In bài này
Việt Nam có thể mua tiêm kích thế hệ 5 năm 2018
Thứ Ba, 11/01/2011 - 3:13 PM
Việt Nam là ứng cử viên sáng giá nhất mua tiêm kích thế hệ 5 T-50/FGFA khi máy bay này được xuất khẩu.

Tiêm kích thế hệ 5 T-50 PAK FA của Nga bay thử

Biến thể xuất khẩu của tiêm kích thế hệ 5 Т-50/FGFA sẽ được chào bán ra thị trường thế giới không sớm hơn năm 2018-2020, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ TsAST (Nga) Konstantin Makienko nhận định.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 Т-50 của Nga đã thực hiện chuyến bay thử thứ hai ngày 12.2.2010. T-50 cất cánh lần đầu ngày 29.1.2010. Т-50 sẽ thực hiện một loạt chuyến bay thử nữa ở Komsomolsk trên sông Amur, sau đó sẽ chuyển đến sân bay Zhukovsky ở Viện Viện Nghiên cứu bay mang tên Gromov (LII), ngoại ô Moskva để tiến hành các thử nghiệm chính.

Ngày 21.12.2010, trong chuyến thăm Ấn Độ của TT Nga Dmitri Medvedev, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng trị giá 295 triệu USD cho việc thiết kế phác thảo biến thể tiêm kích dành cho Ấn Độ.

Giá sẽ là bao nhiêu?

“Điều đó có nghĩa là bất kỳ dự báo nào về triển vọng xuất khẩu máy bay sang các nước thứ ba, ngoài Nga và Ấn Độ, theo đúng nghĩa sẽ không chính xác do không thể nói trước thế giới sẽ ra sao lúc đó. Nhưng ngay hôm nay đã hoàn toàn có thể mô tả những yếu tố then chốt quy định tiềm năng xuất khẩu của Т-50/FGFA, - ông Makienko nói.

Các yếu tố quan trọng nhất trong số đó, theo ông Makienko, sẽ là giá cả máy bay Nga-Ấn, tiến độ chế tạo tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc và sự phát triển của các hệ thống máy bay không người lái. Cũng trong số các yếu tố này, còn có các yếu tố cơ bản đối với thị trường vũ khí nói chung như mức độ xung đột tiềm ẩn và tình trạng nền kinh tế thế giới.

Giá của máy bay tiêm kích sẽ được xác định dựa trên cơ sở yếu tố các nước tương đối không lớn sẵn sàng trả tiền bao nhiêu cho nó.

Hiện nay, phỏng đoán rằng, tính theo thời giá năm 2010, đơn giá của Т-50 sẽ là 80-100 triệu USD. Trong trường hợp đó, máy bay này sẽ vừa túi tiền tất cả các khách hàng mua Su-30 của Nga hiện nay, ưu thế hơn tiêm kích F-35 của Mỹ về tiêu chí giá cả và vẫn có khả năng cạnh tranh tốt đối với máy bay giả thiết của Trung Quốc.

T-50 trong nhà máy

Khối lượng xuất khẩu

Khối lượng xuất khẩu Т-50 cũng sẽ phụ thuộc vào tiến độ chế tạo tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc. Máy bay Trung Quốc đối với T-50 có thể sẽ trở thành đối thủ thậm chí nguy hiểm hơn so với F-35 của Mỹ. Vũ khí Nga đang được bán chủ yếu sang các nước có đường lối đối ngoại và quốc phòng độc lập, những nước thường thích mua vũ khí trang bị không phải của Mỹ, ông Makienko nêu ý kiến.

Trong khi Trung Quốc chẳng có sản phẩm máy bay chiến đấu chào bán nào thật sự ra hồn, trên thị trường các nước đó,  Nga có vị thế hoặc hầu như độc quyền hoặc đã phải cạnh tranh với châu Âu. “Điều dễ hiểu là sự xuất hiện của hệ thống máy bay thế hệ 5 của Trung Quốc sẽ dẫn tới sự cạnh tranh thẳng thừng và trực tiếp giữa Т-50 và máy bay tương lai của Trung Quốc”, - ông Makienko nói.

Cuối cùng, khối lượng thị trường sẽ được xác định bởi các xu thế công nghệ mới mà sự phát triển của chúng có thể làm giảm vai trò của máy bay chiến đấu có người lái, vị chuyên gia nhận định. Hiện nay, nguy cơ chủ yếu thuộc loại đó là sự tiến bộ trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống UAV tiến công.

“Vẫn còn hy vọng là đến năm 2020, yếu tố này vẫn chưa kịp gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêm kích có người lái”, - ông Makienko nhận xét.

Những khách hàng nhiều khả năng mua Т-50 nhất trước hết là các nước đang sở hữu các tiêm kích hạng nặng Su-27, Su-30 của Nga, ngoại trừ Trung Quốc.

“Một tin xấu là khi thay thế Su-30, các thương vụ mua sắm Т-50 chắc chắn được thực hiện không phải với tỷ lệ 1 đổi 1 mà may lắm là 1 đổi 1,5”, - ông Makienko nói.

Thị trường tiêu thụ

Theo ông Makienko, các thị trường triển vọng nhất của T-50 là các nước Đông Nam Á, những quốc gia này vì lý do chính trị sẽ không xem xét khả năng mua máy bay Trung Quốc. Đó trước hết là Việt Nam, cũng như Malaysia và Indonesia. Ông Makienko cho rằng, với độ tin chắc cao Algeria cũng sẽ chung thủy với vũ khí Nga.

T-50 đang bay thử nghiệm

“Với một khách hàng truyền thống mua vũ khí Liên Xô như Libya, có một sự bất định liên quan đến định hướng chính trị tương lai không rõ ràng của nước này một khi nhà lãnh đạo không còn trẻ nữa của họ ra đi vì lý do tự nhiên”, - ông Makienko nói.

Ông Muammar al-Gaddafi đã lãnh đạo Libya từ năm 1969.

Ông Makienko dự báo, do nguy cơ cao thay đổi chế độ và chấm dứt dự án cách mạng Bolivar của TT Venezuela hiện nay Hugo Chavez, cũng khó dự báo các đơn đặt hàng của Venezuela sau năm 2020. Một khi chính phủ cánh tả tiếp tục tồn tại ở nước này, Nga sẽ đụng độ với công nghiệp hàng không Trung Quốc, vốn đã giành thắng lợi ở đây trong phân khúc máy bay huấn luyện.

“Cuối cùng, có thể hy vọng rằng, thị trường tự nhiên của máy bay Nga sẽ là cả một số nước cộng hòa hậu Liên Xô, trước hết là Kazakhstan và Belorussia”, - ông Makienko nhận định.

Ông lấy làm tiếc là các thị trường tiềm năng của Nga như Iran và Sirya chắc chắn sẽ lọt vào tầm kiểm soát của Trung Quốc.

“Dẫu sao thì ban lãnh đạo chính trị nước Nga, sau khi đã hủy các hợp đồng bán các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander-E sang Sirya và hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-2 sang Iran, đang tích cực tạo điều kiện cho chính kịch bản đó”, - ông Makienko nhấn mạnh.

Mặt khác, ông cho rằng, sau 10-20 năm nữa, các thị trường hiện cho là khó có khả năng sẽ có thể mở ra đối với Nga. Từng có lần Thái Lan suýt nữa mua máy bay Su-30.

“Sau 20-30 năm, có thể tiềm năng kinh tế khổng lồ đang ngủ vùi hiện nay của Myanmar sẽ mở rộng”, - vị chuyên gia lưu ý.

Đối với Argentina, việc mua Т-50 là sự đáp trả đối xứng đối với kế hoạch của Brazil mua 36, và trong tương lai là 120 tiêm kích Rafale của Pháp.

“Hiện nay, có một điều rõ ràng là liên minh Nga-Ấn sẽ nhất định là một trong 3 đấu thủ trên thị trường tiêm kích thế hệ 5 thế giới. Mà điều đó có nghĩa là Nga đã bảo đảm giữ được cho mình vị thế cường quốc công nghiệp hàng không thế giới trong suốt nửa đầu thế kỷ XXI”, - ông Makienko nói.

  • Nguồn: RIA Novosti, 11.1.2011.
Đại Việt