In bài này
Viễn cảnh u ám của vũ khí Nga trên thị trường Trung Quốc 20 năm tới
Thứ Tư, 09/02/2011 - 12:51 PM
Tham bát, bỏ mâm, Nga đã thiển cận xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự tiên tiến cho bậc thầy làm nhái và qua đó 'tự lấy đá ghè chân', làm hại công nghiệp quốc phòng của chính nước Nga.

Máy bay tiêm kích J-11

Tạp chí Kanwa Asian Defence số tháng 11.2010 đăng tải đánh giá triển vọng các loại vũ khí cơ bản của Nga trên thị trường Trung Quốc, cụ thể là: máy bay tiêm kích Sukhoi, máy bay ném bom, tàu ngầm Projekt 636, tàu mặt nước cỡ lớn.

Theo Kanwa, Trung Quốc rõ ràng đang từ bỏ việc dựa vào Nga với tư cách nhà cung cấp các loại vũ khí này, tuy nhiên vẫn cần các bộ phận, linh kiện như động cơ máy bay RD-93, AL-31F, D30-KP2, cũng như linh kiện cho những mẫu vũ khí đã có trong trang bị của không quân và hải quân Trung Quốc. Các mẫu vũ khí khác của Nga có thể xâm nhập thị trường Trung Quốc gồm có máy bay vận tải quân sự hạng nặng và các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tầm bắn 400 km.

Triển vọng của máy bay chiến đấu

Hãng Sukhoi, theo tổng kết của Kanwa, đã xuất sang Trung Quốc 143 máy bay tiêm kích Su-27SK, J-11, J-11A, trong đó J-11 và J-11 là các biến thể lắp ráp tại nhà máy chế tạo máy bay ở Thượng Hải, Trung Quốc. Trong số 143 máy bay tiêm kích này, có 70 chiếc đã được nâng cấp để có khả năng sử dụng tên lửa tầm trung RVV-AE. Trung Quốc cũng đã mua 40 máy bay tiêm kích huấn luyện Su-27UBK, 76 máy bay tiêm kích Su-30MKK và 24 Su-30MK, đưa tổng số máy bay tiêm kích Sukhoi ở nước này lên đến 283 chiếc. Nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã chọn con đường “độc lập sản xuất” hay làm nhái các máy bay tiêm kích Nga.

Tại sao Trung Quốc lại quyết định chia tay với Sukhoi? Kanwa đề nghị dựa vào văn hóa Trung Quốc và tình hình thực tế trong quan hệ quốc tế hiện nay để trả lời câu hỏi này. Từ góc độ văn hóa truyền thống Trung Quốc, quan điểm “đánh cắp sách vở của người khác không phải là phạm pháp” đã ăn sâu trong xã hội Trung Quốc.

Nói cách khác, đối với Trung Quốc, việc sao chép văn hóa hay kiến thức của người khác là một yếu tố của chủ nghĩa yêu nước Trung Quốc, giải quyết vấn đề này không đơn giản, bởi vậy không thể nào bị chỉ trích được. Hai là, do tư tưởng đặc biệt của Trung Quốc, các chương trình hợp tác quân sự của Trung Quốc với các nước khác đều đã suy tàn.

Ví dụ, hợp tác Xô-Trung những năm 1950 và 1960, quan hệ với Mỹ và châu Âu những năm 1980 đều đã kết thúc bằng việc đóng băng các thương vụ cung cấp vũ khí và rút chuyên gia quân sự đại diện cho đối tác nước ngoài do những lý do chính trị. Vì nguyên nhân đó, người Trung Quốc có thái độ nhạy cảm và ngờ vực đối với việc hợp tác với các nước khác.

Kể cả xét đến việc sao chép các máy bay tiêm kích sản xuất loạt Su-27SK và tiếp tục phát triển chúng, trong tương lai tất cả các máy bay tiêm kích Sukhoi sẽ bị thay thế bằng các bản sao Trung Quốc. Theo Kanwa, quá trình này sẽ kéo dài trong 5-10 năm tới.

Máy bay tiêm kích J-11

J-11B thay thế biến thể cơ sở hàng hiệu Su-27SK

Trước tiên, J-11B sẽ phải thay thế toàn bộ số máy bay tiêm kích Su-27SK. Còn đối với Su-27SK thì đặt ra nhiệm vụ trang bị cho chúng động cơ nội địa WS10A lực đẩy 13.200 kg. Liên quan đến việc tích hợp radar và hệ thống điều khiển điện từ xa thì công việc nghiên cứu vẫn đang tiến hành.

Một trong những lý do để Trung Quốc có thể sao chép máy bay tiêm kích Su-27 trong một thời gian ngắn như thế, ngoài các yếu tố do Kanwa nêu ra, còn có yếu tố trong quá trình hợp tác với Nga sản xuất J-11 và J-11А, các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật Trung Quốc được đào tạo rất dài tại Viện Nghiên cứu khoa học hàng không Siberia SibNIIA (Nga), chủ yếu là trong lĩnh vực thiết kế máy bay chiến đấu.

Việc đào tạo là kinh nghiệm cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc trong việc thiết kế các biến thể máy bay tiêm kích của mình dựa vào thiết kế của Nga. Tất cả điều đó đã diễn ra vào giữa những năm 1990.
Trung Quốc chưa bao giờ mua của Nga giấy phép sản xuất máy bay huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi Su-27UBK. Không dưới 3-4 máy bay tiêm kích J-11BS được sản xuất ở Trung Quốc năm 2008 đang được thử nghiệm ở Yanliang. Như vậy là thị trường Trung Quốc hầu như đã đóng lại đối với máy bay tiêm kích Su-27UBK.

Tầm quan trọng của việc Trung Quốc sao chép thành công máy bay tiêm kích Su-27UBK vượt quá việc sao chép thành công J-11B. Người ta biết rõ rằng, các thiết kế Su-30MKK và МК2 dựa trên Su-27UBK hay là sự hiện đại hóa nó.

Như vậy, ta có mọi cơ sở để phỏng đoán rằng, trong 10-20 năm nữa, Trung Quốc sẽ có thể phát triển được các biến thể làm nhái máy bay tiêm kích Su-30MKK và МК2 dựa trên J-11B. Vì lý do đó, Su-30MKK và МК2 không có triển vọng trên thị trường Trung Quốc. Với tư cách một bệ mang quá độ, máy bay tiêm kích đa năng J-11B đã vượt qua tất cả các thử nghiệm bay vào năm 2010.

Từ năm 2006, khi bắt đầu thực hiện dự án tàu sân bay cỡ lớn, Trung Quốc rất hy vọng nhận được các máy bay tiêm kích trên hạm Su-33. Nhưng Trung Quốc cũng đã có biến thể làm nhái J-15. Căn cứ trình độ “công nghệ làm nhái” và trình độ công nghệ của công nghiệp hàng không Trung Quốc, Kanwa dự báo, việc triển khai sử dụng J-15 sẽ mất 5-10 năm nữa.

Trong thời gian đó, vấn đề tối quan trọng là tích hợp thiết bị avionics của máy bay và các động cơ nội địa. Ngoài ra, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang tiến hành những nghiên cứu trong lĩnh vực chế tạo máy bay 2 chỗ ngồi với các phi công ngồi vai kề vai. Trên một đoạn video do công ty AVIC I giới thiệu trước đó có hình ảnh một máy bay huấn luyện với vị trí các phi công ngang nhau giống như Su-33KUB, đang được thử nghiệm điện từ đối với radar. Nếu đó là sự thật thì không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục sao chép máy bay ném bom Su-34 dựa trên J-11BS và Su-33KUB dựa trên J-15.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 Т-50 của Nga sẽ không đến được thị trường Trung Quốc. Điều đó bị quy định bởi chính tiến trình phát triển của dự án Т-50, bởi vì nó trước hết có “dấu ấn Ấn Độ” rõ nét. Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển các máy bay tiêm kích thế hệ 5 nội địa. Theo một báo cáo xuất hiện ở phương Tây vào năm 2010, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm các động cơ thế hệ mới với lực đẩy 15.000 kg ở chế độ tăng lực.

Theo một nguồn tin uy tín của Kanwa, việc nghiên cứu chế tạo động cơ thế hệ mới với các tham số mức trang bị lực kéo tốt hơn do công ty Chian tiến hành đang ở tình trạng nan giải bởi vì ngay khi thử nghiệm động cơ WS10A lực đẩy 13.200 kg đã thấy những vấn đề tương tự gây ra bởi sự không ổn định các tham số làm việc của nó do hỏng hóc của một số bộ phận (theo các báo cáo nội bộ). Lịch trình nghiên cứu nội bộ của công ty Liming Engine Factory ở Thẩm Dương cho thấy rõ rằng, động cơ với lực đẩy mạnh có tên Taishan sẽ bước sang giai đoạn phát triển cuối vào năm 2020. Cũng theo lịch trình này, việc phát triển động cơ WS10A dự kiến hoàn tất năm 2010-2011.

Việc chuẩn bị sản xuất động cơ WS13 vốn là hàng nhái động cơ Nga RD-33 đang được Guizhou United Engine Corporation tiến hành gấp rút. Nhưng năm 2010, những khó khăn kỹ thuật nghiêm trọng vẫn còn và có vẻ là Trung Quốc mới chỉ chế tạo được mẫu chế thử WS13 sa lầy ở giai đoạn “5 so sánh” (5 giai đoạn sao chép).

Động cơ máy bay

Trong tình hình hiện tại, theo Kanwa, trong 10 năm tới, các động cơ RD-33, AL-31FN và AL-31F sẽ có tương lai rất tươi sáng ở Trung Quốc. Trung Quốc không có lựa chọn nào khác và họ chỉ còn cách tiếp tục nhập khẩu các động cơ này từ Nga cho đến khi chính phủ Nga áp đặt hạn chế chính trị đối với các hợp đồng này.

Kanwa dự báo, chừng nào Trung Quốc còn chưa triển khai được sản xuất động cơ nội địa WS10A, thì họ sẽ không thể xuất khẩu máy bay tiêm kích J-11B và J-11BS bởi vì việc đó sẽ gây ra sự phản đối quyết liệt từ phía Nga. Trong khi đó, việc sản xuất hạn chế J-11B/BS vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của không quân và hải quân Trung Quốc.

Nhưng ở chân trời năm 2020, khi động cơ WS10A sẽ được tích hợp hoàn toàn với J-11B/BS, Trung Quốc sẽ không do dự ráo riết xúc tiến các máy bay này ra thị trường các nước thứ ba cùng với các biến thể Su-30MKK/МК2 do Trung Quốc phát triển dựa trên máy bay huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi J-11B/BS.

Trung Quốc không bao giờ thừa nhận các máy bay chiến đấu đó là làm nhái máy bay Nga và sẽ khẳng định chúng là máy bay do Trung Quốc phát triển. Từ góc độ luật pháp Trung Quốc, không hề có hạn chế gì đối với việc xuất khẩu J-11B/BS, nhất là cho các đồng minh của Trung Quốc như Pakistan.

Vũ khí hàng không

Việc Trung Quốc sao chép các hệ thống vũ khí hàng không Nga cũng là vấn đề nghiêm trọng. Dựa trên thiết kế tên lửa Kh-59Т với đầu tự dẫn truyền hình, Trung Quốc đã làm ra tên lửa KD88 dẫn bằng truyền hình. Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ các loại bom dẫn bằng laser, nhờ đó Trung Quốc đã có khả năng tự sản xuất được các bom tương tự.

Về vũ khí hàng không không điều khiển, Trung Quốc đã làm nhái hầu như tất cả các loại bom Nga.

Các tên lửa không-đối-không trên máy bay tiêm kích J-11B đã được thay thế bằng các tên lửa PL-8 và PL-12. Trung Quốc đã dùng Ukraine để thay thế Nga trong vai trò cung cấp tên lửa tầm trung R-27, điều này đã trở nên quan thuộc trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và 2 nước SNG này.

Máy bay vận tải quân sự hạng nặng

Phải rất lưu ý là trong 15 năm gần đây, Trung Quốc đã sao chép thành công các máy bay tiêm kích Nga, nhưng lại thất bại hoàn toàn trong việc làm nhái các máy bay vận tải cỡ lớn như Il-76. Điều đó cho thấy một vấn đề lớn của công nghiệp hàng không Trung Quốc đó là không có kinh nghiệm thiết kế và sao chép các máy bay lớn như vậy.

Trung Quốc đã nhận được sự trợ giúp hiệu quả từ phía Viện thiết kế mang tên Antonov của Ukraine về mặt thiết kế và sản xuất các máy bay vận tải quân sự cỡ lớn, ví dụ Viện Antonov đã chuyển giao cho Trung Quốc tài liệu kỹ thuật của ít nhất 2 loại máy bay. Tuy nhiên, theo Kanwa, kể cả với sự trợ giúp của Ukraine, cũng phải mất khoảng 8-10 năm nữa thì Trung Quốc mới tự lực phát triển được máy bay vận tải hạng nặng và cho nó bay thử lần đầu.

Do việc đình chỉ hợp đồng mua máy bay vận tải Il-76 và máy bay tiếp dầu Il-78 với Nga, Trung Quốc vấp phải những khó khăn to lớn trong việc phát triển lực lượng lính dù và xây dựng đội máy bay chỉ huy/báo động sớm.

Kanwa dự báo trong 8-10 năm tới, nếu Nga có thể triển khai trơn tru việc sản xuất máy bay Il-476 và nếu như giá của máy bay mới sẽ hấp dẫn với Trung Quốc, thì một số lượng nhỏ máy bay Nga này sẽ có mặt trên thị trường Trung Quốc. Hiển nhiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu các động cơ D30-KP2 đang được lắp cho các máy bay Il-76MD/TD có trong trang bị của Trung Quốc. Một số động cơ này sẽ được lắp cho các máy bay ném bom Н-6К.

Tên lửa đất-đối-không

Loại tên lửa này là ưu tiên trong chiến lược quốc phòng của Trung Quốc, nhất là do tình hình căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan và những cuộc tập trận quy mô lớn tiếp đó của hạm đội Mỹ ở vùng biển Hoàng Hải, vì thế Trung Quốc vẫn sẽ buộc phải tiếp tục tăng cường lực lượng phòng không của mình. Khoảng 20 tiểu đoàn tên lửa tầm xa S-300PMU, S-300PMU-1 và S-300PMU2 với tầm bắn lần lượt là 90, 150 và 200 km đang bảo vệ không phận Trung Quốc.

Hệ thống nội địa HQ-9 Trung Quốc có tầm bắn 125 km, điều này cho thấy rõ quãng cách công nghệ giữa Trung Quốc và các hệ thống phòng không nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ đầu đạn tên lửa. Một nguồn tin uy tín nói với Kanwa rằng, nhiệm vụ trước mắt đối với Trung Quốc là phát triển một hệ thống tên lửa phòng không có tầm bắn 200 km.

Ngoài ra, Trung Quốc đang kiên trì tìm cách mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 có tầm bắn 400 km của Nga, đây có vẻ là hệ thống duy nhất của Nga mà Trung Quốc muốn có được. Trong 10 năm tới, hệ thống của Nga với tầm bắn 400 km sẽ rất hấp dẫn đối với Trung Quốc bởi vì những hệ thống đó có thể từ đại lục khống chế toàn bộ eo biển Đài Loan và đảo Đài Loan.

Ngoài ra, hệ thống này có tầm bắn vượt trội so với bất kỳ tên lửa hàng không nào hiện có của Không quân Mỹ. Như vậy, S-400 có thể ngăn chặn các máy bay Mỹ tiến vào không phận Hoàng Hải nhằm tấn công vào Bắc Kinh và Thiên Tân.

Chỉ còn một câu hỏi để ngỏ là Nga liệu có sẵn sàng bán cho Trung Quốc các hệ thống tầm bắn 400 km khi có nguy cơ chúng bị sao chép hay không? Hiện tại, biến thể xuất khẩu của S-400 có tầm bắn 240 km.

Vũ khí trang bị hải quân

Trong 18 năm gần đây, Trung Quốc đã nhập khẩu từ Nga nhiều hệ thống vũ khí hải quân lớn như các tàu khu trục lớp Projekt 956/956EM và tàu ngầm Projekt 636, cũng như các hệ thống phụ trợ. Rõ ràng là ngay từ đầu Trung Quốc đã định sao chép các hệ thống của Nga sau khi mua được chúng với mục địch làm ra các bản sao Trung Quốc của chúng.

Tiếp đó, chính sách của Trung Quốc tiến lên, chuyển thành nhập khẩu các hệ thống của Nga với tư cách các bộ phận, thành phần lắp trên các bệ mang nội địa của Trung Quốc. Cách tiếp cận này đã tỏ ra thành công hơn.

Tàu ngầm

Việc đóng tàu ngầm lớp Nguyên (Yuan) 041 thứ ba đã bắt đầu - 2 tàu đầu tiên lớp này đang hoạt động trong biên chế hạm đội Trung Quốc. Phân tích chính sách dài hạn của Trung Quốc trong lĩnh vực này cho thấy rằng, mỗi khi Trung Quốc bắt tay vào đóng tàu thứ ba của series thì điều đó có nghĩa là thiết kế tàu đã có những đường nét cuối cùng, mọi vấn đề kỹ thuật đi kèm đã được giải quyết và tàu được hải quân chấp nhận.

Như vậy, việc tiếp tục đóng tàu ngầm lớp Nguyên có nghĩa là hiện tại thị trường Trung Quốc hầu như đóng cửa đối với tàu ngầm Projekt 636 của Nga.

Chỉ còn lại là việc hiện đại hóa và bảo dưỡng 12 tàu ngầm điện-diesel Projekt 877, 636 và 636М hiện có, lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình Club-S và các ngư lôi mới.

Điều không thể phủ nhận là bề ngoài của tàu ngầm lớp Nguyên có những đường nét của tàu ngầm Nga Projekt 636. Ngoài ra, Trung Quốc đã bắt đầu xúc tiến các tàu ngầm này sang thị trường Pakistan và Thái Lan.

Tàu khu trục Projekt 956/956EM

Kanwa khẳng định rằng, trong khi sử dụng 4 tàu khu trục lớp Projekt 956/956EM đặt mua từ Nga, Trung Quốc đã cố gắng sao chép chi tiết các phân hệ của các tàu chiến này, cụ thể là trạm thủy âm lắp trong thân tàu, radar Fregat 3D và ụ pháo 130 mm АК-130. Một số hệ thống làm nhái này đã được lắp cho frigate nội địa của Trung Quốc lớp 054А.

Từ đó có kết luận khái quát là các chiến hạm cỡ lớn do Nga đóng không còn triển vọng trên thị trường Trung Quốc. Thực tế là Trung Quốc chưa bao giờ nỗ lực nhập khẩu các tàu chiến lớn từ Nga ở mức độ ưu tiên.

Trong tương lai gần, thị trường tàu chiến mặt nước Trung Quốc sẽ nhằm vào bảo dưỡng 4 tàu khu trục Projekt 956/956EM hiện có và đổi mới các loại vũ khí. Với sự xuất hiện của hệ thống tên lửa phòng không HQ-16 sử dụng bệ phóng thẳng đứng, thị trường dành cho các hệ thống Shtil-1 của Nga chỉ hạn chế ở các tàu khu trục Projekt 956/956EM và frigate 052В, nên ít có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua các hệ thống Shtil với số lượng lớn.

Trong khi đó, các trực thăng chống ngầm của Nga sẽ tiếp tục hiện diện trên thị trường Trung Quốc, chủ yếu là vì Trung Quốc không có kinh nghiệm tự lực phát triển các trực thăng này và hiện chưa có trong trang bị các trực thăng chống ngầm hạng nặng.

Năm 2007 đã trở thành năm đáy tối thiểu lịch sử đối với hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung khi Trung Quốc chỉ ký hợp đồng mua 9 trực thăng chống ngầm Ка-28. Có khả năng khi tiến hành chương trình đóng một tàu sân bay cỡ lớn, Trung Quốc sẽ phải mua nhiều hơn trực thăng chống ngầm Ка-28 và thậm chí trực thăng mang radar cảnh giới Ка-31.

Vũ khí trang bị lục quân

Vũ khí lục quân chưa bao giờ là một ưu tiên trong hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung. Nga đã xuất sang Trung Quốc các hệ thống phòng không lục quân Тоr-М1, đạn pháo có điều khiển Krasnopol, hệ thống tên lửa chống tăng Bastion, các hệ thống điều khiển hỏa lực của xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và công nghệ sản xuất tháp xe.

Đồng thời với việc mua các hệ thống này, Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc các công nghệ sản xuất đạn pháo có điều khiển, tên lửa chống tăng và tháp xe BMP-3. Điều đáng kinh ngạc là Trung Quốc tỏ ra tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của Nga đối với các hệ thống vũ khí lục quân rẻ tiền.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không bao giờ sao chép vũ khí lục quân của Nga mà hệ thống rocket phóng loạt Smerch là bằng chứng nổi bật. Trung Quốc đã nhận vào trang bị các hệ thống vũ khí rất giống pháo tự hành 2S19 và pháo tăng nòng trơn 125 mm của Nga.

Trong tương lai, thị trường Trung Quốc hầu như đóng cửa với vũ khí lục quân Nga.

Trong Quốc đã bắt đầu chuyển giao cho quân đội các hệ thống phòng không HQ-16, việc phỏng tạo và làm nhái các hệ thống vũ khí cơ bản khác hầu như đã hoàn tất.

Triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung

Đỉnh cao hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung đã qua rồi, theo Kanwa. Trong 10-20 năm tới, thị trường dành cho vũ khí Nga chủ yếu hạn chế ở việc cung cấp phụ tùng và linh kiện, thay thế các hệ thống đơn lẻ, cũng như cung cấp động cơ máy bay.

Căn cứ vào giá trị của mỗi động cơ máy bay ở mức 3-5 triệu USD/chiếc, cũng như việc nội địa hóa sản xuất các chi tiết, linh kiện cho tiêm kích Sukhoi tại Trung Quốc, Kanwa kết luận rằng, phía Nga có thể hy vọng nhận được 300-500 triệu USD hằng năm từ xuất khẩu công nghệ và thiết bị quân sự sang Trung Quốc. Khoản tiền này với thời gian sẽ còn giảm đi hơn nữa.

  • Nguồn: P2, 26.1.2011.
Nhân Vũ