In bài này
Hệ thống cơ quan tình báo Nhật Bản
Thứ Năm, 03/03/2011 - 1:54 AM
Sau khi bại trận trong Thế chiến II, Nhật Bản đã bị hạn chế ở nhiều lĩnh vực an ninh, trong đó có tình báo đối ngoại.

Chẳng hạn, tin tức về các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, Tokyo nhận được từ Mỹ. Nhưng thời gian trôi đi, và Tokyo đã không còn sợ hãi các vụ scandal ngoại giao. Nhật Bản đã bắt tay thành lập cơ quan tình báo đối ngoại. Người ta biết được điều đó từ báo cáo mật gửi từ đại sứ quán Mỹ ở Tokyo về Washington. Báo cáo này nằm trong số các tài liệu do site WikiLeaks đăng tải và lọt vào tay báo The Sydney Morning Herald của Australia.

Ý định thành lập cơ quan tình báo đối ngoại Nhật là do Cục trưởng Thông tin mật và nghiên cứu Nhật Bản Hideshi Mitani nói với một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 10.2008. Trong báo cáo của đại sứ quán Mỹ nói rằng, chính phủ Nhật Bản đã quyết định tiến chậm trên hướng này vì nhận thức được sự thiếu thốn kiến thức cần thiết, kinh nghiệm và nhân lực còn phải đào tạo.

Các ưu tiên của cơ quan tình báo đối ngoại Nhật Bản sẽ là CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng rõ ràng là Nhật Bản cũng không bỏ quên nước Nga và hướng Bắc vẫn là một hướng chiến lược đối với Tokyo. 

Cộng đồng tình báo Nhật:

Hiện nay, ở Nhật Bản đã có một hệ thống các tổ chức làm công tác tình báo và phản gián, bảo đảm cung cấp cho chính phủ thông tin về các mối đe dọa bên trong và bên ngoài, cũng như tiến hành các hoạt động khác trong lĩnh vực an ninh quốc gia.

Đó là Cục Nghiên cứu thông tin trực thuộc nội các; Các cơ quan tình báo quân sự, Cục Thông tin và nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao; Tổng nha Cảnh sát; Cục Điều tra an ninh công cộng trực thuộc Bộ Tư pháp; Các cơ quan phản gián quân sự; Cục Di trú; Cục An ninh trên biển.


Cục Nghiên cứu thông tin trực thuộc nội các Nhật Bản

Đây là cơ quan tình báo hàng đầu của Nhật Bản hiện nay. Các chức năng của nó là: thu thập tin tức cần cho các thành viên nội các để trước hết là đưa ra các quyết định chính trị. Cục này gồm 6 phòng: Thông tin nội địa, Thông tin ngoài nước, Phối hợp với các cơ quan đặc vụ khác của Nhật Bản, Phối hợp với các cơ quan nhà nước, Phối hợp với các tổ chức xã hội và các hãng tư nhân, Liên lạc với báo chí, Phân tích. Quân số của Cục không lớn, thu hút các điệp viên hợp tác trong số các công dân nước ngoài, cũng như các cán bộ nhân viên các cơ quan nhà nước và các tổ chức tư nhân làm việc ở nước ngoài. Theo thông tin của các nhà báo Nhật, sẵn lòng hợp tác với Cục Nghiên cứu thông tin trực thuộc nội các Nhật Bản là các nhân viên các hãng thông tấn lớn nhất và các hãng công nghiệp-thương mại của Nhật. Các cán bộ trong biên chế của Cục hoạt động ở nước ngoài, sử dụng bình phong ngoại giao.

Tình báo quân sự

Nền tảng hoạt động của cơ quan này áp dụng các nghiên cứu và kinh nghiệm của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ DIA. Trọngt âm chú ý là tình hình trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc và Liên bang Nga. Để thu thập tin tức, họ sử dụng hầu như tất cả các phương thức tình báo: điệp báo, tình báo kỹ thuật vô tuyến điện, vô tuyến điện tử, vũ trụ và đặc biệt. Các cơ sở tình báo kỹ thuật mạnh nhất triển khai trên đảo Hokkaido. Cùng với các phương tiện tương tự của quân đội Mỹ, chúng liên tục theo dõi Hạm đội Thái Bình Dương và lực lượng của Quân khu Viễn Đông của Nga.

Phản gián quân sự

Nhật cũng lấy hình mẫu là các cơ quan tương ứng của quân đội Mỹ. Các nhân viên phản gián quân sự có mặt ở hầu như tất cả các cấp chỉ huy, kể từ các bộ tham mưu quân chủng. Họ hợp tác chặt chẽ với các sĩ quan phản gián quân sự của quân đội Mỹ đóng ở quần đảo Nhật Bản.

Cục Thông tin và nghiên cứu - Bộ Ngoại giao

Nhiệm vụ chính của cơ quan này là thu thập tin tức cần để xây dựng chính sách đối ngoại của Nhật, phân tích thông tin và đưa ra các đề xuất với ban lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nhật. Thông tin chủ yếu thu thập từ các nguồn công ngai, được các đại sứ quán Nhật tại nước ngoài gửi về.

Tổng nha Cảnh sát

Một trong những nhiệm vụ của Tổng nha Cảnh sát là bảo đảm phản gián cho an ninh quốc gia. Tại Tổng nha này, trực tiếp làm nhiệm vụ đó là Cục Bảo vệ, gồm 3 phòng chức năng chính: an ninh công cộng, nước ngoài và điều tra. Các lực lượng chủ lực của phản gián tập trung ở vùng thủ đô. Các đơn vị tương tự cũng triển khai hoạt động ở tất cả các tỉnh của Nhật.

Cục Điều tra an ninh công cộng - Bộ Tư pháp

Khác với Tổng nha Cảnh sát, các nhân viên của Cục Điều tra an ninh công cộng trực - Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ bảo đảm phản gián bảo vệ trật tự hiến pháp của Nhật. Bởi vậy, họ theo dõi hoạt động của các tổ chức cực đoan, phát xít, các đảng, phong trào, nhóm cấp tiến. Cơ cấu của Cục cũng gần như cơ cấu tổ chức của Tổng nha Cảnh sát, có: bộ máy trung tương và các đơn vị ở các tỉnh.

Cục Di trú

Là một bộ phận của Bộ Ngoại giao Nhật, ngoài nhiệm vụ cơ bản là kiểm soát xuất/nhập cảnh của công dân, còn làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và phản gián; theo dõi người nước ngoài đến Nhật.

Cục An ninh trên biển

Không nhiều quốc gia có cơ quan như vậy. Cục An ninh trên biển làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới biển, tiến hành hoạt động tình báo trên biển, kiểm soát ngành đánh cá trong phạm vi 200 hải lý, tham gia cứu hộ/cứu nạn trên biển. Thời bình, Cục này là bộ phận của Bộ Giao thông, thời chiến thì chuyển cho Hải quân Nhật.

Tuy vậy, ngay trong thời bình, các lực lượng của Cục An ninh trên biển vẫn thực hiện các nhiệm vụ của mình với sự phối hợp chặt chẽ của Hải quân Nhật, trước hết liên quan đến hoạt động tình báo.

Về tổ chức, Cục này gồm bộ máy trung ương và 11 vùng. Quan trọng nhất là Vùng 1 - đảo Hokkaido, với các hướng Sakhalin và Kurils. Trong trang bị của Cục có hơn 500 tàu xuồng các loại. trong đó, có các tàu đại dương, tàu tuần tra, tàu tìm/cứu, tàu thủy văn và tàu bảo dưỡng thiết bị đạo hàng. Không quân của Cục gồm có hơn 60 máy bay tuần tra và trực thăng. Trang bị kỹ thuật luôn được đổi mới.

Tổng quân số dao động trong khoảng 12.000 người. Phục vụ trong Cục An ninh trên biển chỉ có những người tình nguyện, sau khi huấn luyện sơ bộ tại các trung tâm đào tạo tương ứng. Ngoài ra, trước khi gia nhập Cục, ứng viên bắt buộc phải từng phcuj vụ trong Hải quân Nhật. Loại hình hoạt động chính của các lực lượng Cục An ninh trên biển là tuần tra của lực lượng trên biển và không quân của Cục tại các vùng được giao. Ngoài ra, còn có các trạm radar hoạt động trên bờ, bao quát chắc chắn các đường tiếp cận bờ biển.

  • Nguồn: TW, 22.2.2011.