In bài này
Siêu tiêm kích F-22 bị cấm... bay cao
Thứ Bẩy, 09/04/2011 - 11:12 AM
Không quân Mỹ (USAF) đã áp đặt hạn chế độ cao bay tối đa của các máy bay tiêm kích F-22 khi thực hiện các chuyến bay tập.

F-22 Raptor (af.mil)

Theo lệnh mới của Bộ chỉ huy không quân chiến đấu ACC thuộc USAF, độ cao bay giới hạn của F-22 không được vượt quá 7.600 m.

Lý do để đưa ra quyết định này là để phục vụ cuộc điều tra nhằm kiểm tra các hệ thống tạo oxy OBOGS (On-Board Oxygen Generating System) trên khoang được lắp cho nhiều máy bay tiêm kích của USAF.

Hạn chế về độ cao bay tương tự như với F-22 đã được áp đặt đối với tất cả các máy bay chiến đấu khác của USAF có trang bị OBOGS.

Lệnh cấm bay cao được ban hành sau khi chiếc F-22 đóng tại căn cứ không quân Elmendorf, Alaska bị rơi vào ngày 17.11.2010 ở Alaska, làm đại úy phi công Jeffery Haney thuộc phi đội tiêm kích 525 tử nạn.

Theo ACC, hệ thống OBOGS đang sử dụng có thể bị lỗi. Người ta phỏng đoán rằng, nguyên nhân rơi chiếc F-22 có thể là do trục trặc của hệ thống OBOGS. Hệ thống này có chức năng tạo oxy và cấp hỗn hợp dưỡng khí tới mặt nạ dưỡng khí của phi công khi bay ở độ cao lớn. Do trục trặc của OBOGS, phi công của chiếc F-22 bị rơi Jeffrey Haney đã bị đói oxy và ngất xỉu.

Theo đánh giá của ACC, ở độ cao 15.000 m, phi công chỉ có 10 s cho đến khi bị ngất nếu như oxy bị ngừng cấp tới mặt nạ dưỡng khí. Thời gian này là không đủ để đưa máy bay xuống độ cao có thể thở bằng không khí tự nhiên.

Độ cao bay 7.600 m được coi là an toàn bởi vì trong trường hợp bị ngừng cấp oxy, phi công sẽ có khả năng hạ xuống độ cao 5.400 m là độ cao có thể thở không cần mặt nạ dưỡng khí.

Khi áp đặt lệnh cấm này đối với các chuyến bay huấn luyện thường xuyên của USAF, người ta cũng cho biết là lệnh cấm không áp dụng với các phi vụ chiến đấu của tiêm kích Mỹ.

  • Nguồn: Defense News, 24.3.11; Lenta, 29.3.2011.
PM