In bài này
Các chương trình quân sự và khó khăn của quân đội Đài Loan
Thứ Tư, 02/03/2011 - 9:41 AM
Sau khi dừng đàm phán hòa bình với Trung Quốc, Đài Bắc có thái độ ngày càng nghiêm túc hơn đối với nguy cơ một chiến dịch “tái thống nhất” của Hoa lục.

Khiến giới tinh hoa Đài Loan đặc biệt lo lắng là các vụ thử vũ khí tối tân của Trung Quốc mới đây. Ưu thế quân sự của Hoa lục đang trở nên rõ ràng hơn.

Đài Loan thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận, mua sắm vũ khí trang bị tối tân, chủ yếu là từ Mỹ. Nhưng Washington cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh, Bắc Kinh là chủ nợ trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất. Bởi vậy, để không làm Trung Quốc nổi giận lần nữa, Mỹ đang trì hoãn trả lời yêu cầu của Đài Bắc cung cấp lô máy bay tiêm kích F-16 và tàu ngầm diesel.

Vấn đề Đài Loan: Trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1927-thập niên 1950), giữa Quốc dân đảng và Đảng cộng sản Trung Quốc, phe cộng sản đã giành chiến thắng. Tàn quân Quốc dân đảng và những người ủng hộ đã bỏ chạy ra đảo Đài Loan, thành lập nên một cái gọi là Cộng hòa Trung Hoa, được một số nước công nhận. Bắc Kinh có cơ sở đểt cho rằng, đây là lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc và sẵn sàng tiến hành một chiến dịch quân sự để tái thống nhất. Và lẽ ra họ đã tiến hành chiến dịch này từ lâu nếu không có sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Bắc.

Lực lượng vũ trang Đài Loan:
Quân đội thường trực: 290.000 người.
Lực lượng dự bị: 1.657.500 người, trong đó dự bị của lục quân là 1,5 triệu người, không quân - 90.000 người, hải quân - 32.500 người, thủy quân lục chiến - 35.000 người.
Các đơn vị bán vũ trang: 26.650 người, trong đó có lực lượng an ninh - 25.000 người, cảnh sát biển - 1.000 người, hải quan - 650 người.
Chế độ tuyển quân: quân dịch. Thời hạn phục vụ: 20 tháng.
Nguồn dự bị động viên - 6,6 triệu người.
Xe tăng và xe chiến đấu trang bị vũ khí hạng nặng: hơn 1.200 chiếc, các loại xe thiết giáp khác: gần 1.200 chiếc.
Pháo và cối: Hơn 2.500 khẩu.
Máy bay chiến đấu: gần 500 chiếc (trong đó có 150 F-16A/В, gần 60 Mirage-2000-5).
Xương sống của hải quân là 4 tàu khu trục tên lửa lớp Kee Lung (Kidd), 22 frigate tên lửa (8 chiếc lớp Cheng Kung, 6 chiếc lớp Kang Ding [La Fayette], 8 chiếc lớp Chi Yang [Knox]), 68 tàu tên lửa (19 chiếc Kuang Hua VI, 2 chiếc lớp Lunchan, 47 chiếc lớp Haiou), 4 tàu ngầm (trong đó có 2 tàu huấn luyện).

Các vấn đề của lực lượng vũ trang

Mặc dù xét về trang bị, tỷ lệ vũ khí trang bị hiện đại, lực lượng vũ trang Đài Loan là một trong những lực lượng mạnh nhất châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nó cũng có một số vấn đề nghiêm trọng, làm hỏng đi bức tranh.

- Trạng thái tâm lý-tinh thần kém của binh sĩ Đài Loan. Họ kế thừa quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch từng hứng chịu nhiều thất bại trước quân Nhật Bản từ năm 1937-1945, bị quân giải phóng của Mao Trạch Đông đánh tân và năm 1949 đã vội vã rút chạy ra đảo Đài Loan. Và tại đó họ đã không bị tiêu diệt là do quân giải phóng Trung Quốc không có đủ phương tiện vận tải, cũng như do sự ủng hộ của Mỹ.

Những nguyên nhân chính thất bại của họ trước quân giải phóng, mặc dù có ưu thế về vũ khí trang bị, là tinh thần chiến đấu yếu, kỷ luật kém, sự kém cỏi của đội ngũ sĩ quan và nạn tham nhũng, hối lộ của bộ chỉ huy cấp cao. Tất cả các nguyên nhân này vẫn chưa được giải quyết mà chỉ được xoa dịu nhờ cuộc sống sung túc và thời gian.

- Quân đội Đài Loan “nổi danh” với vô số scandal tham nhũng.

- Trong quân đội vận hành rõ rệt một hệ thống bao che lẫn nhau, và bất cứ ai mưu toan phá bỏ nó và “tấn công vào danh dự của quân đội” sẽ có nguy cơ không chỉ bị đuổi mà nhiều khi có nguy cơ mất mạng.

- Tính không chuyên nghiệp và kỷ luật yếu, hàng năm trong quân đội có khoảng 500 người chết, tức là cả tiểu đoàn. Tỷ lệ tự sát trong số lính nghĩa vụ cao gấp khoảng 3 lần so với đồng lứa trong lĩnh vực dân sự. Chỉ trong cuộc tập trận gần đây tổ chức ngay trước cuộc gặp Obama-Hồ Cẩm Đào, trong khi phóng các tên lửa đất-đối-không và không-đối-không, có 1/3 số tên lửa không tiêu diệt được mục tiêu.

- Ban lãnh đạo cao cấp của quân đội là một thứ đẳng cấp “những người bất khả xâm phạm” do họ không chịu sự kiểm soát của xã hội.

Kết quả là nếu Bắc Kinh quyết thực hiện một chiến dịch quân sự, có thể xảy ra khả năng họ không gặp sự kháng cự mạnh. Nhiều người ở Đài Loan có lẽ sẽ chấp nhận phương án tự trị kiểu Hongkong.

Những chương trình mua sắm quân sự gần đây

- Năm 2010, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc bán cho Đài Loan vũ khí trang bị trị giá 6,5 tỷ USD. Trong gói đơn đặt hàng được phê chuẩn có các hệ thống tên lửa phòng không Patriot trang bị tên lửa PAC-3, trực thăng UH-60 Black Hawk (60 chiếc) và trang thiết bị phục vụ sửa chữa và nâng cấp các tiêm kích F-16A/B. Đài Bắc cũng đã đặt mua tàu ngầm nhưng bị Mỹ từ chối bán.

- Đài Bắc đang chờ Mỹ cung cấp 66 tiêm kích F-16 Fighting Falcon mà họ đặt hàng từ năm 2007.

- Đài Loan đang tự lực phát triển máy bay không người lái (UAV) trinh sát, tờ Taipei Times dẫn nguồn trong bộ quốc phòng Đài Loan đưa tin. Máy bay này được chế tạo trong khuôn khổ cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Máy bay do Viện khoa học và công nghệ Trung Sơn (CSIST) phát triển. UAV này sẽ dùng để trinh sát và quan sát.

Tháng 8.2010, CSIST đã giới thiệu UAV Chung Shyang, được phát triển từ năm 2007. Đến nay, đã chế tạo 5 mẫu chế thử UAV này. Nó có bán kính hoạt động 100 km, có khả năng bay trong 8 giờ, tiến hành quan sát các mục tiêu đối phương cả ngày lẫn đêm, cũng như sử dụng làm phương tiện tiếp phát.

- Không quân Đài Loan dự định tìm nguồn kinh phí để nâng cấp tiêm kích F-16A/B Fighting Falcon, theo Associated Press. Những thay đổi tương ứng đang dự định bổ sung vào ngân sách quân sự Đài Loan năm 2012, khi bắt đầu hiện đại hóa các tiêm kích F-16 đã có trong trang bị hơn 10 năm nay.

- Đài Loan năm 2011 sẽ nhận vào trang bị 12 máy bay chống ngầm P-3C của Mỹ.

- Đài Loan đang sản xuất hàng loạt tên lửa hành trình do họ tự phát triển. Họ đang sản xuất 2 loại tên lửa hành trình Chichun (chế tạo dựa trên tên lửa hành trình chống hạm Hsiungfeng 2E) và tên lửa siêu âm Chuifeng. Được biết, các tên lửa này có thể triển khai trên bộ và trên tàu chiến và dùng để tiêu diệt các sân bay, căn cứ tên lửa và các mục tiêu quan trọng khác ở đông nam Trung Quốc. Từ năm 2000, Đài Loan chi 68 triệu USD/năm cho việc phát triển các tên lửa này. Hsiungfeng 2E có tầm bắn 800 km. Dự kiến, Đài Loan sẽ nhận vào trang bị 300 tên lửa này.

- Đài Loan dự định hiện đại hóa lực lượng phòng không của mình. Đài Bắc đã gửi Washington yêu cầu mua 114 tên lửa phòng không có điều khiển Patriot PAC-3, 3 radar đa năng AN/MPQ-65, 1 trung tâm điều phối thông tin AN/MSQ-133, 1 sở chỉ huy chiến thuật, 3 cụm khí tài tiếp phát, 3 hệ thống điều khiển hỏa lực AN/MSQ-132, 26 bệ phóng M902, 5 cụm anten cột (AMG), 1 máy phát điện cơ động EPP-III, thiết bị để bảo dưỡng kỹ thuật-vật tư cho các khẩu đội, động cơ, máy phát, khối nguồn, xe mooc, khí tài thông tin, dụng cụ, thiết bị huấn luyện và thử nghiệm, tài liệu kỹ thuật, phụ tùng và tổng thành, tiến hành huấn luyện nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật từ phía nhà thầu và chính phủ Mỹ, cũng như các phương tiện bảo đảm vật tư-kỹ thuật và hỗ trợ liên quan chương trình này.

  • Nguồn: TW, 25.2.2011.
Đại Việt