In bài này
Học thuyết quân sự mới của Nhật Bản: Đối tượng là Trung Quốc
Thứ Tư, 08/12/2010 - 3:39 PM
Phớt lờ “mối đe dọa Nga”, học thuyết quân sự mới của Nhật nhằm vào mục tiêu kiềm chế Bắc Kinh.

Hải quân Nhật sẽ được tăng cường mạnh mẽ để đối phó với Trung Quốc

Theo các nội dung của học thuyết quốc phòng mới của Nhật Bản, các mối đe dọa chính đối với Nhật là CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, quốc gia gần đây đang mở rộng nhanh chóng sức mạnh quân sự. Vì thế, Tokyo dự định tăng cường mạnh mẽ hải quân và không quân bằng cách mua sắm các lô vũ khí mới, cũng như củng cố quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc.

Quân đội Nhật sẽ được chuẩn bị tích cực để đối phó các thách thức khu vực (Reuters)

Đáng chú ý là, trong số các nguy cơ quân sự tiềm tàng đối với Nhật Bản dường như Nga, quốc gia đến nây Nhật thậm chí vẫn chưa có hiệp định hòa bình, lại không được nêu ra.

Giữa thắng 12.2010, bãn lãnh đạo Nhật Bản dự định công bố bản mới của văn kiện “Những nguyên tắc quốc phòng căn bản”, trong đó nhấn mạnh vào việc kiềm chế Trung Quốc, trước hết ở khu vực quần đảo Senkaku, cũng như ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và phá hoại.

Một mối đe dọa nghiêm trọng khác đối với an ninh của xứ sở mặt trời mọc là Bắc Triều Tiên với chương trình hạt nhân và chinh sách khó lường của họ.

So với bản cũ của văn kiện được đệ trình năm 2004, thì đã có một bước tiến lớn. Nếu trước đây chủ yếu nói về việc đánh bại cuộc xâm lược giả định từ bên ngoài, thì nay đề xuất phản ứng tích cực đối với nguy cơ đang phát sinh.

Các nhà quan sát cho rằng, nội dung của “Những nguyên tắc quốc phòng căn bản” chịu ảnh hướng lớn của sự cố tháng 9.2010 ở quần đảo Senkaku, trong đó chính phủ Naoto Kan thực tế đã thể hiện sự mềm yếu trước Trung Quốc.

Senkaku - mối quan tâm chính của Nhật Bản

Một lý do khác để quan ngại sâu sắc là tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà sau vụ CHDCND Triều Tiên pháo kích đảo Yeongpyeong của Hàn Quốc, nguy cơ tái diễn chiến tranh hai miền Nam, Bắc Hàn lại nổi lên. Chỉ mới hôm qua, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành tập trận quy mô lớn có bắn đạn thật dọc biên giới trên biển, khiến Bình Nhưỡng tức giận.

Trong hoàn cảnh đó, các chiến lược gia Nhật nói đến sự cần thiết mở rộng “khả năng quốc phòng linh hoạt”. Trong khuôn khổ những nỗ lực này, Hải quân Nhật Bản sẽ được tăng cường đáng kể, trước hết nhờ phát triển lực lượng tàu ngầm. Dự định tăng số lượng tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc. Ngoài ra, Nhật sẽ mua thêm máy bay tiêm kích cho không quân. Các biện pháp này sẽ cho phép Nhật Bản kiểm soát tốt hơn các vùng biển mà họ quan tâm, cũng như bảo đảm kiềm chế Trung Quốc khi mà nước này cho thấy việc tranh chấp lãnh thổ vẫn chưa chấm dứt.

“Những nguyên tắc quốc phòng căn bản” cũng kêu gọi thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh với Mỹ, Hàn Quốc và Australia.

Quan hệ Mỹ-Nhật chỉ mới đây đã bị nghi ngờ do những bất đồng liên quan đến sự hiện diện của quân Mỹ ở Okinawa, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc và Bắc Triều Tiên hành động ráo riết thì họ sẽ tạm thời quên đi.

Tờ Asahi viết về các cuộc đàm phán Mỹ-Nhật sắp tới, trong đó các bên sẽ thống nhất các hành động trong trường hợp chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ và người tị nạn ồ ạt chạy khỏi CHDCND Triều Tiên.

Ngoài ra, hiện nay, gần bờ biển Okinawa đang diễn ra cuộc tập trận song phương lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của hơn 34.000 quân Nhật và hơn 10.000 quân Mỹ.

Quan hệ của Nhật Bản với Hàn Quốc vốn có nhiều căng thẳng do lịch sử để lại cũng đang phát triển. Tháng 7.2010, các quan sát viên Nhật Bản đã lần đầu tiên dự khán cuộc tập trận Mỹ-Hàn, còn nay thì đại diện Hàn Quốc có mặt tại cuộc tập trận Mỹ-Nhật gần đảo Okinawa.

Đáng chú ý là báo chí Nhật trong khi trích đăng văn kiện “Những nguyên tắc quốc phòng căn bản” và nói đến các mối đe dọa, lại không hề nhắc đến Nga, mặc dù hiệp định hòa bình giữa hai bên đến nay vẫn chưa được ký kết.

Tuy vậy, thứ bảy vừa qua, ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara  lại nhắc đến yêu sách của Nhật Bản đối với 4 hòn đảo Nam Kurile khi quan sát chúng từ trên máy bay và gặp gỡ những người dân trước đây từng ở đó.

  • Nguồn: Nhật Bản phớt lờ “mối đe dọa Nga” / Nikolai Surkov // NG, 7.12.2010.

 

 

PM