In bài này
Chuyện chưa kể về ‘nhà thầu khoán’ Biệt động Sài Gòn (kỳ 2)
Thứ Năm, 28/04/2011 - 10:07 AM
“Nuôi quân 3 năm, sử dụng một giờ. Giờ phút quan trọng đã đến, ai còn chần chừ, bước lại phía sau”. Cả hàng quân im phăng phắc. Không một ai lùi lại. Tất cả chỉ mong đến giờ được ra trận.

>> Kỳ 3: Chuyện chưa kể về ‘nhà thầu khoán’ Biệt động Sài Gòn
>> Kỳ 1: Chuyện chưa kể về ‘nhà thầu khoán’ Biệt động Sài Gòn

Kỳ 2: Biệt động Sài Gòn kể chuyện đánh Dinh Độc Lập

Cuối năm 1965, theo yêu cầu của cấp trên, ông Năm Lai đã bán hai biệt thự số 6, 8 đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận, TP HCM) để mua 3 căn nhà 287/68-70-72 đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM). Tại đây, ông Năm đã bí mật đào hầm ngầm, thiết kế hầm nổi trên trần nhà để cất giấu vũ khí và làm nơi ẩn nấp cho cán bộ khi hoạt động nội thành. Ông Năm Lai đã dùng xe của mình 3 lần chở trên 2 tấn vũ khí gồm B.40, B.41, lựu đạn, súng AK, thuốc nổ TNT… về và một mình đưa xuống hầm ngầm cất giấu.

Tự hủy hoại mình để được đi đánh giặc

Ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), nguyên là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (BĐSG), năm nay 67 tuổi, nhớ lại: Trước Tết Mậu Thân, một hôm, ông Trần Hải Phụng, nguyên Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, tập hợp chúng tôi lại và thông báo, đại ý: “Nuôi quân 3 năm, sử dụng một giờ. Giờ phút quan trọng đã đến, ai còn chần chừ, bước lại phía sau”. Cả hàng quân im phăng phắc. Không một ai lùi lại. Tất cả chỉ mong đến giờ được ra trận. Mùng Một Tết, hàng trăm chiến sĩ BĐSG bằng nhiều cách khác nhau đã từ ngoại thành vào nội đô. Tại cơ sở đường Trần Quý Cáp, chiều mùng một, đã có 15 chiến sĩ tập trung về đây.

Ông Bảy Hôn (giữa) kể lại trận đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968
cho vợ, con ông Năm Lai nghe.

Bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa, năm nay 67 tuổi, nữ chiến sĩ BĐSG duy nhất tham gia đánh Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968), kể: gần đến ngày ra trận, để tăng cường lực lượng, tổ chức phân công cho một nữ cơ sở đang có bầu sắp tới ngày sinh đến trại giam Bến Lức (tỉnh Long An) xin cho đồng chí Nguyễn Văn Hai (Hai Thanh, đang bị giữ tại đây vì trốn quân dịch), về lo cho vợ sinh nở. Trong lúc gặp gỡ, cơ sở đã truyền đạt mệnh lệnh và hẹn ngày, giờ, địa điểm tập trung. Trở lại phòng giam, ông Hai Thanh đã tìm một thanh kẽm nhỏ tự đâm vào mắt mình, máu tuôn xối xả, trưởng trại phải cho ông về Sài Gòn cấp cứu. Băng bó xong, ông Hai Thanh trốn ngay về cơ sở trên đường Phan Đình Phùng để cùng đồng đội trong Đội 5 BĐSG đi đánh giặc.

Trận chiến bi hùng

Theo kế hoạch, đúng 2 giờ mùng 2 Tết Mậu Thân, các đội BĐSG sẽ đồng loạt nổ súng tấn công một số mục tiêu Dinh Dộc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ (nay là Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM), Đài Phát thanh Sài Gòn (nay là Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM…). Gần đến giờ G., chỉ huy trưởng Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), mới phổ biến mục tiêu tấn công của Đội 5 BĐSG là Dinh Độc Lập và phải giữ trận địa 15 - 30 phút sẽ có quân chi viện. Ông Bảy Hôn, nhớ lại: Khoảng 1h30, chúng tôi lên 3 chiếc xe ô tô chở vũ khí (trong đó có hai xe của ông Năm Lai).

Ông Ba Thanh phân công ông Năm Lai đến mục tiêu rồi phải về ngay để  điều phối vũ khí cho các nơi khác. Đoàn xe theo đường Trần Quý Cáp (nay là đường Võ Văn Tần) rẽ ra đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám), rồi theo đường Nguyễn Du tiến đến cổng sau Dinh Độc Lập (gần ngã tư Nguyễn Du - Huyền Trân Công Chúa). Khi đoàn xe vào đường Nguyễn Du, những ụ gác của địch ở đây nhốn nháo đề phòng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau Dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng. Nhưng khối thuốc không nổ. 5 chiến sĩ công kênh trèo qua tường rào, tấn công vào trong dinh.

Lực lượng phòng vệ của địch sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, 5 người  hi sinh tại chỗ. Bên ngoài, 3 xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị các chiến sĩ BĐSG tiêu diệt. Nhưng tình hình mỗi lúc một gay go. Quân Đại Hàn đóng tại Trường Quốc gia Âm nhạc (Nhạc viện TP.HCM ngày nay) bắn sang sát sạt. Thêm 2 người hi sinh, 4 người bị thương. “Lúc này tôi cũng đã bị thương vào bụng, máu ướt đẫm áo. Tôi đỡ anh Ba Thanh bị trúng đạn vào ngực trên tay mình. Trước khi nhắm mắt, anh Ba Thanh căn dặn chúng tôi phải giữ vững trận địa, không được rút, chờ quân chi viện. Chính mệnh lệnh này nên chúng tôi không rút quân ngay trong đêm đó”, bà Chín Nghĩa bồi hồi nhớ lại.

Thoát chết trong gang tấc

Gần sáng, không thấy quân chi viện, 8 chiến sĩ còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó (nay là trụ sở của Công ty Thép Miền Nam). Suốt một ngày vừa đói, vừa khát, nhưng 8 chiến sĩ vẫn chống trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của kẻ thù. Tại đây, chiến sĩ Lê Tấn Quốc đã hi sinh. Gần sáng mùng 3 Tết, lợi dụng những lỗ hổng trên tường do đạn địch bắn, 7 người dìu nhau, leo trèo vượt qua mấy nhà khác, rồi trổ mái ngói xuống một gia đình trên đường Thủ Khoa Huân. Đến sáng, quân địch truy theo dấu máu phát hiện, đổ quân bao vây. Còn quả lựu đạn cuối cùng, một người rút chốt tung ra, nhưng không nổ. Địch xông vào bắt 7 người.

Giam 7 người ít lâu, một hôm chính quyền Ngụy đem họ đi thủ tiêu. “Chúng bịt mắt chở chúng tôi đến một nơi nào đó rồi lôi xuống rồi lên lên đạn lách cách. Lúc này, chúng tôi nghĩ sẽ hi sinh. Đột nhiên im lặng khá lâu. Rồi một tên nói to “Số chúng mày hên quá nên chưa chết!”. Chúng tôi được chở về trại giam. Sau này nghe kể lại, khi chính quyền Ngụy rêu rao sẽ tử hình tất cả BĐSG tấn công Dinh Độc Lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát đi tuyên bố, nếu chính quyền Ngụy bắn những BĐSG trên, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ xử tử hình một số sĩ quan cao cấp của địch. Có lẽ vì thế chúng không dám bắn chúng tôi”, ông Bảy Hôn và bà Chín Nghĩa, xúc động kể.

Khi Hiệp định Paris được ký kết, 7 người được trở về. Phần ông Năm Lai, khi đến Dinh Độc Lập, có tham gia chiến đấu rồi phải trở về ngay theo mệnh lệnh của ông Ba Thanh. Biết chắc mình sẽ bị lộ, ông Năm Lai  trốn về quê vợ. Đến năm 1972, ông Năm Lai bị bắt tại Quảng Ngãi. Nhưng do ông sử dụng căn cước giả và giả điên quá khéo, địch phải thả ông ra.

  • Nguồn: Thiên Trường / ĐV, 26.4.2011.