bến Tre. Phát huy truyền thống chống càn từ thời còn ở mật khu Bời Lời, toàn đơn vị H67 tiếp tục những đợt chống càn oanh liệt trên quê hương Đồng Khởi, trở thành “cái gai nhức nhối” nhất của địch tại vùng An Phước suốt những năm 1970-1975. Đơn vị đã tiên phong mở những đợt chống càn hiệu quả, làm nức lòng người dân xứ dừa. Trên mặt trận giao thông liên lạc, vận chuyển tin tức tình báo, H67 cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm các nguồn tin tình báo từ nội đô an toàn và nhanh chóng được chuyển về J22 kịp thời.

Tập thể, cá nhân anh hùng

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử có một đơn vị chiến đấu khá đặc biệt, đó là Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 gồm lực lượng từ J22 và từ các đơn vị biệt động đặc công dày dạn kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm trong lòng Sài Gòn. Theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu miền (B2), tháng 10-1973, J22 phải rút các cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều lưới tình báo khác nhau làm lực lượng nòng cốt để thành lập lữ đoàn đặc biệt này, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn khi thời cơ đến.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Phòng J22, được chỉ định làm lữ đoàn trưởng. Riêng Bảy Vĩnh trở thành người chỉ huy Z28 thuộc Lữ đoàn 316 - đơn vị phụ trách đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút sáng 30-4-1975. Còn thủ trưởng J22 Sáu Trí (nguyên cụm trưởng A20) và điệp viên Ba Lễ (H3) đã trở thành những nhân chứng đặc biệt của ngày 30-4, những người đầu tiên của phía cách mạng chứng kiến giờ phút đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh ngay tại Dinh Độc Lập.

Tại căn cứ Bến Tre, H67 đã cùng Huyện ủy Châu Thành sát cánh với các đơn vị vũ trang địa phương, du kích, đồng bào tham gia vây đồn, diệt bốt, giải phóng xứ dừa trong mùa Xuân đại thắng. Lúc chuyện trò với những hàng binh chi khu Trúc Giang, cán bộ H67 mới biết cho đến tận giờ phút đó, phía chính quyền Sài Gòn vẫn không thể gọi tên đơn vị đã khiến họ nhiều lần điêu đứng, thiệt hại nặng trong các trận càn mà chỉ phỏng đoán đó là một bộ phận đặc công của tỉnh. Ngày 6-5-1975, H67 được lệnh của J22 rút về Sài Gòn, kết thúc 5 năm đứng chân tại địa bàn Bến Tre.

Với những đóng góp và thành tích nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1976, Cụm A20 - H67 được tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, cùng đợt với xã anh hùng An Phước. Cựu điệp viên Lê Văn Vĩnh về sau cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Một lòng vì Tổ quốc

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí), nguyên Trưởng Phòng J22, đánh giá: “Trước năm 1975, có rất nhiều lưới tình báo, trong đó nhiều lưới hoạt động rất hiệu quả và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như H63, H67... Có một số lưới bị bể, cán bộ hy sinh nhiều nhưng đặc biệt không ai trong số họ nghĩ đến cá nhân mình, không có người nào phản bội khi bị bắt và tra tấn dã man. Họ là những chiến sĩ trung kiên, khi được tổ chức giao nhiệm vụ thì không bao giờ nề hà và hầu hết đều hoàn thành xuất sắc, ngay cả khi biết trước là mình sẽ hy sinh. Có những cán bộ bị hiểu lầm, trong quá trình điều tra bị dị nghị... nhưng họ không hề phản biện cho đến khi được làm sáng tỏ. Bởi vì họ tin rằng tổ chức sẽ đánh giá công bằng những đóng góp của họ cho cách mạng”.

  • Nguồn: Đạo diễn Lê Phong Lan // NLĐ, 30.4.2011.