In bài này
Trung Quốc đã sai lầm khi 'quảng cáo' J-20?
Thứ Ba, 18/01/2011 - 4:41 AM
Chứng kiến "thành tựu" công nghiệp hàng không quân sự của Trung Quốc, cả thế giới đi từ tò mò, quan tâm đến ngạc nhiên và e ngại.

Trung Quốc "quảng cáo" tiêm kích tàng hình J-20, một hành động nước đôi vừa tỏ ra "minh bạch" trong các hoạt động quân sự, vừa có tính cảnh báo, thực hiện trước chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates, Trung Quốc đang được Mỹ khéo léo "lái" thành hồi chuông báo động cho các nước trong khu vực có cạnh tranh quyền lợi với Bắc Kinh.

Trung Quốc có thể đã vội vàng khi quảng cáo thành tựu của mình quá sớm, trở thành việc tự tạo sự bất lợi cho nỗ lực hướng ra biển lớn của nước này?

J-20 thúc đẩy xuất hiện thêm nhiều F-35 ở châu Á

Phản ứng đầu tiên là từ phía Mỹ, quốc gia đang tìm cách định vị Trung Quốc là đối tác hay đối tượng.

Lâu nay, Mỹ thường đánh giá thấp hệ thống vũ khí của Trung Quốc, tuy nhiên với sự xuất hiện của tiêm kích thế hệ 5 này đã khiến Lầu Năm Góc thay đổi quan điểm của mình về sự phát triển và đường lối quân sự của Bắc Kinh. Ngay lập tức, nước này có những điều chỉnh quan trọng.

Không lâu sau khi các bức ảnh về J-20 được công bố, Lầu Năm Góc đã quyết định tái cơ cấu lại chương trình phát triển máy bay tiêm kích tiến công liên quân JSF.

Biến thể cất cánh đường băng ngắn/hạ cánh thẳng đứng F-35B của chương trình JSF từng bị xem xét hủy bỏ sẽ được gia hạn thêm 2 năm để khắc phục các lỗi thiết kế. F-35B dù còn tồn tại nhiều lỗi trong cấu trúc khung thân và hệ thống động cơ, song điều đó chắc chắn sẽ được khắc phục trong thời gian tới.

Trong tình huống các đường băng bị đối phương cày xới, sự có mặt của F-35B mang lại một lợi thế rất lớn trong tác chiến.

Không phải ngẫu nhiên mà F-35B được phát triển cho Thủy quân lục chiến Mỹ, lực lượng tiên phong trong các cuộc chiến của Mỹ. Điều đó cho thấy Mỹ đã sớm chuẩn bị kịch bản cho các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.

Sự xuất hiện của J-20 có lẽ đã "cứu sống" F-35B

Ngoài ra, Không quân Mỹ đã lên kế hoạch khởi động lại chương trình phát triển máy bay ném bom chiến lược tàng hình thế hệ 3. Hải quân Mỹ cũng lên kế hoạch phát triển hệ thống tác chiến điện tử mới thay thế hệ thống ALQ-99, hệ thống tên lửa chống hạm mới LRASM. Tất cả các sự thay đổi này đều hướng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc làm nhiều quốc gia trên thế giới lo lắng, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Các đồng minh của Mỹ cần các hệ thống vũ khí mới để đối phó với các thách thức mới đang nổi lên. Tái đầu tư cho F-35 giúp các đồng minh chiến lược yên tâm hơn, tiếp tục sát cánh cùng với Mỹ, củng cố nền tảng để Mỹ duy trì sự thống trị toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.

J-20 có thay đổi được tương quan lực lượng?

Trong khi cả thế giới để ý tới J-20 với sự dè chừng thì những gì chúng ta biết về J-20 không có gì khác ngoài những bức ảnh và đoạn clip cho thấy máy bay này chạy trên đường băng. Sẽ là quá sớm và võ đoán khi nhận định về khả năng không chiến của chiến đấu cơ này. Bay lên khỏi mặt đất của máy bay này chỉ như là “bước tập đi của một đứa trẻ mà thôi”, có quá nhiều việc phải làm trước khi chiến đấu cơ này sẵn sàng chiến đấu.

Theo kinh nghiệm phát triển máy bay chiến đấu của Nga, Mỹ, từ khi mẫu nghiên cứu chế tạo cất cánh lần đầu đến khi sẵn sàng chiến đấu phải cần khoảng thời gian ít nhất 5-7 năm. Với kinh nghiệm phát triển còn non yếu của công nghệ hàng không quân sự Trung Quốc, thời gian để hoàn tất chiến đấu cơ này có thể phải lâu hơn rất nhiều.

Mẫu chế thử J-20 cất cánh lần đầu tiên

Theo nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, chiến đấu cơ thế hệ 5 của Trung Quốc sẽ sẵn sàng cho sản xuất loạt vào năm 2020. Khoảng thời gian này quá đủ để Mỹ gia tăng số lượng chiến đấu cơ thế 5 của mình trên khắp thế giới, và Mỹ vẫn sẽ là quốc gia sở hữu nhiều tiêm kích thế hệ 5 nhất thế giới.

Theo lộ trình đã được tính toán, Nhật Bản sẽ sở hữu 40 chiếc F-35 vào năm 2020, Australia sẽ có phi đội F-35 đầu tiên vào năm 2018,  cùng với số máy bay F-22 và F-35 của Mỹ sẽ được triển khai trong khu vực tạo ra một ưu thế áp đảo.

Sự xuất hiện của J-20 còn tác động rất mạnh đến Ấn Độ, quốc gia Nam Á này sẽ làm mọi cách để tăng tốc chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA hợp tác với Nga.

Như vậy, J-20 chưa đi đâu đến đâu, Trung Quốc đã vội giới thiệu, tạo cớ cho Mỹ, đồng minh và các nước cạnh tranh quyền lợi với Bắc Kinh nêu cao thuyết "mối đe dọa từ Trung Quốc". Xem chừng, lỡ quên chiến lược "giấu mình chờ thời" do Đặng Tiểu Bình đề xuất khiến nỗ lực hướng ra biển lớn của Trung Quốc đang bị bóp nghẹt trong vòng cung từ Đông Bắc Á.