In bài này
CIA - vị hộ pháp của nền dân chủ?
Thứ Bẩy, 08/01/2011 - 10:18 AM
Tình báo Mỹ đang hoạt động chống lại ai? Câu hỏi đó xuất hiện sau vụ phát giác mới đây các gián điệp Mỹ ở 5 nước châu Âu. Người ta vẫn còn nhớ những ấn tượng còn mới về sự đối đầu giữa CIA và KGB, cũng như việc các hiệp sĩ áo choàng và dao găm đã làm giả mạo kết luận có vũ khí hủy diệt lớn ở Iraq, cái cớ để Mỹ xâm lược chống nước này.

Chả lẽ CIA đang hoạt động chống lại cả các đồng minh phương Tây của mình? Trả lời phỏng vấn báo điện tử pravda.ru về vấn đề này là ông Aleksandr Kolpakidi, tác giả của nhiều cuốn sách về hoạt động của các cơ quan tình báo.

- Chẳng có gì ngạc nhiên về chuyện người Mỹ bị lộ khi tiến hành hoạt động lật đổ. Các cơ quan tình báo Mỹ đã luôn làm thế ở bất cứ đâu trên thế giới. Hầu như ở tất cả các nước trên thế giới, trong đó có ở EU và các nước NATO, đều có các trạm theo dõi bí mật của CIA.

Đây đâu phải là scandal đầu tiên liên quan đến sự bại lộ của chúng. Chẳng hạn, mấy năm trước, cảnh sát Hy Lạp đã phát hiện được một trong những trạm như thế vì nghĩ đó là một căn cứ khủng bố. Khi cảnh sát bắt đầu đột kích trạm này, “bọn khủng bố” đã bắn trả điên cuồng, giết chết một cảnh sát.

- Nhưng tại sao Mỹ lại tiến hành hoạt động lật đổ ở những quốc gia thân hữu? 

- Đó là vì vào thời đại khủng hoảng thế giới, Mỹ đang thay đổi chiến lược. Nếu như trước đây họ đi theo khái niệm “tỷ vàng”, theo đó, một nhóm nước hạn chế, chủ yếu là phương Tây, được phép sống vương giả, thì nay họ đã thay nó bằng chiến lược “triệu vàng”, theo đó sống giàu sang chỉ là đặc quyền của riêng nước Mỹ.

Để làm việc đó, nước Mỹ cần có quyền lực tuyệt đối đối với thế giới. Liên quan đến châu Âu, ở đó, các cơ quan đặc vụ Mỹ hoạt động để sao cho châu Âu bị suy yếu tối đa vì với Mỹ, ở nhiều phương diện, châu Âu là đối thủ cạnh tranh, từ việc phân chia thị trường nguyên liệu cho đến cạnh tranh về sản xuất. Nên việc xây dựng một châu Âu thống nhất đi ngược lại quan niệm của Mỹ về thế giới. Nhìn chung thì cả thế giới ngày nay đều đang chỉ “biết vì mình”.

Hơn nữa, hoạt động này luôn đặc biệt trắng trợn. Ví dụ, khi tiến hành hoạt động lật đổ chống Iran, Mỹ tuyên bố rằng, ở đó có sự thống trị của “các chế độ ăn thịt người”, song người Mỹ cố tình giả mù không nhận thấy điều đang xảy ra ở những nước đồng mình với họ như Ai Cập và Arabia Saudi.

- Có cảm tưởng đó là truyền thống của người Mỹ … 

- Các cơ quan tình báo Mỹ luôn tiến hành hoạt động bẩn thỉu này. Lấy ví dụ, chiến dịch của CIA năm 1951 lật đổ Đại tá Jacobo Árbenz Guzmán ở Guatemala. Tôi xin nói ngay rằng, những chiến dịch như vậy họ đã tiến hành tới hàng chục nếu như không phải hàng trăm. Ở đây, vấn đề ở chỗ khác: khi dựng lên một tên tay sai ở nước này, người Mỹ đã bắt đầu tiến hành các thí nghiệm đối với tù hình sự Guatemala. Ví dụ làm lây nhiễm bệnh giang mai cho họ.

Khi ở đâu đó, những gì bưng bít bị lộ ra thì họ xin lỗi muộn màng để một lần nữa lại làm những việc làm đen tối cũ và vẫn như mọi khi là tiến hành chính sách phản dân chủ. Lấy ví dụ chiến dịch ầm ĩ Condor ở các nước Mỹ Latinh, khi mà hàng trăm và hàng ngàn người chống đối các chế độ thân Mỹ bị bắt cóc và giết hại. Thế mà nay thì người ta tâng bốc họ như những anh hùng.

Cả đến tổng thống cũng bị tình báo Mỹ nắm chặt trong tay. Nhữ ng sợi chỉ mỏng manh trong vụ giết hại Kennedy chính là dẫn đến các cơ quan đặc vụ Mỹ. Điều đã xảy ra với Oswald, kẻ bị cáo buộc trong tội ác này, cũng như với hàng chục nhân chức khác mà đã bị thủ tiêu nói lên rõ rằng, ai đang lãnh đạo nước Mỹ.

Có thời, người Mỹ bào chữa cho hoạt động lật đổ chống lại chúng ta là do Liên Xô tài trợ cho các đảng cộng sản phương Tây. Tuy vậy, Liên Xô trong suốt thời gian đó chỉ chi cho các đảng cộng sản đó 20 triệu USD, trong khi bản thân người Mỹ đã chi cho các chiến dịch ngầm chống lại chúng ta số tiền nhiều hơn hàng chục, hàng trăm lần.

- Vậy ra không thể tìm ra cách để trị CIA à?

- Trong thập niên 1960, hoạt động của CIA đã bị bản thân các nhân viên của nó công khai tố giác vì bất bình trước việc nó đã biến thành một ác quỷ thật sự. Trong số những người tố giác có không ít các sĩ quan của cơ quan tình báo này.

Sau đó, trong một thời gian ngắn, CIA hơi giảm bớt sự hăng máu, nhưng sau đó, khi sự chú ý của công luận đối với nó giảm đi đôi chút, CIA lại ngựa quen đường cũ và bây giờ đã thoát hẳn ra khỏi mọi sự cương tỏa pháp luật. Các nhân viên CIA đã rút ra bài học từ những sai lầm cũ và nay đã không để lọt ra ngoài những scandal như thế nữa.

- Nghĩa là họ đặt trong tầm ngắm không chỉ các quốc gia khác mà cả đất nước mình ư? 

- Tất nhiên. Họ hoạt động ở trong chính nước Mỹ, nhưng ở một hướng hơi khác. Chẳng hạn, cuộc chiến tranh ở Đông Dương, phải chấm dứt một phần không nhỏ là do phong trào phản chiến đông đảo. Các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq diễn ra đã cả chục năm nay, nhưng không hề có cái gì tương tự những sự kiện cuối thập niên 1960 - đầu thập niên 1970 xảy ra ở nước Mỹ cả. Tất cả những ai định phản đối, các cơ quan tình báo lập tức đặt dưới sự kiểm soát gắt gao.

- Có ý kiến cho rằng, CIA hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra không chỉ nhờ các vụ nổ hay bắt cóc người. 

- Không nên nghĩ rằng, các thủ đoạn của các cơ quan tình báo chỉ quy về những hành động bạo lực nào đó. Ngày nay, hoạt động lật đổ được tiến hành không chỉ bằng thuốc nổ mà bằng cả tuyên truyền. Nếu như trước đây, họ đưa vào cho chúng ta các loại sách báo chống đối thì nay trong giới thanh niên họ đang khuyến khích những hiện tượng, lối sống sa đọa, thấp hèn, tình dục suy đồi, lối sống bất chấp. Mục đích của tất cả những cái đó là làm phân rã về tinh thần xã hội của những quốc gia thù địch tiềm tàng, bởi vì những con người chỉ chăm chăm thỏa mãn những dục vọng thấp hèn thì không thể là nền móng vững chắc cho một quốc gia.

  • Nguồn: CIA bảo vệ dân chủ thế giới / Sergei Balmasov // Pravda, 4.1.2011.
VP