In bài này
Tàu chiến tàng hình phong cách Pháp
Thứ Tư, 05/01/2011 - 4:14 PM
Trên bờ sông Seine, người Pháp đã chế tạo được những tàu frigate và corvette mà Nga mới chỉ đang thiết kế.

Frigate FREMM (DCNS)


Tuần trước được biết, công nghiệp quốc phòng Pháp sẽ gửi một gói thầu tổ hợp gồm nhiều tàu tuần tiễu đa dụng, frigate và 1 tàu chở dầu dự cuộc thầu do Hải quân Brazil tổ chức. Cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ từ Anh và Italia, các nhà đóng tàu Pháp dự định đưa lên “sàn đấu” những thành tựu mới nhất của mình trong lĩnh vực đóng tàu chiến, trong đó có các tàu nổi ứng dụng rộng rãi công nghệ Stealth (tàng hình).

Gian hàng Brazil

“Hồ sơ thầu của Pháp sẽ dựa trên những yêu cầu cụ thể đặc thù mà quân đội Brazil xác định khi bày tỏ mong muốn mua tàu tuần tiễu biển gần, tàu frigate đa năng và tàu chở dầu để bảo đảm tiếp liệu cho các tàu chiến và tàu biển trên biển”, - đại diện Tổng cục vũ khí trang bị DGA của Pháp phát biểu tại cuộc họp báo ngày 20.9.2010.

Phỏng đoán, các đô đốc Brazil dự định mua 5 tàu tuần tiễu và 5 frigate, 1 tàu chở dầu cho hạm đội.

Paris dự định mời chào biến thể cải tiến đôi chút của frigate tên lửa FREMM hiện đang được đóng với các phương án trang bị khác nhau cho Hải quân Pháp và Tây Ban Nha làm ứng viên frigate đa năng cho Brazil, và tàu corvette tên lửa Gowind làm ứng viên tàu tuần tiễu.

Cần lưu ý rằng, hợp tác Pháp-Brazil trong lĩnh vực vũ khí hải quân gần đây phát triển ngày càng mạnh. Ngày 16.9.2010, tại nhà máy của công ty đóng tàu Pháp DCNS ở thành phố Lorient đã mở trung tâm thiết kế để đào tạo các kỹ sư công nghiệp quốc phòng và sĩ quan Hải quân Brazil tham gia chương trình chế tạo tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của Brazil. Trong 18 tháng sau đó, 30 chuyên gia Brazil sẽ học hỏi kinh nghiệm đóng tàu của Pháp có được trong quá trình thiết kế họ tàu ngầm thông thường Scorpene.

Trước đó, hạm đội Brazil đã nhận được 4 tàu ngầm này từ Pháp.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Hải quân Pháp, Đô đốc George Bosselut đã tuyên bố rằng, “trung tâm này nhằm hỗ trợ Brazil trong lĩnh vực thiết kế phần kết cấu phi hạt nhân của tàu ngầm nguyên tử nội địa đầu tiên sẽ gia nhập biên chế chiến đấu của hạm đội [Brazil] vào năm 2025 ”.

Frigate của châu Âu

Frigate FREMM (DCNS)

Frigate tên lửa FREMM mời chào cho Brazil là một mẫu vũ khí hải quân nước ngoài khá thú vị, trước hết về mặt đây là thành tựu mới của hợp tác nội châu Âu trong lĩnh vực phát triển và sản xuất loạt vũ khí trang bị. Tính đa quốc gia của tàu này được thể hiện ngay từ tên gọi của nó FREMM (Fregates Europeennes MultiMissions, tức là frigate đa năng của châu Âu).

Khi khởi động chương trình này, nhà quản lý dự án từ phía DGA Frank Mestre thậm chí đã tuyên bố rằng, đây là “dự án mới và tham vọng nhất của châu Âu trong lĩnh vực hải quân kể từ thời Thế chiến II”. Không có sự cường điệu nào ở đây: khác với chương trình đóng đa quốc gia khác là chương trình frigate (phòng không) Horizon, theo đó đã đóng cho hạm đội Pháp và Italia mỗi hạm đội 4 tàu thay cho 8 tàu dự kiến, còn người Anh thì rút hẳn khỏi chương trình, chương trình FREMM của Pháp-Italia vẫn tiếp tục thu hút thêm ngưởi tham dự - năm 2007-2009, có thêm Maroc (1 tàu) và Hy Lạp (6 tàu) tham gia cùng các thành viên cơ bản.

Chương trình chính thức khởi động vào tháng 10.2002 khi thỏa thuận ghi nhớ về việc hợp tác phát triển và đóng một loạt lớn tàu lớp frigate được bộ trưởng quốc phòng Pháp và Italia ký kết. Hai tháng sau, đã thành lập công-xooc-xi-om Pháp-Đức trên cơ sở công ty Pháp Armaris (dự án hợp tác của các công ty DCN và Thales, có cổ phần bằng nhau trong công ty này, hiện công ty đã dừng hoạt động và cùng với phân hãng hải quân của Thales sát nhập vào cơ cấu công ty DCNS) và Orrizonte Sistemi Navali của Italia (Fincantiery sở hữu 51% cổ phần và Finmeccanica sở hữu 49% cổ phần), và sau đó một thời gian hãng này đã nhận được hợp đồng khởi đầu đóng 27 frigate FREMM: 10 cho Italia và 17 cho Pháp.

Sau đó, hợp đồng sản xuất chốt lại cuối cùng cho lô đầu gồm 14 tàu (Pháp 8 chiếc, Italia 6 chiếc) đã được bộ trưởng quốc phòng hai nước ký ngày 25.10.2004: việc đóng các tàu dành cho Hải quân Pháp được giao cho xưởng đóng tàu DCN ở Lorient, còn các frigate dành cho Italia sẽ do Fincantieri đóng. Sau này, số lượng tàu đặt đóng đã bị giảm xuống còn 11 chiếc cho Pháp và 10 cho Italia.

Yêu cầu then chốt là tính vạn năng

Frigate FREMM (DCNS)

Trong dự án FREMM, các nhà đóng tàu Pháp và Italia đã cố gắng hiện thực hóa tất cả những thành tựu của mình trong lĩnh vực này, nhờ đó đã chế tạo được một con tàu thực sự đa năng, mà trong cấu trúc đã áp dụng được nguyên lý module. Nguyên lý này thực ra bị hạn chế bởi giới hạn của xưởng đóng tàu - chỉ có thể đóng FREMM chuyên dụng cho một nhiệm vụ xác định như là biến thể chống ngầm hay “tàu đa dụng” tại nhà máy đóng tàu.

Trong trường hợp đầu, frigate tên lửa sẽ có lượng dự trữ lớn các ngư lôi (cả hai nước đều chọn sản phẩm mới nhất của công ty Eurotorp là ngư lôi MU90) và trạm thủy âm kéo. Còn ở trường hợp thứ hai có sự khác biệt ở hệ thống vũ khí với các tên lửa hành trình và máy bay không người lái, một ụ pháo uy lực hơn (ụ pháo 127 mm thay cho loại 76 mm), cũng như có khả năng vận chuyển, đổ bộ và nhận lên tàu một phân đội đặc nhiệm 25 người, để làm việc này trên tàu sẽ bố trí 2 xuồng máy cao tốc Zodiac.

Ngoài ra, sau khi đóng cửa trước thời hạn chương trình frigate tên lửa (phòng không) lớp Horizon, hạm đội Pháp đã đưa ra sáng kiến phát triển thêm một biến thể của FREMM có ký hiệu FREDA (Frеgates de dеfense aеriennes, frigate phòng không) với nhiệm vụ bảo đảm phòng không/phòng thủ tên lửa cho các binh đoàn tàu và các đoàn tàu, để làm nhiệm vụ này các tàu sẽ được trang bị tăng cường vũ khí tên lửa.

Tuy nhiên, chức năng đó dẫu sao chỉ là thứ yếu - các tàu lớp FREMM ngay từ đầu được cả các nhà thiết kế và các nhà đóng tàu xem như là “frigate tên lửa đa năng”, có khả năng khi cần giải quyết tất cả các nhiệm vụ thường được giao cho các tàu loại này. Để làm việc đó, cả 2 biến thể FREMM sẽ được trang bị các hệ thống vũ khí pháo và tên lửa (chống hạm và phòng không), cũng như các khí tài radar đa năng. Chính điều đó đã cho phép frigate khác với frigate tên lửa (phòng không) chuyên dụng lớp Horizon sống sót qua được thời kỳ cắt giảm đơn đặt hàng từ phía các thành viên chính của chương trình và thậm chí còn giành được những khách hàng mới.

Bệ mang cơ sở của các tàu dành cho hải quân các nước khác nhau chiếm khoảng 90-95%  tất cả các vũ khí trang bị và hệ thống trên tàu - “những khác biệt quốc gia” cụ thể là không quan trọng. Đơn thuần là công nghiệp quốc phòng các nước khách hàng đều đã “mở đường” lên được boong tàu cho các sản phẩm của riêng mình: ví dụ, các tàu của Pháp được trang bị tên lửa chống hạm Exocet của Pháp, còn tàu của Italia thì trang bị hệ thống OTOMAT có cùng chức năng song là của công nghiệp quốc phòng Italia. NH-90 được chọn làm trực thăng trên hạm, nhưng trên frigate dành cho Italia sẽ chỉ có 1 trực thăng, còn người Pháp thì cho rằng, cần dành chỗ cho một trực thăng nữa. “Bộ não” của các con tàu này cũng có những khác biệt - nếu như các frigate tên lửa của Pháp được trang bị hệ thống thông tin-điều khiển SETIS (Ship Enhanced Tactical Information System, nghĩa là hệ thống thông tin chiến thuật hạm tàu cải tiến), được chế tạo trên cơ sở hệ thống thông tin-điều khiển của frigate tên lửa/phòng không lớp Horizon, thì người Italia lại lắp cho các tàu của họ hệ thống thông tin-điều khiển được chế tạo dựa trên cơ sở hệ thống lắp trên tàu sân bay mới Cavour của Italia.

Frigate tàng hình La Fayette

Cách làm tàng hình tàu chiến

Điểm khác biệt của tất cả các biến thể của frigate tên lửa FREMM là việc ứng dụng rộng rãi công nghệ tàng hình, nhờ đó đã giảm được cơ bản độ bộc lộ của tàu ở các dải radar, âm thanh, hồng ngoại và điện tử: các đường bao của thân tàu và các phần thượng tầng được làm thuôn nhẵn, các công trình sự né tránh mọi chi tiết 2 mặt hoặc 3 mặt với góc gấp 90 độ, một số lượng tối đã các hệ thống vũ khí trang bị, radar, xuồng được rút vào trong tàu, phần lớn các lỗ khe ở thân tàu và các mạn tàu được che chắn bằng các cửa chắn nhẹ, không ngấm nước, các động cơ được lắp trên các bệ cách ly rung động, trên tàu có lắp các chân vịt cấu tạo mới và hệ thống khử từ tối tân. Ngoài ra, các tàu FREMM còn có mức độ tự động hóa cao trong các quá trình điều khiển và sử dụng các hệ thống và vũ khí hạm tàu vốn cũng giống như các công nghệ tàng hình đã được kiểm nghiệm thành công trước đó trên các frigate họ La Fayette, một trong những loại tàu chiến mặt nước loại này được tiêu thụ mạnh nhất trên thị trường thế giới trong hai thập niên gần đây. Trong số các khách hàng có tiếng nhất mua biến thể cuối cùng của La Fayette có Singapore và Saudi Arabia.

Frigate tàng hình La Fayette

Saudi Arabia đã ký hợp đồng mua 3 frigate lớp Al Riyahd (F3000S Sawari II), chiếc đấu tiên gia nhập biên chế chiến đấu của hải quân nước này vào giữa năm 2002. Các tàu này có lượng giãn nước đầy đủ 4.650 tấn, chiều dài 135 m, chiều rộng 17,2 m và mớn nước 4,1 m, được thiết kế theo những yêu cầu đặc thù của quốc gia đặt hàng. Chúng có khả năng tác chiến hiệu quả không chỉ chống tàu nổi và tàu ngầm đối phương mà cả bảo đảm phòng không và phòng thủ tên lửa cho các tàu chiến và tàu biển đơn lẻ, cũng như bảo vệ các biên đội tàu chiến và đoàn tàu chống các cuộc tấn công của phương tiện tiến công đường không.

Frigate tàng hình Al Riyahd


Vũ khí của tàu bao gồm 1 ụ pháo 76 mm Super Rapid, 8 bệ phóng tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block 2, hệ thống tên lửa phòng không Aster 15 với một bệ phóng thẳng đứng ở dưới mặt boong, dạng contenơ Silver А43 (đây là lần đầu tiên hệ thống tên lửa phòng không này được xuất khẩu; hệ thống điều khiển hỏa lực của nó, theo đánh giá của các nhà thiết kế, có khả năng theo dõi đồng thời đến 300 mục tiêu bay, còn tên lửa phòng không có thể sử dụng ở chế độ “chống tên lửa” - ở tầm đến 15 km hay ở chế độ “phòng không” tiêu chuẩn - ở tầm đến 30 km), 4 ống phòng lôi 533 mm để phóng ngư lôi chống ngầm ECAN F17P (tự dẫn chủ động/thụ động, tầm bắn 20 km, tốc độ tối đa 40 hải lý/h, trọng lượng phần chiến đấu 250 kg), hệ thống radar đa năng Arabel với radar 3 tọa độ băng I/J với anten mạng pha và hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp, cũng như radar 2 tọa độ phát hiện mục tiêu bay tầm xa DRBV 26D Jupiter II băng tần D, trạm thủy âm thả chìm tần số thấp CAPTAS 20 UMS 4223 và các hệ thống tác chiến điện tử, liên lạc và trao đổi dữ liệu hiện đại.

Ở phần đuôi tàu có sân đỗ và hăng-ga chứa 1 trực thăng trên hạm cỡ 10 tấn, ngoài ra nhờ lắp bổ sung cho các bộ chống lắc tiêu chuẩn một hệ thống tự động hóa giảm ảnh hưởng rung lắc dọc và tròng trành STAF nên có thể sử dụng trực thăng cả khi có sóng biển cấp 6.

Nền tảng cho “bộ não” của frigate tên lửa của Saudi Arabia là hệ thống thông tin-điều khiển SENIT 7, vốn là biến thể cải tiến sâu của hệ thống Tavitac 2000.

Cần đặc biệt nhấn mạnh rằng, việc thiết kế các frigate Al Riyahd đã được thực hiện bằng công nghệ CAD - người Pháp thậm chí gọi các tàu này là “những con tàu số hóa thực sự đầu tiên”. PTC, công ty đã cung cấp phần mềm CADDS 5 cho DCN đã lắp đặt 150 trạm làm việc tại các khu vực sản xuất của DCN và thêm 70 trạm tại các nhà máy của các công ty phụ thầu. Việc ứng dụng các phương pháp mới nhất thiết kế với sự trợ giúp của máy tính, theo các chuyên gia, đã cho phép giảm 17% thời gian thiết kế tàu nếu so với việc thiết kế các tàu cơ sở của họ La Fayette.

Tàu chiến tàng hình cho nhà nghèo

Corvette tàng hình Gowind


Tuy nhiên, không phải tất cả các khách hàng tiềm năng đều có tiền để xài các frigate lớp La Fayette, hay hơn nữa là FREMM. DCNS đã thiết kế các tàu rẻ hơn và nhẹ hơn dành cho các khách hàng này - đó là các corvette đa năng họ Gowind có lượng giãn nước từ 1.500-2.500 tấn và chiều dài từ 90-105 m, vốn được công ty này định vị là tàu vùng nước nông. Hiện nay, các tàu kiểu này được tiêu thụ mạnh nhất ở các nước đang đối mặt với nhiều mối đe dọa (cả truyền thống và phi đối xứng như hải tặc, khủng bố) từ hướng biển.

Vũ khí của các tàu này, tùy thuộc vào biến thế, gồm có: các hệ thống tên lửa chống hạm (Exocet, Harpoon hay RBS-15 Mk3, 8 bệ phóng) và phòng không (MICA RF hay Aster 15; bệ phóng thẳng đứng chứa 16 tên lửa), các ụ pháo 76 và 20 mm, một số máy bay không người lái hay 1 trực thăng cỡ 10 tấn, cũng như các phương tiện nổi và ngầm không người lái có chức năng khác nhau.

Người ta đã phát triển hệ thống thông tin-điều khiển Polaris, biến thể cải tiến của hệ thống thông tin-điều khiển họ SENIT, dành cho các corvette này.

Các đặc điểm khác biệt của các tàu này là sử dụng các bộ dẫn tiến phụt nước (cũng có thể lắp các chân vịt cánh quạt thông thường), không có ống khói truyền thống trên phần thượng tầng (các sản phẩm cháy của động cơ được tiêu thoát ở ngang đường mớn nước), bố trí tất cả các khí tài radar và quang-điện tử trên một cột tàu, buồng lái có tầm nhìn vòng tròn, cũng như khả năng bảo đảm hoạt động cho lực lượng đặc nhiệm mà không phải trang bị thêm nhiều.

Corvette tàng hình Gowind

Hiện nay, nhà thiết kế mời chào 4 biến thể cơ sở là: corvette “kiểm soát hải phận” có lượng giãn nước gần 1.000 tấn, corvette dùng để “trương cờ” (2.000 tấn), corvette “tiến công” (2.000 tấn) và corvette đa năng (2.500 tấn).

Nhà thiết kế đã quyết định tự đầu tư đóng biến thể đầu khi khởi đóng tàu Hermes có lượng giãn nước 1.100 tấn và dùng để làm nhiệm vụ trong hải phận và vùng đặc quyền kinh tế vào ngày 9.5.2010.

Theo lãnh đạo DCNS, trên thị trường tàu chiến hiện nay, không thể “bán tốt các corvette hay tuần tiễu nếu như không có kinh nghiệm khai thác tốt chúng trong biên chế một lực lượng hải quân tầm cỡ thế giới”. Hải quân Pháp đã đồng ý nhận tàu Hermes vào sử dụng thử sau khi tàu được đóng xong.

“Tàu chiến thế kỷ XXI” đã ra đời

Thực tế FREMM và Gowind chính là “các chiến hạm thế kỷ XXI” mà các đô đốc Nga thường khẳng định. Và bộ tư lệnh hải quân nhiều quốc gia hiểu rõ điều đó khi thể hiện sự quan tâm lớn đối với chúng. Chính nhà thiết kế cũng bỏ ra những nỗ lực to lớn để xúc tiến các corvette này ở các khu vực trên thế giới, kể cả các nước thuộc “khu vực lợi ích truyền thống của Nga” như các nước ven biển Caspie. Hơn nữa, người ta lại đang mời chào một họ gồm 3 frigate tên lửa có áp dụng tất cả những giải pháp thành công nhất của các thiết kế FREMM và Gowind.

Và nếu như các nhà đóng tàu và giới lãnh đạo chính trị-quân sự Nga không có các biện pháp cần thiết để tiếp tục củng cố vị thế của ngành đóng tàu Nga trên thị trường vũ khí hải quân thế giới thì sắp tới chờ đón Nga là sự bất ngờ khó chịu dưới hình thức những thị trường tiêu thụ bị mất đi và doanh thu xuất khẩu giảm sút.
  • Nguồn: Vladimir Shcherbakov // NVO, 1.10.2010.
Nhân Vũ