In bài này
Mỹ cần mua thêm vài trăm F-22 để trị không quân Trung Quốc
Thứ Sáu, 21/01/2011 - 4:07 PM
Phó Giám đốc Viện Lexington (Lexington Institute, Mỹ) Daniel Goure kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates xem xét lại quyết định dừng sản xuất loạt tiêm kích F-22 trong bối cảnh Trung Quốc và Nga-Ấn đang phát triển tiêm kích thế hệ 5.

Theo ông Daniel Goure, chương trình F-22 cần được phục hồi như con phượng hoàng từ tro tàn. Ông Gates đã quyết định dừng sản xuất F-22 với căn cứ là Nga và Trung Quốc sẽ không thể chế tạo máy bay thế hệ 5 sẵn sàng chiến đấu ít nhất trong vòng 10 năm tới và thậm chí xa hơn nữa. Hiện giờ thì dự báo của ông chủ Lầu năm góc xem ra quá sai.

Sự xuất hiện của J-20 là một ví dụ nữa cho thấy những đầu tư rộng và sâu của Trung Quốc nhằm xây dựng khả năng quân sự tiên tiến. Ngoài ra, theo Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Willard, Trung Quốc đã đi đến giai đoạn triển khai tác chiến các tên lửa đường đạn chống hạm, vũ khí chưa có loại tương tự trên thế giới, kể cả Mỹ. Trung Quốc cũng đầu tư nhiều tiền để tăng số lượng tàu ngầm nguyên tử và tàu ngầm diện-diesel, tăng cường khả năng tác chiến thủy lôi, phát triển và sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không, tên lửa đường đạn hiện đại, cũng như các hệ thống do thám vũ trụ và chiến tranh điều khiển học.

Ngày 6.1.2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố chuyển hướng đầu tư của một phần đáng kể ngân sách quốc phòng được tiết kiệm ở một số chương trình khác để đối phó với mối đe dọa gia tăng của Trung Quốc. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc tài trợ phát triển máy bay ném bom chiến lược mới, điều đó cho thấy Mỹ có ý đồ xây dựng khả năng đột phá vào các khu vực có phòng không mạnh (tức các khu vực “chống tiếp cận” theo chiến lược của Trung Quốc ngăn tàu sân bay Mỹ tiến gần bờ biển Trung Quốc khi có khủng hoảng ở eo biển Đài Loan). Thuật ngữ này được dùng đối với Trung Quốc.

Ông Gates cũng kêu gọi triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa ở nước ngoài, cũng như trên lục địa nước Mỹ. Tuyên bố này thể hiện rõ sự lo ngại đối với mối đe dọa tên lửa từ những quốc gia như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran.

F-22 Rator - máy bay tiêm kích thế hệ 5 tiên tiến nhất hiện nay

Bởi vậy, do những mối đe dọa mới mà đã đến lúc đưa trở lại F-22, ông Daniel Goure nhận định. Kết quả mô hình hóa các chiến dịch quân sự tại các trung tâm phân tích phương Tây cho thấy, các máy bay tiêm kích mới F-35 của Mỹ sẽ phải đụng đầu với một số lượng lớn tiêm kích thế hệ 3 và 4 của Trung Quốc. Nếu thêm cả J-20 thì lúc đó, tương lai ưu thế quân sự của Mỹ trở nên “hoàn toàn ảm đạm”. Thậm chí nếu như sản xuất một số lượng lớn F-35, thì tiềm lực tấn công của chúng cũng sẽ không đủ do sự hạn chế về số lượng của các tiêm kích F-22 vốn có chức năng duy trì ưu thế trên không và yểm hộ các máy bay tiến công.

F-22 hiện là máy bay tiêm kích giành ưu thế trên không uy lực nhất thế giới. Khả năng tàng hình cho phép nó tiêu diệt các tiêm kích đối phương trước khi bị phát hiện. Tốc độ lớn và trần bay cao tạo cho nó các ưu thế “động năng”, cho phép F-22 bắn hạ tiêm kích đối phương ở tầm bắn tối đa của tên lửa AMRAAM trên máy bay. Sự kết hợp tốc độ hành trình siêu âm và các đặc tính tàng hình cho phép F-22 tránh các đòn tấn công của các hệ thống phòng không mặt đất và tên lửa không-đối-không.

Cuối cùng, chiến thắng hay thất bại trong chiến tranh đã luôn phụ thuộc vào số lượng vũ khí của các bên tham chiến, ông Goure nhận xét. Ở một thời điểm nào đó, các quốc gia có nhiều vũ khí hơn bắt đầu chiến thắng những quốc gia có vũ khí tốt hơn. Trong các cuộc xung đột giữa những đối thủ ngang sức về công nghệ, thắng lợi sẽ đến với ai có nhiều vũ khí hơn. Mặc dù F-22 có lẽ sẽ vượt trội J-20, nhưng số lượng 187 chiếc F-22 sẽ không đủ để đối địch với không quân Trung Quốc vì họ có nhiều máy bay chiến đấu hơn và đang nhanh chóng rút ngắn khoảng cách công nghệ với Không quân Mỹ.

Ông Goure khẳng định, trước khi quá muộn, chính quyền Obama cần khôi phục chương trình F-22 và mua sắm thêm vài trăm tiêm kích này. 

  • Nguồn: defpro.com, MP, 20.1.11.
PM