In bài này
Trung Quốc phát triển động cơ thay thế cho trực thăng Z-15
Thứ Bẩy, 01/01/2011 - 3:25 PM
Hợp tác với hãng Turbomeca của Pháp, công ty Trung Quốc Dongan Engine Manufacturing Company (DEMC), còn được gọi là công ty chế tạo động cơ Harbin đang phát triển biến thể động cơ turbine trục Ardiden-3 công suất 1800 mã lực có ký hiệu tại Trung Quốc là WZ-16. Dự kiến, động cơ sẽ sẵn sàng cho sử dụng vào năm 2014.

Biến thể Z-15 của Trung Quốc

Ứng viên đầu tiên để lắp WZ-16 là trực thăng hạng trung Z-15 của công ty AVIC (mới đây được đổi tên thành  AC532 để đưa vào danh mục sản phẩm dân dụng của phân hãng Avicopter).

Trực thăng Z-15/EC175 là sản phẩm hợp tác của công ty Eurocopter và Avicopter, được lắp ráp tại Marignane (Pháp) và Harbin (Trung Quốc), còn các bộ phận chính của thân máy bay được cung cấp từ Harbin cho cả 2 nhà máy lắp ráp.

Ban đầu, dự kiến trực thăng sẽ trang bị 2 động cơ PT6C-67E của công ty Pratt&Whitney Canada), nhưng tháng 2.2010, được biết, Trung Quốc dự định trang bị động cơ nội địa cho biến thể trực thăng của họ. Eurocopter dự định vẫn tiếp tục phát triển và sản xuất biến thể EC175 với động cơ của Pratt&Whitney.

Mặc dù chưa có bình luận chính thức về vấn đề thay thế động cơ, nhưng rõ ràng là lý do cho quyết định đó là do Trung Quốc lo sợ công ty của công ty Pratt&Whitney dưới áp lực của Mỹ có thể ngừng cung cấp động cơ bất cứ lúc nào.

Một tình thế tương tự đã xảy ra với động cơ PT6C-67C vốn đã được trang bị cho các mẫu thử nghiệm của trực thăng tiến công Z-10 (WZ-10A). Pratt&Whitney đã cấm sử dụng động cơ của họ cho trực thăng này vì hợp đồng ký năm 2000 quy định chỉ sử dụng động cơ này cho các trực thăng dân sự. Đến nay, công nghiệp Trung Quốc vẫn không có khả năng phát triển một động cơ tương xứng để thay cho động cơ Canada. Nay thì WZ-16 có thể là động cơ thay thế.

Biến thể EC175 của Pháp


Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường dành cho trực thăng dân sự như Z-15 ở Trung Quốc không lớn (khách hàng chỉ có thể là các cơ quan nhà nước). Biến thể Z-15 quân dụng sẽ sử dụng cho cảnh sát và làm trực thăng vận tải chiến thuật và trực thăng trên hạm cho lục quân và hải quân Trung Quốc.

Theo công ty Turbomeca, sự hợp tác của họ với AVIC được chính quyền Pháp cho phép vì Z-15 được xác định là sản phẩm lưỡng dũng. Eurocopter, hãng đã cung cấp và hỗ trợ duy trì các trực thăng của quân đội Trung Quốc 30 năm nay cũng đang sử dụng luận cứ này để giải thích cho việc hợp tác với quân đội Trung Quốc. Theo Giám đốc điều hành Eurocopter Lutz Bertling, công ty này không chuyển giao trực thăng quân sự cho Trung Quốc vì lệnh cấm vận đang có hiệu lực. Việc cung cấp tất cả các trực thăng còn lại cho Bắc Kinh được các cơ quan nhà nước quản lý xuất khẩu của Pháp cho phép.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, trong trang bị quân đội Trung Quốc hiện có một số lượng lớn trực thăng do Eurocopter trực tiếp cung cấp, cũng như sản xuất trên cơ sở các thiết kế của hãng này, trong đó có EC-120, SA-316 Alouette-3, SA-342 Gazele, họ trực thăng Z-8 (Super Frelon), họ trực thăng Z-9 (Dauphin) và Z-11 (AS-350).
  • Nguồn: Armstrade, 31.12.2010.
PM