In bài này
Các chương trình quân sự ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc
Thứ Ba, 08/03/2011 - 1:53 PM
Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng năm 2011 12,7% so với năm 2010, lên tới 601 tỷ nhân dân tệ (91,5 tỷ USD).

Ông Lý Triệu Tinh, đại diện quốc hội Trung Quốc cho biết và khẳng định việc tăng chi  phí quốc phòng này không “đe dọa nước nào”, còn nhiệm vụ chính của quân đội Trung Quốc “là bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước”.

Nhưng các nước láng giềng rõ ràng là rất nghi ngờ vào những ý định tốt đẹp của Trung Quốc nên hầu như ở tất cả các nước Đông Nam Á đang diễn ra cuộc chạy đua vũ trang thật sự. Việc Bắc Kinh tăng chi phí quân sự còn hối thúc các nước láng giềng hơn nữa. Ví dụ, Myanmar sẽ chi cho quốc phòng gần ¼ ngân sách nhà nước năm 2011, cụ thể là 1,8 ngàn tỷ kyat, tức 23,6% trong 7,6 ngàn tỷ kyat ngân sách nhà nước năm 2011. Trong khi lĩnh vực y tế chỉ nhận được 99,5 tỷ kyat (110 triệu USD), hay 1,3% ngân sách nhà nước.

Các chương trình quân sự ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc

- Trang bị lại cho không quân
bằng vũ khí trang bị hiện đại và mặc dù không quân Trung Quốc là một trong những lực lượng lớn nhất thế giới và gần đây đã đạt được những tiến bộ lớn như bắt đầu sản xuất tiêm kích thế hệ 4+, đang phát triển mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5, nhưng Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề trong lĩnh vực máy bay quân sự. Ví dụ, Bắc Kinh đến nay vẫn không thể chế tạo được một loại động cơ máy bay nội địa có khả năng cạnh tranh. Hơn nữa, Trung Quốc tạm thời còn chưa thể sao chép và tự sản xuất động cơ AL-31 lắp cho máy bay Su-27 và các biến thể của nó.

Các động cơ dành cho máy bay Su sản xuất tại Trung Quốc là do Nga cung cấp ở dạng tháo rời và Trung Quốc chỉ làm việc lắp ráp lại và tinh chỉnh. Các tiêm kích J-10 của Trung Quốc cũng vẫn phải sử dụng động cơ của Nga.

Một vấn đề khác là sự tụt hậu của Trung Quốc trong lĩnh vực vô tuyến điện tử. Để có được những thông tin còn thiếu, Trung Quốc buộc phải vận dụng ráo riết tình báo. Chiếm phần lớn không quân Trung Quốc vẫn là các máy bay thế hệ 2 và 3 vốn cần phải thay thế. Trung Quốc đang cố gắng thay đổi tình thế và khắc phục sự phụ thuộc công nghệ.

- Trang bị lại cho hải quân: Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một hạm đội biển xanh thực sự. Để làm việc đó, họ dự định xây dựng 5 cụm tàu sân bay xung kích, đưa vào sử dụng 1 tàu sân bay “huấn luyện” (tàu sân bay Varyag của Liên Xô trước đây) trong năm 2011 hoặc 2012.
Biên chế tàu chiến đấu của hải quân Trung Quốc chỉ có 20% tàu mới và thiết kế hiện đại, phần lớn vẫn là tàu cũ và lạc hậu, cần phải thay thế. Họ cũng cần hiện đại hóa không quân hải quân và xây dựng các không đoàn trên các tàu sân bay.

- Tiếp tục hoàn thiện lực lượng hạt nhân, kể cả hạm đội tàu ngầm nguyên tử, phát triển máy bay ném bom chiến lược, chế tạo loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa tối tân có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở bất kỳ đâu trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, vũ khí hạt nhân Trung Quốc có thể với đến 50-60% lãnh thổ Mỹ, để bảo đảm an ninh, Bắc Kinh muốn có khả năng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào ở Mỹ bằng tên lửa đường đạn xuyên lục địa.

- Tiếp tục trang bị lại lục quân: Hiện đại hóa khí tài thông tin, trinh sát vô tuyến và trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện, cũng như các hệ thống tác chiến điện tử; trang bị trực thăng chiến đấu chuyên dụng cho không quân lục quân, tăng cường cơ giới hóa lục quân và các vũ khí nặng để không chỉ các sư đoàn và lữ đoàn loại 1 có khả năng cơ động cao và mật độ trang bị vũ khí nặng lớn mà cả các sư đoàn loại 2 và 3.

Nếu như Bắc Kinh tiếp tục chính sách hiện đại hóa quân đội từng bước mà họ tiến hành đã 2 thập niên theo hướng đó thì sau 15-20 năm nữa, quân đội Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng có khả năng không chỉ bảo vệ lãnh thổ mà cả tiến hành các chiến dịch quy mô lớn ở những khu vực ở xa Trung Quốc.