In bài này
Mỹ đánh giá tiềm lực tiến hành chiến tranh thông tin của đối thủ
Thứ Tư, 05/01/2011 - 7:42 AM
Theo đơn đặt hàng của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), người ta đã tiến hành nghiên cứu tiềm lực của nhiều nước trong tiến hành chiến tranh thông tin. Nghiên cứu này được thực hiện trong khuộ khổ hoàn thiện Chiến lược an ninh không gian mạng quốc gia Mỹ.

VietnamDefence: Giới lãnh đạo chính trị và quân đội nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, CHDCND Triều Tiên, Myanmar... đều đã đi đến nhận thức chung về sự cần thiết xây dựng tiềm lực, lực lượng và phương tiện chiến tranh thông tin.

Trong quá trình xây dựng đáp ứng những thách thức mới, Quân đội Việt Nam tất yếu phải quan tâm đến vấn đề phòng chống chiến tranh thông tin và có tiềm lực thích hợp trong lĩnh vực này.

Nghiên cứu này tập trung đánh giá tầm quan trọng của tiềm lực KHKT và tổ chức trong lĩnh vực công nghệ thông tin có khả năng dẫn tới việc hình thành các thủ đoạn và phương thực xâm nhập thông tin vào các hệ thống máy tính thiết yếu của Mỹ, cũng như tập trung nghiên cứu các động cơ của những hành động đó từ phía các quốc gia có chủ quyền.

Những công việc này được các chuyên gia Mỹ tiến hành khác thường xuyên. Đặc điểm của nghiên cứu nêu trên là đối tượng nghiên cứu là các quốc gia. Trong những năm gần đây, điểm đặc trưng hơn đối với các chuyên gia Mỹ là việc nghiên cứu tiềm năng đó của các nhóm cực đoan và khủng bố, các hacker (tin tặc) và các cộng đồng của họ, chứ không phải các quốc gia có chủ quyền. Ngoài ra, danh sách các quốc gia được đánh giá tiềm lực chiến tranh thông tin trong nghiên cứu này khá khác thường.

Chẳng hạn, lọt vào danh sách các quốc gia có khả năng đe dọa an ninh của Mỹ trong không gian thông tin có: Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Nga. Có thể cho rằng, việc liệt kê các nước kể trên có xét đến mức độ mối đe dọa xuất phát từ các nước đó. Trong số các nước là nguy cơ tiềm tàng đối với Mỹ có nêu Israel, Sirya và các nước cộng hòa thuộc Nam Tư trước đây.

Một trong các kết luận của bản nghiên cứu là việc khẳng định rằng, các quá trình xử lý (bất kể là do ai và bằng cách nào, bằng máy tính hay con người) thông tin là mục tiêu quan trọng nhất trong chiến tranh hiện đại.

Mức độ tác động đối với hạ tầng thông tin của Mỹ được đánh giá cũng là một điểm đặc trưng. Theo các chuyên gia, việc thực hiện kịch bản bi quan nhất hiện nay như “Trân Châu Cảng điện tử”, trong đó kẻ xâm lược bằng các lực lượng nhỏ của các nhóm hacker có khả năng loại khỏi các mạng thông tin liên lạc, truyền tin ở Mỹ là khó có khả năng. Cần trông đợi các hành động có khả năng gây tổn hại những đầu mối riêng lẻ của các mạng thông tin của các công ty và nhà nước, làm suy giảm các thông số chất lượng truyền tin, phá hoại các giao dịch thương mại-tài chính, kích động các trục trặc trong các hệ thống thiết yếu (trên phương tiện giao thông, trong lĩnh vực y tế…), có nghĩa là những hành động mà trực tiếp không thể xác định là một cuộc xâm lược, nhưng tác động lớn đến kinh tế đất nước, đến việc điều hành quốc gia và xã hội nói chung và có thể được tiến hành cả vào thời bình và thời chiến. Khi phân tích khả năng của các nước tiến hành các hành động như vâỵ, các tác giả bản nghiên cứu lưu ý như sau.

1. Trung Quốc hiện nay trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quân đội của họ đã hình thành quan điểm chính thức về học thuyết chiến tranh thông tin, đã tiến hành các thí nghiệm sử dụng vũ khí thông tin, cũng như hàng loạt các cuộc diễn tập quân sự nhằm thao dượt học thuyết đã được thông qua. Họ đang tiến hành đào tạo các chuyên gia về chiến tranh thông tin, kể cả đào tạo sĩ quan. Các cơ quan tình báo của Bắc Kinh tiếp tục thu thập thông tin KHKT phục vụ thực hiện kế hoạch phát triển đất nước, trong đó có sử dụng tích cực các mạng thông tin toàn cầu. Quân đội Trung Quốc tiếp tục phát triển các quan hệ với giới quân sự và khoa học Nga, kể cả về các vấn đề tiến hành chiến tranh thông tin. Đồng thời, các chuyên gia Mỹ cũng lưu ý chủ trương của Trung Quốc phát triển mô hình độc đáo riêng tiến hành chiến tranh thông tin, phản ánh “đặc trưng Trung Quốc”.

2. Ấn Độ. Gần đây, giới lãnh đạo Ấn Độ đã chú trọng hơn các vấn đề tiến hành chiến tranh thông tin, trước hết là ở phương diện bảo đảm các lợi ích của họ trong trường thông tin và bảo đảm an ninh quốc gia.

Động lực thúc đẩy việc tăng cường chú ý đến các vấn đề an ninh thông tin là các cuộc tấn công ồ ạt vào các hệ thống thông tin Ấn Độ do các nhóm hacker Pakistan tiến hành ngay sau khi Ấn Độ thử thành công bom nguyên tử. Giới chức Ấn Độ đã tuyên bố bổ sung những sửa đổi vào học thuyết quân sự năm 1998 khi đưa vào đó các vấn đề tác chiến điện tử và các chiến dịch thông tin.

Trong các kế hoạch trung hạn phát triển đất nước, các vấn đề phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được chú ý đặc biệt. Nhằm duy trì đẳng cấp cao của các nhà phát triển công nghệ thông tin Ấn Độ trên thị trường thế giới, dự định tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài ra, họ cũng đã thành lập Cục Tình báo Bộ Quốc phòng. Theo các thông tin hiện có, trong khuôn khổ Cục Tình báo này, dự định thành lập Cục Chiến tranh thông tin với chức năng đối phó với các cuộc tấn công máy tính, các chiến dịch tâm lý, vũ khí điện từ và hạ âm.

3. Iran. Các tác giả bản nghiên cứu lưu ý rằng, trong những tháng gần đây, có ngày càng nhiều chuyên gia Mỹ về an ninh quốc gia đưa Iran vào số các nước đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực chuẩn bị tiến hành các chiến dịch thông tin. Trong những năm gần đây, Tehran kiên trì nỗ lực nâng cao tối đa trình độ công nghệ của quân đội không chỉ bằng việc chế tạo vũ khí hạt nhân, mà còn bằng việc ứng dụng các mẫu vũ khí tin học hóa. Thời gian gần đây, ở Iran đã thành lập hàng loạt các trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngoài ra, Iran đang cố gắng mua trên thị trường thế giới những sản phẩm tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Những năm gần đây, quan hệ của Iran với Nga và Ấn Độ đã được củng cố, trong khuôn khổ những quan hệ này đang tiến hành chẳng hạn việc đào tạo chuyên gia về chiến tranh thông tin. Nhìn chung, các chuyên nhân nhận xét, Iran đang tăng cường khả năng của họ trong lĩnh vực công nghệ thông tin như một “yếu tố nâng cao hiệu quả chiến đấu” nhằm có ảnh hưởng lớn hơn tại Trung Á.

4. CHDCND Triều Tiên. Liên quan đến Bắc Triều Tiên, các tác giả công trình nghiên cứu nhấn mạnh rằng, mặc dù các chuyên gia về an ninh quốc gia có đưa Bắc Triều Tiên vào danh sách các nước có thể phát triển khả năng tiến hành chiến tranh thông tin bằng lực lượng của Bộ Quốc phòng, cũng như bằng lực lượng của các cơ quan tình báo, những dữ liệu tiếp cận được không chứa đứng thông tin nào về các hoạt động của CHDCND Triều Tiên trên hướng này.

Trong nhiều báo cáo từ phía các chuyên gia Hàn Quốc có nói đến một số chiến dịch tình báo và đột nhập các mạng thông tin chính phủ ở Hàn Quốc do Bình Nhưỡng tiến hành, nhưng những chứng cớ đó, theo các tác giả công trình nghiên cứu, chắc chắn mang tính thông tin giả. Nhưng họ cũng cho rằng, hiện nay, CHDCND Triều Tiên quả thực đang tiến hành các thí nghiệm với một số thủ đoạn chiến tranh thông tin.

5. Pakistan. Những năm gần đây, có khá nhiều chứng cớ chính thức cho thấy hoạt động tích cực của các nhóm hacker Pakistan. Trước hết, việc đó thể hiện ở chiến dịch quy mô đột nhập các mạng thông tin Ấn Độ sau khi nước này thử vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia có thiên hướng nói đến những quan hệ khá chặt chẽ giữa các hacker Pakistan với các cơ quan tình báo nhà nước. Điều đó cho phép nghĩ rằng, Pakistan có học thuyết chiến tranh thông tin được xây dựng khá chu đáo, nhất là về mặt tiến hành các chiến dịch tấn công.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quan hệ căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ, sự hiện diện của đội ngũ nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và sự bảo trợ từ phía các cơ quan chính phủ đang tạo nền móng thuận lợi để phát triển mạnh các khả năng trong lĩnh vực các thủ đoạn và phương thực tiến công chiến tranh thông tin.

6. Nga. Các chuyên gia đánh giá, Nga hiện có học thuyết chiến tranh thông tin khá hiệu quả. Quân đội Nga đang tích cực hợp tác với các chuyên gia công nghệ thông tin và giới học thuật nhằm hoàn thiện các thủ đoạn và phương thức tiến hành chiến tranh thông tin. Ngoài ra, Moskva hiện nay có kinh nghiệm tiến hành các chiến dịch thông tin chống các site thông tin của Chechnya.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Nga đang tiếp tục tiến hành các chiến dịch săn lùng thông tin tình báo trên các mạng thông tin chính phủ và tư nhân. Bên cạnh đó, các chuyên gia có thiên hướng cho rằng, các cơ quan đặc vụ Nga hoặc quân đội Nga trong điều kiện hiện nay không có động cơ để tiến hành các hoạt động ngầm gây mất ổn định trên các hệ thống và mạng thông tin của Mỹ.

Tóm lại, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, trong thời gian gần đây, tiềm lực tiến hành các chiến dịch thông tin đối với các hệ thống thông tin thiết yếu ở Mỹ đã tăng mạnh. Không chỉ các hệ thống bảo vệ thông tin mà cả các phương tiện tiến công đều đang có sự phát triển, điều đó dẫn tới sự gia tăng mạnh số lượng các sự cố trong lĩnh vực an ninh thông tin.

Với tư cách một kết luận cơ bản của công trình nghiên cứu, các tác giả khuyến nghị lãnh đạo Bộ An ninh nội địa Mỹ áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường an ninh cho không gian thông tin, trước hết ở khu vực tư nhân đông đảo và kinh doanh tư nhân.

  • Nguồn: Sergei Grinyaev, Trung tâm Đánh giá và Dự báo Chiến lược (TsSOP, Nga), 29.12.2010.
Nhân Vũ