In bài này
Cựu chỉ huy tình báo Không quân Mỹ kêu gọi “giám sát chặt” J-20
Thứ Ba, 15/02/2011 - 3:57 PM
Trung tướng David Deptula, chỉ huy tình báo Không quân Mỹ mới về hưu, kêu gọi Mỹ chú ý theo dõi sự phát triển của tiêm kích Trung Quốc J-20 và gọi sự xuất hiện của máy bay này là “tiếng chuông cảnh tỉnh”.

J-20 (trái) và PAK FA T-50 đe dọa sự thống trị của không quân Mỹ


Ông này cho rằng, J-20 có thể biến thành “một đối thủ rất đáng sợ” nếu như người Trung Quốc chế tạo được radar mạng pha chủ động, động cơ tin cậy và tiến bộ về công nghệ tàng hình.

Theo viên tướng này, J-20 cũng giống như F-22 có khả năng bay hành trình siêu âm ở độ cao rất lớn. Trung Quốc có thể trang bị cho máy bay này 3 loại tên lửa mới: tên lửa không-đối-không có tầm bắn xa hơn các tên lửa Mỹ, tên lửa chống hạm và tên lửa không-đối-đất, và có thể cả một loại tên lửa chống vệ tinh để diệt vệ tinh Mỹ. J-20 có thể dùng để tiêu diệt các máy bay tiếp dầu trên không, “các máy bay lớn” khác như máy bay chỉ huy/báo động sớm như E-3 Sentry và máy bay do thám điện tử E-8 JSTARS. Sự xuất hiện của J-20 và PAK FA của Nga nói lên rằng, ưu thế trên không của Mỹ “đang trôi đi”, tướng Deptula nói.

“Mỹ đã độc quyền về công nghệ tàng hình trong 25 năm gần đầy, nhưng nay người Nga và người Trung Quốc đang bắt đầu có tiềm năng này và điều đó không thể không phản ánh ở trạng thái các kế hoạch tác chiến của chúng ta. Chuyến bay đầu tiên của J-20 phải là tiếng chuông báo động đối với những người đang làm việc tự trấn an chiến lược, và những người vẫn còn coi ưu thế trên không và trên biển của Mỹ ở Thái Bình Dương là không hề suy xuyển.

Bề ngoài của J-20 sẽ tác động đến những ai đưa ra quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất, ông Deptula nói.
Công ty Lockheed Martin đã tuyên bố rằng, sẽ cung cấp cho Không quân Mỹ chiếc F-22 cuối cùng (thứ 187) với số hiệu đuôi 4095 vào tháng 4.2012, sau đó tiến hành niêm cất trang thiết bị sản xuất.

Deptula tuyên bố rằng, sự xuất hiện của J-20 sẽ thúc đẩy Mỹ bắt đầu phát triển loại máy bay thay thế F-22, vì các tiêm kích mới của Trung Quốc sẽ được đưa vào trang bị sau 5-7 năm nữa, khi mà những chiếc F-22 đầu tiên đã đạt độ tuổi trên 15 năm.

Nhưng các chuyên gia khác thì kiềm chế hơn khi nói về khả năng của J-20. Nhà phân tích của Viện Lexington (Arlington, Virginia) Loren Thompson cho rằng, bề mặt tán xạ hiệu dụng của J-20 từ hình chiếu phía trước có thể chỉ tương dương với F/A-18E/F Super Hornet.

Nhà phân tích của Teal Group (Fairfax, Virginia) Richard Aboulafia còn gay gắt hơn khi gọi máy bay Trung Quốc là thứ đồ cắt dán “những bộ phận ngu ngốc”. Ông cũng nói rằng, trước đó chưa bao giờ “nhìn thấy sự ầm ĩ nhiều như thế” liên quan đến sự xuất hiện của máy bay mới.

Ông Aboulafia nói rằng, người  Trung Quốc không có kiến thức và kỹ năng tích hợp các hệ thống trên khoang cực kỳ tinh vi của một tiêm kích thế hệ 5 “thứ thiệt”. Ông cũng nói rằng, từ hình chiếu phía trước, máy bay này không thể có bề mặt tán xạ hiệu dụng nhỏ, bởi vì cánh ngang phái trước “chuyển động” sẽ làm phí hoài mọi nỗ lực này. “Chúng ta đơn giản đang chứng kiến xu hướng của Mỹ là cường điệu mọi thứ, và sự ngạo mạn của Trung Quốc dựa trên sự tự mãn quá cao”, chuyên gia của Teal Group nhận xét.
  • Nguồn: airforcetimes.com; MP 14.02.11
Nam Xương