In bài này
DF-21D dẫn giai đoạn cuối bằng hồng ngoại?
Thứ Sáu, 31/12/2010 - 10:00 AM
Hải quân Mỹ cho rằng, loại tên lửa chống hạm được đồn đại lâu nay DF-21D của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn triển khai, dù cho chưa biết hệ thống vũ khí này đã được thử nghiệm đầy đủ hay chưa.

Có vài dấu hiệu cho thấy một số thành phần đơn lẻ của hệ thống đã được thử nghiệm mùa hè năm ngoái.

Nhưng vấn đề then chốt là Trung Quốc đã phóng “vệ tinh thăm dò từ xa” thứ ba để tham gia cùng 2 vệ tinh khác đang bay ở các quỹ đạo có độ cao tương tự. Ba vệ tinh nay ở độ cao 600 km trên Thái Bình Dương. Các vệ tinh được trang bị radar khẩu độ tổng hợp, hoặc các camera số và có thể dùng để quan sát các mục tiêu trên biển. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định, chức năng của các vệ tinh này là thuần túy khoa học.

Một radar khẩu độ tổng hợp điển hình có thể tiến hành chụp ảnh với độ phân giải khác nhau. Ở độ phân giải trung bình (độ chính xác 3 m), diện tích chụp ảnh là 40x40 km. Ở độ phân giải thấp (độ chính xác 20 м) diện tích chụp ảnh tăng lên đến 100x100 km. Nhóm 3 vệ tinh Trung Quốc dường như là một hệ thống vệ tinh quân sự quan sát đại dương.

Tin đồn cho rằng, đây là mắt xích còn thiếu để dẫn đường cho các tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM) của Trung Quốc đến các tàu sân bay Mỹ.

Trong vòng gần 5 năm, Trung Quốc tiến hành phát triển hệ thống chỉ thị mục tiêu cho ASBM. Các sensor này có thể sử dụng công nghệ hồng ngoại (nhiệt) để dẫn tên lửa đường đạn ở giai đoạn bay cuối.

Vấn đề này đã được thảo luận trong nhiều thập kỷ, nhưng chỉ có Trung Quốc nỗ lực kết hợp các hệ thống chỉ thị mục tiêu với các ASBM thành một tổ hợp thống nhất. Toàn bộ hệ thống phát hiện và dẫn đường cho tên lửa có thể gồm các vệ tinh, tàu ngầm và máy bay tuần tra làm nhiệm vụ định vị vị trí tương đối của tàu sân bay trước khi phóng ASBM (DF-21D có tầm bắn 1.700 km).

  • Nguồn: strategypage.com, 28.12.2010; MP 30.12.10.
PM