In bài này
Những uẩn khúc của chiến dịch Geronimo hạ sát bin Laden
Thứ Tư, 04/05/2011 - 9:43 PM
Trong cái chết của Osama bin Laden ẩn chứa nhiều bí mật: loại trực thăng tàng hình chưa được biết đến, vai trò của Ác thú Kandahar và câu chuyện của con gái bin Laden.
Chiếc trực thăng lạ rơi trong khuôn viên biệt thự của bin Laden (Reuters)

>> Bin Laden bị bắt sống rồi mới bị bắn chết
>> Osama bin Laden 'phòng bị gậy' như thế nào?

Vì sao đặc nhiệm Mỹ ra vào lãnh thổ Pakistan như chốn không người?

Việc biệt đội 'hành quyết' SEAL đổ bộ ngay sát một học viện quân sự, giữa một khu dân cư giàu có nơi có nhiều sĩ quan cao cấp Pakistan trú ngụ ở một thành phố chỉ cách thủ đô cường quốc hạt nhân Pakistan có 100 km, đấu súng trong ít nhất 40 phút (theo thông tin chính thức) và rút đi ngon lành mà bộ máy quân đội, tình báo, cảnh sát đáng gờm của Pakistan chẳng phát hiện được và chẳng kịp phản ứng gì khiến nhiều người thắc mắc, đặt câu hỏi.

Trong chiến dịch Geronimo tiêu diệt Osama bin Laden có thể đặc nhiệm Mỹ đã sử dụng loại trực thăng tàng hình bí mật, cũng như loại máy bay không người lái từng được mệnh danh là “Ác thú Kandahar” (The Beast of Kandahar) ở Afghanistan. Điều đó có thể giải đáp phần nào cho những thắc mắc trên.

Loại trực thăng tàng hình bí ẩn

Xác chiếc trực thăng bí ẩn
Theo tờ Corriere della Sera (Italia), đơn vị đặc nhiệm SEAL thường dùng các trực thăng MH-60 (một biến thể của trực thăng Black Hawk). Nhưng các chuyên gia máy bay và những người hiếu kỳ nghi ngờ việc lần này biệt đội SEAL bay đến nơi hành động bằng các trực thăng này.

Được biết, trước khi hạ cánh 1 trong 4 trực thăng đã bị trục trặc kỹ thuật. Phi công đã buộc phải hạ cánh, nhưng sau đó máy bay không thể cất cánh. Vì thế, đặc nhiệm Mỹ đã quyết định phá nổ chiếc trực thăng hỏng.

Ngoài ra, một số chi tiết nhìn thấy trên các bức ảnh không hề  phù hợp với bất kỳ loại trực thăng được biết nào, các chuyên gia khẳng định. Cụ thể, đó là phần đuôi - ở đây cánh đuôi ngang hoàn toàn khác và có một kết cấu có lẽ là để triệt âm. Các chuyên gia cũng lưu ý đến màu sơn đen hơn của các mảnh xác. Đây có thể là loại sơn chống radar đặc biệt.

Dẫu sao thì cũng thể giải thích cách nào khác cho chuyện vì sao các radar của Pakistan đã không thể phát hiện các trực thăng lạ trên lãnh thổ của mình. Cả quân đội lẫn chính quyền Pakistan đều không được báo trước về chiến dịch của Mỹ.


 
Rotor đuôi của chiếc trực thăng

Ác thú Kandahar góp mặt?

Trong chiến dịch hạ sát bin Laden dường như còn có sự hiện diện của một loại máy bay không người lái bí ẩn, đó là RQ 170 Sentinel với các khí tài có độ nhạy cao, cho phép các cơ quan tình báo thu thập mọi thông tin then chốt về một khu vực địa hình hay một mục tiêu nào đó. Được chế tạo theo nguyên tắc ‘cánh bay’ bởi một đơn vị bí mật của hãng Lockheed Martin, máy bay này hiển nhiên không được nói đến nhiều. Chẳng ai biết chính xác các tham số tính năng của nó.

Theo tờ Corriere della Sera (Italia), máy bay này được đặt biệt danh “Ác thú Kandahar’ vào năm 2009 khi ống kính máy ảnh chớp được sự xuất hiện lần đầu của nó ở Afghanistan. Bức ảnh rất mờ chỉ ghi lại được một hình dáng kỳ lạ và khó hiểu trên đường băng ở Kandahar và gây sự tò mò rất lớn.

Theo thông tin không chính thức, máy bay này đã bay trước các trực thăng chở phân đội đặc nhiệm tử thần SEAL trong chiến dịch Geronimo để cung cấp cho lực lượng đặc nhiệm những ‘hình ảnh’ cần thiết và các thông tin quan trọng khác.

Ác thú Kandahar RQ-170 Sentinel
Chiến dịch đặc biệt có mật danh Geronimo nhằm tiêu diệt Osama bin Laden đã được tiến hành vào chủ nhật, 1.5.2011 tại thành phố Abbottabad, cách thủ đô Islamabad của Pakistan 100 km. Ngôi nhà mà bin Laden ẩn náu nằm ngay sát, cách cổng một trong những học viên quân sự nổi tiếng nhất Pakistan chỉ có 100 m.

Chiều tối thứ ba, 3.5.2011, Nhà Trắng đã cải chính một số thông tin ban đầu về tiến trình cuộc tập kích và ứng xử của những người trú trong tòa nhà bị tấn công. Trong đó có chuyện liên quan đến chiếc trực thăng kể trên.

Tờ The Daily Mail (Anh) nhắc lại rằng, trong đêm sau chiến dịch, các quan chức Mỹ đã tiến hành thông tin ngắn cho các nhà báo. Khi đó, họ nói rõ: “Trong cuộc tập kích, do trục trặc cơ khí (máy móc), chúng tôi đã mất một trực thăng”, đồng thời nhấn mạnh việc đó không phải là do các tay súng bắn hạ.

Nay thì câu chuyện chính thức trở nên lẫn lộn bởi lẽ một quan chức khác ở Washington lại nói: “Chúng tôi đâu có nói rằng, vấn đề [trực thăng rơi] là [do] trục trặc cơ khí]”.

  • Nguồn: Newsru, 4.5.11.
VP