In bài này
Chuyên gia Nga: Gió Đông chưa đủ gây bão ở Thái Bình Dương
Thứ Sáu, 31/12/2010 - 4:48 AM
Tên lửa mới của Trung Quốc không làm đảo lộn bố trí binh lực trên thế giới.

Hệ thống tên lửa mới Đông Phong DF-21 D không thể nào ảnh hưởng đến bố trí binh lực thế giới, đại tá Igor Korotchenko, Tổng biên tập tạp chí National Defense (Nga) nói với hãng REX.

Ngày 29.12.2010, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Robert Willard tuyên bố, việc Trung Quốc đưa vào sử dụng hệ thống tên lửa (chống tàu sân bay DF-21D) mà họ đã thử nghiệm thành công có thể làm đảo lộn tận gốc bố trí binh lực trên Thái Bình Dương.

Đại tá Igor Korotchenko lưu ý, Trung Quốc là thành viên “câu lạc bộ hạt nhân”, vì thế “tiềm lực hạt nhân của Trung Quốc là có liên quan”. “Hệ thống mới - đó đơn thuần là việc tăng cường sức mạnh chiến đấu của các đơn vị tên lửa chiến lược Trung Quốc. Quá trình hoàn thiện theo kế hoạch các tên lửa đường đạn diễn ra ở tất cả các quốc gia thuộc “câu lạc bộ hạt nhân” và Trung Quốc không phải là ngoại lệ”, - ông Korotchenko nhấn mạnh.

Ông lưu ý, “so với tiềm lực hạt nhân của Mỹ, Trung Quốc mới chỉ có khả năng hạn chế, nhưng họ đang hoàn thiện nó một cách có kế hoạch”. Còn để Mỹ “không có lo lắng về khả năng hạt nhân của Trung Quốc”, theo ông Korotchenko, cần tiến hành “đối thoại liên nhà nước một cách bình thường”. “Giữa hai nước này không có những mâu thuẫn chiến lược. Trung Quốc là một thứ “công xưởng” đang sản xuất sản phẩm cho Mỹ. Hiện không có sự đối đầu nào cả. Nên việc chỉ trích về vấn đề thử các hệ thống tên lửa mới là không đúng đăn, mà là chuyện cường điệu”, - chuyên gia này kết luận.

Ngoài ra, ông Korotchenko nêu ra ý kiến rằng, vũ khí chủ yếu nhất của Trung Quốc hiện nay không phải là các tên lửa, mà là các cộng đồng người Hoa có mặt trên khắp thế giới. “Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận các công nghệ tiên tiến và họ đang làm việc đó bằng cách thức hòa bình”, - ông Korotchenko nhận xét.

  • Nguồn: REX, 29.12.2010.
VNH